ANH EM ĐỪNG XAO XUYẾN
Mọi xao xuyến của đời người có thể tóm lại trong câu hỏi
về đường đi của Tôma: “Làm sao chúng con biết được đường?”, và lời thỉnh cầu về
điểm đến của Philípphê: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha.”
Năm
1978, vào những giây phút cuối cùng của cuộc bầu chọn Giáo hoàng, trong niềm
vui có được một vị chủ chăn mới có không ít người bỡ ngỡ, thậm chí có người còn
thất vọng, không tin vào tai mình khi Karol Wojtyla, một cái tên xa lạ với nhiều
người, được xướng lên.
Rồi
Vị Tân Giáo hoàng xuất hiện để ban phép lành cho mọi người.
Lời
đầu tiên ngài dùng để nói với mọi người là: “Đừng
sợ.” Ngài không chỉ công bố một lời Chúa dạy mà còn sống và lôi kéo mọi người
sống một niềm tin mạnh mẽ vào Đức Kitô, Tin Mừng cho mọi người.
Người
ta thường đồng hoá sợ hãi với tính hèn nhát, chứ người trưởng thành thì không
biết sợ. Thế nhưng, một người không biết sợ gì cả có thể là một người liều
lĩnh, chỉ thấy cái được mà không thấy được điều có thể bị mất. Vì thế, trong một
giới hạn nào đó, sự sợ hãi là cần thiết để giúp mọi người vừa thấy được làm người
và làm con Chúa là một ơn gọi cao quí vừa đồng thời thấy con người lại quá yếu
đuối trước ơn gọi đó.
Trong
niềm tin Kitô giáo, hai mệnh đề “Đừng sợ”,
và “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào
Thầy”, một tiêu cực và một tích cực, luôn có mặt bên nhau, lý giải cho
nhau, và trình bày cho mọi người con đường tìm đến hạnh phúc thật: Có sợ, người
ta mới tìm đến Chúa, và ai gặp được Chúa thì không còn xao xuyến về bất cứ việc
gì, và niềm tin đó trở nên nguyên tắc hướng dẫn họ biết việc phải làm cả khi có
sự đối đầu giữa các nhu cầu nơi thể xác và tinh thần: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là
điều không phải” (Cv 6,2);
Xưa
trên đường về Đất Hứa, Dân Chúa sợ hãi khi phải chọn lựa giữa cái chết cầm chắc
trong sa mạc và ước muốn được tự do nơi Đất Hứa đã thốt lên: “Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa
mạc!” Môsê đã phải nâng đỡ niềm tin họ: “Đừng
sợ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh
em: những người Ai-cập anh em thấy hôm nay, không bao giờ anh em thấy lại nữa.
Đức Chúa sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên” (Xh
14,12.13-14).
Cũng
thế, Dân Chúa hôm nay thay vì một niềm tin đơn giản và vững mạnh vào Đức Kitô,
Đường và Sự Thật dẫn đến Sự Sống đời đời, lại luôn bị cám dỗ chạy theo đủ mọi
loại chủ thuyết. Hậu quả là người ta tưởng mình được tự do trong khi vẫn sống đời
sống nô lệ, như chủ nghĩa hiện sinh dạy người ta chỉ biết ngày hôm nay không cần
biết đến ngày mai, mà vẫn ảo tưởng là mình can đảm chấp nhận sự phi lý của mộc
cuộc đời không có niềm tin. “Họ vấp ngã
vì không tin vào Lời Chúa” (1Pr 2,8).
ĐGH
Bênêđictô 16, khi còn là ĐHY Ratzinger, trong bài giảng Thánh lễ khai mạc Cơ mật
viện, đã nói đến đến tính dễ bị lung lạc của con người khiến họ “trôi giạt từ thái cực này sang thái cực
khác …”, và để mình chịu nô lệ mọi loại chủ thuyết, đáng kể nhất là chủ
nghĩa tương đối: “Người ta đang thành lập
một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung
kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.”
Mọi
xao xuyến của đời người có thể tóm lại trong câu hỏi về đường đi của Tôma: “Làm sao chúng con biết được đường?”, và
lời thỉnh cầu về điểm đến của Philípphê: “Xin
tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha.”
Đức
Kitô là câu trả lời hoàn hảo cho hạnh phúc con người, vừa là đường đi vừa là điểm
đến của ơn gọi làm người: “Chính Thầy là
con đường, là sự thật và là sự sống.” Đó là giải pháp mà ĐHY Ratzinger
tuyên xưng trong bài giảng trên, sau khi kể ra những sai lạc nhân loại có thể gặp
trên con đường tìm lại chính mình: “Trái
lại chúng ta có một mẫu mực khác, đó là Con Thiên Chúa, là người thật. Ngài là
thước đo của chủ nghĩa nhân bản đích thật.”
ĐTC
Gioan Phaolô II đã suốt đời trung thành với niềm tin vào Thiên Chúa mà ngài
tuyên xưng trong ngày nhậm chức: “Đừng sợ.”
Cuộc đời ngài là sự đan xen giữa lòng quí mến của muôn người với những mưu đồ đầy
ác ý của các thế lực bóng tối, nhưng trên tất cả ai cũng thấy nơi Ngài niềm vui
và sự bình an của người tin vào Chúa. “Chúa
để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu
cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn” (Tv 33,18-19).
Ngài
đã nằm xuống, nhưng sức mạnh của niềm tin nơi ngài không lịm tắt đi mà còn toả
sáng và có sức thu hút lòng người trong một thế giới đang bị tục hóa này. Điều
đó có thể thấy được rõ ràng qua hàng triệu người tuôn về Rôma để tham dự thánh
lễ tuyên phong hiển thánh cho ngài cùng với ĐTC Gioan 23, ngày 27/4 vừa qua!
Sự
thu hút đó đã được Mẹ Têrêxa giãi bày nguyên cớ khi có người hỏi đâu là bí quyết
làm cho Mẹ trở thành người thu hút: “Tôi
chẳng bao giờ nghĩ mình thu hút ai cả. Tôi chỉ theo Chúa và chính Chúa lôi cuốn
họ.”
Quả
thật, “Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng
sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi
vì Thầy đến cùng Chúa Cha.” (Ga 14,12)
Lm.
HK