Thánh PORCARIUS VÀ CÁC BẠN
Lược sử
Vào thế kỷ thứ năm,
một đan viện thật lớn
được xây cạnh bờ biển Provence, thuộc miền nam nước Pháp ngày nay. Đan viện ấy
được gọi là đan viện Lerins với nhiều đan sĩ thánh thiện. Vào thế kỷ thứ tám, cộng đồng Lerins gồm các đan sĩ, đệ
tử sinh, sinh viên và thanh niên muốn đi tu trở thành đan sĩ. Tất cả có trên
500 người.
Khoảng 732, Đan Viện
Trưởng Porcarius được mặc khải cho biết
trước một hiểm họa. Đan viện sẽ bị tấn công bởi những người xâm lăng mọi rợ.
Đan Viện Trưởng Porcarius cho tất cả các sinh viên và ba mươi sáu đan sĩ lên
một chiếc thuyền để thoát cảnh hiểm nghèo. Nhưng vì không còn chiếc thuyền nào
nữa, ngài quy tụ tất cả những người còn lại trong cộng đoàn với nhau. Không ai
than phiền là bị bỏ rơi. Nhưng, tất cả cùng cầu nguyện để xin sự can đảm. Họ cũng cầu xin Thiên Chúa ban cho họ
được ơn tha thứ kẻ thù nghịch.
Không bao lâu, giặc
Saracen từ Tây Ban Nha hoặc Bắc Phi đổ bộ lên đất liền. Họ tấn công các đan sĩ,
đúng như vị đan viện trưởng đã tiên đoán. Các đan sĩ cầu nguyện và can đảm
khuyến khích nhau chịu đau khổ và chịu chết vì Đức Kitô. Kẻ xâm lăng xâu xé các
nạn nhân và giết chết tất cả, ngoại trừ bốn người chúng bắt làm nô lệ.
Thánh Porcarius và các
đan sĩ ở Lerins đã được phúc tử đạo vì Đức
Giêsu Kitô.
Suy niệm 1: Đan viện
Một đan viện thật lớn được xây cạnh bờ biển Provence.
Đan viện theo tiếng Latinh có nghĩa là Abbatia, có nghĩa là một đan viện do
một đan viện phụ hay một đan viện mẫu quản trị. Để thiết lập một đan viện, cần
phải hội đủ số đan sĩ. Trước kia, đó là một tu viện có một tu viện trưởng điều
hành.
Đan viện phụ (đan viện mẫu) theo tiếng Hipri có nghĩa là người cha, còn
trong tiếng Aram có nghĩa là bố. Như thế đan viện phụ là người cha của một cộng
đoàn đan tu. Bình thường đan viện phụ được bầu giữ chức vụ này suốt đời, vì
trong một gia đình, người ta không thay đổi người cha theo hạn kỳ. Đan viện phụ
được quyền ban phép lành, một trong những phụ tích cao quý của Hội Thánh. Vào
những dịp đại lễ, đan viện phụ có thể sử dụng những phẩm hiệu dành riêng cho giám
mục (gậy, mũ), là biểu tượng quyền tài phán như một người cha đối với đan viện.
Mặc dù không là giám mục, nhưng trách vụ của đan viện phụ cũng tương tự như một
sứ mệnh chủ chăn của đấng kế vị các tông đồ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin gìn
giữ các đan viện không gặp phải hiểm họa như đan viện Lerins.
Suy niệm 2: Thánh
thiện
Đan viện ấy được gọi là đan viện Lerins với nhiều đan sĩ thánh thiện.
Sự thánh thiện của các đan sĩ cho thấy sự thánh thiện của vị đan viện phụ,
vì thượng bất chính thì hạ tác loạn, nhưng ở đây thì không như thế mà trái
thánh thiện thì được sinh ra từ cây thánh thiện, được đánh dấu bằng việc vị đan
viện phụ được ơn mặc khải về một hiểm họa sắp xảy ra.
Còn sự thánh thiện của các đan sĩ thì được bày tỏ trong việc tuyệt đối vâng
theo sự sắp xếp của vị đan viện phụ, khi lệnh họ lên một chiếc thuyền để thoát
cảnh hiểm nghèo. Nhất là trong tình cảnh thập tử nhất sinh này, dầu không được
lên thuyền vì sức chứa có hạn, nhưng không một ai than phiền là bị bỏ rơi.
Những người còn ở lại thì không nhốn nháo và xao xuyến, nhưng chuyên tâm cầu
nguyện.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
các đan viện luôn ứ tràn những đan sĩ thánh thiện như một đan viện Lerins.
Suy niệm 3: Mặc khải
Đan Viện Trưởng Porcarius được mặc khải cho biết trước hiểm họa.
Mặc khải hay mạc khải dịch từ chữ Latinh là “revelatio” với nghĩa hành vi
vén mở tiết lộ, gốc từ chữ Hy Lạp là “apocalypsis” với nghĩa là vén màn che
lên, tức là tỏ ra cho biết.
Theo nguyên ngữ, “khải” là mở ra và “mặc hay mạc” là yên lặng, thanh tịnh.
Như thế mặc khải hay mạc khải là mở ra cho biết một điều thiêng liêng. Với
trường hợp của Pancratius thì đó là một hiểm học sắp xảy ra trong tương lai.
Còn xét về mặt thần học, mặc khải hay mạc khải là Chúa để lộ ra chính mình Chúa
và thánh ý Chúa cho các loài thụ tạo. Nói cách khác mặc khải hay mạc khải là
Thiên Chúa tỏ bày mầu nhiệm của Người cho nhân loại qua trung gian loài người
như một Môsê, một Êlia, nhất là qua Đức Giêsu. Đến lượt mình, Đức Giêsu lại tỏ
cho các tông đồ biết mọi bí nhiệm và ý định của Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con
cảm tạ Chúa đã ban ơn huệ mặc khải cho chúng con, xin giúp chúng con đáp trả
bằng việc sống và lưu truyền ơn huệ này cho hậu thế.
Suy niệm 4: Cầu
nguyện
Tất cả cùng cầu nguyện.
Một nội dung cầu nguyện thật đáng lưu tâm, vì như một gương soi cho bao
người đang gặp hoàn cảnh tương tự. Họ không cầu xin Chúa dùng quyền năng để cứu
thoát họ khỏi hiểm họa đang ập tới với cái chết gần kề.
Nhưng họ xin sự can đảm để đón nhận thảm kịch và trung kiên với Chúa đến
cùng. Họ cũng cầu xin Thiên Chúa ban cho họ được ơn tha thứ kẻ thù nghịch, theo
gương Chúa trên thập giá xưa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn cầu nguyện theo hướng tích cực chứ không tiêu cực.
Suy niệm 5: Nô lệ
Kẻ xâm lăng xâu xé các nạn nhân và giết chết tất cả, ngoại trừ bốn người
chúng bắt làm nô lệ.
Nô lệ là những người thuộc sở hửu và điều khiển của người khác, gần như
không có quyền hạn gì, không có tự do đi lại, và không được trả lương, ngoài
những nhu cầu tối thiểu như thức ăn, quần áo và chỗ ở. Từ người hầu không đồng
nghĩa với nô lệ, ở chỗ đây là người, có nhân quyền, trong khi nô lệ không được
coi là người mà là một vật, một thứ tài sản, tương đương với dụng cụ hay súc
vật, để rồi có thể hoán đổi hay mua bán.
Theo quy ước về Nô Lệ năm 1926, chế độ nô lệ là tình trạng hay hoàn cảnh
của một người không có quyền tự do bỏ trốn, bỏ chủ hay bỏ khu vực mình đang
sống nếu không có phép hay giấy thông hành, và nếu làm thế sẽ bị bắt đem về trả
về lại cho chủ nhân. Chế độ này cần một xã hội chấp thuận nó, từ liên kết giữa
các chủ nhân nhiều thế lực hay tài chánh đến các cơ quan điều hành chính quyền
địa phương. Ngày nay việc cưỡng ép lao động cũng được xem như một hình thái nô
lệ mới.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con chung tay tận diệt cảnh người bóc lột người, nhất là về mặt tinh
thần.
Suy niệm 6: Tử đạo
Thánh Porcarius và các đan sĩ ở Lerins đã được phúc tử đạo vì Đức Giêsu
Kitô.
Thánh Tử Đạo là những người bị đánh đập tra tấn cho đến chết, nhưng họ vẫn
quyết giữ đức tin của mình,thường thường thì chỉ là người có đạo. Trong Kitô
giáo, Thánh Tử Đạo được xem như là mẫu hình tượng theo Đức Giêsu chịu chết để
hiến tế mình ví người khác. Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, ước
tính có tới hàng trăm ngàn người đã làm chứng đức tin Kitô giáo. Trong số đó có
118 vị tử đạo, 117 vị đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh vào
ngày 19/6/1988 và Anrê Phú Yên được phong Chân Phước ngày 5/3/2000.
Trong lịch sử của Kitô giáo, từ thời sơ khai thì Kitô hữu đã bị ngược đãi
bởi đế quốc La Mã, người tử đạo thường chết vì tin đạo, họ biết họ sẽ bị giết
nếu không chịu bỏ đạo, nhưng dường như họ không sợ vì tin rằng sẽ được vinh
danh trên thiên đàng. Thánh Tử Đạo thường không có ý định bảo vệ cho mình, cứ
mặc cho người khác đánh đập hay giết để chứng minh đức tin với Đức Giêsu và
cũng một mặt tôn vinh cái chết của Người.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con can đảm tuyên xưng Danh Chúa trước mặt người đời để được Chúa đón
nhận vào Nước Chúa (Lc 12,8)