Lời Chúa cntn 18a _ chính anh em hãy cho họ ăn

CHÍNH ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN
“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (MV số 1)
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
“Thưa Thầy, nơi đây hoang vắng, và đã quá chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mà mua lấy thức ăn” (Mt 14,15). Biện pháp thật đơn giản. Giải tán – Khỏe. Luận lý có vẻ khoa học và hợp lý: Đừng có bao cấp. Hãy thực thi tiến trình xã hội hóa. Việc ai nấy lo. Thân ai nấy giữ. Mỗi người một tay thì việc gì cũng chạy thông suốt. Tuy nhiên, đằng sau cái lý luận mang tính thực tiễn ấy thì có sự ẩn giấu chút gì vị kỷ không thể chối cãi.
Tưởng rằng sáng kiến hữu lý của mình sẽ được chấp nhận, thế nhưng các tông đồ đã phải chưng hửng trước mệnh lệnh của Thầy chí thánh: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy liệu cho họ ăn.” (Mt 14,16). Lo liệu cho đám đông gần cả vạn người này ăn ư? Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá. Mười hai thanh niên trai tráng chúng con, cộng với Thầy thì chắc gì đủ lót dạ qua đêm. Vẫn biết Thầy thường dạy chúng con sống yêu thương. Nhưng nhiều lúc đành phải chấp nhận cảnh tình “lực bất tòng tâm”.
Lực bất tòng tâm. Một chiêu thức, đúng hơn, đó là một kiểu cách biện luận để thoái thác trách nhiệm sống yêu thương. Chúa ơi, lòng con cũng muốn sống quảng đại, nhưng điều kiện vật chất còn quá hạn chế. Chúng con rất muốn nhiệt thành dấn thân phục vụ, nhưng hoàn cảnh kinh tế lại đầy khó khăn. Xin Chúa thông cảm. Những luận điệu không khác gì các tông đồ xưa vẫn có đó giữa chúng ta đó là những luận điệu của những con tim cằn khô, không vắt được một giọt ân tình nhân ái, xót thương.
May mắn thay, dù cho đầy sự hẹp hòi và vị kỷ, thì lòng các môn đệ năm xưa vẫn còn chút nể vì, vâng phục Thầy chí thánh. Khi được lệnh mang bánh, cá đến, các ngài đã vâng lệnh. Hôm ấy các tông đồ hẳn bất ngờ trước một dấu lạ vĩ đại đã xảy ra. Với cử chỉ chiếu lệ, nể vì cho qua chuyện khi đem bánh, cá đến cho Thầy thì Thầy đã hết tình đón nhận, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông đem phân phát cho dân chúng. Quyền năng từ trái tim đầy tràn tình yêu đã tỏ hiện. Tình yêu quyền năng của Thiên Chúa đã biến đổi hành vi bình thường, nhỏ bé của con người nên điều diệu kỳ. Với Thiên Chúa, không có sự gì là không thể. Tất cả đều ăn no và còn dư những mười hai thúng đầy bánh vụn.
Thiên Chúa là thế. Người chẳng hề câu nệ chuyện lớn bé. Miễn có cơ hội là Người chộp lấy để rộng tay ban phát ân tình, một sự thi ân không hề tính toán. “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn sàng. Dù không có tiền bạc,cứ đến mà mua mà dùng, đến mua rượu và sữa, không phải trả đồng nào… Hãy chăm chú nghe Ta, rồi các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. Hãy lắng tai, và đến với Ta thì các ngươi sẽ được sống” (Is 55,1-3). Những lời Tiên tri Isaia nói thay Thiên Chúa thật đáng phấn khởi và tràn trề hy vọng cho chúng ta.
Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Người rộng tay ban phát ân huệ cho muôn người thỏa thuê. Một chân lý xem ra khá dễ tin nhận. Tuy nhiên, bên cạnh hồng ân luôn kèm theo sứ mệnh. “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Mệnh lệnh này ban ra cho hàng giáo sĩ hay cho hàng tín hữu giáo dân? Chắc hẳn là cho tất cả những ai đã đón nhận hồng ân. “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy trao ban nhưng không” (Mt 10,8). Vấn đề đặt ra là chúng ta cần cho tha nhân ăn những gì?
Có thể có người viện cớ là tôi chỉ lo mặt tinh thần nên chỉ có bổn phận lo cho người ta ăn Lời Chúa. Lại có người chủ trương là cần phải lo cho tha nhân đủ đầy lương thực đời này trước đã vì “có thực mới vực được đạo”. Đã có chút lương tri và niềm tin, hẳn không một ai cạn tình, vô tâm, hành xử kiểu “giải tán – khỏe”. Tuy nhiên vẫn có đó sự né tránh hoặc thoái thác trách nhiệm khi ta chưa chu toàn mệnh lệnh của Thầy năm xưa. “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” ( Mt 4,11 ). Và ta cũng có thể nói ngược lại rằng người ta sống không nguyên bởi các món ăn tinh thần mà còn cần đến cả cơm bánh.
Cần phải biết chuyên biệt hóa, cần có sự phân công, phân nhiệm. Kẻ lo tinh thần, người lo vật chất. Một kiểu lý luận rất khoa học, nhưng dường như vẫn thiếu tình người cách nào đó. Khi sai các tông đồ, các môn đệ đi thực tập truyền giáo, Chúa Giêsu thường truyền dạy các ngài thực hiện các công việc là rao giảng tin mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ (x.Mt 10,1; Mc 6,13; Lc 10,1-11).
Hết lý do bào chữa thì ta cũng có thể nại đến sự hạn chế của khả năng. Nếu lo cho người ta ăn cả lương thực tinh thần lẫn vật chất thì làm sao lo cho xuể. Và vấn đề lại trở về với tâm trạng các tông đồ năm xưa. Vấn đề ấy không hệ tại ở khả năng nhưng là ở tấm lòng của ta. Lòng ta có băn khoăn, có thao thức trước cảnh tình đói khổ, nghèo túng, bị áp bức, bị lầm lạc hay đang đói khát chân lý không? Con tim của ta có cùng nhịp đập với các Nghị Phụ Công đồng Vatican II chăng? Đó là: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (MV số 1). Hơn nữa, lòng chúng ta có được chút niềm tin nào vào quyền năng của Đấng đầy lòng thương xót?
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột