Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ bảy tuần 4 mùa chay

THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY
Gr 11, 18-20; Ga 7, 40-53
BÀI ĐỌC: Gr 11, 18-20
18 Đức Chúa đã báo cho tôi và tôi đã biết. Bấy giờ Người cho tôi thấy âm mưu của chúng. 19 Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con. Chúng bảo nhau: "Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa!" 20 Nhưng, lạy Thiên Chúa các đạo binh, Ngài công minh khi xét xử, Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc, con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.
ĐÁP CA: Tv 7
Đ. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài. (c 2a)
2 Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài. Xin cứu vớt và giải thoát con khỏi tay mọi người đang đuổi bắt, 3 kẻo họ vồ lấy con, xé nát như sư tử, mà không người giải thoát.
9 Xin Chúa xử cho con, vì con công chính và vô tội. 10 Lạy Thiên Chúa công minh, Chúa dò thấu lòng dạ con người, xin làm cho bọn ác nhân hết đường tác hại và cho người công chính được vững vàng.
11 Khiên mộc che chở tôi là Thiên Chúa, Đấng cứu độ những ai có lòng ngay thẳng. 12 Thiên Chúa là thẩm phán công minh, ngày ngày Chúa đe doạ.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Lc 8, 15
Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ Lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả.
TIN MỪNG: Ga 7, 40-53
40 Khi ấy, Đức Giê-su giảng dạy tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: "Ông này thật là vị ngôn sứ.”41 Kẻ khác rằng: "Ông này là Đấng Ki-tô.” Nhưng có kẻ lại nói: "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao? "43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. 44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.
45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây? "46 Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy! "47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa! "50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ:51 "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? "52 Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.”53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

HÃY ĐẾN MÀ XEM!
Có hai tiêu chuẩn để đánh giá một đối tượng:
-          Nhìn bề ngoài.
-          Xem bên trong.
Khả năng của con người luôn luôn bị giới hạn, thường người ta chỉ nhìn bề ngoài một đối tượng mà đánh giá, thì rất là nguy hiểm. Đan cử: Ngày nay bao nhiêu người ra chợ mua trái cây, ai cũng xúm vào quầy trái cây trông rất hấp dẫn, nhiều khi giá rẻ, nên khuyến khích móc tiền mua về ăn, ăn rồi vội vàng nhập viện cấp cứu. Sau khi được Hội Đồng Y Khoa xét nghiệm mới biết là bị ngộ độc thực phẩm. Bởi vậy trái cây trông hấp dẫn nhiều khi lại là trái độc, vì đã tẩm hóa chất, nên chắc ăn thì đến quầy trái cây trông bình thường, vì là trái tự nhiên, không thuốc, mới là trái lành. Cũng thế, nhiều người mới gặp Đức Giêsu, họ chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá, thì không ai tin Ngài là Đấng Kitô, vì có kẻ nói rằng: “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavid và từ Bethlem, làng của vua Đavid sao?” (Ga 7, 41-42: Tin Mừng). Khác hẳn lúc họ gặp Ngài với tâm tư lắng nghe Ngài nói. Thực vậy:
·        Ông Philip sau khi gặp Đức Giêsu, đến nói với ông Nathanael rằng: “Tôi đã gặp Đấng Mêsia.” Ông Nathanael đáp ngay: “Tự Nazareth thì có thể nảy ra gì tốt được?” Ông Philip động viên: “Cứ đến mà xem”, lúc đó ông Nathanael mới chịu đi gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông và nói: “Đây là người Israel nơi ông không có gì gian dối”, lúc đó ông Nathanael mới nhận ra Ngài là Vua Do Thái, Đấng Thiên Sai đến cứu muôn dân, như ông đã thưa cùng Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel” (Ga 1, 45t).
