Lời Chúa Lễ Thánh Thể năm A _ nhiệm tích vô cùng cao quí

ĐÂY NHIỆM TÍCH VÔ CÙNG CAO QÚI
Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể là nguồn an ủi cho người sầu khổ, là sức mạnh cho kẻ lao đao, là niềm hy vọng cho ai đang muốn tìm một hướng đi, và sự vui mừng cho những người muốn tìm đến với nguồn Chân Thiện Mỹ.  
Lm. Mt
Năm 1264, Đức Giáo Hoàng Urbanô IV thiết lập lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, ngài yêu cầu thánh Tôma Aquinô sáng tác một bài ca cho ngày lễ. Thánh nhân đã viết thánh thi nổi tiếng được phổ nhạc với tựa đề “Tantum ergo.” Bài hát này các nhạc sĩ Viêt Nam chuyển lời với tên gọi “Đây nhiệm tích”, và chúng ta thường hát khi chầu Thánh Thể, câu mở đầu là lời tuyên xưng và chúc tụng: “Đây nhiệm tích vô cùng cao qúi.”
Thánh Thể là nhiệm tích vô cùng cao qúi, vì đó là hy tế Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha để tạ ơn và đền tội cho toàn thể nhân loại. Khi tường thuật việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, thánh Luca đã viết: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy." Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc 22, 19-20) Mỗi khi cử hành thánh lễ, Giáo Hội tái hiện hy tế của Đức Giêsu với tâm tình tạ ơn, đồng thời cậy nhờ công nghiệp của Người, xin Chúa Cha tuôn đổ muôn phúc lành cho người xin lễ, những người đang hiện diện, mọi nhu cầu của Hội Thánh và thế giới.
Bí Tích Thánh Thể vô cùng qúi giá, vì là lương thực của các thiên thần, giờ đây trở nên thần lương dưỡng nuôi các tín hữu là lữ khách đang tiến về quê trời: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6, 54) Khi đón nhận Mình Máu Thánh Chúa, các Kitô hữu được nếm cảm bữa tiệc đời đời và thông hiệp sâu xa với Đấng là nguồn sự sống: “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” ( Ga 6, 55-56)
Thánh Thể Chúa là bí tích vô cùng cao qúi nhưng không cao xa, vì Đức Giêsu hiện diện thật khiêm tốn, gần gũi trong tấm bánh và ly rượu vốn là sản phẩm từ lao công của con người. Chúa Kitô là Thiên Chúa quyền uy trời đất chứa chẳng nổi, nhưng lại trở nên nhỏ bé trong Bí Tích Thánh Thể, Người như tùy thuộc vào các vị tư tế Tân Ước, vì khi linh mục đọc “lời truyền phép”, tức thì Người ngự đến biến đổi tấm bánh và ly rượulà của ăn thức uống nuôi dưỡng thân xác thành thần lương bảo đảm phúc trường sinh cho các tín hữu. Chúa Giêsu Thánh Thể còn để mình lệ thuộc vào kẻ lãnh nhận, Người ngự đến trong tâm hồn những ai có lòng ngay chính, nhưng kẻ bất lương đón nhận, Người cũng chẳng nghiêm phạt thẳng tay.
Dẫu vậy, rước lễ là đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô nên mỗi người cần chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng, như lời thánh Phaolô nói: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.” (1 Cr 11, 28-29) Tâm hồn phải trong sạch, thái độ cần cung kính, y phục sao cho xứng với việc đón rước Đấng là Chúa cả đất trời đến ngự trong linh hồn.
Bí Tích Thánh Thể là phương thế giúp chúng ta liên kết với nhau cách sâu xa như lời thánh Phaolô dạy: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1Cr 10, 17) Trong niềm tin,chúng ta là con một Cha trên trời, là anh em với nhau, và cùng thông dự Mình Máu Thánh Chúa, nhưng mỗi người tín hữu còn mang nơi mình tính ích kỷ, tham lam hoặc để lòng hận thù, nên trong kinh nguyện Thánh Thể II, chúng ta cùng với Giáo Hội khẩn thiết kêu xin: “Chúng con tha thiết nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần.”
Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể là nguồn an ủi cho người sầu khổ, là sức mạnh cho kẻ lao đao, là niềm hy vọng cho ai đang muốn tìm một hướng đi, và sự vui mừng cho những người muốn tìm đến với nguồn Chân Thiện Mỹ. Vì thế, Mẹ Têrêsa Calcutta đã đòi buộc các nữ tu thuộc hội dòng của Mẹ, mỗi ngày phải dành một giờ ở bên Chúa Giêsu Thánh Thể, để có lửa yêu thương trong trái tim và nơi đôi tay khi phục vụ những người bất hạnh.
Ý thức Mình và Máu Chúa Kitô vô cùng cao qúi, nên Giáo Hội không ngừng khuyến khích, khuyên dạy và đòi buộc các tín hữu siêng năng tìm đến với Bí Tích cực trọng này. Trong sáu điều răn của Hội Thánh, có tới hai giới luật liên quan đến Thánh Thể: “Thứ nhất: xem lễ ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc.”“Thứ bốn: chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong Mùa Phục Sinh.” Còn trong Hiến Chế “Ánh sáng muôn dân”, các nghị phụ Công Đồng Vat II đã viết: “Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo.” (số 11)
Nếu trao cho đứa trẻ hai tuổi hộp sữa và viên kim cương, chắc chắn cháu bé sẽ đưa tay lấy hộp sữa mà chẳng quan tâm đến viên ngọc qúi, vì em còn quá nhỏ nên không hiểu giá trị của món qùa đắt giá kia. Trong lãnh vực thiêng liêng, nhiều người Kitô hữu đã chọn điều tầm thường và đành mất điều cao qúi. Thật vậy, có ngườivì công việc, một buổi tiệc vui hay một trận bóng…, mà sẵn sàng bỏ tham dự thánh lễ. Nhiều tín hữu tham dự thánh lễ và rước lễ hằng ngày, nhưng lại thiếu tinh thần bác ái, chẳng giữ sự công bằng, có khi còn là những “chuyên viên” gây chia rẽ qua lời nói hay việc làm.
Thánh Thể Chúa là qùa tặng vô cùng cao qúi Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, và là hồng ân bảo đảm phúc trường sinh cho các tín hữu. Xin cho chúng ta biết qúi trọng Bí Tích cao cả là Mình và Máu Thánh Chúa, siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ, để hoa trái yêu thương và hiệp nhất được triển nở nơi tâm hồn cũng như trong cộng đoàn, ngõ hầu ngay từ bây giờ chúng ta xứng đáng đón nhận hồng ân Thánh Thể, và mai sau được dự bữa tiệc muôn đời trong Vương Quốc của Thiên Chúa.