NGÀY 7 THÁNG 10
ĐỨC
MẸ MÂN CÔI
Lễ Nhớ
BÀI ĐỌC: Cv 1, 12-14
12
Sau khi Đức Giê-su được rước lên Trời, các Tông Đồ từ núi gọi là núi Ô-liu trở
về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi
trong ngày sa-bát. 13 Trở về nhà, các ông
lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê,
An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn
thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. 14
Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người
phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.
(hoặc Gl 4, 4-7):
4
Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh
làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, 5
để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. 6
Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến
ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi! "7
Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là
người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.
ĐÁP CA: Lc 1
Đ.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao
điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn! (c 49)
danh Người thật chí thánh chí tôn! (c 49)
46
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47 thần trí tôi
hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48
Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi
diễm phúc. 49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao
điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
50
Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. 51
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52
Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. 53
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người. 55 Như đã hứa
cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ
Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.”
TUNG HÔ TIN MỪNG: x. Lc
1, 28
Hall-Hall: Kính
chào Đức Ma-ri-a, Mẹ đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn mọi
người phụ nữ. Hall.
TIN MỪNG: Lc 1, 26-38
26
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến
một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh
nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh
nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức
Chúa ở cùng bà.”29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi
lời chào như vậy có nghĩa gì.
30
Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.
31
Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32
Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa
sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33
Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô
tận.”
34
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không
biết đến việc vợ chồng!" 35 Sứ thần đáp: "Thánh
Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì
thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36
Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang
một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được
sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là
không thể làm được.”
38
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm
cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
MẦU
NHIỆM ĐỨC MARIA
A.
LỊCH SỬ LỄ MÂN CÔI.
(phần lịch sử này dựa trên tài liệu:
-
M. Gorce La Religion Poétique Populaire
du Moyer Age. Trong tập Histoire Général des religions tome Christiamisme
nedieval Aritide Quillet, Paris 1947 tr 51-71.
-
Marcel Mahé aux. sources de notre Rosaire
suppléments de la vie Spiritualle 1951 tr 101-120)
1/ TẠI SAO KINH KÍNH MỪNG LẠI GỌI LÀ KINH MÂN CÔI (HOA
HỒNG)?
Từ thế kỷ thứ 11 về trước, Hội Thánh không đọc kinh Kính Mừng. Kinh
Kính Mừng phát sinh từ lòng đạo đức bình dân của quần chúng. Thực vậy, từ thế
kỷ thứ 11 đến 13, những nhà quý phái đua nhau xây những đại Giáo Đường nguy nga,
các Hiền triết, các nhà Thần học đua nhau xuất bản những pho sách về Thần học, về
Đạo đức dày cộm. Tất cả những hiện tượng ấy nói lên phần nào lòng mến, lòng đạo
đức của Hội Thánh trong thời kỳ hoàng kim. Thế thì giới bình dân họ phải làm gì?
Họ nảy sinh ra một sáng kiến là thi nhau hái hoa hồng kết thành những vòng hoa,
cùng với những bài thi ca bình dân nói lên niềm vui của ơn cứu độ. Nếu việc hái
hoa hồng trải qua những khó khăn vì gai góc, nhưng lại nói lên loài hoa biểu
tượng cho một niềm vui dạt dào và cao thượng, thì đó không phải là tâm tình đạo
đức của người bình dân biểu tượng cho ơn cứu độ trải qua thập giá đến vinh
quang, mà Hội Thánh đang trong thời kỳ phồn thịnh đó hay sao? Người ta còn tìm
thấy một vài kinh cổ nói lên niềm vui hoa hồng của ơn cứu độ.
Thí dụ:
* Lời kinh của cộng đoàn Avignon:
“Hoa chóng tàn, vui trần thế mau qua,
Ta hãy hái hoa dâng Mẹ hiền,
Để mai sau được hưởng phúc vinh,
Hoa hồng thiêng chẳng khi tàn,
Mẹ là bông hoa là vườn hồng,
Mẹ là đấng nơi đó ngự trị,
Sự dịu dàng vượt trên mọi dịu dàng,
Mẹ là đấng nơi đó bừng nở,
Sắc đẹp chẳng tàn phai”.
* Bài dân ca Đức:
“Người ta gọi Mẹ là vườn hồng, thật là chí lý.
Tất cả các con hãy đến cùng Mẹ, Mẹ sẽ nhận lời các con”.
Như vậy truyền thống dâng hoa đã khởi đi từ lòng đạo đức của
giới bình dân vào những thế kỷ này…
Câu chuyện truyền khẩu về anh lái buôn có lòng sùng kính Đức Mẹ,
anh muốn được cùng với mọi người hái hoa kết tràng dâng Mẹ, nhưng vì công việc
làm ăn không cho phép anh thực hiện, anh liền nghĩ ra một cách làm bù trừ, là
thay vì hái hoa đưa đến Nhà Thờ dâng Mẹ, nói lên niềm vui cứu độ loài người, nhờ
Đức Mẹ khởi đầu từ biến cố Truyền Tin, anh đã đọc những lời của sứ thần Gabriel
trong ngày Truyền Tin cho Đức Mẹ, cũng là ngày khơi mào ơn cứu độ cho cả nhân
loại. Anh nghĩ rằng mỗi lần anh đọc những lời ấy cũng có giá trị như những bông
hồng dâng lên Mẹ. Sáng kiến ấy dần dần đã lan rộng tới nhiều người, không những
đối với những người bận rộn, không đến Thánh Đường được, mà còn cả với những
người có điều kiện hái hoa hồng dâng Mẹ. Vì dầu sao việc đọc những lời đó vẫn
mang nội dung niềm vui sâu sắc hơn là cử chỉ bên ngoài hái hoa hồng dâng Mẹ.
Đó là gốc tích người ta gọi kinh Kính Mừng là kinh Mân Côi.
2/ TẠI SAO LẠI CÓ TRÀNG HẠT GỒM NĂM NGẮM?
Cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu gốc tích của tràng hạt từ
những tôn giáo nào ảnh hưởng qua, bởi vì không phải chỉ có Công Giáo có tràng
hạt, mà cả một số tôn giáo khác nữa. Tuy nhiên, con số năm ngắm được tương ứng
với năm biến cố lớn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Truyền Tin, Giáng
Sinh, Phục Sinh, Thăng Thiên, Mẹ Lên Trời.
3/ TẠI SAO LẠI CÓ TRÀNG HẠT MƯỜI LĂM NGẮM?
Thánh Vinh Sơn Ferrier Dòng Đaminh (1350-1419) đã soạn ra ngắm
Đàng Thánh Giá thứ 15 để bổ túc cho 14 chặng Đàng Thánh Gía, vì ơn cứu độ của
con người không kết thúc một cách bi đát ở mồ lạnh, nhưng phải đạt tới sống lại
vinh quang để lên Trời. Nỗ lực của thánh Vinh Sơn Ferrier dường như đã không
thành công, vì không được phổ biến sâu rộng trong Giáo Hội, thì mười lăm ngắm
khi đọc kinh Mân Côi có thể diễn tả được niềm vui này. Bởi vì bản chất của kinh
Mân Côi nói lên niềm vui ơn cứu độ qua chữ “KAIRE” mà sứ thần chào Đức Maria.