·        Cũng thế, ông Nicôđêmô sau khi đàm thoại với Đức Giêsu suốt một đêm, xem ra ông không thể hiểu giáo lý Ngài dạy (x Ga 3), nhưng sau khi ra về, Lời Chúa mới biến đổi tâm hồn ông. Ông muốn bênh vực Đức Giêsu nên nói với nhóm Pharisêu: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” (Ga 7, 51).
·        Một phụ nữ xứ Samari, khi mới gặp Đức Giêsu, chị tỏ ra ngại ngùng không muốn nói chuyện với người đàn ông xa lạ vẫn đi lễ ở Giêrusalem, khác với chị chỉ dự lễ ở đền thờ Garizim, và dân Samari vẫn bị người Do Thái kết án là lạc Đạo, họ có mối thù truyền kiếp từ sau lưu đày Babylon, bởi lẽ vào năm 539 trước Công nguyên, người Samari không muốn cho người Do Thái tái thiết Đền Thờ ở Giêrusalem. Sự ngăn cách và thù ghét giữa người Samari với những người thờ Chúa ở Giêrusalem càng trở nên sâu đậm, vì vào năm 200 trước Công nguyên, người Do Thái đã có lần đến đập phá Đền Thờ của người Samari ở Garizim. Thế mà người phụ nữ miền này được Đức Giêsu nhẫn nại nói chuyện với chị về nước hằng sống mà Ngài sẽ ban cho những ai tin theo Ngài, và ngay sau đó chị đã tin Ngài là Ngôn Sứ, là Đấng Kitô, rồi hớn hở mau mắn chạy về thành báo tin cho những người đồng hương ra gặp Ngài. Dân Samari vội chạy đến gặp Đấng Kitô như lời người phụ nữ nói. Gặp được Ngài, họ nói với người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian” (Ga 4, 42).
·        Nhóm đầu mục Do Thái sai các thủ hạ đi bắt Đức Giêsu. Nhưng những kẻ được sai đi bắt lại trở về tay không và nói: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy! " (Ga 7, 46: Tin Mừng).
Như vậy, bất cứ ai đến gặp Đức Giêsu, dù ý ngay lành hay ác ý, đều được Ngài mở mắt tâm hồn nhận ra Chân Lý và hết sức thán phục Ngài; trái lại biết bao bậc vị vọng trong dân Do Thái thì khinh dể và kết án Đức Giêsu. Bởi lẽ họ nhìn bề ngoài chỉ biết Đức Giêsu là con ruột của ông Giuse (x Lc 4, 22), làm nghề thợ mộc (x Mt 13, 55), họ đâu có biết ông Giuse chỉ là Đấng Bảo Trợ gia đình Nazareth, còn Cha thật của Đức Giêsu ở trên trời, Ngài đồng bản tính với Chúa Cha, như Ngài đã nói: “Ai thấy tôi là thấy Cha tôi” (Ga 14, 9); “Tôi và Cha tôi là một” (Ga 10, 30).
Chính vì những người chỉ biết Đức Giêsu bề ngoài, họ trở thành kẻ gian ác, luôn bầy mưu tính kế giết Ngài! Thế nên dù Đức Giêsu là Thiên Chúa toàn năng, toàn tri, toàn thiện, mà số phận Ngài không hơn gì số phận các ngôn sứ. Đan cử như trong Bài đọc (Gr 11, 18-20): Ngôn sứ Giêrêmia bị mọi người đòi lấy mạng cũng chỉ vì họ nhìn bề ngoài mà kết án ông là kẻ đến quấy rối, làm nhụt ý chí phấn đấu của dân tộc đang đương đầu với đế quốc Babylon. Họ nói: “Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa!” Ông Giêrêmia thấy mình bị dồn vào ngõ cụt, nên ông thưa với Chúa: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, Ngài công minh khi xét xử, Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc, con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.” Chắc chắn tâm tư của ông Giêrêmia phản ánh tâm tư của Đức Giêsu lúc Ngài cầu nguyện trước giờ bị bắt tại vườn Ghetsêmani. Ta hãy bắt chước Đức Giêsu đã đến với Cha để được nâng đỡ; thì ta cũng hãy đến với Chúa Giêsu để được che chở, như Ngài nói: “Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ Lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả” (Lc 8, 15:Tung Hô Tin Mừng). Như thế “ấp ủ Lời Chúa trong lòng” là được Chúa ở cùng, chắc chắn được Ngài nâng đỡ, vì “Đức Kitô đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Ngài có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2, 18); “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Ngài trở nên nguồn ơn vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Ngài” (Dt 5, 8-9). Thực vậy, Đức Giêsu đã nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”(Mt 11, 28). Do đó ta hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài, xin cứu vớt và giải thoát con khỏi tay mọi người đang đuổi bắt, kẻo họ vồ lấy con, xé nát như sư tử, mà không người giải thoát” (Tv 7, 2-3: Đáp ca).
