Suy niệm hạnh thánh _ 11/7

Thánh BÊNÊĐÍCH (BIỂN ĐỨC)
(480?-543)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thật đáng tiếc là không ai viết nhiều về một vị đã thể hiện biết bao kỳ công ảnh hưởng đến nếp sống đan viện Tây Phương.
Ngài sinh trong một gia đình lỗi lạc ở Nursia, thuộc miền trung nước Y¨, theo học tại Rôma và ngay từ khi còn trẻ, ngài đã thích đời sống đan viện. Lúc đầu, ngài là một vị ẩn tu sống trong một cái hang ở Subiaco, xa lánh thế giới nhiều chán nản mà lúc bấy giờ giặc ngoại giáo đang lan tràn, Giáo Hội bị phân chia bởi ly giáo, dân chúng đau khổ vì chiến tranh, đạo lý ở mức độ thấp nhất.
Trong một thời gian, một số đan sĩ chọn ngài làm vị lãnh đạo.Đó cũng là lúc ngài chuyển từ đời sống ẩn tu sang đời sống cộng đoàn. Ngài khởi công xây dựng một đan viện nổi tiếng nhất thế giới ở núi Cassino, cũng là nơi phát sinh dòng Bênêđích.
Cũng từ đó, một quy luật từ từ được hình thành nói lên đời sống cầu nguyện phụng vụ. Sự khổ hạnh của Thánh Bênêđích được coi là chừng mực, và đời sống bác ái của ngài được thể hiện qua sự lưu tâm đến những người chung quanh. Trong thời Trung Cổ, tất cả các đan viện ở Tây Phương dần dà đều sống theo Quy Luật Thánh Bênêđích.
Suy niệm 1 - Kỳ công
Thật đáng tiếc là không ai viết nhiều về một vị đã thể hiện biết bao kỳ công ảnh hưởng đến nếp sống đan viện Tây Phương.
Đúng ra phải thẳng thắn và thành thật nói một kỳ công mà thánh Bênêđích thực hiện không chỉ cho nếp sống đan viện Tây Phương mà còn cho cả Giáo Hội, đó là vấn đề phụng vụ.
Giáo Hội được nhiều ơn ích qua sự tận tụy của dòng Thánh Bênêđích về phụng vụ, không những chỉ các nghi thức phong phú được cử hành hiện nay nhưng còn các nghiên cứu học thuật của các phần tử trong dòng. Đôi khi phụng vụ bị lầm lẫn với nhạc đời, với trống đàn đầy nhịp điệu kích động.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con phải biết ơn những người đã duy trì và thích ứng truyền thống đích thực về thờ phượng trong Giáo Hội.
Suy niệm 2 - Đan viện
Ngay từ khi còn trẻ, Bênêđích đã thích đời sống đan viện.
Tuổi trẻ thường thích sôi động và náo nhiệt. Thế nhưng một hạt giống đan viện với bầu khí thinh lặng và cầu nguyện đã được gieo vào tâm hồn ngài. Do đó thoạt đầu ngài chọn sống trong một cái hang ở Subiaco như một vị ẩn tu.
Sau đó không lâu, ngài thấy không thể sống cuộc đời ẩn dật ở gần thành phố, dù lớn hay nhỏ, do đó ngài đi lên núi cao, sống trong một cái hang và ở đó ba năm. Thế rồi nhiều người tìm đến, nên ngài chuyển từ đời sống ẩn tu sang đời sống cộng đoàn. Sau cùng, ngài khởi công xây dựng một đan viện nổi tiếng nhất thế giới ở núi Cassino, cũng là nơi phát sinh dòng Bênêđích.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tạo bầu khí thinh lặng nhất là thinh lặng nội tâm để dễ cầu nguyện và gặp gỡ Chúa.
Suy niệm 3 - Phụng vụ
Một quy luật từ từ được hình thành nói lên đời sống cầu nguyện phụng vụ.
