Đối với những người có
thiện chí, nghe lời Chúa, tin theo, ghi nhớ, đưa ra thực hành, thì lời Chúa đem
lại cho họ những kết quả lớn lao, giúp họ chấp nhận đau khổ, giúp họ sẵn sàng
hy sinh cho Chúa, và giúp họ đạt tới hạnh phúc đời đời.
Chúa giảng dụ ngôn
người gieo giống và chính Chúa đã giải thích dụ ngôn này cho các môn đệ. Trong
số những người nghe lời Chúa, nghe giảng vậy, có những người nghe cho qua lần
chiếu lệ, không để tâm suy nghĩ, thì lời Chúa gieo vào lòng họ, có khác gì hạt
giống vãi ngoài đàng, bị giầy đạp hoặc bị chim trời nhặt mất. Cũng có những
người tuy cũng muốn nghe, nhưng nghe một cách hời hợi, không có lòng tin vững
vàng, nên gặp những khó khăn trắc trở, nhất là gặp thời bách hại đạo, thì dễ
dàng bỏ đạo. Cũng có những người nghe, mà tâm hồn đầy đam mê xấu. Danh vọng,
tiền bạc, và lòng đam mê đã lấn át cả lời Chúa, khiến lời Chúa không phát triển
được nơi họ. Còn đối với những người có thiện chí, nghe lời Chúa, tin theo, ghi
nhớ, đưa ra thực hành, thì lời Chúa đem lại cho họ những kết quả lớn lao, giúp
họ chấp nhận đau khổ, giúp họ sẵn sàng hy sinh cho Chúa, và giúp họ đạt tới
hạnh phúc đời đời.
Thánh Đỗ Văn Chiểu (tử
đạo ngày 25.6.1838, 41 tuổi) và Đức Cha Minh bị xử tử cùng một ngày. Trước khi
xử, thánh Chiểu có xin với quan để được chém đầu trước Đức Cha Minh: “Bẩm quan, từ bé tôi đã nhận ông này làm cha
tôi, người đã được dưỡng dục tôi, nếu tôi nên thân nên người cũng là nhờ công
ơn của cha tôi. Nay tôi không biết lấy gì để đền đáp, vậy xin quan cho tôi được
quay về phía cha tôi, quan chém đầu tôi trước để cha tôi biết tôi hoàn toàn
nghe lời cha tôi răn dậy.”
Đỗ Văn Chiểu sinh năm
1797 tại Trung Lễ, giáo xứ Liên Thủy (Nam Định). Cậu Chiểu sau 4 năm học chủng
viện cậu lên bậc thầy giảng, và trở thành cộng sự viên của đức cha phụ tá
Henares Minh cho tới ngày bị bắt với đức cha. Sau 2 ngày bị nhốt ở Phủ Xuân Trường,
cha con bị áp giải lên thị xã Nam Định. Khi tới cổng thành, mặc dầu mang gông
nặng, đầu bị những ngọn roi tàn nhẫn, thầy Chiểu cố cúi xuống cầm lấy Thánh Giá
ở dưới đất lên hôn, rồi chờ cho cũi của đức cha Minh đi qua, thầy mới đặt Thánh
Giá lại chỗ cũ và tiến vào thành. Hai cha con cùng bị tống giam.
Ngày 11.6.1838, hai
cha con được gọi ra tòa: các quan bảo thầy Chiểu bước qua Thánh Giá sẽ được tha
về, còn bất tuân sẽ bị xử tử. Thầy trả lời: “Đức
Chúa Trời là Chúa thật, là căn nguyên vạn vật, mọi người phải tôn thờ và kính
mến Người. Vì thế tôi không dám bước qua Thánh Giá, chắc chắn tôi không làm
điều đó.” Dùng lời khuyên dụ không được, quan sai lính trói chân tay thầy
vào cọc rồi đánh 30 roi, thầy vẫn không nao núng, quan truyền xích tay chân và
dẫn về ngục.
Ngày 12 tháng 6 các
quan đệ trình lên triều đình bản án xử trảm đức cha Minh và thầy Chiểu. Đúng 1
tuần lễ sau, hai bản án được vua châu phê và ra lệnh phải thi hành ngay. Tuy
nhiên hai ngày còn phải chờ cho tới ngày 26.
Thời gian chờ đợi,
thầy Chiểu đã trải qua nhiều thử thách, chịu đòn vọt, chịu đói khát, như trong
thư thầy viết gởi thầy Quỳnh ngày 21 tháng 6: “Ở nơi đây, tôi phải chịu nhiều cực hình đau đớn, chịu đói khát, không
có tiền mua cơm ăn, tôi nhờ thầy gặp các cha xin các ngài giúp đỡ tôi. Thầy xin
lỗi mọi người thay tôi nữa. chắc chắn tôi sắp được Tử Đạo, vì nhờ ơn Chúa, tôi
vẫn trung thành và tin nơi Người.”
Hôm trước ngày xử án,
thầy Chiểu còn phải đối phó với những lời dụ dỗ của các quan. Lính dẫn thầy ra
công đường, quan đọc bản án và hứa nếu đạp lên Thánh Gía, quan sẽ tha thầy
ngay. Thầy bình tĩnh và mạnh dạn trả lời: “Khi
quan lớn nằm nghỉ, quan có bằng lòng để cho người con của quan đạp lên không?
Huống hồ Đức Chúa Trời là Chúa trời đất, mọi người phải tôn thờ, thì làm sao
tôi dám bước qua ảnh của Chúa tôi được.” Trước lời khẳng khái của thầy,
quan nổi giận bảo thầy là xấc láo. Có ông đòi xử tử ngay, ông khác bảo hãy để
đến ngày mai vì đã quá muộn, chỉ nên cho lính đánh đòn rồi tống ngục. Thế là
quân lính ra tay đánh đập cho đến khi thầy ngất xỉu mới khiêng thầy ném vào
ngục thất.
Ngày 26 tháng 6 là
ngày các quan thi hành bản án xử tử đức cha Henares Minh và thầy Phanxicô Đỗ
Văn Chiểu. Một lần nữa, các quan tỏ ra thương hại thầy Chiểu khuyên thầy bỏ
đạo, song thầy nhất mực xin cho được theo đức cha để giữ lòng trung với Đức
Tin. Quan tức giận đánh thầy một trận vô cùng dã man trước khi điệu đi xử. Giữa
hai hàng lính dàn dài hai bên, một quân nhân đi đầu cầm bản án đức cha Minh.
Đức cha ngồi trong cũi theo sau, bình tĩnh cầu nguyện. Kế đến một quân nhân
khác cầm bản án xử thầy Chiểu. Thầy theo sau, cổ mang gông kèm thêm hai sợi
xích nặng nối từ gông xuống chân, thầy bình thản lê từng bước như vác Thập Gía
lên núi sọ. Đằng sau thầy có năm quân nhân có đạo vì vì không chịu khóa quá nên
cũng được dẫn đi. Năm chiến sĩ Đức Tin mừng hụt vì tưởng mình cũng đuọc dẫn đi
xử, đến nửa đường các ông đã bị gọi trở về ngục.
Mãi đến một giờ chiều,
hai đấng tử đạo mới tới pháp trường ở ngoại thành, kêu là Bảy Mẫu. Vị Giám mục
đáng kính bước ra khỏi cũi, quỳ gối cầu nguyện sốt sắng. Song đức cha còn xin
quan một điều là xử thầy Phanxicô Chiểu trước, để người được chứng kiến sự
chiến thắng của người con thiêng liêng, của một người đã nghe và tuân giữ những
lời giảng dạy. Thầy Chiểu đồng tình xin được xử trước. Thầy nói:
“Bẩm quan, từ bé tôi đã nhận ông này làm cha tôi, người đã dưỡng
dục tôi, nếu tôi nên thân nên người cũng là nhờ công ơn của cha tôi. Nay tôi
không biết lấy gì đền đáp, vậy xin quan cho tôi được quay về phía cha tôi, quan
chém đầu tôi trước để cha tôi biết tôi hoàn toàn nghe lời cha tôi răn dậy.”
Thầy Chiểu quỳ gối
trước mặt đức cha và lãnh Bí Tích Hòa giải. Thầy kêu tên Chúa Giêsu ba lần và
nguyện rằng: “Lạy Chúa, con phó thác linh
hồn con trong tay Chúa.” Quan chấp thuận lời yêu cầu của đức cha cho chém
đầu thầu Chiểu trước. Lý hình chém một nhát trúng vào xích nơi cổ, họ phải chém
thêm ba nhát nữa, đầu mới lìa khỏi cổ. Lý hình tung đầu đấng tử đạo lên ba lần
và trao cho đức cha Minh. Đức cha cung kính cầm lấy, ngửa mặt lên trời dâng của
lễ còn đẫm máu cho Thiên Chúa. Rồi lý hình xử Đức cha.
Hai xác thánh và đầu
thầy Phanxicô được lệnh quan chôn cất tại pháp trường, còn thủ cấp đức cha bị
bêu lên ba ngày rồi ném xuống sông Vị Hoàng. Ba ngày sau, một dân chài công
giáo may mắn vớt được đầu đấng Tử Đạo. Đến sau, thi hài thầy Phanxicô đuọc cải
về an táng tại Trung Lễ. Xác Thánh của đức cha cũng đuọc cải lên, giáo dân rước
về tôn kính tại Lục Thủy Hạ (Nam Định).
Đề
tựa của Lm. HK