Suy tư tuần thánh _ đây là Con Ta yêu dấu

ĐÂY LÀ CON TA YÊU DẤU
“Tôi không còn sợ hãi nào nữa, tôi hiến dâng mạng sống tôi cho Chúa Giêsu. Tôi không tìm kiếm danh tiếng, tôi không muốn những vị trí quyền lực. Tôi chỉ muốn một chỗ ở chân Chúa Giêsu.”  (Shahbaz Bhatti)
Nguyễn Công Trứ là một vị quan văn võ song toàn, quê ở Hà Tĩnh. Từ thuở hàn vi, ông đã có chí lớn giúp đời, lập công danh, sự nghiệp: “Làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông.”
Năm 42 tuổi ông đỗ Giải Nguyên, và bắt đầu bước vào quan trường, hoạt động trong nhiều lãnh vực, từ quân sự đến kinh tế, thi ca.   
Bởi bao thành tích trổi vượt trong nhiều lãnh vực, ông đã được thăng đến chức thượng thư, tổng đốc. Nhưng sự đời “vinh liền nhục”, “khóc trước cười”, năm 63 tuổi ông bị kết án trảm quyết rồi lại được tha, năm 65 tuổi bị cách làm lính thú… rồi mất ở nhà quê năm 80 tuổi.
Chua chát cuộc đời vẫn không làm ông mất đi cái khí phách quân tử, trong bài thơ gẫm cuộc đời thăng trầm: “Ngồi buồn mà trách ông xanh: Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười. Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo.” (Vịnh cây thông)
Khí phách quân tử vẫn còn đó, nhưng lại muốn tránh đời. Đó là cái nghịch lý tương khắc tương sinh giữa tâm và thực, giữa được và mất trong đời người: Chúa đã hứa sẽ làm cho Abram nên một dân lớn, được ban phúc, được vinh danh, với lời hứa về Đấng Cứu Thế để trở thành nguồn mạch ân phúc cho mọi dân tộc, nhưng điều kiện đầu tiên là phải “từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho” (St 12,1).
Từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa là bỏ lại đằng sau tất cả những gì được coi là cần thiết, là đáng ước mong, là chỗ dựa an toàn cho phận người yếu đuối. Đó là thử thách đầu tiên được đặt ra cho Abram để xem ông có yêu Chúa hơn hết không, có tin rằng những gì Chúa hứa thì vượt xa mọi điều thiện hảo ông vốn có xưa nay không.
Tự nhiên phải nhường chỗ cho siêu nhiên, các mê say thế tục phải tránh đường cho ân sủng.
Sáng ngày 02.3.2011, ông Shahbaz Bhatti, bộ trưởng Công giáo duy nhất của Pakistan về người thiểu số đã bị một nhóm vũ trang sát hại. Tất cả đeo mặt nạ, chặn xe ông Shahbaz Bhatti lại, lôi ông ra khỏi xe và bắn thẳng vào người ông, rồi trốn chạy bằng một chiếc xe. Những kẻ giết người để lại hiện trường một bức thư ngắn, nội dung là nhóm TTP (Tehrik-e-Taliban Pakistan) nhận trách nhiệm về vụ ám sát ông, vì ông đã lên tiếng chống lại luật phỉ báng.
Shahbaz Bhatti đã đứng ra bảo vệ Asia Bibi, một Kitô hữu chịu những cáo buộc sai trái và bị kết án tử hình vì tội phỉ báng. Khi bảo vệ Asia Bibi, ông đã trở nên mục tiêu hàng đầu của những kẻ cực đoan.
Trước đó ông đã nhận được những lời đe dọa. Một người bạn của ông, Robinson Asghar, đã khuyên ông rời khỏi Pakistan một thời gian do bị đe dọa, nhưng ông đã từ chối.
ĐHY Jean Louis Tauran đã thú nhận trên Radio Vatican: “Tôi đã cảm động sâu xa khi đọc di chúc thiêng liêng mà – theo tôi – ngang tầm một bản văn của một trong những giáo phụ,” và gọi ông là một “vị tử đạo thực sự.”
ĐHY đọc di chúc của ông: “Tôi không còn sợ hãi nào nữa, tôi hiến dâng mạng sống tôi cho Chúa Giêsu. Tôi không tìm kiếm danh tiếng, tôi không muốn những vị trí quyền lực. Tôi chỉ muốn một chỗ ở chân Chúa Giêsu.” kết luận:
Shahbaz Bhatti đã “không bao giờ có một lời hận thù. Ông đã đồng hóa Tin Mừng cách tuyệt vời. Chúng ta hết thảy đều bé nhỏ khi đối diện với một mẫu gương cao cả này. Một con người 42 tuổi – rất trẻ – đã sống như một hiến tế.”
Lm. HK