Suy niệm hạnh thánh _ 12/9

Thánh PEDRO DE CORPA và các bạn
 (k. 1597)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Năm vị tu sĩ này bị tử đạo ở Georgia vì họ chống đối chế độ đa thê trong hôn nhân Kitô Giáo.Vào năm 1565 Tây Ban Nha thiết lập một vị trí phòng thủ và khu quân sự ở St. Augustine, Florida.
Cha Pedro de Corpa từ Tây Ban Nha đến Florida năm 1587 và trong cùng năm đó ngài đi truyền giáo cho người Guale ở Georgia. Cha Pedro làm việc ở Tolomato (gần Darien hiện nay) là nơi ngài giúp nhiều người Guale trở lại đạo và giúp vị tù trưởng điều hành ngôi làng Kitô Giáo này.
Juanillo, con trai vị tù trưởng, sa vào đường đa thê và được khuyên nên từ bỏ. Hắn từ chối và công khai khước từ cũng như bị tước quyền kế vị cha mình. Juanillo bỏ đi, nhưng thực ra là để tìm cách trả thù các tu sĩ. Vài ngày sau đó họ giết Cha Pedro vào ngày 13-9-1597.
Cha Blas de Rodriguez từ Tây Ban Nha đến Florida năm 1580. Ngài là bề trên của năm vị tử đạo. Juanillo và đồng bọn đã giết Cha Blas vào ngày 16-9 tại làng Tupiqui (gần Eulonia bây giờ).
Cha Miguel de Anon đến Georgia năm 1595; Thầy Antonio de Badajoz cũng đến đây năm 1587. Họ cùng làm việc ở bán đảo St. Catherine khi Juanillo và đồng bọn đã giết các ngài vào ngày 17-9.
Cha Francisco de Berascola đến Geogia từ 1595 và thành lập "Misión Santo Domingo de Asao" trên đảo St. Simon. Ngài bị Juanillo giết vào ngày 18-9. Vào năm 1605 công cuộc truyền giáo cho người Guale được tái lập. Họ lại tiếp tục phát triển cho đến khi thực dân Anh đến và tiêu diệt họ vào năm 1702.
Suy niệm 1: Hôn nhân Kitô Giáo
Năm vị tu sĩ này bị tử đạo ở Georgia vì họ chống đối chế độ đa thê trong hôn nhân Kitô Giáo.
Một đặc tính cơ bản của hôn nhân Kitô Giáo là đôi phối ngẫu nam nữ phải chung thủy với nhau một vợ một chồng đến suốt đời, chỉ khi nào một trong hai người chết thì người còn sống mới có quyền được tái giá nếu muốn, tuy nhiên không thiếu trường hợp người còn sống vẫn chấp nhận ở góa đến mãn đời và thường là giới nữ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Cha Pedro de Corpa và các linh mục không dạy giáo huấn một vợ một chồng trong hôn nhân Kitô Giáo? Họ sẽ phản bội chính Phúc Âm mà vì đó họ đến rao giảng. Theo Chúa Giêsu luôn luôn dẫn đến những lựa chọn khó khăn mà cuối cùng là thập giá.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bậc vợ chồng luôn sống thủy chung ngay cả trong phạm vi tư tưởng.
Suy niệm 2: Đa thê
Juanillo, con trai vị tù trưởng, sa vào đường đa thê. Thật ra chế độ đa thê và ly dị đã có từ xưa trong xã hội, nhưng nó được đặt lại cho dân Chúa từ thời ông Maisen. Chính ông đã cho phép hợp thức hóa, quy định luật và làm thành thủ tục (Đnl 24,1).
Luật này vẫn tồn tại cho tới thời Chúa Giêsu. Luật tuy đã có đấy, nhưng người biệt phái muốn Chúa Giêsu phải xác định rõ ràng xem người đàn ông có được phép rẫy vợ không, có ý gài bẫy Chúa, để Ngài phải trả lời, và trả lời thế nào cũng gặp nguy hiểm. Nhưng Chúa Giêsu không trả lời có hay không mà chỉ dùng Kinh Thánh để nhắc nhở cho người ta phải trở về nguồn gốc ý định đầu tiên của Thiên Chúa khi dựng nên loài người: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).
Ngày nay Giáo Hội vẫn trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu, và luôn khẳng định đặc tính “vĩnh viễn” của hôn nhân Công Giáo. Không ai có quyền hủy bỏ giao ước hôn nhân hợp pháp, vì đây là luật của Chúa. Luật bất ly dị xem ra là một luật khắt khe và khó khả thi, nhưng với ơn Chúa trợ giúp, chúng ta có thể thực hiện được, và nhờ đó Giáo Hội cũng như xã hội càng thêm vững chắc, gia đình dễ tìm được hạnh phúc (Lm Giuse Đinh Lập Liễm).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bậc hôn nhân không chỉ sống cho mình mà còn cho con cái và mọi người.