"Nói cho đúng, phụng vụ phải được coi là một sùng bái chức tư tế của Đức Giêsu Kitô. Trong phụng vụ, con người được thánh hóa qua các dấu hiệu có thể cảm nhận được bằng giác quan...; trong phụng vụ, sự thờ phượng đầy đủ được thi hành bởi Nhiệm Thể của Đức Giêsu Kitô, đó là, bởi Đầu và các chi thể của Ngài.
Từ đó xuất phát mọi nghi thức phụng vụ, vì đó là một hành động của Linh Mục Kitô và Thân Thể của Ngài là Giáo Hội, là một hành động thiêng liêng, vượt quá mọi thứ khác" (Hiến Chế Tín Lý về Phụng Vụ, 7).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấy được giá trị thánh hóa của phụng vụ để siêng năng và tích cực tham dự.
Suy niệm 4 - Khổ hạnh
Sự khổ hạnh của Thánh Bênêđích được coi là chừng mực.
Một mẫu số chung của nếp sống các đan viện là sự khổ hạnh được áp dụng cụ thể cho thân xác. “Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn" (Mt 26,41), nên cần thiết phải thống trị và điều khiển thân xác như con ngựa chứng, ngay trong cách ăn, mặc, ngủ, nghỉ.
Nhưng nét đặc sắc của Thánh Bênêđích về sự khổ hạnh, đó là sự chừng mực, để vẫn giữ được sự khoẻ mạnh của thân xác vốn giúp cho tinh thần được phấn chấn (3Ga 2), đúng như phương châm của thánh Tôma Aquinô vốn được tước hiệu là Tiến Sĩ Thiên Thần: Mens sana in corpore sano, có nghĩa là một tinh thần lành mạnh trong một thân xác khoẻ mạnh.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con phải luôn sống chừng mực trong mọi sự dầu ở bất cứ lứa tuổi nào (Tt 2,2.6).
Suy niệm 5 - Bác ái
Đời sống bác ái của Thánh Bênêđích được thể hiện qua sự lưu tâm đến những người chung quanh.
Khởi điểm cuộc đời của ngài là lối sống ẩn dật thậm chí trong một hang động xa lánh thế tục như một vị ẩn sĩ, thể theo chí nguyện và sở thích ngay từ lúc còn trai trẻ.
Thế nhưng khi có một số đan sĩ tìm đến và muốn chọn ngài làm vị lãnh đạo, thì vì đức ái, ngài đã hy sinh ý riêng để đón nhận họ và chấp nhận sống cộng đoàn. Ngài có sáng kiến quy tụ các nhánh đan sĩ khác nhau thành một "Đại Đan Viện", đem lại cho họ lợi ích của sự hợp quần, tình huynh đệ, và luôn luôn thờ phượng dưới một mái nhà.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống vị tha đến mức hy sinh cả những ý riêng được đánh giá là chính đáng và tốt lành.
Suy niệm 6 - Quy Luật
Trong thời Trung Cổ, tất cả các đan viện ở Tây Phương dần dà đều sống theo Quy Luật Thánh Bênêđích.
Quy Luật này được mệnh danh là Quy Luật Thánh Bênêđích vì được áp dụng trong đan viện do ngài sáng lập, nhưng lại có ảnh hưởng đến các đan viện khác ở Tây Phương. Nhờ đâu vậy? Điểm đầu tiên là Quy Luật này luôn giữ được bản chất của luật là sự nghiêm nhặt, đến mức một chấm một phết trong Lề Luật cũng không được bỏ sót (Mt 5,18). Điểm kế tiếp là sự chừng mực trong vấn đề khổ hạnh, để rồi vì vấn đề sức khoẻ vẫn có thể dùng thêm tí rượu (1Tm 5,23).
Điểm nổi bật là đời sống cầu nguyện được kết hợp với việc học hỏi, lao động chân tay và sống với nhau trong cộng đoàn dưới một cha chung là đan viện trưởng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con giữ luật không phải vì luật mà vì lòng yêu mến Chúa.