ANH EM HÃY RA ĐI
Đừng quên lãng, chẳng quan tâm đến những ai chưa được sống
trong tình yêu Chúa. Hạnh phúc đời đời được dành cho tôi khi tôi đưa họ vào
tình yêu Chúa bằng lời nói và gương sáng đời sống.
Văn
hào Saint Exupéry của Pháp,
trong tác phẩm “Hoàng tử bé” đã kể lại cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa hoàng tử và một chú chồn:
Hoàng
tử bé đang ngồi khóc trên
thảm cỏ dại, một chú chồn rụt rè chào hoàng tử nhưng
không dám xuất đầu lộ diện và cho biết mình chưa được loài người thuần hoá. Đây là lần đầu tiên
hoàng tử bé nghe đến hai chữ thuần hoá. Hoàng tử bèn xin chú chồn giải thích ý
nghĩa hai chữ ấy.
Chú
chồn giải thích: “Thuần hoá có nghĩa là tạo nên những mối quan hệ với nhau. Cho đến giờ phút này, đối với tôi cậu chỉ là một cậu bé tí hon giữa trăm ngàn cậu bé khác. Tôi không cần cậu và cậu cũng không cần tôi, và tôi đối với cậu cũng chỉ là một chú chồn như trăm
nghìn chú chồn khác. Thế nhưng nếu cậu thuần hoá tôi thì lúc đó chúng ta sẽ cần đến nhau. Cậu sẽ là độc nhất vô nhị đối với tôi, và tôi cũng sẽ là độc nhất vô nhị đối với cậu trên thế gian này.”
Nghe
đến đây, hoàng tử hiểu rằng chú chồn đã thuần hoá được cậu.
Chú
chồn lại giải thích tiếp: “Cuộc sống của tôi rất đơn điệu. Tôi đi săn bắt các chị gà mái, và loài người lại săn bắt tôi. Đối với tôi, tất cả các chị gà mái đều giống nhau và tất cả mọi người cũng đều giống nhau. Đó là lý do khiến tôi buồn chán. Nhưng nếu cậu thuần hoá được tôi, cuộc sống của tôi sẽ trở nên rực sáng. Tôi sẽ thấy những bước chân cậu khác hẳn tiếng những bước chân khác. Những tiếng chân sẽ làm cho tôi phải ẩn sâu dưới mặt đất, nhưng
tiếng chân của cậu sẽ là tiếng nhạc lôi
cuốn tôi ra khỏi hang. Kìa, cậu hãy nhìn những cánh đồng. Tôi không ăn bánh mì, do đó lúa
gạo không có ích gì đối với tôi, thật là một cảnh đáng
buồn. Nhưng cậu lại có mái tóc vàng óng ánh, cánh đồng sẽ trở nên kỳ diệu biết bao nếu cậu thuần hoá được tôi,
lúc đó cánh đồng lúa vàng sẽ làm tôi nhớ đến cậu và tôi cũng yêu cả tiếng gió lướt nhẹ trên cánh đồng.”
Nói đến đây,
chú chồn bỗng thinh lặng để ngắm nhìn
hoàng tử hồi lâu rồi cất tiếng van xin: “Hãy thuần hoá tôi đi”
Đó cũng là tiếng nài van của bao người đang buồn chán và
thất vọng vì không tìm được chính mình trong một thế giới vắng bóng
Thiên Chúa; và cũng là lý do hiện diện của Giáo hội, vì “tự bản tính, Giáo hội phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng
của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (Ad Gentes 2).
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”; trong Sách Thánh, lời sai đi được Đức Kitô nhấn mạnh và nhắc lại nhiều lần như là
một tính chất không thể thiếu nơi các tông đồ và nơi những ai tin vào Ngài.
Chúa
đã sai đi, “từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 20,1).
Hai người là điều kiện phải có để làm chứng cho một việc, theo luật Do thái. Thế nên, truyền giáo không phải là giảng dạy một kiến thức, nhưng
là làm chứng, và do đó “mọi Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải lấy gương
mẫu đời sống và chứng tá lời nói để biểu dương
con người mới mà họ đã mặc lấy nhờ phép Rửa” (AG 11).
Khi
sai họ đi, Chúa cũng cảnh báo cho
họ biết sự yếu đuối của họ giữa thế gian đầy cạm bẫy: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”; rồi cho họ biết vũ khí họ cần mang theo
là sự nhiệt thành của một tôi tớ chỉ biết việc phải làm, là lòng tín thác tuyệt đối vào quyền năng
và tình yêu Thiên Chúa, và là khả năng hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả vì tình yêu: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. ... vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón,
thì cứ ăn những gì người ta dọn ra cho anh em.” (Lc 20,4.8).
Một buổi sáng nọ, cả làng ngạc nhiên thấy một hòn đá nằm giữa con đường lên chợ tỉnh. Ai cũng nói rằng đó là âm mưu phá hoại của kẻ xấu.
Đến giờ đưa
khách lên chợ, xe ba
bánh nhỏ nên lách qua dễ dàng; rồi đến anh tài xế xe đò, dù phải dừng lại chút xíu
nhưng rồi anh cũng qua được; người thứ ba gặp tảng đá là anh lái xe tải, anh nhìn theo vết chiếc xe đò, chầm chậm, cẩn thận, rồi cũng thoát được... nhiều xe khác cứ theo dấu những xe trước mà leo lề, không để ý đến tảng đá nữa.
Cuối cùng, một anh nông dân dẫn trâu ra đồng. Thấy tảng đá cản trở lưu thông, anh dừng lại, tìm thế cột dây vào tảng đá rồi dùng sức hai con trâu kéo tảng đá qua
một bên đường. Bất ngờ, anh thấy một cái túi nằm ở bên dưới tảng đá, anh mở ra và thấy một khối vàng rực sáng.
Đừng quên lãng, không để ý đến những ai chưa được sống trong
tình yêu Chúa. Hạnh phúc đời đời được dành cho tôi khi tôi đưa họ vào tình yêu Chúa bằng lời nói và gương sáng đời sống: “Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình” (Gc
5,19-20).