Suy niệm hạnh thánh _ 27/6

Thánh CYRIL ở ALEXANDRIA
 (376?-444)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Cyril sinh ở Alexandria, Ai Cập. Ngài là cháu của Đức Theophilus, thượng phụ của Alexandria. Sau khi học xong kinh điển và thần học, ngài được chính bác của mình tấn phong linh mục và tháp tùng Đức Theophilus đến Constantinople để tham dự Thượng Hội Đồng Oak nhằm truất phế Đức Gioan Kim Khẩu (sau này mới biết là bị kết tội oan).
Khi Đức Theophilus từ trần vào năm 412, ngài lên kế vị bác của mình sau cuộc tranh đấu với phe ủng hộ người đối thủ là Timotheus. Ngay sau khi lên ngôi, Đức Cyril bắt đầu tấn công lạc thuyết Novatianô.
Vào năm 430, Đức Cyril lại xung đột với Nestorius, thượng phụ của Constantinople.
Vào năm 431, Đức Giáo Hoàng Celestine ra lệnh cho Đức Cyril truất phế Nestorius. Trong Đại Công Đồng Ephêsô lần thứ ba, với sự tham dự của hai trăm giám mục và dưới sự chủ tọa của Đức Cyril, công đồng đã lên án mọi giáo thuyết của Nestorius là sai lầm trước khi Đức Tổng Giám Mục Gioan ở Antiôkia và bốn mươi hai môn đệ ủng hộ giáo thuyết của Nestorius kịp đến tham dự. Khi thấy mọi sự đã lỡ, họ tổ chức một công đồng riêng để truất phế Đức Cyril. Hoàng Đế Theodosius II bắt giữ cả hai người, Đức Cyril và Nestorius nhưng sau đó đã trả tự do cho Đức Cyril khi các đại diện của đức giáo hoàng xác nhận các quyết định của công đồng.
Hai năm sau, Đức Tổng Giám Mục Gioan, đại diện cho các giám mục ôn hòa ở Antiôkia, đã ký kết một thỏa ước với Đức Cyril và cùng lên án Nestorius. Trong quãng đời còn lại, Đức Cyril đã viết nhiều luận án làm sáng tỏ học thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể nhằm ngăn chặn lạc thuyết Nestorius và Pelagian khỏi ăn sâu vào cộng đồng Kitô Hữu.
Ngài là thần học gia sáng chói nhất của truyền thống Alexandria. Văn bút của ngài có đặc tính chính xác về tư tưởng, lập trường rõ ràng, và lý luận sắc bén. Các văn bản của ngài gồm các nhận định về Thánh Gioan, Thánh Luca, và ngày lễ Ngũ Tuần, các luận thuyết về thần học tín lý, cũng như các thư từ và bài giảng. Ngài được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên xưng là tiến sĩ Giáo Hội vào năm 1882.
Suy niệm 1:. Tranh đấu
Khi Đức Theophilus từ trần vào năm 412, Đức Cyril lên kế vị bác của mình sau cuộc tranh đấu với phe ủng hộ người đối thủ là Timotheus.
Có thể nói cuộc đời của Đức Cyril là một cuộc đời tranh đấu không ngừng. Ngài phải tranh đấu dể được lên ngôi, rồi từ đó phải tiếp tục tranh đấu với lạc thuyết Novatianô, phải ngăn chặn lạc thuyết Nestorius và Pelagian khỏi ăn sâu vào cộng đồng Kitô Hữu.
Để thực hiện cuộc tranh đấu cho người Kitô hữu và vì cộng đồng Kitô Hữu, ngài đã phải tranh đấu trước hết với chính bản thân mình. Ngài không tìm an nhàn và yên thân để đồng lõa với các lạc thuyết, mà ngài nhọc công đào sâu đức tin chính truyền để đả phá các học thuyết sai lầm, để rồi chấp nhận bị họ chống đối đến mức đòi truất phế, cũng như bị giam cầm.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết xã thân cứu người và cứu đời dầu có phải tranh đầu với quỷ ma suốt đời.
Suy niệm 2: Lạc thuyết Novatianô
Đức Cyril bắt đầu tấn công lạc thuyết Novatianô với việc đóng cửa các nhà thờ; đuổi những người Do Thái ra khỏi thành phố; và phản bác một số hành động của quan đầu tỉnh Orestes là người theo phe Novatianô.
Lạc thuyết Novatianô chủ trương chối bỏ hiệu năng của bí tích Giải Tội. Và lý do khiến xảy ra lạc thuyết này là do Novatianô không chịu từ chức để trao quyền cho vị đắc cử. Dĩ nhiên lạc thuyết này đã bị Đức Giáo Hoàng Cornêliô kết án.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn kiên vững niềm tin bằng việc siêng năng đi lãnh nhận bí tích Giải Tội.
