Suy niệm hạnh thánh _ 19/4

Chân phước LUCHESIO và BUONADONNA
(c.1260)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Ông Luchesio và bà Buonadonna là hai vợ chồng muốn sống theo gương Thánh Phanxicô. Do đó họ đã gia nhập Dòng Ba Phanxicô.
Hai ông bà sống ở Poggibonzi, nơi họ hành nghề thương mãi và là con buôn tham lam. Nhưng sau khi gặp Thánh Phanxicô -- có lẽ năm 1213 -- họ đã thay đổi đời sống. Ông Luchesio bắt đầu thi hành nhiều việc bác ái.
Lúc đầu, bà Buonadonna không nhiệt tình sống bác ái như ông Luchesio, và thường than phiền chồng là đã bố thí quá nhiều của cải cho các người lạ. Một ngày kia, khi có người gõ cửa xin được giúp đỡ, và ông Luchesio nhờ vợ lấy cho họ ít bánh mì. Bà nhăn mặt khó chịu nhưng cũng đi vào bếp, và lạ lùng thay, bà nhận thấy số bánh mì đang có thì nhiều hơn khi trước. Không bao lâu, bà cũng trở nên hăng say sống đời khó nghèo và thanh bạch như chồng. Cả hai bán cả tiệm buôn, chỉ giữ lại ít đất để cầy cấy trồng trọt đủ cho nhu cầu và phân phối đất đai còn lại cho người nghèo.
Vào thế kỷ thứ 13, với sự ưng thuận và sự cho phép của Giáo Hội, một số vợ chồng sống ly thân để người chồng vào dòng tu nam và người vợ vào dòng tu nữ. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ son sẻ hoặc con cái đã trưởng thành. Ông bà Luchesio lại muốn kiểu khác, họ muốn sống đời tu trì, nhưng bên ngoài tu viện.
Hai ông bà Luchesio và Buonadonna đều từ trần vào ngày 28 tháng Tư 1260. Ông được phong chân phước năm 1273. Truyền thống địa phương cũng gọi bà Buonadonna là "chân phước" dù rằng Tòa Thánh chưa chính thức công bố.
Suy niệm 1:  Gặp gỡ
Hai ông bà Luchesio và Buonadonna sống ở Poggibonzi, nơi họ hành nghề thương mãi và là con buôn tham lam. Nhưng sau khi gặp Thánh Phanxicô -- có lẽ năm 1213 -- họ đã thay đổi đời sống.
Trên đời không thiếu những cuộc gặp gỡ giữa người với người. Nhưng thật ít thấy những trường hợp mang đến hiệu quả lành thánh từ một người buôn bán tham lam trở nên một người tốt lành biết hết mình sống vì Chúa và vì người như hai vợ chồng chân phước Luchesio và Buonadonna.
Điều tốt nảy sinh điều tốt. Một ngày kia, khi ông Luchesio đang cõng một người tàn tật mà ông bắt gặp bên vệ đường thì có một thanh niên đến hỏi ông, "Cái tên quỷ quái nào mà ông đang cõng trên lưng đó?" Ông Luchesio trả lời, "Tôi đang cõng Đức Giêsu Kitô." Ngay lập tức người thanh niên ấy đã phải xin lỗi ông.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tranh thủ những cuộc gặp gỡ lành thánh để được mỗi ngày một nên tốt hơn. 
Suy niệm 2:  Bác ái
Ông Luchesio bắt đầu thi hành nhiều việc bác ái.
Công việc bác ái của hai ông bà Luchesio đã thu hút người nghèo đến với họ, và cũng như các vị thánh khác, dường như hai ông bà không bao giờ thiếu của cải để giúp đỡ tha nhân.
Vì “Thương xót kẻ khó nghèo là cho Thiên Chúa vay mượn” (Cn 19,17), mà Thiên Chúa là Đấng công bình và giàu có tuyệt đối thì người làm việc bác ái như hai ông bà Luchesio làm sao có thể rơi vào tình cảnh túng thiếu được.
Thái độ bác ái quan tâm và gần gũi giới nghèo của Đức Giêsu đã từng cuốn hút quần chúng đến mức họ bỏ các đầu mục Dothái mà đến với Ngài (Ga 12,11). Chính vì thế các mục tử cũng luôn được mời gọi phải theo gương Đức Giêsu để quan tâm đến người nghèo (LG 23).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng ngoảnh mặt làm ngơ đối với ai nghèo khổ, để rồi đối với chúng con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ (Tb 4,7).
