THẬP GIÁ, CHIẾN THẮNG CỦA
TÌNH YÊU
Thập giá rực sáng tình yêu trở nên
niềm vinh dự của mọi người, và là một bài giảng tuyệt diệu về tình yêu Chúa hơn
mọi lời khôn khéo.
Ngày Noel năm 1944, quân đội đồng minh
đang chiếm lại nước Pháp. Tại ngôi làng Baccarat, các người phụ nữ đứng xếp hàng
lãnh khẩu phần. Một bà già yếu quá, đứng không
nổi, nên phải ngồi ra ngoài hàng, tay cầm một cái lon. Thấy thế, anh
lính Mỹ James Kilpatrick bước tới tặng cho bà khẩu phần của anh, rồi trong
thời gian còn đóng quân ở Baccarat, anh thường đến thăm và an ủi bà
trong cảnh lẻ loi.
Nhiều năm sau khi hồi hương, người ta báo cho anh biết là có
một phụ nữ Pháp tên là Marchal qua đời để lại cho anh 50 ngàn đôla. Đó là người mà
ngày xưa anh đã đối xử như một người thân thuộc. Từ đó anh
có đủ tiền để thực hiện giấc mộng của mình là đóng vai ca sĩ trong phim, và anh trở thành
nghệ sĩ Jimmy nổi tiếng đã hát trong nhiều phim có giá trị.
Jimmy thành đạt trong mơ ước trở nên một tài tử phần lớn nhờ vào một hành động nhỏ bé mà
quí giá của ơn gọi làm người, là sống bác ái.
Đến cứu độ trần gian, Đức Kitô cũng không làm gì khác hơn là sống và rao giảng một tình
yêu tuyệt đối, yêu đến cùng: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Nhưng yêu đến cùng lại được Đức Kitô
trình bày rất đơn giản, là “yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,33).
Cái chết trên thập giá của Đức Kitô là mẫu mực và thước đo cho
tình yêu đó. Cái vĩ đại của tình yêu Chúa trên thập giá không nằm ở những nhục hình
mà Chúa phải chịu, vì người ta có thể kể ra nhiều loại nhục hình
khác còn kinh khủng hơn. Cái lớn lao vĩ đại thấy được trong
cuộc khổ nạn của Đức Kitô là lòng thương cảm muốn chia sẻ thân phận tội lỗi của con người, là hạ mình phục vụ, là trở nên tấm bánh bẻ ra cho
mọi người, mà thập giá là bài tình ca toát lược cho tình yêu của Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa,
… nhưng đã hoàn
toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Bởi đó, giữa cuộc sống đau khổ truân chuyên, khi nhìn lên thập giá,
ai cũng được an ủi khi nhìn thấy thập giá của Đức Kitô
là sự chia sẻ những đớn đau trong tinh thần và thể xác, là
sự thông cảm của người cùng một da một thịt: Khi bị kéo giãn ra chịu đóng đinh, khi bị nhổ nước bọt vào mặt, khi bị lột trần trên
thập giá là lúc Thiên Chúa nhập thể như đang chia sẻ cái đau của một bào
thai vô tội bị cắt xẻ, cái nhục nhã của người thấp cổ bé miệng, cái rét lạnh của kẻ nghèo túng.
Không ai có thể tìm được ở đâu một lời giải thích cho thập giá của Đức Kitô -
Thiên Chúa nhập thể, ngoài mấy chữ đơn giản “Thiên Chúa là
tình yêu.” Vì thế mà thập giá rực sáng tình yêu trở nên niềm vinh dự của mọi người, và là
một bài giảng tuyệt diệu về tình yêu Chúa hơn mọi lời khôn khéo: “Đức Ki-tô … sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu” (1Cr 1,17).
Thập giá vừa
mặc khải tình yêu bao la của Thiên Chúa cho nhân loại, vừa chỉ đường cho mỗi người đến gần, và được chia sẻ sự sống của chính
Chúa. Càng chết đi cho chính mình và trở nên con số không
vì yêu thương, người ta càng sống sự sống của Thiên
Chúa.
Vì thế
mà thập giá chiếm một chỗ quan trọng không thể thay thế được trong
cuộc sống của Đức Kitô. Cả bốn Phúc âm đều tường thuật cách chi tiết cuộc khổ nạn của Đức Kitô;
riêng Phúc âm Gioan, có tất cả 21 chương nhưng cuộc khổ nạn của Đức Kitô chiếm 8 chương, bắt đầu từ chương 13.
Nói cách khác, thập giá là con đường để tỏ lộ tình
yêu của Thiên Chúa và thần hoá con người mà Đức Kitô -
Thiên Chúa nhập thể - đã sống và rao giảng cho tất cả những ai muốn theo
Ngài: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá
mình mà theo” (Mt 16,24).
Có một thiếu nữ nô lệ da đen đạo đức và trung thành nên được chủ quí mến. Mỗi khi chọn thêm đầy tớ mới, ông để cô chọn lựa giùm
ông. Một hôm cô lại chọn một ông già có tật. Ông
chủ nhất định không chịu mua vì nghĩ rằng hắn chẳng được việc gì, nhưng cô nữ tì đó cứ nài nỉ mãi nên
buộc lòng ông phải mua người nô lệ già cả tật nguyền đó.
Ít lâu sau, người nô lệ già này bị bệnh nặng và được cô nữ tì đó săn sóc với tình cảm như một người con thảo. Ông
chủ ngạc nhiên hỏi:
- Ông
ấy là cha cháu hay sao mà cháu chăm sóc kỹ như thế.
- Thưa
ông, đó không phải là bố cháu, cũng không phải là bà con của cháu, mà còn
là kẻ thù của cháu nữa. Khi cháu còn
nhỏ, ông ta
đã bắt cóc
cháu để bán như một đứa nô lệ. Cháu làm thế, vì cháu tin
vào chiến thắng sau cùng của tình yêu Đức Kitô.
Tình yêu Đức Kitô đã chiến thắng, và
cây thập giá được dựng lên khắp nơi. Ở đâu có cây thập giá ở đó vang lên lời ca “Đây là cây thánh
giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian - chúng
ta hãy đến thờ lạy.”
Hãy đến thờ lạy!
Thập giá, tình yêu hiến mình vì tha nhân, có làm chủ cuộc đời của tôi?