Đại tướng Lew Wallace, một đảng viên cao cấp của đảng Cộng sản vô thần. Lần kia ông nói với người bạn rằng: “Bọn Công Giáo thật ngu đần, chúng tôn thờ một tử tội bị treo trên thập giá là ông Giêsu! Chúng lại mê đọc sách của bọn vô học thức là Nhóm 12 môn đệ của ông ta (x Cv 4, 13). Sách này toàn là chuyện mê tín, trái khoa học! Tôi sẽ để ra 5 năm đọc sách ấy, và tôi quyết mở mắt cho bọn Công Giáo khỏi bị mù quáng, để chúng được sáng suốt như tôi!” Thế nhưng, sau 5 năm nghiên cứu Thánh Kinh, kết quả ngược lại, thay vì ông mở mắt cho người Công Giáo, thì chính ông lại được Đức Giêsu mở mắt, ông nhìn thấy lúc Đức Giêsu bị đâm, nước và máu từ cạnh sườn dốc ra hết, lúc ấy có một trận mưa rào như trút nước, chuyển tải máu Đức Giêsu từ đỉnh đồi Sọ chảy xuống thung lũng có những người cùi ra tắm mưa, ai đằm mình trong nước đó đều được lành mạnh. Chuyện này đã được đóng thành phim có tựa đề “Benhur” rất nổi tiếng! Ông Lew Wallace trở thành chứng nhân cho Đức Giêsu: Chỉ có Ngài mới thực là Đấng Cứu Độ!
Đây cũng là chứng từ một người có ý xấu đi tìm ý Chúa để phản đối, thì lại được Chúa hoán cải nên chứng nhân sống động cho Tin Mừng.
Vậy để tránh ngộ nhận về một đối tượng, ta hãy lắng nghe người chuyên môn nói về đối tượng đó. Thánh Tôma Tiến sĩ nói: “Mỗi vấn đề phải được giái quyết trong lãnh vực của nó.”
Ví dụ: Muốn biết một người bị bệnh gì ta phải hỏi bác sĩ; muốn biết loại gỗ nào dễ bị mọt, loại nào không mọt, ta phải hỏi bác thợ mộc; muốn biết căn nhà nào vững chắc, ta phải hỏi kỹ sư xây dựng. Còn trong lãnh vực tôn giáo, muốn biết sống thế nào, để khi lìa cõi thế được sống hạnh phúc vĩnh cửu, thì ta phải đến gặp chủ chăn trong Hội Thánh, ta sẽ được dẫn đến kết hợp với Chúa Giêsu trong Phụng Vụ, nhất là Bí tích Thánh Thể. Nơi đây ta mới nhận ra chỉ có Chúa Giêsu là “đường và là sự thật, sự sống”(Ga 14, 6). Vì “dưới gầm trời này không có danh nào cứu chúng ta ngoài danh Chúa Giêsu Kitô” (x Cv 4, 12).
THUỘC LÒNG
Lề Luật của chúng ta không cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì (Ga 7, 51). Vậy hãy đến mà xem (Ga 1, 46).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH