Tôi Tớ
Thiên Chúa Alexander ở Hales
(c. 1245)
Lược sử
Alexander là người gốc
Anh, theo học tại một tu viện ở Hales. Khoảng năm 1210, ngài bắt đầu dạy thần học tại Đại Học Paris, một học viện uyên
bác và uy tín. Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện cũng như sở học của ngài.
Để sùng kính Đức Maria, ngài có lời hứa là sẽ
không từ chối bất cứ ai nhân danh Đức Maria mà yêu cầu ngài. Trong thời gian tu
luyện, ngài bị cám dỗ bỏ nhà dòng.
Khi là một tu sĩ
Phanxicô, Alexander tiếp tục dạy đại học. Ngài giúp thiết lập những nền tảng căn
bản cho phái Kinh Viện cũng như việc dẫn giải,
bảo vệ chân lý đức tin của phái này.
Thánh Alexander luôn luôn
là một tu sĩ khiêm tốn.
Suy niệm 1: Thần học
Alexander bắt đầu dạy thần
học tại Đại Học Paris.
Thần học là gì? Rất tiếc,
đối với nhiều người, thần học là một cái gì bí ẩn, một môn học lạ lẫm tìm cách
nói về Thiên Chúa trong thứ ngôn ngữ quá xa lạ với kinh nghiệm thông thường của
con người. Thần học xem ra quá trừu tượng. Nó chứa đầy những từ ngữ vừa tưởng chừng
quen thuộc, song lại khó định nghĩa, những từ như: đức tin, công chính hóa, cứu
chuộc, ân sủng, ơn cứu độ, mạc khải, cánh chung, thần khí… Nhưng đàng sau tất cả
những tiếng nói và những mối quan tâm này, thần học gắn với kinh nghiệm đức tin
của chúng ta về Thiên Chúa, cách riêng kinh nghiệm đức tin của chúng ta trong tư
cách là một cộng đoàn đức tin. Thần học là cố gắng nhận hiểu và diễn giải kinh
nghiệm đức tin của mỗi cộng đoàn, đưa kinh nghiệm đó vào trong sự diễn đạt bằng
ngôn ngữ và biểu tượng. Hay nói như Thánh Anselmô (đ 1109): thần học là đức tin
tìm kiếm sự nhận hiểu.
Với sự nhấn mạnh đặt vào đức
tin, thần học rất khác với khoa nghiên cứu tôn giáo hay khoa lịch sử các tôn
giáo, những môn này nhằm nghiên cứu một truyền thống tôn giáo hay một đức tin từ
bên ngoài, trong tư cách là một người quan sát đứng ngoài khách quan. Trong khi
đó, làm thần học là cố gắng diễn tả đức tin của mình từ bên trong một truyền thống
tôn giáo cụ thể. Dĩ nhiên người ta có thể “dạy” thần học hoặc hiểu biết nhiều về
một truyền thống thần học nào đó. Nhưng để thực sự “làm” thần học thì cần phải
có đức tin đóng vai trò cầu nối với một ý thức về Thiên Chúa. Hay như Đức Gioan
Phaolô I phát biểu không lâu trước khi Ngài qua đời: Các nhà thần học nói nhiều
về Thiên Chúa, Tôi tự hỏi các vị ấy có thường nói với Thiên Chúa không?
Như vậy đức tin không bao
giờ dược phép vắng mặt trong công việc của thần học. Karl Rahner, nhà thần học
công giáo kiệt xuất của thế kỷ XX, đã ghi nhận rằng thần học là sự suy tư có
tính khoa học và hệ thống của Giáo Hội về đức tin của mình. Cách tiếp cận thần
học của ngài thật hữu ích, bởi vì nó nhấn mạnh rằng trong khi thần học là một
khoa học, nó cũng đồng thời là công việc của Giáo Hội nữa (Thomas P. Rausch
SJ).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
theo tầm mức của mình luôn chủ tâm vào việc nói với Chúa.
Suy niệm 2: Sở học
Alexander nổi tiếng về sự
thánh thiện cũng như sở học của ngài.
Với sở học của ngài, khoảng
năm 1210, ngài bắt đầu dạy thần học tại Đại Học Paris, một học viện uyên bác và
uy tín. Rồi khi là một tu sĩ Phanxicô, ngài vẫn tiếp tục dạy đại học. Đồng thời
ngài giúp thiết lập những nền tảng căn bản cho phái Kinh Viện cũng như việc dẫn
giải, bảo vệ chân lý đức tin của phái này.
Ngài được vinh dự với những
tước hiệu "Tiến Sĩ Bất Khả Bác Bẻ" và "Thầy Các Tiến Sĩ."
