Tìm hiểu Lời Chúa _ cntn 14a

CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN
NĂM A
Dcr 9,9-10; Rm 8,9. 11-13; Mt 11,25-30
BÀI ĐỌC I: Dcr 9,9-10
9 Đức Chúa phán như sau: “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. 10 Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.
ĐÁP CA: Tv 144
Đ. Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời
. (x c 1)
1 Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con, con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời. 2 Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
8 Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. 9 Chúa nhân ái đối với mọi người,tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
10 Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, 11 nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.
13cd Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. 14 Ai quỵ ngã, Chúa đều nâng dậy, kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.
BÀI ĐỌC II: Rm 8,9. 11-13
9 Thưa anh em, anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô. 11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.
12 Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. 13 Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Mt 11,25
Hall-Hall: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Hall.
TIN MỪNG: Mt 11,25-30
25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
27 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.
28 "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

LỜI CHÚA TÔN NGƯỜI TÍN HỮU LÀM VUA
Phụng Vụ hôm nay đã mượn nghi thức phong vương ông Salômôn, con vua Đavid mà diễn tả Vương quyền của Đức Giêsu, khi Ngài bước vào trần gian loan báo Lời Chúa. Thực vậy, ngôn sứ Dacarya nói:
-              “Kìa đức vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. Cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.” (Dr 9, 9-10: Bài đọc I).
-             Hình ảnh trên được thể hiện vào ngày Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem, Ngài khiêm nhu cỡi trên con lừa, con lừa tơ, là động vật dùng để chuyên chở. Dân chúng kẻ đi trước người theo sau tung hô: “Vạn tuế con vua Đavid, muôn chúc lành cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, vạn tuế trên chốn cao vời” (Mt 21, 4-9). Hôm đó Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, người ta sẽ giết Ngài, vì “Ngài tự xưng “tôi là Vua”, chính vì lẽ này mà tôi đã sinh ra, và chính vì lẽ này mà tôi đã đến trong thế gian, ấy là để làm chứng cho sự thật. Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,33-37; Mc 15, 9-10). Nhưng chính Ngài cho phép chúng giết Ngài, để thiết lập Phụng Vụ mới thay cho phụng vụ Do Thái giáo, qua Phụng Vụ mới này, Lời Chúa mới chính thức được công bố. Do đó, khi Ngài bị xử án, quan tòa tra hỏi Giáo Lý của Ngài, thì Ngài nói: “Các ông muốn nghe Giáo Lý của tôi, cứ vào Nhà Thờ hỏi người đã nghe tôi nói, hằng ngày tôi giảng dạy trong đó” (x Ga 18,19-21). Như thế:
I.       NƠI NHÀ THỜ (HỘI THÁNH) LÀ KHO TÀNG CHỨA ĐỰNG LỜI CHÚA.
Vì Lời Chúa trong Phụng Vụ Hội Thánh công bố, mới thực là Lời Chúa Giêsu giảng (x Lc 10,16), được Chúa Cha mạc khải cho (x Mt 16,17). Mà Chúa Giêsu là Chủ Lễ dâng lời Tạ Ơn Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”(Mt 11,25-26: Tin Mừng).
* Hạng khôn ngoan thông thái Đức Giêsu nói tới họ là ai?
Đó chính là những kẻ cậy dựa vào Lề Luật ông Môsê, tự hào về dòng giống Abraham, tin tưởng vào tài năng của mình để làm việc lành, mà không cần tin vào Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ duy nhất (x Cv 4,12), nên chúng không hiệp thông với Ngài, cũng không muốn ai làm môn đệ của Ngài. Cụ thể nhất là các thượng tế và nhóm Biệt phái đã sai các thủ hạ đi bắt Đức Giêsu, cuối cùng bọn tay sai này trở về tay không báo cáo: “Chúng tôi chưa hề thấy có ai nói năng được như ông ấy”, tức thì họ bị các đầu mục Do Thái mắng xối xả: “Cả chúng mày nữa, cũng đã bị phỉnh gạt rồi sao? Thử hỏi trong các hàng đầu mục và người Biệt phái có ai tin vào hắn đâu, chỉ có lũ dân quèn không biết gì về Lề Luật, chúng mày thật là đồ chúc dữ” (Ga 7, 45-49).
* Kẻ bé mọn là ai?
Đó là môn đệ của Đức Giêsu (x Mt 18,3), là Hội Thánh (x Lc 12,32), là các Kitô hữu (x 1Ga 2,1. 12. 14. 18. 28).
Thánh Tôma Aquino so sánh với kẻ bé mọn này với hạng khôn ngoan thông thái: Tất cả mọi người lãnh nhận trong bản tính của mình một bản năng ngay thẳng và xác thực, đưa con người đến điều thiện, đến chân lý, đến với Chúa. Những người đơn sơ bảo toàn được bản năng này trong suốt đời họ. Trái lại, những hạng khôn ngoan thông thái đôi lúc làm giảm suy bản năng ấy, và đánh mất ý thức về điều thiện, về Thiên Chúa!”
Vậy Cha trên trời chỉ trao quyền giáo huấn, quyền công bố Lời Chúa cho những người được Đức Giêsu tuyển chọn vào Hội Thánh, là đoàn chiên Ngài chăm sóc (x Ga 10), mà Ngài đã đặt ông Phêrô làm thủ lãnh (x Mt 16,16-17), nên Ngài cầu nguyện riêng cho ông khỏi mất Đức Tin,vì ông có nhiệm vụ củng cố Đức Tin của cộng đoàn (x Lc 22, 31-32).
