THỨ
SÁU SAU CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN
NĂM CHẴN
BÀI ĐỌC: Is 38, 1-6. 21-22. 7-8
1 Trong những ngày ấy, vua Khít-ki-gia
lâm bệnh nguy tử. Ngôn sứ I-sai-a con ông A-mốc đến gặp vua và nói: "Đức
Chúa phán thế này: Hãy lo thu xếp việc nhà, vì ngươi chết chứ không sống nổi
đâu.”2 Vua Khít-ki-gia quay mặt vào tường và cầu nguyện với Đức Chúa
như sau:3 "Ôi lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, con đã trung tín
và thành tâm bước đi trước nhan Ngài, đã thi hành điều đẹp mắt Ngài.” Rồi vua
Khít-ki-gia khóc, khóc thật to.
4 Bấy giờ có lời Đức Chúa phán với ông
I-sai-a rằng:5 "Hãy đi nói với Khít-ki-gia: Đức Chúa, Thiên
Chúa của Đa-vít tổ tiên ngươi, phán thế này: Ta đã nghe lời ngươi cầu nguyện,
Ta đã thấy nước mắt của ngươi. Này, Ta sẽ cho ngươi sống thêm mười lăm năm nữa.
6 Ta sẽ giải thoát ngươi cùng với thành này khỏi tay vua Át-sua, sẽ
che chở thành này.”
21 Ông I-sai-a nói: "Lấy một cái bánh
vả cà vào chỗ ung nhọt thì vua sẽ sống.”22 Vua Khít-ki-gia nói:
"Cứ dấu nào mà biết tôi sẽ lên được nhà Đức Chúa? " 7 Ông I-sai-a trả
lời: "Đây là dấu Đức Chúa ban cho ngài, chứng tỏ Đức Chúa sẽ thực hiện
điều Người đã phán: 8 Này, bóng mặt trời đã ngả trên các bậc thang vua A-khát
đã xây, Ta sẽ cho lui lại mười bậc.” Quả vậy, bóng mặt trời đã lui lại mười bậc
trong số các bậc thang nó đã chiếu xuống.
ĐÁP CA: Is 38
Đ. Lạy Chúa, chính
Ngài đã cứu con khỏi hố diệt vong. (x. c 17b)
10
Tôi có nói: nửa cuộc đời dang dở mà đã phải ra đi,bao tháng năm còn lại, giam
tại cửa âm ty. 11 Tôi có nói: chẳng còn được thấy Chúa ở trên cõi
dương gian, hết nhìn thấy con người đang sống nơi trần thế.
12
Nhà tôi ở đã bị giật tung, và đem đi như lều mục tử. Lạy Chúa, con như người
thợ dệt, đang mải dệt đời mình,bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ.
16
Lạy Chúa, ngày tháng đời con là của Chúa, sự sống linh hồn con thuộc về Ngài. Xin
chữa lành và cho con được sống.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 10, 27
Hall-Hall: Chúa
nói: Con chiên tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Hall.
TIN MỪNG: Mt 12, 1-8
1 Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi
băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2
Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: "Ông coi, các môn đệ
ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát! "3 Người đáp:
"Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc
hạ đói bụng?4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh
tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5
Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ
vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao?6 Tôi nói cho các ông
hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. -7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa
của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ
vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”
HY
TẾ CỦA CHÚA GIÊSU
THAY
THẾ PHỤNG VỤ DO THÁI GIÁO
Đức Giêsu nói với các môn đệ về sứ mệnh của Ngài đến trần gian:
“Anh em đừng tưởng Thầy đến bãi bỏ Luật
Môsê hoặc lời các ngôn sứ, Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện
toàn” (Mt 5,17), điều ấy được thể hiện rõ nhất trong Hy Tế của Ngài thiết
lập để thay thế cho luật Phụng Vụ Do Thái giáo vào ngày thứ bảy.
Thực vậy, có ba lý do Hy Tế Thập Giá của Đức Giêsu thay thế Luật
nghỉ việc ngày thứ bảy:
1/ MỪNG CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG CỦA THIÊN CHÚA
Ông Môsê truyền cho dân phải nghỉ việc ngày thứ bảy để mừng công trình Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ
tốt đẹp trong sáu ngày, rồi ban tặng hết cho loài người, ngày thứ bảy Chúa
nghỉ ngơi (x. Xh 20,8-11).
Nhưng tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy
nhất (x. Cv 4,12), thì vào ngày Chúa nhật, Ngài phục sinh, Ngài tái tạo những
người ấy nhờ danh Ngài (x. Cv 2,38), để họ thoát khỏi kiếp sinh vật mà vốn
chẳng hơn loài thú (x. 1Cr 15,45; Gv 3,18-19), vì những người sinh từ dòng
giống Adam là do Chúa đã lấy đất nắn tạo, như các sinh vật cũng được nắn tạo
bởi đất (x. St 2,9. 19), và được nuôi sống bằng chính xương thịt Con Một Thiên
Chúa, được cùng một sự sống với Thiên Chúa (x. Ga 6,57; Ga 15,1), đến
như được đồng hóa với Chúa Giêsu (x. Gl 2,20).
2/ MỪNG ĐƯỢC CHÚA CỨU THOÁT KHỎI NÔ LỆ.
Ông Môsê lại truyền cho dân phải nghỉ ngày thứ bảy, vì Chúa đã cứu dân thoát cảnh nô lệ Ai Cập,
nhờ Chúa bảo ông Môsê dùng gậy đập xuống Biển Đỏ, nước rẽ ra cho dân đi qua an
toàn, để rồi cũng biển ấy chôn sống bọn Ai Cập (x. Dnl 5,12-15).
Niềm vui ấy không thể sánh bằng khi Đức Giêsu từ cõi chết
sống lại vào ngày thứ nhất trong tuần, Ngài truyền cho Hội Thánh dùng Lời Chúa
hơn cây gậy ông Môsê, để rẽ lối cho chúng ta đi vào đường ngay nẻo chính, thoát
nô lệ tội lỗi, đánh gục thần chết, thoát ách thống trị Satan. Chân lý này hằng
ngày Chúa Giêsu thực hiện cho ta trong mỗi lần ta hiệp thông Hy Tế của Ngài, vì
được nghe Lời Chúa và được đón nhận Chúa Giêsu vào lòng. Nhờ đó mà ta được vượt
qua tội lỗi, thoát tay tử thần, tiến vào cõi đất dành cho kẻ sống, trổi vượt
hơn cuộc vượt qua Biển Đỏ của dân Do Thái tiến về miền đất Hứa.
Đúng như Đức Giêsu đã nói: “Chúa
Con có cho các ngươi được tự do, thì các ngươi mới đích thực là tự do” (Ga
8,36).
3/ MỪNG ĐƯỢC CHÚA BAN LỜI HẰNG SỐNG.
Sau cùng ông Môsê truyền cho dân phải nghỉ ngày thứ bảy để ngợi
khen Chúa,vì vào ngày thứ bảy Ngài đã
gọi ông Môsê lên núi Sinai trao cho
ông Mười Điều Luật được ghi trên hai phiến đá để truyền lại cho dân (x. Xh
24,16-18; 35,2). Nhờ Lời khắc ghi trên hai phiến đá, dân Chúa toàn thắng mọi kẻ
thù, sống bình an trên đường tiến về miền đất Hứa.
Nhưng Luật Chúa ban riêng cho Dân Thái ở núi Sinai không
bằng Lời Chúa ban cho toàn thể nhân loại vào ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày Chúa nhật
sau khi Chúa Giêsu đánh gục thần chết tiến vào cõi sống (x.
Cv 2). Và Lời Chúa ban trong thời Tân Ước không ghi trên hai tấm đá như xưa, nhưng
Hội Thánh dùng quyền năng Chúa Thánh Thần ghi trên tấm bia linh hồn, bia thân
xác của người tín hữu (x. 2 Cr 3,3). Mà Kinh Thánh chỉ giam người ta trong tội!
Kinh Thánh chỉ có giá trị như một quản giáo, dẫn ta đến kết hợp với Chúa Giêsu
Phục Sinh (x. Gl 3,22. 24), để ta được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác, được
sống hạnh phúc dồi dào như Thiên Chúa (x. Ga 1,16-17; 6,57; 10,10). Chân lý này
Chúa dùng miệng ngôn sứ Giêrêmia phán: “Đây
là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó. Ta sẽ ghi vào lòng dạ
chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của
chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này
nói với người kia: "Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA", vì hết thảy chúng, từ
người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không
còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Ít-ra-en sẽ tồn tại mãi” (Gr 31,33-34).
Trên đây là những lý do Đức Giêsu bênh vực các Tông Đồ đi theo
Ngài vào ngày thứ bảy, vì đói nên khi đi qua đồng lúa của người ta, các ông đã
bứt mà ăn (x. Mt 12,1-8: Tin Mừng). Đó là dấu chỉ Phụng Vụ ngày thứ bảy của Do Thái giáo không làm cho ai no thỏa, vì không sinh ơn cứu độ.
Đức Giêsu lại dẫn chứng việc ông Đavid cùng với đoàn tùy tùng
chạy trốn vua Saolê, vì quá đói, họ đã vào Đền Thờ lấy bánh chỉ dành riêng cho
tư tế để ăn (x. 1Sm 21, 2-7). Đức Giêsu nhắc đến chuyện này là Ngài muốn ám chỉ:
Ngài cũng đang lâm nạn như Đavid, bị nhiều kẻ có dòng máu ghen tỵ như vua Saolê
đang tìm cách hại Ngài, nhưng chính lúc người ta giết Đức Giêsu, Ngài sống lại
trở thành Bánh Hằng Sống, để những ai đang đói khát Chân Lý mà ăn, thì được no
thỏa sự sống hơn hẳn những gié lúa mà các môn đệ bứt trộm của người ta ăn cho
đỡ đói, và ta lại được Chúa thanh tẩy mọi tội lỗi. Đó là lý do Đức Giêsu bênh
vực các môn đệ dù họ có lỗi bứt lúa của người ta vào ngày thứ bảy. Ngài bảo
những kẻ đang chống đối việc này: “Đừng
ai lên án họ, là những người vô tội” (x. Mt 12,7b: Tin Mừng), đồng nghĩa
thoát chết và được sống đời đời. Vì thế Đức Giêsu nói: “Con Người (Đức Giêsu) là Chủ ngày Sabat” (Mt 12,8: Tin Mừng).
Đó là Tin Mừng trổi vượt hơn vua Êzêkya lâm bệnh sắp chết, vua
quay mặt vào vách khóc nức nở, và thiết tha cầu nguyện, nên được Chúa nhậm lời.
Chúa sai ngôn sứ Isaia đến bảo vua lấy bánh trái vả chà vào các ung nhọt, thế
là vua thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo và sống thêm 15 năm nữa! (x. Is 38,1-6. 21-22.
7-8: Bài đọc năm chẵn).
Được chữa lành bệnh, vua Êzêkia hết lòng tạ ơn Chúa, điều này đã
trở thành dấu chỉ: Khi chúng ta tham dự Phụng Vụ của Chúa Giêsu, nhất là khi dự
Thánh Lễ, ta được nghe Lời và rước Lễ, là được thông hiệp với Chúa Giêsu Phục
Sinh hơn vua Êzêkya nhờ bánh trái vả mà được lành bệnh, cho ta cất lời ngợi
khen: “Lạy Chúa, chính Ngài (Chúa
Giêsu) đã cứu con khỏi hố diệt vong”
(Is 38,17b: Đáp ca năm chẵn).
Vậy “Chúa cứu con khỏi hố
diệt vong” chính là Ngài kéo ta lên khỏi hố tử thần, thoát nô lệ Satan, vì
khi ta phạm tội Ngài cho phép Satan giam cả hồn xác ta trong Hỏa ngục đời đời
khóc lóc nghiến răng (x. Mt 22,13; Mc 9,48), khốn nạn hơn dân Do Thái bị đế
quốc Ai Cập bắt làm nô lệ về thân xác. Nhưng nhờ Chúa bảo ông Môsê dạy dân phải
giết chiên ăn thịt, lấy máu bôi lên cửa, đêm ấy thiên thần Chúa đi qua, cửa nhà
người Ai Cập không có máu chiên thì tất cả các con đầu lòng, cả người và vật
đều bị giết, còn nhà người Do Thái thì được bình an. Từ đó người Do Thái mừng
lễ Vượt Qua, tạ ơn Chúa vì nhờ máu chiên mà họ thoát chết, thoát cảnh nô lệ (x.
Xh 11,10-12,14: Bài đọc năm lẻ). Nhưng đó là dấu chỉ Chúa muốn cả loài người
phải nhờ Máu Con Chiên Thiên Chúa (Chúa Giêsu) mới thực sự thoát nô lệ Satan,
thoát tay tử thần. Vì Hy Tế của Chúa Giêsu còn là Tiệc Cưới của Tân Lang Giêsu
với Hiền Thê của Ngài là các Kitô hữu, những trinh nữ thanh khiết (x. 2 Cr 11,2;
Kh 19, 7-9), để “tôi xin nâng chén mừng
ơn cứu độ, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa” (Tv 116/115,13: ĐC năm lẻ). Đây
là những người thuộc đoàn chiên của Mục Tử Giêsu, như Ngài nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết
chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Chúa phán: Ta muốn tình yêu chứ không
muốn lễ vật, Ta ưa việc nhận biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu
(Hs 6,6).
LM.
GIUSE ĐINH QUANG THỊNH