“Hôm nay là ngày trọng
đại, chúng con được rước Mình Thánh Chúa. Xin tạ ơn Chúa đã viếng thăm và làm
vơi nhẹ những xiềng xích của chúng con...” (Phêrô Trương Văn Đường)
Chúa đã lập Bí Tích Thánh
Thể để làm của ăn uống cho linh hồn ta, để làm linh được điều trị sự yếu đuối
và bệnh tật của tâm hồn ta, để đảm bảo sự sống đời đời cho ta, để cho chúng ta
được hưởng cuộc sống lại, và để sống giữa chúng ta cho tới ngày tận thế. Đặt biệt
đối với những người sắp lìa trần, thì Bí Tích Thánh Thể còn được gọi là của
"ăn đàng" vì chính của ăn này giúp họ từ cuộc sống chóng qua đi vào
cuộc sống vĩnh cửu, từ cõi trần gian đi vào thiên quốc. Cũng vì thế, mà các vị
tử đạo của chúng ta vui mừng và cảm thấy hạnh phúc lớn lao, khi được rước Chúa
trong lúc các Ngài bị giam giữ, trong những giây phút các Ngài chuẩn bị đón nhận
hồng phúc tử đạo, trong lúc các ngài phải chiến đấu gay go để giữ vững lòng
tin, và trong lúc các ngài cần sức mạnh để lướt thắng mọi cực hình thể xác.
Trong lúc cha Théophane
Ven (tử đạo ngày 2.2.1861, 32 tuổi) bị giam trong cũi, nhờ một giáo dân tên
Hương dẫn lối, linh mục Thịnh đã đến bên cũi của cha, ban Bí Tích hòa giải. Sau
lại nhờ một bà đạo đức chuyển cho người một hộp nhỏ đựng Mình Thánh Chúa. Cha
Ven cung kính chầu Thánh Thể cho đến nửa đêm, rồi mới rước lễ. Một lần khi trao
Mình Thánh Chúa bị phát hiện, bà này đã nhanh miệng giải thích: đó là thuốc bổ
để trị bệnh.
Thánh Ven gửi thư cho chị
Melanie và gia đình, cha kể: "Em đã đến Kẻ Chợ (Hà Nội). Cả nhà thử tưởng
tượng coi: Ngồi bó gối trong cũi gỗ, tám người lính khiêng đi hai bên, đám đông
dân chúng ồn ào bu lại coi. Em nghe họ nói: Chàng người Âu này coi dễ thương
quá. Anh ta thản nhiên và vui tươi như đi ăn tiệc, chẳng tỏ vẻ gì là sợ hãi cả.
Em cầu nguyện với Nữ Vương các thánh Tử đạo, xin Đức Mẹ thương phù trợ cho người
tôi tớ nhỏ bé của Mẹ. Mới đầu quan tòa cho em uống một chén nước trà, em uống một
cách ngon lành ngay trong cũi...
Khi quan muốn buộc tội cha
làm tay sai cho quân Pháp xâm lược, cha khẳng khái trả lời:
- Không bao giờ chúng tôi ủng
hộ quân Viễn Chinh Pháp. Nếu không tin, xin để tôi đến gặp họ, tôi sẽ khiển
trách họ đến gây chiến. Nếu tôi thất bại, tôi tự nguyện trở về nộp mạng.
- Hãy đạp lên Thánh Giá,
anh sẽ khỏi chết.
- Tôi suốt đời rao giảng đạo
Thập Giá lẽ nào tôi làm thế được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quá quý, để
tôi phải mua nó bằng cái giá bội giáo?
Ngày 3.1.1861, cha Ven viết
dược thư gởi đức cha Theurel Chiêu, Giám mục phó địa phận Tây: “Gươm đao ở kề sát bên cổ mà con chẳng rùng
mình chút nào. Thiên Chúa nhân lành đã hỗ trợ sự yếu đuối của con nên con thấy
thoải mái. Thỉnh thoảng con lại cất cao tiếng hát trong "cung điện"
này:
"Lạy Mẹ yêu dấu
Xin thương dẫn con
Vào đất Nước Trời
Bên Thánh nhan Người"
Jean Théophane Venard sinh
ngày 21.11.1829, tại Saint Loup sur Thouet, nước Pháp.
Mãn khóa triết học tại
Mont Morillon, năm 1848, thầy Venard được chuyển qua giáo phận Poitiers tiếp tục
ban thần học. Sau khi lãnh chức phó tế, thầy xin gia nhập hội thừa sai Paris.
Năm 1852, thầy được thụ phong linh mục.
Ngày 23.9.1854, cha Venard
xuống tàu ở cảng Anvers (Bỉ), và ngày 13.7.1854 cha cập bến Cửa Cấm (cửa sông
vào Hải Phòng ngày nay). Cha được tiếp đón cách long trọng tại tòa Giám mục
Vĩnh Trị, địa phận Tây Đàng Ngoài. Sau vài tháng học tiếng, cha tháp tùng đức
cha đi kinh lý các nơi, và dạy học chủng viện. Đầu tháng 3.1857, viên tri huyện
Nghĩa Hưng và bạn thân với đức cha Retord, trước khi đem quân đến vây bắt, ông
đã báo tin cho biết. Nhờ đó, đức cha, cha Venard Ven và cha Charbonnier Đoài chạy
thoát.
Ngày 30.11.1860, nhân lúc
cha Ven đang ở Kẻ Bèo (Hà Nam), viên cai đội đem năm sáu chiếc thuyền chở khoảng
20 người đến vây bắt. Cha ẩn mình giữ vách đôi của căn nhà, cai đội thét lớn tiếng:
“Tây Dương Đạo Trưởng đâu, ra trình diện.”
Thầy giảng Phêrô Khang tìm cách nói tránh: “Ở
đây chỉ có tôi thôi. Ông cai thương, tôi được nhờ; ông cai bắt, tôi đành chịu.”
Vì đã được mật báo, viên cai đội cho lệnh trói thầy rồi đi thẳng tới vách nhà vị
thừa sai đang ẩn, đạp thật mạnh làm bật tung tấm ván che, bắt cha Ven nhốt vào
cũi giải về Hà Nội.
Ngày 2.2.1861, nghe quan
tuyên đọc bản án trảm quyết, Cha Venard Ven liền lấy áo lông cừu trắng ra mặc,
áo mà cha đã sắm để mặc ngày tử đạo, cha muốn trang phục như ngày đại lễ. Một đội
lính 200 người và hai võ quan cỡi voi áp giải vị anh hùng ra pháp trường Ô Câu
Giấy. Suốt nửa giờ hành trình cha không ngừng hát Thánh ca, và kết thúc bằng
bài Thánh Ca Tin Mừng: ”Linh hồn tôi ngợi
khen Chúa.” Tới nơi đã chỉ định, lính tháo gông cùm.
Một lý hình thấy chiếc áo
cha mặc đẹp quá nên đã tự nguyện hành quyết cha. Hắn nói láo rằng cha phải xử lăng
trì để cha cởi áo ra cho hắn lấy, hắn còn đòi tiền để chém sao cho mau chết.
Cha mỉm cười rồi nói: “Có hề chi đâu,
càng lâu càng tốt”, rồi đưa tay cho lý hình trói vào cột. Lý hình vung gươm
chém lần thứ nhất, gươm trượt qua một bên vào má. Nhát thứ hai, y bổ đầu cha ra
làm hai. Các giáo hữu phải bỏ tiền ra xin an táng thi hài và chuộc lại y phục của
cha. Còn thủ cấp cha bị bêu trên cây ba ngày rồi thả trôi sông, đến sau có người
chài lưới vớt được, đem về trao cho giáo quyền. Năm 1865, hài cốt đấng tử đạo
được đưa về chủng viện hội Thừa sai Paris, đặt trong gian phòng Tử đạo.
Đang lúc các thầy giảng
Phêrô Trương Văn Đường (tử đạo ngày 18.12.1838, 30 tuổi) Phaolô Nguyễn Văn Mỹ,
và Phêrô Vũ Truật bị giam giữ chờ ngày ra pháp trường, Cha Triệu giả làm thường
dân đem Mình Thánh Chúa đến cho các thầy được bốn lần. Đối với các thầy, đó là
hồng phúc lớn lao. Đây là những lời tâm sự của thầy Đường gởi cha Marette: “Hôm nay là ngày trọng đại, chúng con được
rước Mình Thánh Chúa. Xin tạ ơn Chúa đã viếng thăm và làm vơi nhẹ những xiềng
xích của chúng con... Cửa Thiên Đàng đã mở sẵn, nghĩ đến hạnh phúc đang chờ đợi,
chúng con chẳng còn ước ao sự gì ở thế gian này nữa.”
Các cuộc thẩm vấn ba vị
thánh Phêrô Trương Văn Đường, Phaolô Nguyễn Văn Mỹ và Phêrô Vũ Truật thường đi
liền với những điều tra tấn dã man. Sau đây là mấy dòng chữ trong thư của thánh
Mỹ còn để lại:
"Lính lột áo chúng tôi ra, bắt chúng tôi nằm xuống, lấy dây thừng cột
chặt tay chân, rồi kéo căng, cột vào bốn cọc bốn phía, nguyên sự căng nọc như
thế đủ làm chúng tôi đau đớn vô cùng. Thế rồi họ bắt đầu đánh đập... Cuối cùng
họ không đánh bằng một chiếc roi nữa, mà là cả bó. Mỗi lần đánh, trăm đầu roi
mây in lằn trên da thịt chúng tôi, gây nhiều thương tích đẫm máu.”
Trương Văn Đường sinh năm
1808 ở Kẻ Sở, xã Ninh Phú, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Gia đình Phêrô Đường tuy
nghèo nhưng nổi tiếng đạo đức. Được ông cậu là cha Trương Văn Thi phụ trách xứ
Sông Chảy đỡ đầu, nên ngay khi Đường mới 9 tuổi, cha Phương xứ yên Tập đã nhận
dẫn dắt vào đời sống trụ trì. Khi 15 tuổi, Phêrô Đường được gởi đến giúp xứ Bầu
Nọ dưới quyền thừa sai Marette. Được cha xứ hướng dẫn, anh chuyên cần học chữ Hán
và Latinh để chuẩn bị cho tương lai. Anh được đức cha Havard Du nhận vào bậc thầy
giảng khi mới 16 tuổi, thầy giảng trẻ tuổi nhất, thầy tiếp tục giúp xứ Bầu Nọ
cho đến ngày bị bắt. Tính tình vui tươi, hiền lành, thầy được mọi người trong
giáo xứ quý mến.
Ngày 20.6.1837, khi quan tỉnh
Sơn Tây (Xứ Đoài) phái 1500 quân đến bao vây giáo xứ Bầu Nọ bắt cha Cornay Tân,
thì cũng bắt luôn hai thầy giảng Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, Phêrô Trương Văn Đường
và anh Phêrô Vũ Truật. Cả ba là những cộng sự viên của cha Tân và cha xứ
Marette. Ba người cùng bị áp giải với cha Tân đi hơn sáu dặm đường tới đề lao
Sơn Tây. Là người lớn tuổi nhất, thầy Mỹ như người anh cả thay mặt cho hai đồng
bạn đối chất với các quan. Trong một lá thư gởi thừa sai Marette, thầy Đường viết: "Từ ngày được diễm phúc chịu khổ vì đức
Tin, thầy Mỹ thay chúng con viết thư cho cha. Vì chúng con coi thầy như đại diện
cho ở giữa chúng con..."
Tại công đường, quan biểu
thầy Đường đạp lên Thánh Giá, thầy trả lời: “Nhất
định chúng tôi không đạp lên ảnh Thánh , vì như vậy là chọn cái chết đời đời cả
linh hồn lẫn thể xác.”
Riêng thầy Truật vì ốm yếu
nên được mang gông nhẹ hơn và ít bị ăn đòn. Nhưng sau mỗi kỳ tra tấn, cả ba người
đều kiệt lực phải khiêng về ngục thất. Ngày 20 tháng 9, lính canh ngục báo tin
cha Tân đã bị trảm quyết và khuyên các thầy bỏ đạo. Nhưng cả ba cùng nói: “Chúng tôi mừng vì thầy chúng tôi được Tử đạo,
chúng tôi nguyện theo gương người.”
Giai đoạn này thầy Mỹ ghi
lại trong một bức thư: “Suốt 4 tháng liền,
chúng tôi bị gông cùm xiềng xích, chịu
lính canh ngược đãi, phòng giam ẩm thấp hôi tanh, ruồi muỗi tha hồ chích
đói trên những tấm thân đầy thương tích.”
Bản án quan tỉnh Sơn Tây
tâu vua Minh Mạng được chuẩn phê và gởi về. Nhưng thay vì thi hành ngay, bản án
có ghi "Khoan xử chờ quyết định mới.”
Bề ngoài bản án có vẻ nhân đạo, nhưng thực ra bên trong rất thâm độc. Với thời
gian, nhiệt tình ban đầu có nguy cơ phai nhạt, vì tử tội luôn bị ám ảnh đến
chuyện phải ngồi tù không biết đến bao giờ. Đàng khác sự chịu đựng của con người
có hạn, quá khổ đau mòn mỏi, đi đến nản chí, con người dễ bị tung lạc mà thay đổi
lòng dạ.
Ba thầy giảng phải chờ
thêm 14 tháng, tất cả là một năm rưỡi bị giam cầm. Nhưng suốt thời gian bị thử
thách lâu dài ấy, ba thầy vẫn gắn bó với nhau trong nhẫn nại, can đảm và giữ
mãi lòng khao khát đợi trông phúc Tử đạo.
Năm 1838, triều đình duyệt
lại bản án và chỉ thị cho quan tỉnh Sơn Tây thi hành. Ngày 18 tháng 12, ba chứng
nhân anh dũng bước ra pháp trường Gò Vôi ở làng Mông Phụ (Sơn Tây). Mỗi người
mang trên ngực tấm thẻ ghi tên, họ, nguyên quán và tội theo đạo Da Tô, lệnh xử
giảo. Trên đường đến nơi hành quyết, như đã hẹn trước, ba thầy cùng làm dấu
Thánh Giá khi thấy cha Triệu đứng giữa dân chúng ban ơn xá giải. Một anh lính mời
các thầy uống rượu, ba thầy cảm ơn, chỉ xin uống nước trà và nói: “Chúng tôi kiêng rượu như kiêng sắc dục và
kiêng phản bội.”
Đến nơi xử, ba chứng nhân
nằm trên chiếu, quân lính quây thành một vòng tròn lớn, để giữ trật tự. Từng vị
một bị trói chân vào cọc và trói chéo hai tay ra sau lưng. Giây thừng tròng sẵn
vào cổ. Chiêng trốn ngân vang, lý hình mỗi bên nắm chặt đầu giây xiết thật
căng, cho tới khi ba vị tuần giáo tắt thở: máu ứa ra đàng miệng. Sau đó lý hình
lấy lửa đốt thử gian bàn chân để xác nhận các tử tội đã chết thật.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề
tựa của Lm. HK