Thánh EUSEBIUS Ở VERCELLI
(283?-371)
Lược sử
Có người nói nếu không
có lạc giáo Arian có lẽ
thật khó để viết về cuộc đời của nhiều vị thánh tiên khởi. Thánh Eusebius là
một trong những vị bảo vệ Giáo Hội
trong thời kỳ nhiều thử thách.
Sinh ở đảo Sardinia,
ngài là một thành viên của giáo sĩ Rôma và là giám mục đầu tiên của Vercelli
thuộc Piedmont. Ngài cũng là người đầu tiên kết hợp đời sống đan viện với đời
sống giáo sĩ, qua sự thành lập một cộng đoàn các tu sĩ
trong giáo phận.
Ngài được Đức Giáo
Hoàng Liberius sai đến gặp hoàng đế Constantius để thuyết phục nhà vua triệu
tập một công đồng nhằm giải
quyết các khó khăn giữa Công Giáo và Arian. Lúc đầu nhà vua đe dọa giết ngài,
nhưng sau đó lưu đầy ngài đến
Palestine.
Đức Eusebius tham dự
Công Đồng Alexandria với Đức Athanasius và chấp thuận khoan hồng cho các giám mục
trước đây theo phe Arian. Ngài còn cộng tác với Thánh Hilary ở Poitiers để
chống với lạc giáo Arian.
Suy niệm 1 : Lạc
giáo Arian
Có người nói nếu không có lạc giáo Arian có lẽ thật khó để viết về cuộc đời
của nhiều vị thánh tiên khởi.
Nguyên lý căn bản của lạc thuyết Arian là từ chối thiên tính của Đức Kitô
và bởi đó, họ cũng từ chối thiên tính của Chúa Thánh Thần. Được sự hậu thuẩn
của Hoàng Đế Constantius, họ cũng mạnh dạn có những hành động đàn áp.
Chẳng hạn tại Palestine, phe Arian kéo Đức Eusebius lê lết trên đường phố
và giam ngài trong một căn phòng nhỏ, và sau bốn ngày ngài tuyệt thực để phản
đối họ mới thả ngài ra, nhưng được một ít lâu, họ lại tiếp tục hành hạ ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn kiên vững đức tin đừng xiêu theo các tà thuyết dầu gặp trăm bề
gian khổ.
Suy niệm 2 : Bảo vệ
Thánh Eusebius là một trong những vị bảo vệ Giáo Hội trong thời kỳ nhiều
thử thách.
Phải kể đến Thánh giám mục Athanasius. Ngài bảo vệ đức tin chân chính cho
đàn chiên, bất kể giá phải trả: Nào là bị Hoàng Đế Constantine trục xuất đến
miền bắc nước Gaul. Nào là bị truất phế vì sự liên hiệp của các giám mục theo
phe Arian. Nào là bị lưu đầy mười bảy năm chỉ vì bảo vệ tín điều về thiên tính
của Đức Kitô.
Còn Thánh giám mục Hilary chẳng những viết bản cáo trạng sắc bén lên án
hoàng đế về tội bao che tà thuyết Arian, mà còn từ chối không ký vào bản kết án
Đức Athanasius, nên bị trục xuất khỏi nước Pháp đến vùng Phrygia hẻo lánh. Giữa
cảnh lưu đày, Đức Hilary vẫn không ngừng viết lách nhằm bảo vệ Giáo Hội.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con can đảm tiếp nối sứ vụ bảo vệ Giáo Hội bằng đời sống của một chứng
nhân đức tin.
Suy niệm 3 : Cộng đoàn
Đức Eusebius cũng là người đầu tiên kết hợp đời sống đan viện với đời sống
giáo sĩ, qua sự thành lập một cộng đoàn các tu sĩ trong giáo phận.
Ngài tin tưởng rằng phương cách tốt nhất để thánh hóa giáo dân là để họ
nhìn thấy các giáo sĩ được đào tạo trong một cộng đoàn nhân đức và sống động.
Niềm tin tưởng này đã được xác minh trong một Sắc Lệnh:
"Để việc chăm sóc các linh hồn có hiệu quả, các linh mục được yêu cầu
sống chung trong một cộng đoàn, nhất là những ai sinh hoạt trong cùng một giáo
xứ. Nếp sống này không những khích lệ giáo dân hoạt động tông đồ, mà còn là một
gương mẫu của lòng bác ái và sự hiệp nhất cho người tín hữu" (Sắc Lệnh về
Nhiệm Vụ Mục Vụ của Giám Mục, 30).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con thấy được giá trị của lối sống cộng đoàn, để vượt qua được mặt tiêu
cực qua cách nói: chung đụng.
Suy niệm 4 : Công
đồng
Nhà vua triệu tập một công đồng nhằm giải quyết các khó khăn giữa Công Giáo
và Arian.
Khi công đồng được triệu tập ở Milan, vì cảm thấy khối Arian đang thắng
thế, mặc dù người Công Giáo đông hơn nên Đức Eusebius không đến tham dự, mãi
cho đến khi chính nhà vua ép buộc.
Khi nhà vua yêu cầu mọi giám mục phải ký vào bản án để buộc tội Đức
Athanasius -- là người cương quyết chống với lạc thuyết Arian -- Đức Eusebius
đã từ chối; thay vào đó, ngài đặt Kinh Tin Kính lên bàn hội nghị và yêu cầu mọi
người ký tên vào đó trước khi bàn đến các vấn đề khác. Nhà vua dùng áp lực với
Đức Eusebius, nhưng ngài quả quyết rằng Đức Athanasius vô tội, và nhắc nhở
hoàng đế rằng không thể dùng thế lực ngoài đời để ảnh hưởng đến các quyết định
của Giáo Hội. Lúc đầu nhà vua đe dọa giết ngài, nhưng sau đó lưu đầy ngài đến
Palestine.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con mạnh dạn bênh vực và dám chết cho chân lý.
Suy niệm 5 : Lưu đầy
Lúc đầu nhà vua đe dọa giết Đức Eusebius, nhưng sau đó lưu đầy ngài đến
Palestine.
Ngài phải tiếp tục cuộc sống lưu đầy ở Tiểu Á và Ai Cập, cho đến khi tân
hoàng đế cho phép ngài trở lại giáo phận ở Vercelli. Lưu đày là số phận chung
dành cho các vị chống đối lạc giáo Arian vào lúc ấy. Có ba vị thời danh cần nêu
bật, đó là Đức Eusebius, Đức Athanasius và Đức Hilary.
Dầu thân xác bị lưu đày, nhưng tinh thần bất khuất của các ngài vẫn được
duy trì. Trong nghịch cảnh này, các ngài vẫn tiếp tục bảo vệ Giáo Hội trong
cách sống chứng nhân cũng như bằng cách viết lách và dạy dỗ tín hữu tại địa
phương.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con đừng lệ thuộc môi trường, vì nếu có tinh thần và có lòng, thì ở đâu
cũng có phương cách để làm việc cho Chúa và Giáo Hội được.
Suy niệm 6 : Khoan
hồng
Đức Eusebius tham dự Công Đồng Alexandria với Đức Athanasius và chấp thuận
khoan hồng cho các giám mục trước đây theo phe Arian.
Khoan hồng tha thứ cho kẻ làm khốn mình là một dấu chứng của bậc thánh
nhân. Do đó vua Đavít dầu không được Giáo Hội chính thức phong thánh, nhưng vẫn
luôn được gọi là vua thánh Đavít qua sự kiện: Trên đường lánh nạn đến Bakhurim
thì Đavít bị Simy vừa đi ra vừa nguyền rủa và ném đá (2Sm 16,5-6), nhưng khi
trở về, gặp lại y thì vua khoan hồng tha thứ (2Sm 19,23).
Nhưng mạng sống của vua thánh Đavít vẫn còn được bảo tồn, còn với trường
hợp của thánh Têphanô thì không như thế. Bị xét là lộng ngôn, ngài bị đám người
Do Thái lôi ra ngoài thành và bị ném đá. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ngài
học lấy bài học khoan hồng tha thứ của Chúa trên thập giá, ngài cầu nguyện:
"Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con… Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội
này" (Cv 7,59-60).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn tâm niệm bài học Chúa dạy là hãy yêu kẻ thù (Mt 5,44) để dễ sống
lòng khoan hồng tha thứ.