Để nói trọn niềm vui ơn cứu độ ấy, người ta thấy không thể giản
lược vào năm biến cố lớn của năm ngắm đã có sẵn. Cho nên Đan Viện Sallay ở thế
kỷ 13 lại nghĩ đến nhiều biến cố khác trong chương trình cứu độ, để tương xứng
con số 15: Sinh Nhật Đức Mẹ, cuộc đời Đức Mẹ, Truyền Tin cho Đức Mẹ, Đức Mẹ thụ
thai, Đức Mẹ Thăm Viếng, Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu, ba vua đến triều bái Hài Nhi, Đức
Mẹ dâng Chúa trong Đền Thờ, Đức Mẹ tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ, dấu lạ
Cana có Mẹ can thiệp, Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá, Phục Sinh, Thăng Thiên, Hiện
Xuống, Đức Mẹ lên Trời.
4/ TẠI SAO LẠI CÓ BA MÙA VUI – THƯƠNG – MỪNG?
Cách chia này do Alain de la Roche (1428-1475) và được đức Pio V
chấp nhận và cho công bố ngày 17-9-1569.
Như đã nói, kinh Kính Mừng là niềm vui ơn cứu độ do Đức Maria
khai mào từ lúc Ngôi Lời nhập thể (Vui); Tử Nạn (Thương); đến sống lại vinh
quang (Mừng).
Ta để ý dù đọc ba Mùa với mầu nhiệm khác nhau, nhưng trong mỗi
Mùa, kinh Kính Mừng đã không lấy một phần tương ứng với mầu nhiệm Thương và
Mừng, mà chỉ lấy một đoạn Thánh Kinh tương ứng với mùa Vui (mầu nhiệm Nhập Thể).
Điều này nhấn mạnh ta phải tin rằng, muốn
được hưởng niềm vui ơn cứu độ, con người phải sống mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.
Bởi vì nếu ta chỉ nói Chúa Giêsu đã Chết và Phục Sinh để cứu ta, thì đó mới chỉ
là nặng phần pháp lý, cho dù Chúa Giêsu đã Chết và Phục Sinh, mà chúng ta không
để cho Lời Chúa nhập thể, hay chúng ta không sống Lời Chúa, thì việc Chết và
Phục Sinh của Chúa Giêsu đâu có cứu nổi chúng ta!
Ví dụ: Một người cha cho con đầy đủ phương tiện: xe, tiền, để
con học thành bác sĩ. Thế nhưng người con đã lạm dụng qua mặt cha kết băng đảng
chơi xì-ke, ma túy, rồi sinh trộm cắp giết người. Cuối cùng nó bị bắt lãnh án
tử. Nếu người cha không hết lòng thương con, ông sẽ nói: “Mặc xác nó, cho nó
chết!” Nhưng nếu ông thương con, ông nhận tội trước pháp luật và xin thế mạng
ông để con được sống tự do. Nếu người con nhận ra tình thương của cha, nó hối
cải và sống như cha nó muốn, thì nó được cứu; trái lại, nếu nó được tự do lại
trở về đường tội lỗi như trước, chắc chắn pháp luật không tha chết cho nó. Thế
thì cái chết của người cha đã trở nên vô ích đối với nó!
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Thư đề ngày 16-10-2002
gởi các tín hữu về “Mầu Nhiệm Rất Thánh Mân Côi” có thêm năm ngắm Sự Sáng, nhằm
suy niệm năm biến cố lớn trong chương trình cứu chuộc loài người:
-
Một là Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông
Giođan (x. Mt 3, 13-17).
-
Hai là tiệc cưới tại Cana
(x. Ga 2, 1-11).
-
Ba là công bố Tin Mừng kêu gọi sám hối (x.
Mc 1, 15).
-
Bốn là Đức Giêsu Hiển Dung (x. Mt 17, 1-8).
-
Năm là Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể (x.
Lc 22, 14-20).
5/ TẠI SAO ĐỌC 15O KINH KÍNH MỪNG?
Từ trước Công Đồng Vat. II chỉ có hàng giáo sĩ mới đọc Kinh
Phụng Vụ gồm 150 Thánh vịnh, giáo dân không được tham dự giờ Kinh này. Mà ta
biết mỗi câu Tv đều nhắc đến một biến cố cứu độ trong lịch sử. Thí dụ ta đọc Tv
51/50, 7: “Từ trong lòng mẹ tôi đã là kẻ
bất lương”, thì chúng ta liên tưởng ngay đến con của bà Thamar tranh nhau
quyền trưởng nam ngay trong lòng mẹ ( x. St 38); ta đọc Tv 19/18, 2: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa…”,
đương nhiên ta nhớ đến cuộc tạo dựng muôn vật kỳ diệu của Thiên Chúa (x. St 1).
Như thế, đọc và suy gẫm
hết 150 Tv thì cũng có nghĩa là đọc và suy gẫm toàn bộ Thánh Kinh, suy gẫm toàn
bộ biến cố Mạc Khải.
Vậy người giáo dân không có điều kiện đọc Kinh Phụng Vụ, thì
người ta đọc 150 kinh Kính Mừng để nói: Niềm vui ơn cứu độ do Đức Maria khai
mào đã được trải rộng toàn bộ kho tàng Mạc Khải. Nhưng nay trình độ văn hóa
loài người đa số không còn mù chữ, việc in ấn sách vở lại thuận tiện, nên Hội
Thánh muốn nâng cao Đức Tin, lòng Mến của người tín hữu, cũng là con Mẹ Maria, đã
khuyến khích cổ võ và thiết tha mời gọi mọi tín hữu hãy cùng với hàng giáo sĩ
cầu nguyện bằng Kinh Phụng Vụ. Giáo huấn của Công Đồng Vat. II, trong Hiến Chế
Phụng Vụ số 84 dạy: “Kinh Phụng Vụ được lập ra để thánh hiến trọn
ngày đêm, bằng lời ngợi khen
Thiên Chúa. Các Kitô hữu hãy hợp cùng Linh mục cầu nguyện theo thể thức đã được
chuẩn nhận, thì thực là tiếng của chính
Hiền Thê nói với Đấng Phu Quân của mình, và hơn thế nữa còn là lời cầu
nguyện của Chúa Kitô và Thân Thể Người dâng lên Chúa Cha”.
Như thế ta có thể nói rằng: Giáo dân khi có điều kiện cầu nguyện
bằng Kinh Phụng Vụ mà lại bỏ đi lần Hạt Mân Côi, thì chắc chắn càng lần Hạt nhiều,
thì Mẹ Maria càng “nhăn mặt”; hoặc nếu chủ chăn không tạo điều kiện cho giáo
dân cùng dự Kinh Phụng Vụ với mình, thì chắc chắn Chúa và Mẹ sẽ hỏi: “Giáo dân
của con đâu?”Trừ khi giáo dân và hàng giáo sĩ không có điều kiện để cùng chung
lời cầu này.
6/ THÁNH ĐAMINH VỚI KINH KÍNH MỪNG.
Người ta vẫn truyền tụng phép lạ Đức Mẹ trao tràng hạt cho thánh
Đaminh cổ võ, nhưng thực ra phép lạ này có lẽ phát xuất từ lòng sùng kính và cổ
võ kinh Mân Côi hơn là chứng tích lịch sử. Về phương diện lịch sử thì không ai
chối cãi thánh Đaminh có công lớn trong việc cổ võ lòng sùng kính kinh Mân Côi,
bởi vì vào thế kỷ 13, trước hiểm họa của bè rối Albigeois, thì việc canh tân và
cổ võ lòng sùng kính kinh Mân Côi như một liều thuốc chữa trị bệnh thời đại. Ta
biết bè rối Albigeois chủ trương thuyết Nhị Nguyên, nghĩa là trong vũ trụ có
hai nguyên nhân: sự ác và sự thiện luôn luôn đấu tranh và dày vò con người, con
người không còn tự do để chọn lựa, và người ta thấy cuộc đời là bao trùm một sự
bi đát, bởi vì ai cũng cảm thấy thế, kể cả thánh Phaolô: “Điều tốt tôi muốn, tôi không làm, tôi cứ làm điều tôi ghét” (Rm 7, 19).
Vì thế, thánh Đaminh lợi dụng những buổi tập họp của dân chúng
kết hoa dâng Đức Mẹ, hát những bài ca bình dân, thì ngài đã biến những ngày vui này thành những buổi suy
niệm Lời Chúa. Bởi vì trong lịch sử từ những điểm của 15 ngắm Vui – Thương
– Mừng, 150 kinh đều đã hướng lòng người giáo dân về toàn bộ Mạc Khải, cho nên
thánh Đaminh đã xen vào những buổi cầu
nguyện dâng hoa này bằng những giờ đào sâu Thánh Kinh để hiểu rõ về ý định của
Thiên Chúa, nhất là đào sâu mầu nhiệm Nhập Thể: Ngôi Hai là thuần Thần đã
nhập thể dưới dạng một con người, nhờ vật chất để nâng cao con người từ cảnh
tầm thường vươn đến niềm vui ơn cứu độ, đó là liều thuốc chữa trị tư tưởng của
bè rối đang lan truyền khắp nơi. Nếu thánh Đaminh cổ võ sự sùng kính Đức Mẹ
trong lãnh vực này, thì ta còn phải hiểu ngài đã có ý nhắc đến Đức Mẹ là Mẹ của
Hội Thánh, chắc chắn Mẹ bầu cử và dẫn dắt con cái mình khỏi rơi vào lạc giáo mà
đi vào giáo lý truyền thống của Hội Thánh được trình bày qua những buổi suy
niệm Lời Chúa.
Nhất là những người vẫn
đọc kinh Kính Mừng, họ tin rằng ngày nay trên trần thế chào mừng Đức Mẹ bằng
lời “Kính Mừng Maria”, thì
mai sau đến cửa Trời họ cũng được Đức Mẹ chào mừng họ: “Kaire” (Vui lên) và dẫn
họ vào Vườn Hồng Thiên Quốc. Từ đó họ phát sinh lời cầu nguyện hướng về giờ
lâm tử: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và
trong giờ lâm tử”.
B. TIẾN TRÌNH TRONG
PHỤNG VỤ VỀ NGÀY LỄ MẸ MÂN CÔI
-
Đức Giáo hoàng Pio V ấn định mừng lễ Mân
Côi vào ngày 7 tháng 10 năm 1571 để nhớ ơn Đức Mẹ đã ủng hộ đoàn quân của Giáo
Hội thắng quân Hồi Giáo của Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lepante.
-
Đức Giáo hoàng Grégorio XIII lại giới hạn
chỉ cho một số Nhà Thờ trong Giáo Hội kính lễ Mẹ Mân Côi hằng năm bắt đầu từ
năm 1716.
-
Đức Giáo hoàng Clémente XI lại buộc tất
cả các Nhà Thờ trong Giáo Hội mừng lễ Mân Côi.
-
Đức Giáo hoàng Lêo XIII đặt lễ Đức Mẹ Mân
Côi là lễ Kính.
-
Từ Công Đồng Vat. II, Giáo Hội đặt lễ Mân
Côi là lễ Nhớ.
Ta biết, lễ Chúa nhật là trung tâm Phụng Vụ, là đỉnh cao ơn cứu
độ, còn các Lễ khác diễn tả về mầu nhiệm ơn cứu độ nhiều hay ít thì được phân
chia theo cấp bậc: Lễ nào diễn tả nhiều nhất thì được gọi là lễ Trọng; Lễ nào
kém hơn thì được gọi là lễ Kính; và Lễ nào diễn tả ít thì được gọi là lễ Nhớ, quen
gọi là Lễ bậc nhất, bậc nhì và bậc ba. Ngày nay toàn thể Giáo Hội địa phương
trong mỗi quốc gia đều mừng Đức Mẹ Mân Côi là lễ Nhớ, lễ bậc ba, trừ có Giáo
Hội Việt Nam thì xin được đặc cách gọi là lễ Trọng, được phép mừng vào ngày
Chúa nhật!
C. SỨ MỆNH CỦA ĐỨC MARIA ĐƯỢC TIỀM ẨN
TRONG CỰU ƯỚC
Ta biết “giá trị của Cựu Ước được thể hiện trong Tân
Ước và giá trị của Tân Ước đã tiềm ẩn trong Cựu Ước” (Hiến Chế Mạc Khải
số 16). Bởi thế, sứ mệnh của Đức Maria đã được tiềm ẩn trong Cựu Ước như sau:
1- Mẹ Maria là Eva Mới.
Eva thuở xưa vì không
vâng Lời Chúa, nên gieo sự chết vào dòng giống mình; trái lại, Đức Maria tuyệt
đối vâng Lời Chúa, để quyền năng Lời Chúa thực hiện nơi Mẹ điều đã được nghe (x.
Lc 1, 38), thì Mẹ đã cởi nút thắt cổ do bà Eva xưa cột nơi dòng giống, để cho
những ai được sinh lại trong Chúa Giêsu làm con Chúa cũng là con Đức Mẹ, đều được
thông hiệp vào sự sống của Thiên Chúa (x. Ga 6, 57). Như vậy, thuở xưa Eva ăn quả Chúa cấm thì thần chết ập đến (x. St
3, 24) thì, nay ai ăn Quả Lòng Bà (x.
Lc 1, 42: Bản dịch NTT), tức là Con Đức Maria, được sự sống dồi dào (x. Ga 10, 10).
2- Mẹ Maria là bà
Đêbôrah mới.
Yabin, vua Canaan, sai tướng Sisơra kéo quân đánh Israel. Nữ
ngôn sứ Đêbôrah hướng dẫn Baraq đem quân chống lại Sisơra. Ông Baraq phải mời
bà Đêbôrah đi theo làm cố vấn cho ông, nhờ đó Baraq đánh tan được quân của
Sisơra cách oai hùng (x. Qa 4, 1-16). Đức Maria có mặt từ khởi đầu đời công
khai của Đức Giêsu tại tiệc cưới Cana (x. Ga
2), cho tới khi Mẹ đứng dưới chân thập giá trên đồi Sọ nhìn Con bị chết treo trong
cảnh đau thương! (x. Ga 19, 25t) Rõ ràng Mẹ Maria theo Con trong suốt cuộc đời
công khai để làm cố vấn cho Con, quan trọng hơn bà Đêbôrah làm cố vấn cho ông
Baraq đánh thắng quân Sisơra.
