NHỮNG NGƯỜI KHÔNG BIẾT
SỢ
Tình yêu thì loại trừ mọi nỗi sợ hãi.
Nói đến hai thánh Tông Đồ cả Phêrô và Phaolô, người ta
thường chăm chú đến những khác biệt nơi hai Ngài để rồi hướng đến quyền năng của
Thiên Chúa. Đây là một cái nhìn truyền thống có căn bản thần học đã góp phần
cho đoàn tín hữu xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa. Mạo muội có một cái
nhìn về những điểm chung của hai Ngài xem ra khá táo bạo, thế nhưng nếu có cơ sở
thì cũng đáng cho ta ghi nhận điều gì đó. Xin được chia sẻ một nét chung nơi
tính cách của hai “cột trụ” của Hội Thánh đó là “không biết sợ.”
1. Không sợ sai để dám nói: Những người quá cẩn trọng
thì thường tự biện minh là “nói nhiều sai nhiều, nói ít sai ít.” Tuy nhiên cũng
có thể nếu cẩn trọng cách quá đáng như kiểu luôn thủ thân thì rất dễ đi đến chỗ
“không nói gì” để khỏi phải sai lầm. Có ngờ đâu, không nói gì cả khi cần phải
nói thì lại là một sự sai lầm rất tai hại.
Đọc Tin Mừng thì không ai lại không chân nhận tính
“mau miệng” của tông đồ Phêrô. Không thể nói là Chúa Kitô đã minh nhiên đặt
Ngài làm đầu nhóm 12 trong thời gian rao giảng, vì cũng trong thời gian này
nhóm 12 luôn tranh giành nhau về vị thế làm đầu. Chưa chính thức làm đầu, thế
mà Phêrô thường là người thay mặt anh em để lên tiếng. Có khi nói đúng thì được
Thầy khen, nhưng cũng có khi chệch choạc thì bị Thầy lên tiếng quở trách nặng nề
(x. Mt 16, 13-23). Thế nhưng Phêrô vẫn cứ lên tiếng. Đúng là không biết sợ.
Thánh Phaolô thì sao đây? Có thể nói Ngài là vị “nhỏ
người mà lớn miệng.” Ngài đã nhiều lần tự biện hộ cho mình về việc lên tiếng
quá nhiều và hình như không biết “kiêng dè.” Ngay cả với Phêrô mà Ngài cũng chẳng
tha (x. Gal 2, 11-14). Có khi hăng say rao giảng đạt kết quả và cũng có khi nhiệt
tình lý luận thì bị mời đi chỗ khác chơi ( x.Cvtđ 17, 22-34). Thánh nhân vẫn
không ngừng lên tiếng, khi thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi. Thật chẳng
biết sợ là gì.
2. Không sợ thất bại để dám làm: Dù biết rằng thất bại
là mẹ thành công nhưng sự thường không ai là không ngại thất bại. Không chỉ ngại
thất bại mà người cơ hội thường thích ẩn mình để chờ thời cơ. Không làm gì cả
thì chẳng mất lòng ai và nếu có bầu bán vị trí vai trò quan trọng nào trong các
tổ chức xã hội hay tôn giáo cũng dễ kiếm nhiều phiếu hơn. Một sự thật không thể
nói là cá biệt hay đặc thù chút nào nếu không muốn nói ngược lại.
Nếu là Thầy, xin truyền cho con đi được trên nước… và
Phêrô mạnh dạn bước đi trên sóng biển (x. Mt 15, 22-33). Trước đám đông quân
lính hùng hổ, Phêrô dứt khoát rút gươm bảo vệ Thầy. Dù cho bạn đồng môn tìm
cách trốn lánh thì Phêrô vẫn quyết định dõi theo chân Thầy vào sân vị Thượng tế.
Làm nhiều ắt gặp thất bại không ít, nhưng Phêrô vẫn quyết tâm đi tới.
Việc làm của Phaolô thật khó có ai bì. Ba chuyến hành
trình truyền giáo cùng với bao gian khó vất vả là một minh chứng rõ ràng. Bị
đòn roi, bị ném đá, bị ngồi tù hay lênh đênh trên biển cả… tất cả không ngăn được
bước chân của vị Tông đồ nhiệt thành. Thành công rất nhiều và thất bại cũng chẳng
thiếu, nhưng Phaolô bỏ tất cả đằng sau để một mực lao về phía trước. Ngài đã từng
khẳng định “bất cứ những gì người ta dám
làm thì Ngài cũng dám làm” (2 Cor 11, 21).
3. Không sợ thua thiệt để dám yêu: Đây chính là nền tảng
căn bản để hai thánh Tông đồ dám nói, dám làm không sợ hãi. Yêu là chết trong
lòng một ít. Câu ngạn ngữ trên một cách nào đó nói về sự hy sinh trong tình
yêu. Đã yêu là không thể thiếu sự quảng đại hy sinh và quên mình vì người mình
yêu.
Vì yêu mến Thầy hơn các môn đệ khác Phêrô chấp nhận cảnh
phận “phải dang tay ra cho người khác thắt
lưng và dẫn Ngài đến nơi Ngài chẳng muốn” (Ga 21, 18). Cho dù bị thua thiệt
nhưng tình yêu sẽ phủ lấp muôn vàn tội lỗi (x. 1 P 4, 8)
Vì yêu mến Đức Kitô, Phaolô chấp nhận mọi thua thiệt. Phaolô
sẵn sàng chịu mọi gian truân khốn khó vì yêu mến đồng loại và mong cứu thoát được
một số người. Thánh nhân cảm nghiệm tình yêu là cao trọng hơn cả vì yêu thương
là chu toàn mọi lề luật (x.Rm 14, 8).
Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô được Hội Thánh nhìn
nhận là hai trụ cột chính của Tòa Nhà Hội Thánh. Hội Thánh là đoàn dân của
Thiên Chúa. Có thể nói đó là tập thể những con người sống đạo yêu thương. Tình
yêu thì loại trừ mọi nỗi sợ hãi. Đã yêu thì không còn e ngại sự gì. Đã yêu thì
không ngại các thiệt thua. Vì yêu thương nên không sợ sai khi phải nói điều phải
nói. Vì yêu thương nên không sợ thất bại khi quyết làm điều chính đáng và phải
đạo.
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
VietCatholic.net