Chúa Kitô đã hy sinh
cả cuộc sống mình cho người khác, thì một số đông mục tử của Chúa,
trải qua các thế hệ cũng đã noi gương Chúa, hy sinh mạng sống cho tha
nhân, hy sinh cuộc đời cho Chúa.
Chúa Kitô chính là
Chúa Chiên lành, chẳng những Ngài đã lo lắng cho đoàn chiên của Ngài
là Giáo Hội, Ngài còn lo lắng cho từng con chiên của Ngài là mỗi
người chúng ta, Ngài còn hy sinh cả
mạng sống Ngài cho đoàn chiên. Chúa Kitô đã hy sinh cả cuộc sống mình
cho người khác, thì một số đông mục tử của Chúa, trải qua các thế
hệ cũng đã noi gương Chúa, hy sinh mạng sống cho tha nhân, hy sinh cuộc
đời cho Chúa. Ta kể ra gương sáng sau đây:
Đầu tháng 10.1798,
nghĩa là hai tháng sau khi chiếu chỉ cấm đạo được ban hành, linh mục
Gioan Đạt (tử đạo ngày 28.10.1789, 33 tuổi) bị bắt tại Thần Phù trong
tỉnh Thanh Hóa. Một hôm, cha vừa dâng Thánh lễ an táng tại một tư gia
xong, thì quân lính ập đến. Giáo hữu đưa cha ra sau nhà, chỉ lối cho
cha chạy thoát. Nhưng cha không đành lòng bỏ rơi họ để chạy trốn, vì
khi đó lính đã tìm thấy chén thánh và áo lễ, và đang tra tấn chủ
nhà, ông trùm Mới và một số tín hữu khác. Cha tự nguyện ra trình
diện, nói với anh em giáo dân: “Vẫn
biết tôi có thể trốn thoát, nhưng làm thế anh chị em sẽ phải khổ
nhiều"
Gioan Đạt sinh năm 1765
tại làng Khê Câu, huyện Bình Lục, Thanh Hóa. Mồ côi cha từ nhỏ, cậu
Đặt xin phép mẹ để hiến thân cho Chúa dưới sự chăm sóc đầy tình
thương của cha Loan xứ Đồng Chuối. Năm 18 tuổi, cậu vào chủng viện, sau
đó đi giúp xứ một thời gian. Tháng 4.1798 thầy Gioan thụ phong linh
mục. Cha Gioan Đạt được phái đến hai giáo xứ Hảo Nho, Thần Phù. Vị
tân linh mục hết sức lo lắng cho các tín hữu nên được mọi người quý
mến. Cha chính Lan, nhận xét về cha
như sau: “Cha Đạt có nhiều nhân đức, nhất
là đức vâng phục và thanh bần. Cha luôn chu toàn bổn phận, nên Đức Cha
là các linh mục đều yêu quý. Lời cha giảng có sức thuyết phục cảm
hóa lòng người."
Mới thi hành chức vụ
linh mục được 6 tháng thì cuộc bách hại đạo diễn tiến tại tỉnh
Thanh Hóa một cách rất gắt gao. Quan Trấn ra lệnh cho quân lính tầm
nã các tín hữu, nhất là các đạo trưởng. Cha Đạt phải trốn lên rừng
một thời gian. Tuy nhiên, mỗi khi thấy tình hình có vẻ lắng dịu, cha
thường lẻn về các giáo xứ thi hành mục vụ.
Vừa bắt được Cha, lính
trói cha lại, đánh đập tàn nhẫn cùng với thầy Tâm và mấy quý chức giáo xứ. Các
giáo hữu ở đấy, định cậy đông người muốn dùng sức mạnh giải vây cứu cha, nhưng
cha cản họ: “Cứ để tôi vâng theo Thánh Ý
Chúa, anh chị em ở lại bằng yên, kiên trung giữ đạo, và nhờ cầu nguyện cho tôi
được vững đức tin đến cùng.” Trên đường áp giải cha về thị trấn Thanh Hóa,
khi ngang qua làng Kẻ Dừa, có người cầm nón đưa cho đội, nhưng lính không cho.
Hai tháng tù tại Đình
Đang, cha Đạt làm mọi người bỡ ngỡ, vì thấy cha trong hoàn cảnh lao tù mà vẫn
bình tĩnh vui vẻ. Khi các tín hữu đến thăm và khóc thương, cha nói chuyện vui
cho họ bớt ưu sầu và an ủi khích lệ họ. Cha nói: “Tử đạo là phúc cao trọng, An Nam ta chưa được mấy người. Nếu được tử đạo,
tôi mừng lắm.” Lương dân sống gần trại gam cũng mến thương cha. Một thiếu
phụ tình ngay, đưa cha một chai độc dược để kết liễu cuộc đời khổ nhục trong
tù, Cha từ chối và nói cho bà biết: “Người
công giáo chân chính, dù trong hoàn cảnh nào cũng không được tự tử.” Cha
còn cảm hóa được cả đám lính canh ngục. Mới đầu họ hay làm khó dễ, cứ mỗi lần đổi
phiên gác, họ lại bắt các tính hữu đút lót tiền bạc, nếu không họ sẽ hành hạ tù
nhân. Sau thấy lòng bác ái yêu thương của cha Đạt, đám lính canh đã có thiện cảm
và dễ dàng hơn với các tín hữu. Một lần cha bênh vực cho người lính ăn cắp nải
chuối giáo dân gởi vào biếu cha. Cha nói với họ rằng: “Khi nào tôi được vinh phúc trên trời, tôi sẽ không quên anh em dưới thế.”
Ông Thiềng cai ngục, tỏ
lòng quý mến cha cách đặc biệt. Khi gặp riêng, ông nói với cha rằng: “Tôi thấy cụ khôn ngoan đạo đức thì muốn kết
nghĩa lắm, ngặt vì cụ bị kết án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ cỗ quan tài để tỏ
lòng tôi quý cụ.” Nhiều lần cha Đạt và các tín hữu bị lôi ra quỳ trước tòa,
tay chân mang xiềng xích, cổ đeo gông. Hoàng đệ Nguyễn Quang Thùy, em vua Cảnh
Thịnh, đích thân chủ tọa phiên tòa. Ông bắt các anh hùng đức tin chối đạo hoặc
đạp lên Thánh Giá, và dù đã áp dụng nhiều cực hình tra tấn dã man, nhưng ông vẫn
thất bại. Có hôm hoàng đệ yêu cầu cha Đạt cắt nghĩa bức ảnh “Phán xét chung”, rồi
nói cha đạp lên tấm ảnh đó, thì sẽ được tha. Nhưng cha cúi xuống, cầm lấy ảnh
là hôn kính.
Trung tuần tháng 10, hoàng
đệ gọi cha Đạt ra công đường tuyên án xử tử. Ông tưởng khi nghe bản án, cha sẽ
kinh sợ và đổi ý, không ngờ, cha lại tỏ ra hân hoan khác thường. Về trại giam,
cha thuật cho các bạn tù nghe án xử như một tin mừng sắp đến với cha. Quan thấy
cha cứ vui vẻ hồ hởi trước các chết sắp đến, thì nói khen cha: “Thầy can đảm hơn đại tướng
quân. Thầy thật xứng đáng làm thầy dậy dân.” Cha Huấn xứ Bạch Bác, giả làm
cụ đồ bạn cũ đến thăm, giải tội và đem Mình Thánh cho cha. Đêm trước ngày xử
án, cha Đạt đến sặp quan án sát, cha nói: “Ngày
lâm chung tôi đã đến, tôi cảm ơn quan đã có lòng thương tôi. Thiên Chúa đã để
vua kết án xử tôi, thì tôi vui lòng, chẳng tích lòng thù ai, chỉ xin quan
thương các bổn đạo, trong tỉnh này, để quan
được phúc đời này và đời sau.” Cha trở về ngục cầu nguyện, chỉ ngủ
chừng nửa tiếng đồng hồ.
Đúng ngày hành xử, trời bỗng
đổ cơn mưa như trút, cha Đạt, cổ đeo gông nặng, lẽo đẽo chạy theo lính dưới cơn
mưa tầm tã, tiến ra pháp trường chợ Rạ (Trịnh Hà). Tại đây, giáo dân đã trải
chiếu hoa, cha bình tĩnh quỳ xuống cầu nguyện. Được các quan cho phép, tín hữu
ùa đến bên cha lãnh phép lành lần cuối cùng.
Cha khuyên họ: “Là kitô hữu, chúng ta phải vâng lệnh vua
tôn trọng những điều hợp pháp, nhưng trước hết, phải tôn trọng lề luật Chúa.”
Chiêng trống đổ hồi, mọi
người phải lui ra xa. Lý hình vung gươm kết liễu cuộc đời vị linh mục trẻ tuổi
đầy nhiệt huyết và can trường. Giáo hữu và lương dân đều xúm lại thấm máu Cha.
Thi hài đấng tử đạo được đưa về an táng tại nhà thờ Phúc Nhạc (Phát Diệm).
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề
tựa của Lm. HK