3- Mẹ Maria là Yael
mới.
Quân của Sisơra bị đánh tan, tướng Sisơra chạy trốn vào nhà bà
Yael, xin bà lấy chăn phủ lên ông hòng tránh mặt ông Baraq. Bà Yael cho hắn ăn
uống xong, đoạn bà lấy chăn trùm cho hắn ngủ, rồi bà rón rén nhổ cọc lều, dùng
búa tạ đóng lên mang tai Sisơra, ghim đầu hắn xuống đất! Thế là bà Yael đã diệt
tận gốc rễ kẻ chống lại Israel
(x. Qa 4, 17-22). Chiến thắng ấy thua xa bà Maria đạp nát đầu con rắn đã tấn
công tổ tiên loài người (x. St 3, 15: Bản dịch Phổ Thông) để giải phóng cho
loài người thoát tay Satan, thoát án tử.
4- Mẹ Maria diễn tả người
phụ nữ cắt đầu tên Shêba, kẻ chống lại vua Đavid.
Tên Shêba dấy lên tập họp quân chống lại vua Đavid, vua cho
tướng Yoab đem quân truy nã Shêba, hắn chạy trốn vào thành Abel – Bet – Maakah.
Tướng Yoab cho quân bao vây thành, một bà trong thành lập mưu cắt đầu Shêba
quăng ra ngoài thành cho ông Yoab, vì bà không muốn chỉ vì một kẻ có tội chống
lại vua mà cả thành bị tru diệt (x. 2 Sm 20). Thua xa Con Đức Maria bị giết để
cho loài người được sống (x. Ga 11, 50)
5- Mẹ Maria là bà
Yudita mới.
Hôlôphernê là tướng quân của vua Babylon, ông được lệnh đem quân
vây hãm tấn công trại dân Do Thái. Toàn dân, binh sĩ, cả các tướng lãnh Do Thái
đều lâm vào ngõ bí muốn đầu hàng, nhưng bà Yudita không thuận, vì làm như thế
dân Chúa vẫn bị diệt và Chúa mất danh dự! Do đó bà quyết âm ăn chay cầu nguyện
tha thiết xin Chúa cứu dân vì danh dự của Chúa (x. Tv 143/142, 11).
Thế rồi vào một đêm kia, bà trang điểm lộng lẫy, âm thầm tiến
vào trại quân của tướng Hôlôphernê, ông mê đắm sắc đẹp của bà, bà lợi dụng phục
rượu cho ông uống say mèm, rồi cắt đầu hắn đem về trại Do Thái trong tiếng reo
mừng của toàn dân! (x. Gd 10t). Thua xa Chúa yêu sự thánh thiện của Mẹ Maria, như
lời ông Platon nói: “Sắc đẹp là vẻ huy
hoàng của sự thánh thiện”, nên Mẹ được giữ chức Trạng Sư để bầu cử cho con
cái Mẹ thoát tay tử thần.
6- Mẹ Maria là bà
Esther mới.
Do mưu mô của tướng Aman mà, vua Assurêus đã ra sắc chỉ tiêu diệt
toàn dân Do Thái. Nhưng Esther người gốc Do Thái được vua Assurêus cưới làm vợ,
khi bà thấy dân bị án tru diệt, bà đã ăn chay cầu nguyện, rồi làm những bữa cơm
thịnh soạn mời vua và tướng Aman dùng. Sau bữa ăn cuối cùng, nhà vua hứa với
Esther xin gì cũng cho, dù là nửa nước! Lúc ấy Esther thưa: “Xin vua đừng nuôi ong trong tay áo”. Vua
hỏi: “Ai?” Esther chỉ ngay vào Aman, thế
là vua ra lệnh treo cổ Aman lên trụ cao do chính hắn đã trồng hòng treo cổ
Mardoke, chú của Esther. Vua còn cho phép người Do Thái được quyền chống lại
những ai tấn công mình. Thế là dân Do Thái tiêu diệt hết lính của Aman, giải
phóng cho toàn dân (x. sách Es). Thua xa Đức Maria là Hiền Thê của Thiên Chúa, Mẹ
có công nuôi Con Thiên Chúa, Vua trời đất suốt 33 năm, nên chắc chắn Chúa nhận
lời cầu của Mẹ để ban Thánh Thần cho Hội Thánh lên đường rao giảng Tin Mừng, giải
thoát mọi người khỏi ách nô lệ Satan (x. Cv 1, 14t).
7- Mẹ Maria là bà Rêbêca
mới.
Bà Rêbêca sinh đôi Esau và Yacob, nhưng vì Esau đã cướp quyền
trưởng nam của Yacob, nên bà Rêbêca lập mưu lấy áo của Esau mặc cho Yacob để, chồng
bà là Ysaac tưởng lầm là Esau vì ông bị mù, mà chúc phúc cho Yacob (x. St 25. 27).
Thế thì Mẹ Maria lấy Lời Chúa trước đã ban cho dân Do Thái như chiếc áo che chở
họ mà mặc cho người Công Giáo, là con trưởng của Thiên Chúa để được hưởng phúc
lành.
8- Mẹ Maria là bà góa
Sarepta mới.
Bà góa Sarepta nghèo khó, chỉ có một người con, và hai mẹ con còn
duy nhất một chén bột định làm bánh ăn rồi chờ chết, nhưng khi gặp ngôn sứ Êlya,
bà đã sẵn sàng nhường bánh cho ông, từ bấy giờ hũ bột nhà bà không vơi. Khi con
bà chết, ngôn sứ Êlya cầu nguyện cho em được sống lại (x. 1V 17). Công phúc của
bà góa Sarepta vẫn thua công đức bà góa Maria, vì Đức Maria đã nuôi Con Thiên
Chúa 33 năm. Ta cũng là con của Mẹ, thì dù ta có chết vì phạm tội, chắc chắn
Chúa cũng cho ta được sống vì công đức của Mẹ Maria đã nuôi Con Thiên Chúa .
9- Mẹ Maria là Bà Lớn
thành Shunem mới.
Ngôn sứ Êlysa mỗi lần đi qua nhà bà Lớn thành Shunem đều được bà
mời vào trú ngụ và được bà phục vụ. Ngôn sứ Êlysa đã cho bà có con trong tuổi
già. Khi con bà qua đời, bà chạy lên núi ôm chân ngôn sứ bắt vạ, ngôn sứ đến
nằm trên xác em bé cầu nguyện, nhờ vậy em đã được hồi sinh (x. 2 V 4). Vẫn thua
xa Đức Maria chính là Bà Lớn vì là Mẹ Thiên Chúa. Bà Lớn Maria đã nuôi Con
Thiên Chúa suốt 33 năm, chúng ta cũng là con Mẹ Maria, dù có chết vì tội đã phạm,
Đức Giêsu cũng tự ý cho ta được sống như Ngài đã tự ý cứu con bà góa thành Naim
gần thành Shunem được sống lại (x. Lc 7, 11-17).
10- Mẹ Maria là tấm
lông chiên mới của Hội Thánh.
