Truyền giáo _ tản mạn về từ ngữ

Truyền Giáo:  
Tản mạn về từ ngữ
Vẫn còn 80 triệu đồng bào chưa được nghe hay còn xa lạ với Tin Mừng Cứu Độ của Đức Giêsu Ki-tô. Các thành phần dân Chúa vẫn ra sức loan báo Tin Mừng, vậy mà hình như công cuộc truyền giáo vẫn dậm chân tại chỗ.
Hoàng Thanh
Khánh Nhật Truyền Giáo vào Chúa Nhật tới sẽ là dịp cho các tín hữu cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội và hâm nóng tinh thần thừa sai loan báo Tin Mừng của các Ki-tô hữu. Một lần nữa Sắc lệnh “Ad Gentes” sẽ được nhắc lại trong đời sống mục vụ của Giáo hội: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo…” (Ad Gentes n°2).
Tinh thần đó của Công Đồng Vatican II vẫn nóng hổi trong Giáo hội Việt Nam từ gần 50 năm qua, có nhiều hoa trái triển nở từ các việc mục vụ đa dạng. Tuy nhiên, tương lai truyền giáo phải đối diện với những thách đố của thời đại, những hoàn cảnh ảnh hưởng cách mạnh mẽ đến sứ vụ truyền giáo tại Việt Nam. Riêng về con số thống kê, ta có thể thoáng nhìn qua tỷ lệ người Công Giáo hiện nay tại quê nhà Việt Nam, theo thống kê của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo:
“Theo thống kê của World Bank, dân số Việt Nam năm 2011 là 87,840,000 người, trong khi đó, số giáo dân Công giáo, theo Niên giám thống kê của Giáo Hội năm 2010, là 6,600,000 người. Sau gần 500 năm truyền giáo tại Việt Nam, tỉ lệ người Công giáo tại Việt Nam là 7,51%. Trong khi người Công giáo Việt Nam tuyên xưng Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế và là nguồn sống của nhân loại, vẫn còn hơn 80 triệu anh chị em lương dân chưa biết điều này.” [1]
Vẫn còn 80 triệu đồng bào chưa được nghe hay còn xa lạ với Tin Mừng Cứu Độ của Đức Giêsu Ki-tô. Các thành phần dân Chúa vẫn ra sức loan báo Tin Mừng, vậy mà hình như công cuộc truyền giáo vẫn dậm chân tại chỗ. Chính Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã khẳng định điều đó khi đến thăm và nói chuyện với các cha giáo sư của các Đại Chủng Viện họp tại Đà Lạt vào tháng 7 năm 2014.
Một trong những vấn đề của công cuộc loan báo Tin Mừng chính là vấn đề từ ngữ sử dụng, nói được sẽ làm được, thuận môi thì sẽ vừa tay, văn dĩ tải đạo, để cùng nhau góp sức gieo hạt giống Tin Mừng trên quê hương Việt Nam.
Ta vẫn quen với cách nói: ““Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo…”. Từ “Truyền giáo” này được dịch từ “missionaria” của tiếng La-tinh, “missionary” của tiếng Anh và “missionnaire” theo tiếng Pháp[2]. Trong các ngôn ngữ được trích, ta đều có thể nhận thấy gốc từ “missio” mà ra. Các danh từ đó được chuyển sang tiếng Việt thành từ “truyền giáo” [3], lại là một cụm động từ. Từ danh từ biến thành động từ làm lộ rõ một tâm tình được lồng vào trong. Đó chính là năng động loan báo Tin Mừng đã được thêm vào trong từ “truyền giáo”, nhưng hình như ý nghĩa “missio” đã không còn ở “sứ vụ” mà đã chuyển sang “truyền giáo”. Ở đây ta có thể thấy rõ sứ vụ của Giáo hội là truyền giáo. Sứ vụ đó, nếu ta đọc tiếp sắc lệnh Ad Gentes, sẽ khám phá ra căn cội của sứ vụ rao giảng Tin Mừng: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha.” (Ad Gentes n°2)
Vậy, việc truyền giáo (missionaria) là chính sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, được thực hiện theo thánh ý tốt lành của Chúa Cha, để thông truyền sự sống, tình yêu và sự thật cho nhân loại. Sứ vụ này không có giáo thuyết cũng không có một đạo giáo nào. Ở đây từ “truyền giáo” được sử dụng trong tiếng Việt có thể gây hiểu lầm tới việc truyền một giáo thuyết hay áp đặt một đạo giáo cho một dân tộc, nhất là khi dân tộc ấy đã có truyền thống lịch sử và văn hoá tương đối lâu đời.
Gần đây, từ “truyền giáo” còn gặp vài trở ngại trong sứ vụ loan báo Tin Mừng:
1. Người bình dân lẫn trí thức đều không có thiện cảm khi nghe nói tới “truyền giáo”. Khi người tín hữu dùng từ “truyền giáo” là để diển tả sứ vụ loan báo Tin Mừng, là nói cho đồng bào của mình về một Thiên Chúa là Cha toàn năng tác tạo muôn loài, một Thiên Chúa đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng, trong sức mạnh của Thánh Thần. Tâm tình này ta sẽ tìm thấy được trong Lệnh truyền giáo trong Tin Mừng Nhất Lãm, là đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Nhưng tâm tình ấy không được cảm nghiệm trong từ “truyền giáo” nơi những người mới lần đầu tiếp xúc với các Ki-tô hữu. Từ “truyền giáo” mang “truyền” một “đạo giáo” hay “giáo thuyết”. Phải chăng các tín hữu đến với muôn dân là để áp đặt một giáo thuyết, một đạo giáo? Sự hiểu lầm này là một trong những cản trở việc đón nhận Tin Mừng của người Việt, những tâm hồn vẫn được xem là mảnh đất tốt cho hạt giống Tin Mừng.
2. Tâm tình của xã hội Việt Nam hiện nay cũng không mặn mà với từ “truyền giáo”. Các cuộc thực tập mục vụ của các tu sĩ và chủng sinh sẽ gặp khó khăn trong thủ tục hành chính khi từ “truyền giáo” xuất hiện. Bản chất của Giáo hội luôn gắn chặt với sứ vụ của Đức Giêsu Ki-tô. Trong tiếng Việt, có những cụm từ gần như đồng nghĩa với “truyền giáo”: “Phúc Âm Hoá”, “Loan báo Tin Mừng”, “Rao giảng Tin Mừng”… Có vài vị sử dụng từ “khải đạo”. Riêng từ “khải đạo” này có ưu thế mạnh mẽ vì không chỉ là một từ hán-việt, mà còn ngắn hơn từ “Phúc Âm Hoá”. “Khải đạo” chỉ có 2 chữ, còn “Phúc Âm Hoá” có tới 3 chữ, nhưng ý nghĩa chuyển tải của từ “khải đạo” cũng cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn. Thêm vào đó, từ “khải đạo” đã được nhiều anh em Tin Lành sử dụng.
Trên đây là chút thiển ý của tác giả nhân dịp Khánh Nhật Truyền Giáo. Từ “truyền giáo” tuy là có một ít trục trặc khi dịch từ các bản ngoại văn, cũng như tạo nên một suy nghĩ khác hơn với sứ vụ Loan báo Tin Mừng, hay có thể nói theo ngôn từ của ĐGH Phanxico, là sứ vụ loan báo niềm vui của Tin Mừng, nhưng từ “truyền giáo” này ngắn, chỉ có 2 chữ, và đã đi vào trong thói quen của các ki-tô từ bao nhiêu đời. Dầu vậy, với công cuộc Tân Phúc Âm Hoá: mới trong lòng nhiệt thành, mới trong phương thế, mới trong cách diễn đạt, thói quen đó không ngăn cản ta mở rộng đường suy tư về công cuộc loan báo Tin Mừng trên đất Việt. Thế hệ mới cần có cách diễn đạt mới, để Tin Mừng có thể canh tân “khai mở một lần nữa cho con người ngày nay lối ngõ đến với Thiên Chúa, vị Thiên Chúa đang nói và thông truyền cho chúng ta tình yêu của Người, để chúng ta được sống và sống dồi dào” [4].
Hoàng Thanh
[1] http://giaophanxuanloc.net/tai-lieu/suy-tu/784-vien-tuong-mcu-vu-truyen-giao-tai-viet-nam.html
[2] x. http://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_decree_19651207_ad-gentes_fr.html
[3] x. Từ
[4] Tông huấn Verbum Domini, n°2