Suy niệm 3: Lạc thuyết Nestorius
Vào năm 430, Đức Cyril lại xung đột với Nestorius, thượng phụ của Constantinople Nestorius là người cho rằng Đức Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa vì Đức Kitô là Thiên Chúa chứ không phải con người, hậu quả là không thể dùng chữ theotokos (người-mang-Thiên-Chúa) áp dụng cho Đức Maria. Đức Cyril thuyết phục được Đức Giáo Hoàng Celestine I triệu tập một công đồng ở Rôma nhằm lên án Nestorius, và chính ngài cũng hành động tương tự trong công đồng Alexandria.
Vào năm 431, Đức Giáo Hoàng Celestine ra lệnh cho Đức Cyril truất phế Nestorius. Trong Đại Công Đồng Ephêsô lần thứ ba, với sự tham dự của hai trăm giám mục và dưới sự chủ tọa của Đức Cyril, công đồng đã lên án mọi giáo thuyết của Nestorius là sai lầm.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn vững tin Đức Maria là  Mẹ của Chúa và cũng là Mẹ Thiên Chúa.
Suy niệm 4: Thiên Chúa Ba Ngôi
Đức Cyril đã viết nhiều luận án làm sáng tỏ học thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo “phẩm trật các chân lý đức tin”. Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mặc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi (Sách Giáo Lý số 234).
Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm đức tin hiểu theo nghĩa chặt chẽ nhất, một trong những mầu nhiệm được ẩn giấu trong Thiên Chúa… không ai biết được nếu ơn trên không mặc khải. Chắc chắn Thiên Chúa đã để lại dấu vết của bản thể Ba Ngôi trong công cuộc tạo dựng và trong dòng mặc khải Cựu Ước. Nhưng trước cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa và sứ vụ của Chúa Thánh Thần, mầu nhiệm Ba Ngôi vẫn là một mầu nhiệm mà nguyên lý trí của loài người và ngay của đức tin của Ítraen xưa cũng không thể vươn tới được (Sách Giáo Lý số 237).
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con tuyên xưng có một Thiên Chúa duy nhất mà Người có Ba Ngôi.
Suy niệm 5: Nhập Thể
Đức Cyril đã viết nhiều luận án làm sáng tỏ học thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể.
Trong sự kết hợp kỳ diệu của mầu nhiệm Nhập Thể, “bản tính nhân loại được đảm nhận, chứ không bị tan biến”, nên trải qua dòng lịch sử, Hội Thánh tuyên xưng Đức Gie6su có một linh hồn thật với mọi hoạt động tri thức và ý chí, và một thân xác thật của con người. Nhưng đồng thời Hội Thánh luôn nhắc rằng bản tính nhân loại của Đức Kitô đã được Ngôi Vị thần linh của Con Thên Chúa đảm nhận, nên thộc riêng về Ngôi Vị ấy.
Trong Ngôi Vị đó, tất cả những gì là con người và hành động của Người, đều là của “một trong Ba Ngôi Thiên Chúa”. Như vậy, Con Thiên Chúa thông truyền cho nhân tính Người cách thức hiện hữu riêng của bản vị mình trong Ba Ngôi. Do đó, trong linh hồn và trong thân xác Người, Đức Kitô biểu lộ theo cách thế nhân loại cung cách hành xử của Thiên Chúa Ba  Ngôi (Sách Giáo Lý số 470).
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con đồng tuyên tín Đức Giêsu là Con  Thiên Chúa đã làm người, nhưng vẫn luôn là Thiên Chúa.
Suy niệm 6: Lạc thuyết Pelagian
Đức Cyril đã viết nhiều luận án nhằm ngăn chặn lạc thuyết Nestorius và Pelagian khỏi ăn sâu vào cộng đồng Kitô Hữu.
Lạc thuyết này mang tên từ người khởi xướng là Pelagiô, vốn là một tu sĩ thuộc thế kỷ thứ năm, chủ trương rằng tự do ý muốn của con người là yếu tố quyết định về sự trọn lành của mỗi một người, và ông cho rằng con người không cần ơn của Thiên Chúa để được cứu rỗi. Và dĩ nhiên lạc thuyết này đã bị kết án tại công đồng Carthage vào năm 418 dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Zosimus..
Nhờ thập giá vinh hiển, Đức Kitô đã cứu độ tất cả mọi người. Người cứu chuộc họ khỏi ách nô lệ tội lỗi (Sách Giáo Lý số 1741). Ân sủng Đức Kitô không hề chèn ép tự do của chúng ta, khi tự do đi đúng hướng của Thiên Chúa và điều thiện mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng con người (Sách Giáo Lý số 1742).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức rằng tự do không phải muốn nói hoặc làm gì thì nói và làm mà phải đi đúng hướng của Chúa.