Tản Mạn Dưới Trăng Thu
Ðức Mẹ Maria được vẽ hay chạm khắc đứng trên vầng
trăng hình lưỡi liềm nói lên sức mạnh do Thiên Chúa tạo dựng làm nên cùng chiếu
tỏa một đời sống mới trọn vẹn tràn đầy.
Tết Trung Thu tại Việt Nam
không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm
tháng Tám âm lịch và cũng có nhiều ý kiến về nguồn gốc của nó. Theo các nhà khảo
cổ học thì Tết Trung Thu (còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết Đoàn Viên) ở
Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Có lẽ Tết
Trung thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng đồng bằng châu thổ
sông Hồng của Việt Nam và Nam Trung Hoa. Việt Nam là một nước nông nghiệp nên
nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh
thơi”, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung Thu.
Các năm gần đây, do thời
tiết địa cầu biến đổi và miền Nam “hai mùa mưa – nắng”, nên thiếu nhi thường phải
vui Tết Trung Thu trong nhà vì những cơn mưa ập xuống bất chợt. Nhưng ở miền Bắc
trước kia, rằm tháng 8 là thời kỳ thời tiết đẹp nhất, trời trong xanh, gió hiu
hiu thổi, không khí mát mẻ, mặt trăng tròn đầy sáng vằng vặc, có thể đọc sách
được. Trẻ con trông trăng để bay bổng cùng chị Hằng Nga, cây đa, chú Cuội, mong
đợi được ba mẹ tặng đồ chơi, thường là lồng đèn ông sao, con tôm, con cá ... rồi
bánh nướng, bánh dẻo.
Dưới ánh trăng các em nhỏ
rủ nhau xếp thành từng hàng, rồng rắn nhau rước đèn, múa sư tử. Thời điểm trăng
lên cao, trẻ em sẽ tụ nhau lại vừa ngắm trăng vừa phá cỗ. Người lớn thì tổ chức
bày cỗ, trông trăng kiếm tìm hy vọng cơm áo năm sau. Bằng kinh nghiệm dõi theo
chu kỳ của tạo hóa, người xưa đoán định mùa vụ qua ánh trăng đêm Trung Thu:
trăng màu vàng trúng mùa tằm tơ, trăng xanh lục báo hiệu thiên tai, trăng màu
cam đất nước thái bình thịnh trị hay “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời
mưa”…
Theo trình thuật của sách
Sáng Thế, mặt trăng là hành tinh do Thiên Chúa tạo dựng trên nền trời vào ngày
sáng tạo trời đất thứ tư, để chiếu soi ánh sáng vào ban đêm. “Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng
sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người
cũng làm ra các ngôi sao.” (St 1,15). Mặt trời và mặt trăng là hai hành tinh
do Thiên Chúa tạo thành ngay từ thuở sáng tạo vũ trụ trời đất. Cả hai có hình
thể to lớn khác nhau và vị trí làm việc cũng như hoạt động không giống nhau: mặt
trời rực lửa chiếu ánh sáng ban ngày và mặt trăng thanh thoát tỏa sáng ban đêm.
Từ xa xưa, ở Á Đông người
ta đã coi trọng mặt trăng và mặt trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm mặt
trăng chỉ sum họp với mặt trời mỗi tháng một lần vào cuối tuần trăng. Sau đó, từ
ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương
quang - trở thành trăng non, trăng khuyết, trăng tròn, để rồi lại đi sang một
chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Ở Châu
Âu, thần mặt trăng “Artemis“ trong thần thoại Hy-lạp và “Lucina“ trong thần thoại
Rô-ma là quan thầy bổn mạng của sinh sản, đồng thời cũng là nữ thần của các
trinh nữ.
Trong Kinh thánh, lối suy
diễn này được quy chiếu nơi Ðức Mẹ Maria: là người mẹ sinh con nhưng vẫn còn đồng
trinh. Ðức Mẹ Maria được vẽ hay chạm khắc đứng trên vầng trăng hình lưỡi liềm
nói lên sức mạnh do Thiên Chúa tạo dựng làm nên cùng chiếu tỏa một đời sống mới
trọn vẹn tràn đầy. Vì thế, mặt trăng được đặt dưới chân Đức Mẹ Maria như trong
sách Khải Huyền của Thánh Gioan diễn tả: “Có
một điềm lớn xuất hiện trên trời : một Phụ nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp vầng
trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Sách Diễm ca
cũng đã ca tụng vẻ đẹp của Mẹ lộng lẫy như mặt trời và diễm lệ như vầng trăng
sáng trong đêm tối: “Kìa bà nào xuất hiện
như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như
đạo binh chỉnh tề hàng ngũ.” (Dc 6,10).
Thật là một sự trùng hợp
tuyệt vời khi người Việt Nam và người Trung Hoa tổ chức lễ Trung thu vào ngày rằm
tháng Tám âm lịch để ca ngợi vẻ đẹp của vầng trăng, thì người Công Giáo cũng mừng
kính lễ Sinh nhật Đức Trinh nữ Maria. Ngay trong ca nhập lễ, Giáo Hội đã mời gọi:
“chúng ta hãy hân hoan với tất cả tâm hồn,
mừng kính việc sinh ra của Đức Trinh Nữ Maria, từ nơi Người đã xuất hiện Mặt Trời
Công Chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Câu xướng trước Phúc Âm cũng
ca tụng: “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria,
Mẹ diễm phúc, Mẹ xứng đáng mọi lời ca tụng; vì từ nơi Mẹ đã xuất hiện Mặt Trời
Công Chính là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!”
Mặt Trời Công Chính trong
cung lòng Mẹ là Ánh Sáng thật, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, tức là phản ánh hình ảnh
của Chúa Cha là cội nguồn ánh sáng. Ánh sáng Chân Lý đó được Mẹ Maria là một thụ
tạo hoàn hảo của Thiên Chúa đón nhận để rồi Mẹ thông truyền cho thế gian. Vì thế
Mẹ đã được ví như một vầng trăng thanh với ánh sáng dịu dàng, thanh thoát nối
tiếp mặt trời chiếu sáng ban đêm. Có thể nói: Chúa Giêsu càng tỏ hiện ra, vai
trò của Đức Mẹ càng mờ nhạt đi. Ánh sáng Mặt Trời của Chúa Giêsu Kitô càng chiếu
tỏ hiện, Vầng Trăng Maria Mẹ Thiên Chúa càng lùi vào bên trong, biến dần sang vầng
trăng khuyết lưỡi liềm.
Dưới vầng trăng thu tỏa
sáng ánh quang huyền ảo của Mẹ Maria, chúng ta cùng cầu xin Chúa ban phúc lành
cho con em chúng ta và trẻ em toàn thế giới như lời Chúa trong Thánh lễ tết
Trung Thu: "Cứ để trẻ em đến với Thầy,
đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.”
(Mc 10,14). Xin Chúa ban cho các em luôn biết tin tưởng phó thác, vâng lời, đơn
sơ và thật thà như Chúa Giêsu trong gia đình Nazareth xưa.
Xin Chúa ban cho chúng ta
cũng học được những đức tính đáng yêu của con trẻ để được cùng vào Nước Thiên
Chúa và được hưởng những đêm trăng thu huyền nhiệm cùng Mẹ Maria, Thánh Giuse
và các Thánh là những Đấng đã luôn sống đẹp lòng Chúa. Xin cho chúng ta luôn biết
chung tay xây dựng gia đình thành một công đoàn cầu nguyện, sống tình yêu chung
thủy và bảo vệ sự sống đồng thời góp phần vào việc loan báo Tin Mừng của Chúa
cho mọi người chúng ta gặp gỡ hàng ngày trong năm Tân Phúc âm hóa Gia đình.
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
Mùa Trung thu Giáp Ngọ
2014