Thánh Bonaventure và Thánh Tôma Aquinas là những người theo học với ngài. Có lần
Thánh Tôma nói, "Chỉ có một thần học gia mà bạn cần vượt qua." Đó là
Alexander ở Hales.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
hãy biết phát huy sở trường sở đắc của mình chứ đừng lười biếng chôn vùi nó (Mt
25,24).
Suy niệm 3: Sùng kính Đức Maria
Để sùng kính Đức Maria,
ngài có lời hứa là sẽ không từ chối bất cứ ai nhân danh Đức Maria mà yêu cầu
ngài.
Một ngày kia, trong lần đi
xin ăn, một tu sĩ Phanxicô đã nhân danh Đức Maria yêu cầu ngài gia nhập Dòng
Phanxicô. Thật bối rối, nhưng ngài đã giữ lời hứa và gia nhập dòng.
Như thế việc sùng kính Đức
Maria đã dẫn đưa ngài đến đời sống tu trì. Và ngài đã sống tâm tình sùng kính
này cho đến chết với thánh danh Mẹ Maria vẫn còn trên môi.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
biết sống tâm tình sùng kính Đức Maria, ít là bằng cách lần hạt mai khôi không
chỉ trong tháng này mà đến suốt đời, để được hưởng ơn chết lành.
Suy niệm 4: Cám dỗ
Trong thời gian tu luyện,
Alexander bị cám dỗ bỏ nhà dòng.
Cám dỗ dưới nhiều dạng thức
và những vấn đề khác nhau vẫn luôn là một thực trạng phũ phàng cho thân phận
làm người, nhưng đã là người thì không ai được chước miễn ngay cả Đức Giêsu (Mt
4,1-11).
Alexander cũng thế, ngài
cũng bị cám dỗ và bị cám dỗ bỏ nhà dòng. May thay, trong một giấc mơ, ngài thấy
Thánh Phanxicô vác thập giá thuyết phục ngài hãy kiên trì trong đời sống tu
trì. Sau cùng, ngài không còn bị cám dỗ ấy nữa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (Mc 14,38).
Suy niệm 5: Kinh Viện
Alexander giúp thiết lập
những nền tảng căn bản cho phái Kinh Viện.
Phái Kinh Viện là học
thuyết triết học tôn giáo thống trị ở Tây Âu thời trung đại. Xuất phát từ những
giáo điều chung của thần học, tuyệt đối tin tưởng vào đạo giáo Chúa Kitô, dựa
trên lôgic hình thức. Triết học Kinh Viện đặt ra những quy tắc giáo điều chung
cho hoạt động của con người tách rời thực tiễn. Chủ nghĩa Kinh Viện là cơ sở lý
luận của trật tự xã hội phong kiến.
Nội dung quan điểm của
triết học Kinh Viện không nhất quán lúc đầu chịu ảnh hưởng của Platon được
Thánh Augustin nhào nặn lại (giai đoạn sơ khởi), sau chuyển sang chịu ảnh hưởng
quan điểm của Aristote qua tư duy của Thánh Tôma Aquinô (giai đoạn chín mùi).
Trong giai đoạn quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa đế quốc, triệt học
Kinh Viện được phục hồi và cách tân (chủ nghĩa Kinh Viện mới trùng với chủ nghĩa
Tôma mới) vào thế kỷ 16-17.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn biết “Rửa Tội” những cái hay của xã hội trần thế.
Suy niệm 6: Khiêm tốn
Thánh Alexander luôn luôn
là một tu sĩ khiêm tốn.
Đức tính khiêm tốn của
ngài được nhận rõ qua sự nổi tiếng về đời sống thánh thiện và sở học trổi vượt
của ngài, như nhà văn hào Shakespeeare đã có nói: Chỉ có kẻ ngu mới tưởng mình
là Thánh, và chỉ bậc Thánh mới rõ cái ngu của mình.
Thật thế ngài thông thái
và giỏi giang đến mức các vị lỗi lạc đã từng theo học với ngài như Thánh
Bonaventure và Thánh Tôma Aquinas cũng phải bái phục và lấy ngài như là nấc
thang để phấn đấu tiến xa, thế nhưng ngài vẫn không bị cơn lốc kiêu ngạo cuốn
hút như một Hippolytus hay một Luther chống đối và tách lìa Giáo Hội, mà ngài
âm thầm phục vụ và bảo vệ chân lý đức tin chính truyền đặc biệt trong phái Kinh
Viện.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
biết sống khiêm tốn như là con đường dẫn đến nấc thang thánh thiện.