Suy niệm 3:  Vợ chồng
Lúc đầu, bà Buonadonna không nhiệt tình sống bác ái như ông Luchesio, và thường than phiền chồng là đã bố thí quá nhiều của cải cho các người lạ.
Vợ chồng vốn là bạn đường tuyệt vời hằng giúp nhau vượt qua cuộc hành trình lữ thứ trần gian. Thế nhưng một thực tế không phải là hiếm có, đó là một trong hai vô tình lại là một cản trở cho người kia trong bước đường phục vụ Chúa và tha nhân.
Từ đó cho thấy giá trị nổi bật của đời sống độc thân khiến thánh Phaolô tông đồ phải lên tiếng: “Đàn ông không đàn bà là điều tốt” (1Cr 7,1), có nghĩa là không lập gia đình là điều tốt hơn (1cr 7,37-38) vì “thuộc trọn về Chúa (1Cr 7,33-34b), vì dễ “lo được ích chung” (1Cr 12,7) cũng như dễ dàng chuyên lo việc cầu nguyện (2Cr 7,5).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bậc hôn nhân biết luôn hợp tác và trợ lực nhau để tránh tình trạng Chúa đã tiên liệu có thể xảy ra trong gia đình (Lc 12,52-53).
Suy niệm 4:  Nghèo
Cả hai bán cả tiệm buôn, chỉ giữ lại ít đất để cầy cấy trồng trọt đủ cho nhu cầu và phân phối đất đai còn lại cho các người nghèo.
Thật dễ để chế nhạo người nghèo, và chà đạp phẩm giá con người mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Mẹ Têrêsa Calcutta thường đề cập đến sự nghèo túng như "sự đau khổ tiềm ẩn" của Đức Kitô.
Chúng ta dễ khiến người khác cảm thấy là họ vô ích -- người nghèo, người bệnh hoạn, người tật nguyền thể xác cũng như tâm thần, người lớn tuổi, người thất nghiệp -- do đó, chống lại sự cám dỗ ấy đòi hỏi một mức độ đại lượng trong cuộc sống chúng ta. Nếu ai nấy cũng đều nhìn thấy Đức Kitô trong người nghèo như hai ông bà Luchesio, họ sẽ phong phú hóa Giáo Hội và giữ được sự trung tín với Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn ghi khắc lời tâm huyết của Thánh Phanxicô: "Bất cứ ai nguyền rủa người nghèo là tổn thương đến Đức Kitô, vì họ đang mang hình ảnh của Người, hình ảnh của Đấng đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta" (1 Celano, 76).
Suy niệm 5:  Tu trì
Ông bà Luchesio lại muốn kiểu khác, họ muốn sống đời tu trì, nhưng bên ngoài tu viện.
Để đáp ứng nhu cầu này, Thánh Phanxicô đã lập Dòng Phanxicô Thế Tục. Đầu tiên, thánh nhân viết một Quy Luật đơn giản cho Dòng Ba (Phanxicô Thế Tục), sau đó Đức Giáo Hoàng Honorius III đã chấp thuận một quy luật chính thức vào năm 1221.
Đời sống tu trì thuộc về mầu nhiệm Hội Thánh. Đó là hồng ân Hội Thánh tiếp nhận từ Chúa và trao lại như một bậc sống ổn định cho tín hữu... Đời sống tu trì được mời gọi để bày tỏ đức ái của Thiên Chúa trong ngôn ngữ thời đại dưới nhiều dạng khác nhau (Sách Giáo Lý số 926).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra ơn gọi Chúa đặt để cho mỗi người, và hết mình sống theo đấng bậc mình.
Suy niệm 6:  Truyền thống
Truyền thống địa phương cũng gọi bà Buonadonna là "chân phước" dù rằng Tòa Thánh chưa chính thức công bố.
Chúng ta phải phân biệt “Truyền Thống” các tông đồ với các “truyền thống” thuộc diện thần học, kỷ luật, phụng vụ hoặc sùng kính đã phát sinh theo thời gian trong các giáo đoàn địa phương...
Chính trong ánh sáng truyền thống các tông đồ, mà các truyền thống này được giữ lại, sửa đổi hay bị loại bỏ, theo sự hướng dẫn của Huấn Quyền Hội Thánh (Sách Giáo Lý số 83).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tôn trọng và tuân theo phán quyết của Huấn Quyền Tòa Thánh.