Lời Chúa cntn 14a _ hãy mang lấy ách của Ta, và học cùng Ta

HÃY MANG LẤY ÁCH CỦA TA
VÀ HÃY HỌC CÙNG TA
Niềm tin dẫn người ta bước vào một thế giới mới, thế giới của Chúa, nơi mà sức mạnh không phải ở người cầm gươm, mà ở người có thể “xỏ gươm vào vỏ” (Mt 26,52)
Lm. HK
Khi thành lập chính phủ Pháp năm 1944, trong ngày lễ lớn đầu năm, tướng De Gaulle nước Pháp đã yêu cầu Toà Thánh phái vị sứ thần sang gấp để kịp đọc diễn văn, như là niên trưởng của ngoại giao đoàn thay mặt cho các nước Âu Mỹ. Lúc đó, các thế lực chính trị đã chia thành hai cực Đông và Tây, tuy cùng chống phát-xít nhưng cũng không khỏi tranh giành ảnh hưởng, thế lực. Vatican lúc đó không ngả theo phe nào cả nên giải pháp tối ưu để tránh hiềm khích là nhờ sứ thần Toà thánh thay mặt cho ngoại giao đoàn các nước Âu Mỹ. Nhưng khi Đức Cha Roncalli, sau này là ĐTC Gioan XXIII, đến Paris thì ngài hay biết sứ thần Liên sô, niên trưởng năm ấy, đã dọn sẵn một bài diễn văn để phòng khi ngài qua không kịp. Thật là khó xử! Phải làm gì đây trong tình huống này?
Khi gặp đại sứ Liên sô, ngài liền hỏi thăm về bài diễn văn của ông:
-    Thưa đại sứ, theo thông lệ thì… tôi phải đọc diễn văn, thế mà tôi nghe đại sứ đã chuẩn bị một diễn văn rồi, phải không, thưa đại sứ.
-    Đúng vậy, sợ ngài đến không kịp, tôi phải soạn sẵn, kẻo nhỡ ra…
-    Tôi vừa chân ướt chân ráo đến Paris, chưa quen người quen việc… Xin đại sứ cho phép tôi xem diễn văn của ngài.
Xem xong bài diễn văn, Đức Cha Roncalli đã hỏi xin đại sứ Liên sô cho phép ngài dùng bài diễn văn đó trong ngày lễ, và xin thêm vào đó một câu vắn “xin ơn trên phù hộ Tổng thống.”
Khi mọi người khen ngợi bài diễn văn, Đức Cha Roncalli trả lời: “Đó là công lao của đại sứ Liên sô. Tôi mượn bài của ông. Phần tôi, chỉ có câu cuối cùng.”
Đại sứ Liên sô rất hân hạnh và từ đó về sau ông có nhiều thiện cảm với Sứ thần Toà thánh. Tinh thần đó được ĐHY Yves Congar nhấn mạnh trong tác phẩm “Les chrétiens en dialogue”: “Mỗi người lớn lên không phải bằng cách hạ thấp kẻ khác mà vì biết đón nhận ánh sáng Thiên Chúa từ kẻ khác và truyền đạt cho kẻ khác những gì Chúa giúp mình thực hiện.”
Vâng, Thiên Chúa là Đấng uy hùng, dũng mãnh: “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính trực, Đấng Toàn thắng”
Nhưng sức mạnh của Chúa không nằm ở xa mã hay cung nỏ, mà ở lòng nhân hậu: Đấng Toàn thắng mà Dân Chúa mong đợi không giống chút nào với các vương đế trần gian, vì Ngài “khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dc 9,9).
Cả thế giới phải kinh hoàng sợ hãi, nhiều người phải chịu khuất phục trước sức mạnh bạo tàn của Hitler, của Tần Thủy Hoàng, v.v… thế nhưng mọi bạo chúa đều tan biến đi cùng với thời gian, còn Đấng hiền lành và khiêm nhượng trên cây thánh giá lại trở nên một Vị Vua thống trị lòng mọi người, với sức mạnh vĩ đại có thể đem lại chiến thắng tuyệt đối: “Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Épraim và chiến mã khỏi Giêrusalem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gẫy, và Người công bố hoà bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng trái đất” (Dc 9,10).
Đó là một mầu nhiệm vượt ngoài tâm trí con người. Lời tâm nguyện của Chúa Giêsu đã nói lên điều đó: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25).
Lòng nhân hậu, khiêm hạ phục vụ, có sức mạnh đem lại niềm vui và bình an. Đó là một mầu nhiệm được mặc khải cho kẻ bé mọn, cho người tin, để phát sinh nơi họ một cuộc sống mới, chia sẻ sự sống của Đức Kitô: “Nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống” (Rm 8,13).
Đức Ông Albert Battandier có thuật lại một câu chuyện xảy ra trong đời ngài: “Một hôm tôi bị một người bạn vả mặt một cách vô lý. Không đánh trả cũng chẳng hé môi, rồi bất giác nhớ lại lời Chúa Giêsu, tôi liền giơ má kia cho ông ấy vả, và ông ta giáng thêm một cái thực mạnh nữa! Lúc đó trên bàn có sẵn con dao. Tôi đứng dậy và phải phấn đấu cầm mình lắm mới khỏi qua lấy nó để trả thù. Tôi nhắm mắt đi thẳng một mạch ra nhà thờ. Tôi quì gối cầu nguyện và an bình trở lại trong tôi… Bấy giờ tôi mới thấm thía sự khôn ngoan đích thực của Thập giá.”
Niềm tin dẫn người ta bước vào một thế giới mới, thế giới của Chúa, nơi mà sức mạnh không phải ở người cầm gươm, mà ở người có thể “xỏ gươm vào vỏ” (Mt 26,52), ở người có thể thắng được mình để sống yêu thương và phục vụ người khác như chính Chúa, là “Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.” (Tv 145,8-9).
Sống hiền lành và khiêm nhường phục vụ thường phải chịu nhiều thua thiệt, nhưng chính trên con đường đó mà Chúa đã chiến thắng. Vì thế mà đó là con đường Chúa dạy tôi phải đi: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta.”
Lm. HK