II.     ĐỨC GIÊSU CHỈ MỞ TRÍ CHO “KẺ BÉ NHỎ” HIỂU LỜI NGÀI.
Khi Đức Giêsu nói những dụ ngôn về Nước Thiên Chúa, chẳng ai hiểu gì, trừ khi “Ngài ở một mình, những kẻ theo Ngài làm một với Nhóm Mười Hai hỏi Ngài về các ví dụ. Và Ngài nói với họ: “Đã ban cho các ngươi mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, còn mọi sự chỉ ban cho những kẻ ở ngoài trong câu ví, để “họ nhìn lấy nhìn để mà không thấy, họ nghe lấy nghe để mà không hiểu, kẻo họ trở lại mà được tha thứ” (Mc 4,10-12). Bởi đó mà Ngài nói: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27: Tin Mừng). Bởi thế, thánh Phêrô, thủ lãnh Hội Thánh dạy: “Anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2Pr 1,20-21).
III.  HIỆU QUẢ LỜI CHÚA TRONG HỘI THÁNH.
Đức Giêsu kêu gọi: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11,28-30).
Đức Giêsu nói như thế, Ngài muốn nhấn mạnh:
1- Lời Hội Thánh công bố trổi vượt hơn lời ông Môsê.
a- Luật Môsê gồm 613 điều, trong đó có 365 điều xấu cấm làm và 248 điều tốt dạy phải làm. Số Luật này nặng nề hơn Luật mới Đức Giêsu dạy, tóm lại chỉ một điều: Hãy yêu đồng loại như chính Ngài đã yêu (x Mt 22, 37-39; Ga 15,12).
b- Các kinh sư và người Pharisêu công bố Luật Môsê, họ nói mà không thi hành (x Mt 23, 2-4); khác hẳn Đức Giêsu và các Tông Đồ làm rồi mới dạy (x Cv 1,1; Mc 6,30).
c- Luật Môsê giam người ta trong tội, vì không ai tránh hết được các điều xấu, cũng không ai làm trọn mọi điều tốt Luật dạy. Luật Môsê chỉ có giá trị dẫn người ta đến gặp Đức Giêsu mới được cứu độ (x Gl 3,22. 24); thua xa Lời Chúa trong Tân Ước đã trở thành xương thịt, thành ngôi vị là Đức Giêsu, nhờ Ngài chúng ta lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác, vì Luật ban qua ông Môsê, nhưng ơn nghĩa và sự thật thì nơi Đức Giêsu Kitô mà có (x Ga 1,1-17).
d- Lời Chúa ban qua ông Môsê cũng như các ngôn sứ chỉ là Giao Ước. Giao Ước thì đòi hai bên phải đáp trả cân xứng, bên nào phản bội sẽ bị phân thây như những con vật (x St 15); trái lại, Lời Chúa trong Tân Ước là Di Chúc, vì Đấng lập Giao Ước đã bị giết chết (x Dt 9,16). Di Chúc thì được lãnh nhận ơn cách nhưng không.
e- Lời Chúa ban qua ông Môsê được viết trên hai tấm bia đá (x Xh 31,18); thua xa Lời Chúa trong Tân Ước, Hội Thánh dùng quyền năng Chúa Thánh Thần ghi trên tấm xương thịt và linh hồn người Kitô hữu (x 2Cr 3,3).       
Vậy tất cả mọi loại Lề Luật, kể cả Luật Môsê, đều là gánh nặng nề, làm cho người ta vất vả, như cái ách đặt lên cổ con trâu, con bò, phải đi kéo cày mà vẫn bị đánh đập!
Bởi thế, ta hiểu Lời Đức Giêsu kêu gọi: “Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28b-30: Tin Mừng). Nghĩa là nhờ ta nghe và tìm hiểu Lời Chúa mà đem ra thi hành, là ta canh tân môi trường đang sống như cái ách con trâu kéo cày để diệt cỏ (tội lỗi), tạo nên mảnh đất tâm hồn tốt để gieo Lời Chúa mới có mùa bội thu (x Mt 13,3b-23). Thực ra, với tình yêu Đức Kitô thúc bách (x 2Cr 5,14), để thực hành Lời Chúa, thánh Gioan Tông Đồ nói: “Chẳng có chi nặng nề” (1Ga 5,3); ông Mô-sê nói: “Luật ban cho anh em không quá sức anh em đâu” (Dnl 30,11).
Ngôn sứ Isaia đã thấy trước nguồn vui ơn cứu độ như trên, nên đã cổ võ lòng tin của mọi người: “Chúa ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo. Nhưng những người cậy trông Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng,họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt,và đi mãi mà chẳng chùn chân.” (Is 40,29-31)
2- Lời Chúa tác sinh thân xác chết dở vì tội lỗi của ta, cho ta được sống công chính.
Vì Lời Chúa là Thần Khí của Chúa Kitô ban sự sống (x Ga 6,63), nên thánh Phaolô nói: “Anh em không bị xác thịt chi phối mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Ngài. Thần Khí của Đấng làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới. Vậy chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em,thì anh em sẽ được sống” (Rm 8,9. 11-13: Bài đọc II).
Vậy mỗi khi tham dự Thánh Lễ, ta được nên một trong Chúa Giêsu mà tạ ơn Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn” (Mt 11,25: Tung Hô Tin Mừng). Vì “Thiên Chúa con thờ là Vua của con, xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời” (Tv 145/144,1: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Chúa ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo. Nhưng những người cậy trông Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt,và đi mãi mà chẳng chùn chân (Is 40,29-31).
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh