ĐƯỢC ƠN ĐỔI MỚI
NHỜ THẬP GIÁ ĐỨC GIÊSU
NHỜ THẬP GIÁ ĐỨC GIÊSU
Hai ngàn năm qua, nhờ Đấng chịu đóng đinh
trên khổ giá mà biết bao tâm hồn được nâng đỡ trong những cơn gian nan, và tìm
ra lẽ sống giữa những bế tắc của cuộc đời.
Một
thanh niên tuổi ngoài 20 bị ung thư gan. Chứng bệnh hiểm nghèo cùng với cơn đau
đã nhiều lần làm anh hoảng loạn, những lúc ấy anh không tiếc lời kêu trách
Thiên Chúa, nguyền rủa các bậc sinh thành và bản thân. Sau khi lãnh nhận bí
tích xức dầu, anh sống thêm được gần ba tháng nữa, nhưng thái độ hoàn toàn đổi
khác. Có người hỏi:
- Làm thế nào anh chịu được những cơn đau như thế?
Chỉ
vào cây Thập Giá treo trước mặt, anh trả lời:
- Nhờ nhìn lên Đấng chịu chết treo trên kia.
Nhờ
chiêm ngắm Đức Giêsu trên thập giá, chàng thanh niên được ơn đổi mới cõi lòng,
nên cũng thay đổi cách đón nhận đau đớn, thử thách và cái chết. Hai ngàn năm
qua, nhờ Đấng chịu đóng đinh trên khổ giá mà biết bao tâm hồn được nâng đỡ
trong những cơn gian nan, và tìm ra lẽ sống giữa những bế tắc của cuộc đời. Điều
ấy không lạ, vì đọc các trình thuật kể lại cuộc thương khó của Đức Giêsu, chúng
ta thấy nhiều người được ơn hoán cải nhờ gặp Đấng đã chết để muôn người được sống.
Kẻ
trộm bị đóng đinh bên hữu Đức Kitô, dù từng làm điều gian ác, nhưng anh sớm nhận
ra thân phận tội lỗi của mình khi chịu cùng một cực hình với Đức Giêsu; chẳng
những thế, vì cảm biết Người là bậc thánh nhân, anh lên tiếng bênh vực và tha
thiết kêu xin: "Ông Giêsu ơi, khi
ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" Và Người đã trả lời: "Tôi bảo
thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng." (Lc 23,
40-43)
Viên
sĩ quan ngoại giáo có nhiệm vụ thi hành lệnh của cấp trên là đóng đinh ba phạm
nhân vào thập giá. Có lẽ nhiều lần ông đã làm việc này và từng thấy các tử tội
chết trong nỗi đau đớn, tuyệt vọng. Nhưng hôm nay, khi chứng kiến cơn hấp hối
và cái chết của Đức Giêsu người thành Nazaret, như có tia sáng thần linh chiếu
vào tận tâm hồn, khiến cặp mắt tinh thần sáng ra, ông đã thốt lên: "Người này đích thực là người công
chính!” (Lc 23, 47)
Đám
đông dân chúng do bị xúi dục đã hô vang trước tòa án của quan Philatô: “Đóng đinh nó vào thập giá.” (Mt 27,
22-23) Họ cũng nói những lời thách thức và xỉ nhục Đức Kitô, nhưng khi tận mắt
chứng kiến những giây phút Người hấp hối và tắt thở trên thập giá, họ đã hối hận.
Niềm thống hối ấy không diễn tả bằng lời mà bằng hành động: “Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng
ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.” (Lc 23, 48) Kinh
Thánh không giải thích lý do, nhưng mọi người đều hiểu, vì cảm biết Đức Giêsu
là Đấng công chính, nhiều người đã nhận ra sai lầm và tội lỗi của mình nên tỏ
lòng sám hối.
Những
người chúng ta vừa nhắc đến, có kẻ chưa hề nghe, có người đã từng biết nhưng
chưa hiểu đoạn sách ngôn sứ Isaia nói về vị Tôi Trung của Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ
má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.”
(Is 50, 6) Nhưng qua những điều mắt thấy, tai nghe, khi theo bước chân khổ giá
và chứng kiến việc Đức Giêsu tắt thở, họ đã nhận ra Người là Đấng Thánh của
Thiên Chúa.
Ngoài
lời của các ngôn sứ, ngày nay chúng ta còn được nghe những chứng nhân là các
tông đồ truyền dạy: “Đức Giêsu Kitô, vốn
dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với
Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên
giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến
nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-8)
Với
những điều Kinh Thánh minh chứng và dạy dỗ, đáng lý chúng ta phải mở lòng đón
nhận hồng ân cứu độ Thiên Chúa đã rộng ban qua người Con duy nhất; tiếc rằng, nhiều
khi chúng ta đã thờ ơ trước tình thương và ơn cứu độ của Người, không thiếu những
lần chúng ta tham dự các nghi thức thánh với tâm hồn băng giá. Đức Giáo Hoàng
Phanxicô trong tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” đã không ngại nói lên thực trạng
này: “Có nhiều Kitô hữu chỉ có cách sống
của mùa Chay mà không có Phục Sinh.” (số 6)
Mỗi
lần bước vào Tuần Thánh, chúng ta lại thêm nhiều cơ hội để đón nhận ơn Chúa và
đổi mới tâm hồn. Chẳng những thế, mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta tưởng niệm
cuộc tử nạn hồng phúc của Đức Giêsu và cùng nhau tung hô: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống
lại, cho tới khi Chúa đến.” Nhưng để được ơn hoán cải và trở thành chứng
nhân của Đức Kitô, mỗi người cần cảm nghiệm tình thương cứu độ, biết mở lòng
đón nhận muôn hồng ân từ cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Người.
Xin
cho chúng ta biết trải lòng mời Đức Giêsu Kitô bước vào, để nhờ Người chúng ta
được đổi mới và cất tiếng reo vui: “Hoan
hô Con vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô trên các tầng
trời.”
Lm.
Mt