CÁC VỊ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI Ở RÔMA
(c. 68 A.D.)
Lược sử
Nhiều năm sau khi Đức
Giêsu về trời, chỉ có khoảng một chục người
Kitô Giáo ở Rôma, dù rằng họ không phải là những người tòng giáo của "vị
tông đồ Dân Ngoại" (Rom 15:20). Khi Thánh Phaolô viết lá thư ấy vào khoảng
57-58 A.D. thì ngài chưa đến thăm họ.
Ở Rôma có nhiều người
Do Thái. Có lẽ vì sự tranh chấp giữa
những người Do Thái truyền thống và Do Thái theo Kitô Giáo mà Hoàng Đế Claudius
đã trục xuất tất cả
người Do Thái ra khỏi Rôma trong những năm 49-50 A.D.
Sử gia Suetonius nói
rằng việc trục xuất là vì những xáo trộn trong thành phố "gây nên bởi một
vài Kitô Hữu." Có lẽ sau khi Claudius từ trần, nhiều người đã trở lại đây
vào năm 54, vì lá thư của Thánh Phaolô dường như viết cho một giáo đoàn Dân
Ngoại đông đảo.
Vào tháng Bảy năm 64,
hơn một nửa thành phố Rôma bị tiêu hủy vì hỏa hoạn. Người ta đồn rằng chính Hoàng Đế Nero đã gây ra thảm
kịch này vì muốn nới rộng cung điện của ông. Nero đã mưu mô chuyển hướng bằng
cách kết tội người Kitô Giáo. Theo sử gia Tacitus, một "số đông" Kitô
Hữu đã bị chết vì
"sự thù hận của con
người." Thánh Phêrô và Thánh Phaolô có lẽ cùng chung số phận với những
người này.
Suy niệm 1: Một chục
Nhiều năm sau khi Đức Giêsu về trời, chỉ có khoảng một chục người Kitô Giáo
ở Rôma.
Số lượng người thật quá ít ỏi và bé nhỏ, trong tay lại không có chút quyền
lực thế quyền. Với tầm nhìn của người đời, chắc hẳn tương lai thật mịt mù và
đen tối. Thế nhưng với sự hiện diện và sự trợ giúp của quyền năng Thiên Chúa,
hạt cải bé bỏng này đã vươn lên, trở thành cây to lớn khiến muôn người muôn
nước có thể tìm đến núp bóng được.
Lịch sử dân Chúa từ thời Cựu Ước trải qua T6an Ước đã để lại không thiếu
những chứng tích xác minh những con người vốn bình thường nhưng là lợi khí của
Chúa thì cũng thực hiện được những việc phi thường, chẳng hạn như một trẻ Đavít
hạ gục được tướng khổng lồ Gôliát, một góa phụ chân yếu tay mềm lại chém được
đầu tướng hùng Hôlôphécnê, hoặc các tông đồ không có chữ nghĩa lại làm Thượng
Hội Đồng không biết đối đáp thế nào.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vững tin vào quyền năng của Chúa là Đấng hằng
làm được mọi sự.
Suy niệm 2: Tranh
chấp
Sự tranh chấp giữa những người Do Thái truyền thống và Do Thái theo Kitô
Giáo.
Bất cứ đâu Tin Mừng của Đức Giêsu được rao giảng, ở đó có sự chống đối như
Đức Giêsu đã từng gặp, và nhiều người theo Ngài đã chia sẻ sự đau khổ và sự
chết của Ngài.
Nhưng không một sức lực nào của loài người có thể ngăn chặn quyền năng của
Thần Khí đang giải thoát thế giới. Máu của các vị tử đạo đã từng là, và sẽ luôn
luôn là hạt giống đức tin.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đón nhận số phận: Trò thì không hơn thấy, tớ thì
không hơn chủ (Mt 10,24).
Suy niệm 3: Trục
xuất
Hoàng Đế Claudius đã trục xuất tất cả người Do Thái ra khỏi Rôma.
Hoàng Đế Claudius đã hạ lệnh trục xuất, có lẽ vì sự tranh chấp giữa những
người Do Thái truyền thống và Do Thái theo Kitô Giáo. Sử gia Suetonius nói rằng
việc trục xuất là vì những xáo trộn trong thành phố "gây nên bởi một vài
Kitô Hữu".
Nhưng theo chương trình quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa thì đây lại là
thời điểm giúp cho các kitô hữu sống được tinh thần truyền giáo. Họ buộc phải
rời địa phương cư trú để tìm đến những nơi khác lạ, tại đó bằng cuộc sống chứng
nhân, họ có cơ hội giới thiệu Chúa cho người ngoại giáo để cùng tìm về đoàn tụ
trong một ràn chiên.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đọc ra và thực thi Thiên Ý hằng ẩn sâu trong các
biến cố của cuộc đời.
Suy niệm 4:Hỏa hoạn
Vào tháng Bảy năm 64, hơn một nửa thành phố Rôma bị tiêu hủy vì hỏa hoạn.
Người ta đồn rằng chính Hoàng Đế Nero đã gây ra thảm kịch này vì muốn nới rộng
cung điện của ông. Nero đã mưu mô chuyển hướng bằng cách kết tội người Kitô
Giáo.
Lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng. Câu nói này đã được hiện thực qua cách
xử sự của Hoàng Đế Nero. Thay vì anh hùng nhận lấy trách nhiệm về tội ác của
mình thì chạy tội bằng việc đẩy lỗi cho người Kitô Giáo.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thà bị hại chứ đừng bao giờ làm hãi ai.
Suy niệm 5: Chết
Theo sử gia Tacitus, một "số đông" Kitô Hữu đã bị chết vì
"sự thù hận của con người."
Đức Giáo Hoàng Clêmentê I, người kế vị Thánh Phêrô đã viết: "Chung
quanh các đấng ấy là một đám đông những người được tuyển chọn, mặc dù là nạn
nhân của sự ghen ghét, họ đã đem cho chúng ta gương mẫu cao quý nhất về sự chịu
đựng khi bị tra tấn và sỉ nhục.
Vì sự đố kỵ mà các phụ nữ phải đau khổ, như bà Dirce hoặc các con gái của
Danaus, họ phải đau đớn khủng khiếp vì các hành động thô bạo. Nhưng họ đã can
đảm chu toàn đức tin bất kể sự yếu đuối của thân xác và đã chiếm được phần
thưởng cao quý".
* Lạy
Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con niềm tin và ơn can đảm để dũng cảm chịu cực
hình đến chết vì Chúa.
Suy niệm 6: Thù hận
Theo sử gia Tacitus, một "số đông" Kitô Hữu đã bị chết vì
"sự thù hận của con người."
Đức Giáo Hoàng Clêmentê I, người kế vị Thánh Phêrô đã viết: "Chính vì
sự đố kỵ và ghen ghét mà các trụ cột vĩ đại và chính trực của Giáo Hội đã bị
bách hại và đã chiến đấu cho tới chết...
Trước nhất, Thánh Phêrô, vì sự ghen tương vô lý ngài phải đau khổ không chỉ
một hoặc hai lần nhưng nhiều lần, và như thế ngài đã hy sinh làm chứng, đã đến
nơi vinh hiển mà ngài đáng được. Vì sự đố kỵ và tranh chấp, Thánh Phaolô đã cho
thấy cái giá của sự kiên trì. Ngài bị xiềng xích bảy lần, bị lưu đầy, và bị ném
đá; là một sứ giả từ đông sang tây, ngài đáng được kính phục vì đức tin của
ngài...
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sẵn lòng đóng trọn vai chiên hiền giữa đàn sói
đói.