Ông Ghêđêôn trước khi xuất trận đã xin Chúa một dấu chỉ: ông
phơi tấm lông chiên ở ngoài sân, nếu sáng hôm sau tấm lông chiên đẫm ướt sương,
thì đó là dấu Chúa ủng hộ ông xuất quân; rồi ông lại xin Chúa thêm một dấu chỉ:
ông lại đưa tấm lông chiên ra phơi ngoài sân, tấm lông chiên khô ráo, còn sân
thì đẫm sương, thì đó là dấu chỉ Chúa ủng hộ ông chiến thắng (x. Tp 6-7).
Theo hai thánh Ambrosio và Ephrem cắt nghĩa:
-
Lần I: Sương xuống đẫm ướt tấm lông chiên
là Lời Chúa xuống trên Đức Maria trong ngày Truyền Tin (x. Lc 1, 35).
-
Lần II: Sương xuống ướt đẫm đất, còn tấm
lông chiên thì khô ráo: Thánh Thần Chúa ban Lời xuống trên Hội Thánh (x. Cv 2).
Nhờ Mẹ suy đi nghĩ lại Lời Chúa trong lòng (x. Lc 2, 19. 51b-52),
cũng như Lời Chúa được ghi trên tấm xương thịt và linh hồn của người Kitô hữu, mà
chúng ta được toàn thắng sự dữ (x. 2Cr 3, 2-3).
11- Đức Mẹ là Cây Sự
Sống.
Thực vậy, lời bà Êlysabeth chúc tụng Mẹ Maria: “Trong nữ giới có người là diễm phúc! Và đáng
chúc tụng thay quả lòng người”
(Lc 1, 42: Bản dịch NTT).”Quả lòng Bà Maria” chính là Chúa Giêsu, Đấng là Sự
Sống, thì Mẹ Maria phải là Cây Sự Sống. Xưa kia Adam, Eva sau khi phạm tội, Chúa
sai Thiên thần cầm gươm hỏa hào chớp chớp để canh giữ lối vào cây sự sống (St 3,
24). Vào thời Tân Ước, khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá, Ngài trao môn đệ
cho Mẹ Maria (x. Ga 19, 25-27), để ai đến với Mẹ, thì được ăn “Quả
lòng Bà” (rước Lễ).”Quả lòng Bà” là Sự Sống của Thiên Chúa (x. Ga 6, 57),
thì Cây sinh ra “Quả Sự Sống”, cũng gọi là “Cây Sự Sống”.
12- Đức Mẹ đích thực
là Hòm Bia Thiên Chúa.
Xưa kia vua Đavid đã rước Hòm Bia Thiên Chúa về cung điện của
mình, trên đường đi ông đã đưa Hòm Bia vào tạm nghỉ tại nhà ông Obededom ba
tháng, nhà này được Chúa chúc phúc (2Sm 6, 1-12), thì Chúa Giêsu là Ngôi Lời
của Thiên Chúa, trước khi được rước về Cung Điện trên Trời, Ngôi Lời đã được
đặt trong cung lòng Đức Maria là Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa suốt 33 năm, thì
cả Gia Đình của Mẹ là Hội Thánh được Thiên Chúa cứu độ (Lc 1, 39-56).
Với 12 điểm sáng chói trên, Mẹ đã được Thiên Chúa ban để chiếu
sáng vào Hội Thánh. Đó là lý do Chúa cho ông Gioan nhìn thấy thị kiến người nữ
đội triều thiên mười hai ngôi sao (Kh 12, 1).
D.
ĐỨC MARIA TRONG THỜI TÂN ƯỚC
1/ MẸ LÀ MẪU GƯƠNG CHO CON CÁI VÂNG LỜI CHÚA.
Tiếng Xin Vâng của Đức Maria trong ngày Truyền Tin thật chẳng có
gì khó khăn, bởi vì ngày ấy Mẹ được chúc: “Đầy
ân phúc” (Lc 1, 28); Mẹ được đắc sủng nơi Thiên Chúa (Lc 1, 30); Mẹ được
sinh Con đặt tên là Giêsu, là Con Đấng Tối Cao (Lc 1, 31-32); Con Mẹ làm Vua
tái lập triều đại Đavid. Mẹ được cả uy quyền Đấng Toàn Năng bảo đảm ban những
ơn phúc ấy, cho nên Mẹ cũng sẵn sàng thưa: “Xin
Chúa làm cho con điều Chúa nói” (Lc 1, 38); khi Mẹ đến thăm bà Êlysabeth, người
chị họ, được bà này thốt lên lời tán dương: “Trong nữ giới, em là người có phúc” (Lc 1, 42a). Chính vì những lý
do trên mà Đức Mẹ thêm tin tưởng hân hoan nói lên lời tạ ơn Chúa: “Này từ đây mọi đời sẽ khen tôi có phúc”
(Lc 1, 48b).
Thế nhưng sau đó Mẹ đã gặp những cơn thử thách ập đến:
-
Ông Giuse, bạn trăm năm của Mẹ định tâm
lìa bỏ âm thầm trốn đi (Mt 1, 19).
-
Ngày sinh Con, không tìm được nơi xứng
đáng, phải đành đặt Con trong máng cỏ nơi hang bò lừa (Lc 2, 7).
-
Ông Simêon nói tiên tri: “Trẻ này làm cho nhiều người chỗi dậy, nhưng
cũng làm cho lắm kẻ bổ nhào, một mũi gươm đâm thâu lòng bà” (Lc 2, 34-35).
-
Vua Hêrôđê ra lệnh truy nã giết Hài Nhi
Giêsu, khiến ông Giuse đang đêm phải đưa hai Mẹ Con trốn sang Ai Cập (Mt 2, 13t).
-
Chua xót nhất là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh,
Mẹ đứng dưới chân thập giá nhìn Con, xem ra tất cả những Lời Chúa hứa trong
ngày Truyền Tin chỉ là những dối gạt; Con thật của Mẹ là Đức Giêsu bị người ta
loại trừ, và Mẹ nhận lại Gioan là con người tội lỗi (Ga 19, 25-27).
Vậy tiếng Xin Vâng của Mẹ được đánh giá cao vì suốt cuộc đời Mẹ
sinh dưỡng Chúa Giêsu chỉ toàn gặp những nghịch cảnh trái với Lời Chúa hứa. Nhưng
những thử thách đó không quật ngã được Mẹ. Mẹ vẫn ĐỨNG nhìn Con treo trên thập
giá (Ga 19, 25). Mẹ đã trở thành bánh lái và cũng là hoa tiêu điều khiển con
tầu Hội Thánh đang gặp sóng gió kinh hoàng nhất.
Xưa kia Chúa chỉ cho ông Noe đóng tầu tỉ mỉ từng chi tiết, thế
nhưng không thấy Chúa dạy ông làm bánh lái. Tầu mà không có bánh lái làm sao
cập bến! (St 6, 14-16). Tầu ấy chính là Hội Thánh, và như thế vào thời Tân Ước
Chúa mới lắp “bánh lái Maria” vào. Để nhờ bánh lái này mà Hội Thánh được cập
bến Thiên Đàng!
Hình ảnh Đức Maria đứng dưới chân Thánh Giá còn cho ta nhận ra
Mẹ là một dũng tướng đang đứng chỉ huy mặt trận ác liệt giữa thiện và ác, Mẹ
tin thiện sẽ thắng ác!
2/ LỜI NÓI MẸ MARIA LÀM HOÀN TẤT CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG VÀ CỨU
CHUỘC LOÀI NGƯỜI.
Tân Ước ghi lại sáu lần Đức Maria nói, nhưng năm lần Mẹ nói với
Chúa và nói về Chúa:
1-
Mẹ nói với thiên thần: “Việc đó xảy đó thế nào vì tôi không ăn ở với
người nam” (Lc 1, 34).
2-
Mẹ thưa với thiên thần: “Tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi
điều Chúa nói” (Lc 1, 38).
3-
Mẹ cầu nguyện rất dài tại nhà bà
Êlysabeth, người chị họ (Lc 1, 46-55).
4-
Mẹ trách Đức Giêsu trốn ở lại Đền Thờ làm
cho cha mẹ đau khổ đi tìm (Lc 2, 48).
5-
Mẹ trình bày với Đức Giêsu trong tiệc
cưới Cana: “Nhà này hết rượu rồi” (Ga
2, 3).
Mẹ chỉ nói với loài
người duy một lời trong lần thứ sáu cũng là lần cuối cùng:
6-
“Giêsu bảo gì cứ làm theo” (Ga 2, 5)
Ta biết thuở tạo dựng ban đầu, Thiên Chúa phán sáu lần trong sáu
ngày, đặc biệt ngày thứ sáu cũng là lần thứ sáu, lần cuối cùng, Chúa phán: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta”
(St 1, 26). Đó là chỉ tiêu Chúa đặt trước, chứ thực ra lúc ấy con người mới chỉ
là một sinh vật (1Cr 15, 45- bản dịch PVGK), hoặc chỉ là loài thú, vì “thú và người giống nhau là đều phải chết”
(Gv 3, 18-19). Chính vì thế con người chưa thể được nên giống Thiên Chúa, trừ
khi người ta thực hiện lời Mẹ nói lần
thứ sáu trong thời Tân Ước: “Giêsu bảo gì
cứ làm theo” (Ga 2, 5). Và ai
thực hiện lời Mẹ Maria như trên, thì được cùng với Mẹ chung tay với Chúa Giêsu
làm hoàn hảo công trình sáng tạo vạn vật Chúa Cha đã khởi sự thuở ban đầu.
3/ VIỆC PHỤC VỤ CỦA MẸ BÁO TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ CON
THIÊN CHÚA THỰC HIỆN.
Thực vậy, ai cũng tưởng nghĩ Mẹ đến nhà chị họ Êlysabeth đã mang
thai được sáu tháng, thì Mẹ phải ở đó phục vụ trên ba tháng, đợi khi người chị
họ sinh “mẹ tròn con vuông”, rồi Mẹ mới trở về quê. Thế mà tác giả Luca lại ghi:
Mẹ ở nhà chị họ có ba tháng rồi trở
về quê, sau đó Gioan mới sinh ra (Lc 1, 56-57). Điều ngạc nhiên này thật ra ông
Luca đã nhận ra dấu chỉ: Đức Maria đã phác họa trước chương trình cứu độ của Đức
Giêsu, Con của Mẹ, Ngài đến phục vụ trần gian, đặc biệt ba năm cuối đời, cuối cùng phải chết trên thập giá, rồi được an
táng trong mộ ba ngày, sau đó Ngài
phục sinh về Quê Trời. Từ đó Hội Thánh mới sinh các Kitô hữu.
4/ MẸ DANG RỘNG VÒNG TAY
THAM GIA VÀO CHƯƠNG TRÌNH CỨU CHUỘC CỦA ĐỨC GIÊSU TỪ KHỞI SỰ ĐẾN HOÀN THÀNH.
Đó là lý do mà thánh sử Gioan cho chúng ta thấy Đức Maria chỉ
xuất hiện hai lần trong đời công khai của Đức Giêsu:
-
Lần I: Mẹ có mặt trong tiệc cưới tại Cana cùng với Đức Giêsu, Mẹ nói lên nhu cầu của loài
người với Con Mẹ: “Nhà này hết rượu rồi”
(Ga 2, 3); đồng thời Mẹ cũng nhắc cho loài người: “Giêsu bảo gì cứ làm theo”
(Ga 2, 5)
-
Lần II: Khi Đức Giêsu hoàn tất cuộc đời
công khai trên thập giá, Mẹ Maria lại hiện diện và được Đức Giêsu trao phó
người môn đệ Gioan cho Mẹ chăm sóc (Ga 19, 27).
Vậy Con Thiên Chúa toàn năng còn cần đến Mẹ Maria cộng tác từ
khởi sự cho đến hoàn thành, huống chi chúng ta là con người hữu hạn lại càng
cần phải cậy nhờ Mẹ hằng cứu giúp, đúng với danh hiệu của Mẹ là “Trạng
Sư, Đấng Bảo Trợ, Đấng Phù Trợ, Đấng Trung Gian” (xem Hiến Chế Hội
Thánh số 62). Bởi vì Mẹ vừa là Mẹ Thiên Chúa vừa là Mẹ loài người (Hiến Chế Hội
Thánh số 66).
Chính vì vai trò của Mẹ rất quan trọng trong chương trình Thiên
Chúa cứu độ loài người, nên trong Phụng Vụ của Hội Thánh có 15 Lễ Kính Đức Mẹ:
7-
Lễ Mẹ Thiên Chúa 1-1
8-
Lễ Mẹ Dâng Con Vào Đền Thờ 2-2
9-
Lễ Mẹ Lộ Đức 11-2.
10-
Lễ Truyền Tin 25-3
11-
Lễ Mẹ Đi Thăm Viếng 31-5
12-
Lễ Mẹ Núi Carmelo 16-7
13-
Lễ Cung Hiến Đền Thờ Đức Bà Cả 5-8
14-
Lễ Mẹ Lên Trời 15-8.
15-
Lễ Trinh Nữ Vương 22-8
16-
Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ 8-9
17-
Lễ Bảy Sự Đau Đớn Đức Mẹ 15-9
18-
Lễ Mẹ Mân Côi 7-10
19-
Lễ Mẹ Dâng Mình 21-11
20-
Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8-12
21-
Lễ Trái Tim Đức Mẹ (sau lễ Thánh Tâm).
5/ MẸ LÀ MẪU NGHE LỜI CHÚA ĐỂ ĐỨC TIN LỚN DẦN.
Thật vậy, trong cuộc Truyền Tin:
a.
Thiên thần chào: “Đầy ân phúc” (Lc 1, 28).
b.
“Đầy ân phúc” đó là bà Maria được đắc
sủng nơi Thiên Chúa (Lc 1, 30).
c.
Người sẽ thụ thai, sinh Con, đặt tên là
Giêsu (Lc 1, 31).
d.
Đó là Con Đấng Tối Cao (Lc 1, 32).
e.
Ngài là Vua nối dòng Đavid, triều đại vô
cùng tận (Lc 1, 33).
6/ MẸ LÀ MẪU CHO CÁC BÀ MẸ NUÔI CON.
Trong Tin Mừng Luca, ông ghi nhận hai lần Mẹ Maria nghe Lời Chúa
giữ kỹ trong lòng, rồi suy đi nghĩ lại, Con Mẹ lớn lên trong khôn ngoan đầy ân
sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta (Lc 2, 19. 51b-52).
Hai lần ông Luca ghi Mẹ suy gẫm Lời Chúa như vậy làm cho các bà
mẹ phải liên tưởng đến hai bầu sữa của người mẹ nuôi con, không phải mẹ cần ăn
cao lương mỹ vị để có sữa nuôi con, mà nhất là còn cần phải suy đi nghĩ lại Lời
Chúa, để dòng sữa của mẹ nuôi con vừa là của vật chất vừa của thần linh, cho
con mình lớn lên khôn ngoan đầy ân sủng. Bởi vì “người ta sống không nguyên bởi bánh mà còn bởi mọi Lời miệng Thiên Chúa
phán ra” (Mt 4, 4).
7/ MẸ LÀ KHUÔN MẪU CỦA HỘI THÁNH THỜI CÁNH CHUNG.
Thiên thần xác nhận Mẹ
Maria là một Trinh Nữ (Lc 1, 27), để báo trước những người thuộc về Hội
Thánh, họ phải là những trinh nữ khôn ngoan trữ dầu cầm đèn cháy sáng đón Chàng
Rể vào dự tiệc cưới Nước Trời (Mt 25, 1-13).
8/ CHÚA MUỐN MỌI NGƯỜI NÊN THÁNH NHƯ MẸ MARIA.
Đức Giêsu nói: “Mẹ tôi và
anh tôi là những người nghe Lời Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21).
Con người là loài thụ tạo đầy yếu đuối, bất xứng, thế mà Chúa
lại muốn gọi họ là “Mẹ” của Ngài, vì hai lý do:
a.
Người Kitô hữu được đưa lên địa vị cao cả
là “Mẹ” Chúa Kitô, vì Chúa muốn mọi người phải nên thánh như Mẹ Maria. Nếu Chúa
đòi người ta phải nên hoàn hảo như Cha trên trời (x. Mt 5, 48), thì loài người
yếu hèn làm sao có thể vươn tới; còn nên thánh như Mẹ Maria thì quả là trong
tầm tay, vì Mẹ cũng là loài thụ tạo như chúng ta.
b.
Mẹ Maria sinh Con Đấng Tối Cao là Đầu
trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô, là Hội Thánh, thì khi các Kitô hữu là
chứng nhân cho Tin Mừng để thâu họp muôn dân làm môn đệ của Đức Kitô, thì họ là
các chi thể trong Thân Mình của Ngài. Như vậy, cả Đức Maria, cả các Kitô hữu
mới sinh Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô cách vẹn toàn.
9/ MẸ LÀ MẪU CHO HỘI THÁNH CẦU NGUYỆN.
Trong sáu lần Đức Maria nói được Phúc Âm ghi lại, thì chỉ có lần
Đức Maria cầu nguyện tại nhà người chị họ dài nhất, đặc biệt là Mẹ đan kết
những câu Lời Chúa thành lời tạ ơn của Mẹ (x. Lc 1, 46-55). Chính vì vậy, mà
Công Đồng Vat. II trong Hiến Chế Mạc Khải số 25, nhắc nhở cho con cái mình: “Kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Kinh
Thánh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì chúng ta ngỏ lời với
Thiên Chúa khi cầu nguyện. Chúng ta nghe Ngài nói lúc ta đọc Kinh Thánh”.
Hồng y Newman nói: “Tôi đọc báo, tôi biết người ta đang làm gì;
tôi đọc Kinh Thánh, tôi biết mình phải làm gì”.
Trong Hiến Chế Mạc Khải số 25, Hội Thánh đã nhắc lại lời thánh
Giêrônimô: “Ai không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”
10/ MẸ LUÔN ĐOÁN Ý NGƯỜI KHÁC ĐỂ PHỤC VỤ.
Trong Tin Mừng ghi lại hai lần Đức Maria phục vụ:
*
Đức Maria vừa nghe tin người chị họ có thai trong tuổi già đã được sáu tháng, mẹ
vội vã lên đường tới nhà chị họ để phục vụ (x. Lc 1, 39t).
*
Trong tiệc cưới tại Cana, Mẹ thấy chủ tiệc đang lo lắng vì thiếu rượu đãi khách,
nên Mẹ tự ý nói với Giêsu, Con Mẹ: “Nhà
này hết rượu” (Ga 2, 3). Như thế Mẹ không van xin mà trình
bày nhu cầu của loài người, và với uy quyền của người Mẹ, thì đó trở thành lời
ra lệnh cho Con, và Đức Giêsu đã biến nước lã thành rượu ngon
hơn, mọi người được thỏa thuê (x. Ga 2, 1-11).
Vậy sống trong bất cứ môi trường nào, ta hãy noi gương Mẹ Maria
đoán ý của người xung quanh để phục vụ, làm cho họ vươn tới sự trọn lành.
11/ MẸ MARIA LÀM ỨNG NGHIỆM LỜI CHÚA NÓI VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ
ĐẠP NÁT ĐẦU CON RẮN ĐỂ GIẢI CỨU CON NGƯỜI THOÁT ÁN PHẠT DO TỘI NGUYÊN TỔ GÂY
NÊN.
Sau khi Adam, Eva phạm tội, Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ để cứu dòng
tộc của họ: “Miêu duệ người nữ đạp nát đầu rắn” (St 3, 15- Bản Bảy Mươi - tiếng
Hy Lạp), hoặc “Người phụ nữ đạp nát đầu rắn” (Bản Phổ Thông - tiếng La Tinh).
-
Theo bản Bảy Mươi: Miêu duệ đó chính là
Chúa Giêsu, người phụ nữ chính là Đức Maria, là Hội Thánh. Chính Con Đức Maria
tiêu diệt Satan.
-
Theo bản Phổ Thông: Người phụ nữ là Đức
Maria, là Hội Thánh, nhờ có Chúa ở cùng, đã tiêu diệt nọc độc rắn Satan cám dỗ
loài người.
Vậy ai sống Lời Chúa như Mẹ Maria, thì được đồng công cộng tác
với Chúa trong công cuộc cứu độ loài người.
12/ ĐỨC MARIA LÀ MẸ THẬT CỦA CÁC KITÔ HỮU.
Xưa kia vì Eva không tuân phục Lời Chúa, nên Chúa phán: “Ta sẽ gia tăng đau khổ cho ngươi trong việc
thai nghén của ngươi! Trong đau đớn, ngươi sẽ sinh con đẻ cái” (St 3, 16a).
Điều ấy đã ứng nghiệm nơi Đức Maria trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Vì trên đồi
Sọ, Con của Mẹ đã chết, thế mà loài người độc ác còn đâm thủng tim Ngài! Lúc ấy
Đức Giêsu không cảm thấy đau, nhưng lòng Mẹ vô cùng đau đớn. Truyền thống của
Hội Thánh hiểu rằng nước và máu từ tim Đức Giêsu đổ xuống chính là Bí tích
Thánh Tẩy và Thánh Thể khơi nguồn để sinh các Kitô hữu làm con Thiên Chúa, đồng
thời cũng là con của Đức Maria.
Vậy nơi đồi Sọ, Đức Giêsu là Adam cuối cùng và Maria là Eva mới,
cùng sinh ra dòng giống nhân loại mới được Chúa cứu độ.
