Lời Chúa cntn 34a _ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ


Chúa Kitô Vua Vũ Trụ  
”Bẩm quan, các cha dạy chúng tôi những điều hay lẽ phải, dạy chồng hiền lành, đừng cờ bạc rượu chè, dạy vợ sống thuận hòa với chồng theo như giáo lý trong đạo.”
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Giáo hội suy tôn Chúa là Vua vũ trụ và như trong bài kinh tiền tụng của thánh lễ hôm nay: Nước Chúa Kitô khác hẳn với các vương quốc trần gian, là vì Ngài đã tự hiến thân làm lễ vật tinh tuyền, và lễ vật giao hòa trên bàn thờ thập giá, để hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc nhân loại, quy phục mọi loài dưới quyền bính, và dặt dưới uy quyền vô hạn của Ngài một vương quốc bao la vĩnh cửu, vương quốc sự thật và sự sống vương quốc thánh thiện và ơn sủng, vương quốc đầy công chính đầy yêu thương và đầy an bình.
Quả thực vương quốc Chúa Kitô phải là vương quốc đầy công chính, và đầy yêu thương. Nói kiểu khác thần dân trong nước Chúa Ki tô phải luôn luôn nghĩ tới cuộc sống công chính và yêu thương. Chỉ mến Chúa mà không có tinh thần yêu thương, công bình và bác ái thì không phải mến Chúa, và chưa phải là con dân của nước Chúa. Cũng vì thế bài tin mừng ta vừa nghe, trong ngày phán xét, Chúa đặc biệt lưu ý tới cuộc sống bác ái của mỗi người chúng ta. Chúng ta được công hay mắc tội là do ta có thi hành bác ái hay không.
Thánh Anrê Dũng Lạc (tử đạo ngày 21.12.1839, 44 tuổi) chẳng những đã nêu gương cho chúng ta về chí khí anh hùng, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đức tin, mà suốt cuộc đời ngài, ngài còn là tấm gương sáng về cuộc sống khắc khổ, cuộc sống đầy bác ái, lo lắng giúp đỡ những người cơ cực, nghèo túng. Như người ta thuật lại: thì khi được ai cho của gì, ngài chia sẻ cho hết những người nghèo khó.
Khi cha Dũng Lạc bị bắt lần thứ ba, giáo hữu cùng đức cha Retord Liêu tìm cách chuộc cha về, nhưng lần này, cha Lạc thấy ý Chúa đã định cho mình. Người nhắn về với đức cha câu chuyện thánh Phêrô hai lần thoát khỏi ngục, đến lần thứ ba, Chúa Giêsu đã dậy ở lại Roma và cha xin các tín hữu đừng lo tiền bạc làm chi nữa.
Trần An Dũng Lạc sinh năm 1795 trong một gia đình ngoại giáo tại thị trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay). Dưới triều Gia Long, Dũng theo cha mẹ đi lập nghiệp ở Bắc Thành (Hà Nội). Vì nhà nghèo, Dũng được ủy thác cho một thầy giảng nuôi cho ăn học và rửa tội, mang tên thánh Anrê. Ít lâu sau cậu Dũng xin vào chủng viện Vĩnh Trị, nhận cha Chính Langlois Lan làm nghĩa phụ. Ngay từ đó chủng sinh Dũng đã tỏ ra tư chất thông minh với trí nhớ đặc biệt, lại siêng năng cần mẫn, có khiếu về thơ phú và lịch thiệp hòa nhã với mọi người. Người ta kể rằng: Thầy chỉ đọc một đoạn sách hai lần là đã thuộc lòng đoạn đó.
Sau 10 năm làm thầy giảng và ba năm học thần học, ngày 15.3.1823, thầy Dũng thụ phong linh mục, được bổ nhiệm làm phó xứ Đồng Chuối (Hà Nam) giúp cha Khiết. Sau đó về giúp cha Thi ba năm ở xứ Đoài, rồi lại giúp cha Thuyết ở Sơn Nguyên (Hà Đông). Cuối cùng, khi cha làm chánh xử Kẻ Đầm (Hà Nam) thì bị bắt. Suốt cuộc đời linh mục, cha Dũng sống nhiệm nhặt. Ngoài những ngày chay tịnh theo luật giáo hội, cha còn giữ chay suốt mùa Chay, và nhiều khi cả các ngày thứ sáu, thử bảy quanh năm, bữa ăn của Cha như một dân quê nghèo. Cha Dũng hết mình với nhiệm vụ mục tử, không khi nào thấy cha nề hà việc gì. Cha có lòng ưu ái đặc biệt với người nghèo. Được của cải gì, cha chia sẻ cho họ hết.
Khi lệnh bách hại của vua Minh Mạng trở lên gay gắt, cha phải ẩn náu trong nhà bổn đạo, sau trốn lên Kẻ Roi (Hà Nam) lập giáo xứ ở đó.
Một hôm cha dâng Thánh Lễ vừa xong, thì quân lính ập tới, cha liền cởi áo lễ và ngồi lẫn giữa các tín hữu. Lính bắt 30 giáo hữu hôm đó và cũng bắt Cha, coi Cha như một giáo hữu, vì quan quân không biết cha là linh mục. Ông Tổng Thìn bỏ ra 6 nén bạc, nhận cha là thân nhân đi dự lễ, để chuộc về. Sau vụ đó cha đổi tên Lạc.
Lần thứ hai cha bị bắt khi đến Kẻ Sông xưng tội với cha Thi theo thói quen hàng tháng. Lý trưởng Pháp bắt được hai linh mục nhưng vì giáo dân chỉ góp tiền đủ để tha cho một, viên lý trưởng thả cha Lạc. Thế nhưng ngay trên đường về, vì gặp mưa gió, thuyền cha phải ghé vào bờ. Căn nhà cha định vào trú gặp ngay lúc một toán lính đến kiểm tra. Thế là cha bị bắt lần thứ ba và bị giải lên huyện Bình Lục cùng với cha Thị.
Quan huyện Bình Lục tỏ ra rất vị nể hai linh mục và đối xử tử tế. Riêng với cha Thi, quan ái ngại cho tuổi già sức yếu, nên ông cư xử nhẹ nhàng hơn. Ông nói: ”Tôi làm quan phần đời, còn các cụ làm quan bên đạo. Phép triều đình cấm đạo và giết các cụ, chớ không phải tôi. Tôi không có lỗi gì trong việc này.”
Ba ngày sau, quan huyện đưa hai cha xuống thuyền chuyển lên Hà Nội. Các tín hữu thương tiếc đi theo rất đông, người bằng thuyền, kẻ đi bộ trên bờ. Quan lấy làm lạ hỏi: ”Đạo trưởng có cái gì mà dân chúng thương tiếc quá vậy?” Một phụ nữ đứng gần đó đáp lại: ”Bẩm quan, các cha dạy chúng tôi những điều hay lẽ phải, dạy chồng hiền lành, đừng cờ bạc rượu chè, dạy vợ sống thuận hòa với chồng theo như giáo lý trong đạo.” Hai vị linh mục khi thấy nhiều người khóc lóc tiễn đưa mình, đã dừng lại an ủi và khuyên họ sống sao cho tốt đạo đẹp đời.
Ngày 16 tháng 10, thuyền áp giải hai cha cập bến. Hôm sau quan án cho điệu hai cha ra công đường và bảo đạp lên Thánh Giá. Cha Thi quỳ xuống nghiêm trang tôn kính. Sau nhiều lần hạch hỏi, quan thấy không có cách nào khuất phục được hai vị linh mục, liền làm án tâu lên vua xin trảm quyết.
Thời gian chờ đợi ở trong tù, hai cha đã chiếm được tình cảm của lính gác, họ trọng kính hai cha và đối xử tử tế. Khi nhận được quà tiếp tế, hai cha chia cho lính canh, chỉ giữ lại những món tối cần. Sáng tối hai cha quỳ bên nhau, cầu nguyện lâu giờ. Tuy các tín hữu xin được phép đưa cơm vào tù mỗi ngày, hai cha vẫn tìm cách hãm mình, bảo họ đừng mang thịt hay cá. Các ngài vẫn giữ chay các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu, thứ Bảy, thừa sai Jeantet Khiêm viết thư vào đề nghị cha già Thi giảm bớt hãm mình đi, nhưng cha vẫn không thay đổi.
Lễ các Thánh năm 1839, linh mục Trân đưa Mình Thánh Chúa vào ngục. Vừa thấy người, cha Dũng Lạc ra chào đón: ”Kính chào bác, tôi đợi bác đã lâu vì hết lương thực rồi.” Sau đó, cha cung kính rước lễ, và trao Mình Thánh Chúa cho cha già Thi. Ngày 21 tháng 12, lần thứ hai cha Trân đem Mình Thánh Chúa đến, lần này cha Thi đã nằm liệt. Chính hôm đó là ngày cuối cùng cuộc đời dương thế của hai cha, bản án vua châu phê đã về tới.
Quan quân dẫn hai cha ra pháp trường Ô Cầu Giấy. Trên đường hai cha trầm tĩnh cầu nguyện. Lúc ra khỏi cổng thành, cha lại chắp tay lại, hát lớn tiếng câu thánh vinh: ”Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa - Ngàn dân ơi, hãy chúc tụng người…” (TV 116). Cha Thi không còn sức đi được nữa, một người lính phải cõng cha. Trước phút hành quyết, người lý hình đến nói với hai cha: ”Chúng cháu không biết các cụ có tội gì, chúng cháu chỉ làm theo lệnh trên, xin các cụ miễn chấp.” Cha Dũng Lạc tươi cười trả lời: ”Quan đã truyền, anh cứ thi hành.” Sau đó hai cha xin ít phút để cầu nguyện lần chót, rồi nghiêng đầu cho lý hình chém. Giáo hữu thấm máu tử đạo, thâu lượm các di vật, rồi đưa thi hài hai đấng tử đạo về Kẻ sở, dâng Thánh lễ an tang rất trọng thể.