VÌ CHÚA VÀ VÌ HỘI
THÁNH
Khi thực lòng vì Chúa và Hội Thánh, khoảng cách của sự
khác biệt được rút ngắn, sở thích và quyền lợi cá nhân hay phe nhóm bị xóa
nhòa, để Tin Mừng được rao giảng khắp nơi.
Khi say mê điều gì, chúng ta thường quy hướng mọi năng
lực để đạt cho kỳ được điều mình muốn. Người tham công tiếc việc như quên nỗi mệt
nhọc và chẳng mấy chú tâm đến thời gian, miễn sao công việc sớm thành đạt. Người
mê bóng đá có thể thức nhiều đêm để thưởng thức môn thể thao mà họ ưa thích. Về
phương diện đức tin, nhiều người can đảm chấp nhận mọi gian nan, vất vả và hy
sinh mạng sống vì Chúa và Hội Thánh.
Tác giả cuốn “Những người lữ hành trên đường hy vọng”
đã kể:
Có người hỏi Đức ông Polgallo:
- Là người thân cận của Đức Giáo Hoàng
Phaolô VI, vậy điều gì nơi Đức Thánh Cha đánh động Đức ông nhất?
- Dĩ nhiên ngài là vị Giáo Hoàng rất thông
minh và thánh thiện. Nhưng với cá nhân tôi, điều ngài làm tôi cảm kích hơn cả
là lòng yêu mến Hội Thánh. Trong các chuyến tông du, ngài hòa mình vào đám đông
và để mọi người lôi kéo như quên mọi hiểm nguy có thể xảy đến. Những lúc thân mật
chúng tôi thưa với ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, chúng con thấy Đức Thánh Cha đã vất
vả với công việc lại còn tự đặt mình vào nhiều hoàn cảnh có thể nguy hiểm đến
tính mạng. Xin Đức Thánh Cha đừng để đám đông lôi kéo như thế vì rất nguy hiểm.”
Mỗi lần nghe chúng tôi góp ý như vậy, ngài chỉ cười và
dịu dàng nói:
- Tất cả vì Hội Thánh! Tất cả vì Hội Thánh!
Thánh Phêrô và Phaolô là mẫu gương “vì Chúa và vì Hội Thánh” cho các Kitô hữu
thuộc mọi thời đại. Kinh tiền tụng thánh lễ hôm nay Giáo Hội đã ca tụng: “Các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy
tụ một gia đình duy nhất cho Đức Kitô, nên các ngài đáng được thế giới ngưỡng mộ
và được lãnh nhận cùng một triều thiên vinh quang.”
Vì yêu mến Đức Giêsu, trong bữa Tiệc Ly, thánh Phêrô
như quên thân phận giới hạn của mình nên đã quả quyết: "Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con
cũng sẵn sàng.” (Lc 22, 33) Thánh Phaolô thì xác định ý hướng truyền giáo của
ngài: “Chúng tôi không rao giảng chính
mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa.” (2 Cr 4, 5a)
Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, nên yêu mến
Chúa Giêsu, thánh Phêrô và Phaolô tận tụy phục vụ và hy sinh mạng sống vì các
tín hữu. Các ngài chấp nhận mọi vất vả, hiểm nguy để đem nhiều người vào đàn
chiên mà Đức Giêsu là Mục Tử. Thánh Phaolô đã thành thật chia sẻ suy nghĩ và chọn
lựa của ngài: “Tôi cam chịu mọi sự, để
mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong
Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời.” (2 Tm 2, 10) Cuối cùng,
cả hai vị đã lấy máu đào để minh chứng lòng yêu mến Chúa Kitô và Hội Thánh của
Người.
Các ngài yêu mến Chúa và Hội Thánh, nhưng thực ra
Thiên Chúa đã yêu thương và tín nhiệm các ngài trước. Phêrô chỉ là người ngư phủ,
thế mà Đức Giêsu đã ủy thác cho ông trách nhiệm và vinh dự thật lớn lao: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa
là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử
thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh
cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều
gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16, 18-19) Phaolô đã từng bắt
bớ các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai, vậy mà Chúa Giêsu Phục Sinh chọn ông làm
tông đồ và trao cho vinh dự đem Tin Mừng cho dân ngoại: “Hãy dành riêng Banaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi
hai người ấy làm.” (CVTĐ 13, 2) Chúa cũng yêu thương, tín nhiệm và ban cho
mỗi người chúng ta biết bao ơn lành. Người muốn chúng ta dùng những ơn ấy để
làm vinh danh Chúa, thánh hóa bản thân và mưu ích cho tha nhân.
Thánh Phêrô và Phaolô, dù khác nhau về nhiều phương diện,
nhưng cả hai đều qui hướng cuộc đời vào một mục đích duy nhất là Thiên Chúa được
vinh danh và muôn người được hưởng ơn cứu độ. Thật vậy, các ngài luôn hiệp nhất
với nhau trong một đức tin, cùng một đức mến và nhiệt tâm lo cùng một sứ vụ: “Dù là Phaolô, hay Apôlô, hay Kêpha, dù cả
thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh
em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa.” (1
Cr 3, 22-23) Khi thực lòng vì Chúa và Hội Thánh, khoảng cách của sự khác biệt
được rút ngắn, sở thích và quyền lợi cá nhân hay phe nhóm bị xóa nhòa, để Tin Mừng
được rao giảng khắp nơi.
Người môn đệ của Đức Kitô không cậy dựa vào khả năng
và sự cố gắng của bản thân, nhưng luôn tin tưởng vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô
đã cảm nghiệm sâu sắc sự giới hạn và yếu đuổi của mình nên không ngần ngại
tuyên xưng Đấng quyền năng: “Có Chúa đứng
bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn
thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng.” (2 Tm 4, 17) Khi
tin cậy vào Chúa, được thành công, người môn đệ không quy vinh quang cho bản
thân; lúc gặp thất bại, không nản lòng, nhưng luôn tín thác và cậy trông nơi
Chúa.
Chẳng những đặt niềm tin cậy nơi Chúa, người môn đệ
Chúa Kitô còn ý thức hiệu lực của tình hiệp thông và lời cầu nguyện của cộng
đoàn. Sách Công Vụ Tông Đồ kể: “Đang khi
ông Phêrô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời
cầu nguyện khẩn thiết cho ông.” (CVTĐ 12, 5) Niềm vui của người tín hữu là
biết mình không lẻ loi đơn độc, nhưng luôn hiệp thông với cộng đoàn, hưởng nhờ
ơn ích và lời cầu nguyện của toàn thể Hội Thánh. Về phần mình, các Kitô hữu cần
cầu nguyện cho Hội Thánh và tích cực xây dựng thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Người nghèo chết dần chết mòn vì thiếu của ăn, mặc dù
bên tai vẫn được nghe khầu hiệu: “tất cả
vì người nghèo.” Chẳng có thành công và hiệu quả tốt đẹp nào phát sinh từ những
lời sáo rỗng. Các Kitô hữu thường nghe hoặc đã từng hô vang: “vì Chúa và vì Hội
Thánh.” Nhưng nếu đặt mình trước mặt Chúa và tự vấn lương tâm: Tôi đã làm được
gì cho Chúa và Hội Thánh? Mỗi khi tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích hoặc
làm việc tông đồ bác ái, trong đó có bao nhiêu phần trăm dành Chúa và tha nhân?
Rất có thể phần trăm dành cho bản thân lớn gấp nhiều lần những gì chúng ta làm
vì Chúa, vì Hội Thánh và tha nhân.
Trong mọi hoạt động của người tín hữu, nếu chúng ta
không thực lòng vì Chúa và Giáo Hội, chúng ta chỉ mang nhãn hiệu Kitô hữu. Chúng
ta sẽ xứng danh là Kitô hữu khi qua lời nói, cách sống và lời cầu nguyện, ít ra
một ai đó nhận biết Tin Mừng của Đức Kitô.