13/ MẸ MARIA MUỐN CHÚNG TA DỰ LỄ HẰNG NGÀY ĐỂ ĐƯỢC ĐẦY ÂN
PHÚC.
Trong ngày Truyền Tin, thiên thần thưa với Đức Maria: “Vui lên, hỡi Đầy Ơn Phúc, Chúa ở cùng Người”
(Lc 1, 28). Mẹ trở thành Đấng đầy ơn phúc, có nghĩa là Mẹ được giống Thiên Chúa,
vì được Chúa ở cùng. Bởi đó, mỗi khi ta dự Lễ trọn vẹn, Chúa cũng ở cùng ta, để
ta được đồng danh với Đức Maria “Đầy Ơn
Phúc” (đây là một danh từ, là hữu thể, chứ không phải là tĩnh từ, là phẩm
tính của con người).
Vì thế, ai bỏ dự Lễ, Mẹ Maria vô cùng lo lắng đi tìm kiếm về. Chân
lý này đã được diễn tả trong dụ ngôn người phụ nữ có mười đồng, mất một, bà lo
lắng tìm kiếm cho bằng được, tìm được rồi, bà vui mừng mời cả lối xóm đến chia
vui (x. Lc 15, 8-10).
Quả thật, sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài chỉ còn 11 môn đệ, mà
trong đêm Chúa nhật, là thời điểm Hội Thánh sơ khai dâng Lễ, lúc ấy chỉ có 10
môn đệ, thiếu ông Tôma, chắc chắn làm cho Đức Maria lo lắng. Một tuần lễ sau, ông
Tôma trở lại với cộng đoàn, thì Mẹ Maria vui mừng hơn bà góa tìm lại được đồng
bạc mất cho đủ mười đồng! (x. Ga 20, 19-31).
Cũng thế, trong ngày lễ Ngũ Tuần, Mẹ cùng cầu nguyện với các môn
đệ để xin Chúa Thánh Thần đến canh tân đổi mới các ông (x. Cv 1, 14). Đáng lẽ
phải là Nhóm Mười Hai, là số người con của ông Giacob xưa làm nên dân Israel;
thì nay ông Giacob mới là Đức Giêsu tuyển chọn Mười Hai môn đệ để lập nên
Israel mới, đem ơn cứu độ cho muôn dân. Nhưng hôm đó chỉ có Mười Một, vì Giuđa
đã tự vẫn! Bởi thế, khi ông Matthia được tuyển chọn vào hàng môn đệ Đức Giêsu, thay
cho Giuđa, thì Đức Maria vui mừng biết bao! (x. Cv 1, 23-26).
14/ MẸ MARIA LÀ TRẠNG SƯ, VỊ BẢO TRỢ, ĐẤNG PHÙ HỘ VÀ ĐẤNG
TRUNG GIAN.
Giáo huấn Công Đồng Vat. II trong Hiến Chế Hội Thánh số 62 nói
về Đức Mẹ: “Trong nhiệm cuộc ân sủng, Đức
Maria luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ, từ khi Ngài tin tưởng ưng thuận trong
ngày Truyền Tin – sự ưng thuận mà Ngài đã không ngần ngại giữ vững bên thập giá
– cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người được tuyển chọn. Thực
vậy, sau khi về Trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng
Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp
chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình mẫu tử, Ngài chăm sóc những anh em của
Con Ngài đang lữ hành trên dương thế, và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho
đến khi họ đạt tới hạnh phúc Quê Trời. Vì thế trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ
được kêu cầu qua các tước hiệu: TRẠNG SƯ, VỊ BẢO TRỢ, ĐẤNG PHÙ HỘ và ĐẤNG TRUNG
GIAN. Tuy nhiên phải hiểu các tước
hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Đấng Trung
Gian duy nhất là Chúa Giêsu (1Tm 2, 5-6).
Thực vậy, không bao
giờ có thể đặt một tạo vật ngang với Ngôi Lời nhập thể và cứu chuộc; nhưng cũng
như chức Linh Mục của Chúa Kitô được thông ban dưới nhiều hình thức cho các
thừa tác viên và các giáo dân, và cũng như tốt lành duy nhất của Thiên Chúa
được ban phát nhiều cách cho các tạo vật, thì sự trung gian duy nhất của Đấng
Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng tác
trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch duy nhất.
Vai trò tùy thuộc ấy
của Đức Maria, Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng mà luôn nghiệm thấy và nhắn
nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ Từ Mẫu của Ngài,
họ gắn bó mật thiết hơn với Đấng Trung Gian và Cứu Thế”
Khi ta chiêm ngưỡng một pho tượng kỳ diệu, tuyệt tác, thì đương
nhiên ta khen nhà điêu khắc tài ba. Do đó khi ta chiêm ngưỡng danh dự và vinh
quang của Mẹ Maria, thì ta phải cùng với Mẹ mà cất tiếng tạ ơn: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao
cả” (Lc 1, 49).
15/ MẸ MARIA, ĐẤNG ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC.
Đức Giêsu dạy: “Phải cầu nguyện luôn, đừng nản chí” (Lc 18, 1: Tin Mừng). Cụ thể là
bắt chước bà góa kiên trì đấu tranh cho công lý giữa rừng người gian ác, đòi
mọi người kể cả thẩm phán bất lương phải nhìn nhận công lý nơi bà. Bà góa đó
chính là Mẹ Maria, vì suốt cuộc đời Mẹ kiên trì sống công chính, gìn giữ ơn Vô
Nhiễm mà chính Đức Giêsu, Con lòng Mẹ đã ban cho qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. Vì Đức
Maria sinh Đức Giêsu, Ngài có hai bản tính: loài người và Thiên Chúa không thể
tách biệt, nên Đức Maria trở nên Mẹ Thiên Chúa. Do đó Mẹ có quyền đòi hỏi cả
loài người phải nhìn nhận công lý của Mẹ, chính là tin và đón nhận Con của Mẹ, thực
là Con Thiên Chúa muốn đến dẫn đưa loài người vào con đường công lý, đạt sự
sống thật dồi dào vô cùng tận! Nhưng suốt 33 năm, Mẹ không tìm thấy người nào
trong nhân loại nhìn nhận công lý của Mẹ đưa đến là Con Thiên Chúa hằng sống, để
họ được sống đời đời (x. Ga 17, 3). Cuối cùng Mẹ tới đồi Sọ, đó là nơi tòa án
của biết bao nhiêu thẩm phán bạo ngược: “Dẫu
rằng chúng chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (Lc 18, 4:
Tin Mừng), nên chúng đã ra lệnh giết Con của Mẹ, loại trừ công lý khỏi mặt đất,
nhưng cuối cùng chính ông sĩ quan ngoại giáo Roma cũng thuộc loại thẩm phán
trong phiên tòa xử Đức Giêsu, khi nhìn thấy tên lính dùng giáo đâm vào tim Ngài,
máu và nước đổ xuống, lúc ấy ông ta mới nói lên sự thật, nhìn nhận công lý của
bà góa Maria: “Đích thực người này là Con
Thiên Chúa” (Mc 15, 39).
Lm
Giuse Đinh Quang Thịnh