Suy niệm 3: Trả thù
Juanillo bỏ đi, nhưng thực ra là để tìm cách trả thù các tu sĩ. Vào thời Cựu Ước, việc trả thù chẳng những được xem như là một sự kiện bình thường mà còn hiểu như một hành vi công bình và hợp pháp chiếu theo luật “Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Đnl 19,21), vì chính Thiên Chúa cho phép trả thù (St 4,15;Tl 11,36). Do đó chính Môsê cũng hô hào dân chúng ra trận tiến đánh Mađian để trả thù (Ds 31,3), cũng như Samsôn kêu xin cùng Chúa cho hồi phục sức mạnh để trả thù quân Philitinh (Tl 16,28).
Tuy nhiên việc trả thù chỉ được phép dành cho đối phương không cùng chủng tộc, còn ngược lại thì phải yêu thương nhau (Lv 19,18). Đường hướng này đã được Đức Giêsu ở thời Tân Ước mở rộng và giải thích cách chí lý: Vì toàn thể nhân loại đều có cùng một Cha chung trên trời (Mt 6,9;23,9), nghĩa là tất cả đều là anh chị em với nhau, nên chỉ phải yêu thương nhau chứ không được trả thù (Mt 5,43-48).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống đức ái trọn hảo đúng như lời Chúa chỉ dạy.
Suy niệm 4: Bề trên
Cha Blas de Rodriguez từ Tây Ban Nha đến Florida năm 1580. Ngài là bề trên của năm vị tử đạo. Ngài là bề trên tức là người lớn hơn cả nên phải là người phục vụ anh em (Mt 23,11), như một người chủ phục vụ cho đầy tớ (Lc 12,37), chứ không phải chỉ ra lệnh theo ý đồ thâm độc của mình (2Sm 11,15) hoặc theo lợi ích của mình (1V 21,15).
Chính Đức Giêsu đã nêu gương phục vụ khi tuyên bố: Con Người đến không để được phục vụ mà phục vụ đến mức hiến mạng (Mt 20,28), và khẳng định: Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ (Lc 22,27), cũng như thực hiện trong hành động cụ thể qua việc rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,13-14).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị bề trên sống được đặc điểm của mình là phục vụ như gương Chúa để lại.
Suy niệm 5: Cùng làm việc
Họ cùng làm việc ở bán đảo St. Catherine. Thật là một tấm gương sáng chói, vì cùng làm việc chung với nhau không phải là một việc dễ dàng thực hiện do nhiều yếu tố khác biệt nhau, chẳng hạn tính khí, sở thích, ý kiến, trình độ hiểu biết, óc sáng tạo, cách xử sự, đặc biệt trong một môi trường xa lạ.
Vào thời thánh Phaolô, giáo đoàn Côrintô cũng đã gặp phải khó khăn này đến mức gần như chia rẽ nhau thành phe phái, hoặc theo Phaolô hoặc theo Apôlô (1Cr 3,4). Hoặc ngay từ thời Chúa Giêsu, dầu chưa đến mức chia rẽ nhau nhưng các tông đồ cũng đã từng tức giận hai anh em con bà Dêbêđê khi xin được ngồi vào chỗ danh dự trong nước Chúa (Mt 20,24), để rồi sau đó tranh cãi nhau xem ai là người lớn (Mc 9,34).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khiêm tốn nhận ra vị trí của mình như một chi thể bổ túc cho sức sống cộng đoàn (Ep 4,16).
Suy niệm 6: Giết
Cha Francisco de Berascola… bị Juanillo giết vào ngày 18-9. Vào năm 1612 quan toàn quyền của St. Helen (gồm Florida và Cuba) phúc trình về vua Tây Ban Nha: "Mặc dù người thổ dân không giết các linh mục vì đức tin, chắc chắn họ bị tử đạo vì luật của Thiên Chúa mà tôn giáo dạy họ.
Đây chính là lý do mà người thổ dân từ bỏ đạo cũ và vẫn còn tuyên xưng... Người ta được biết ở phần đất này, kể từ sau cái chết của những người thánh thiện, dân này (thổ dân Guale) dễ bảo và hiền hòa hơn."
Cái chết của các chứng nhân đức tin quả mang đầy ý nghĩa và có giá trị. Sứ mạng truyền giáo của các ngài đã hoàn thành không chỉ bằng lời mà nhất là còn bằng cái chết như một minh chứng cho những lời các ngài rao giảng. Và mặc dầu người dân ở vùng đất này chưa đón nhận đức tin tất cả, vì các tập tục có liên quan đến hôn nhân như chế độ đa thê không phù hợp với giáo lý công giáo, nhưng tính khí hung bạo đến mức trả thù một cách hiếu sát đã được cải hóa bằng thái độ sống dễ bảo và hiền hòa của Tin Mừng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết chấp nhận làm thân phận hạt lúa phải mục nát để trổ sinh được hoa trái tốt lành (Ga 12,24).