THỨ HAI - TUẦN 23
Bài đọc 1 Năm lẻ
Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử
thách Chúa Kitô còn phải chịu, thì tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì ích
lợi cho thân thể ngài là Hội Thánh. (Cl 1,24).
W.O Saunders viết về cha của ông như sau: "Tôi đã thấy người vá giày vất vả cả giờ
để lôi những con ốc rỉ khỏi tấm ván để sửa chữa khi vá hàng rào, nhờ đó tôi được
mang những đôi giày tốt hơn và được nhàn rỗi hơn người.” Tất cả chúng ta có
thể nhớ lại một hy sinh tương tự của cha mẹ đối với chúng ta. Nhưng các ngài chịu
đựng một cách vui vẻ, cũng như thánh Phaolô đã vui vẻ chịu đựng vì những người
ngài chăm sóc.
Tôi có kiên nhẫn chịu đựng cách vui vẻ để giúp đỡ những người thân
yêu và những người cần đến tôi không?
Ai giúp anh em là giúp chính mình (Seneca).
Bài đọc 1 Năm chẵn
Anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối
dậy bột sao? Anh em hãy loại trừ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh
không men (1Cr 5,6.7).
Cuốn sách của Robert Louis Stevenson:
"Tiến sĩ Jekyll và ông Hyde" bi kịch hóa sự thật đáng sợ theo đó nhân
loại là một hỗn hợp giữa ánh sáng và bóng tối, giữa phẩm hạnh và nết xấu, giữa
thánh thần và tội nhân. Trái tim chúng ta là chiến trường, nơi diễn ra cuộc chiến
không ngừng giữa thiện và ác. Kết quả của cuộc chiến đó là số phận vĩnh cửu của
cuộc sống mai hậu. Chính chúng ta là người quyết định đôi cánh đưa ta lên đỉnh
cao của sự sống hoặc dìm ta trong vũng lầy sự chết.
Điều gì tôi có thể tạo lúc này để tạo cơ may chiến thắng trong cuộc
chiến chống lại sự dữ?
Sai lầm là chuyện thường tình của con người. Nhưng khi cục tẩy
mòn trước cây viết, tức là bạn đang lạm dụng cục tẩy quá mức (John Jenkins).
Bài Tin Mừng
[Một người có bàn tay khô bại đến hội trường vào ngày Hưu lễ. Những
kẻ thù của Chúa Giêsu rình xem Ngài có chữa bệnh trong ngày Hưu lễ không. Chúa
Giêsu bảo người bại tay:] "Anh giơ tay ra.” Anh ta làm như vậy và tay anh liền
trở lại bình thường (Lc 6,10).
Một ngày nọ, Chúa Giêsu hiện ra với một tu
sĩ già là người giữ cổng tu viện. Chính lúc Chúa xuất hiện, thì chuông báo đã đến
giờ phải cho những người nghèo ở cổng tu viện ăn. Vị tu sĩ bị dằng co giữa Chúa
Giêsu và những người nghèo. Nhưng rồi ông quyết định để Chúa Giêsu lại và đi đến
với người nghèo. Khi trở lại, ông thấy Chúa Giêsu vẫn ở đó. Ngài nói với ông: "Nếu con đã không đến để cho người
nghèo ăn, Ta cũng chẳng ở lại.”
Câu truyện trên đây và bài Tin mừng hôm nay
có cùng một ý tưởng: Việc giúp đỡ kẻ túng thiếu cần được ưu tiên hơn cả việc thờ
phượng và cầu nguyện.
Tôi có đặt việc ưu tiên cho kẻ túng thiếu không? Tại sao?
Những ai làm ngơ trước kẻ túng thiếu, thì dù người đó có kêu gào
thì cũng chẳng được ai lắng nghe. (Ngạn ngữ Do thái)