Vì sao càng trưởng thành,
người Việt càng tụt hạng?
người Việt càng tụt hạng?
Số GS, TS chúng
ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH nào được đứng trong bảng xếp
hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới". (VietNamNet, ngày 06/3)
I-
Những
ngày này, xã hội xôn xao về vụ việc tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines
tham gia đường bay quốc tế Việt Nam-Nhật Bản bị cơ quan cảnh sát điều tra NB bắt
giữ vì hành vi vận chuyển quần áo và mỹ phẩm hàng hiệu có nguồn gốc trộm cắp.
Không chỉ có tiếp viên này, 01 cơ phó và 04 nữ tiếp viên khác cũng đã bị cảnh
sát thẩm vấn và có yêu cầu dẫn độ sang NB để phục vụ công tác điều tra.
Đã
đành những vụ việc “người đẹp, việc xấu” như thế, đi một nhẽ. Đằng này, có những
chuyện “người tốt, việc
tốt” hẳn hoi, cũng phải đối mặt với cơ quan chức năng.
Không tin, cứ hỏi anh Nguyễn Văn Thắng (Long Biên - Hà Nội), một người thợ cơ
khí, chuyên chế tạo xe chuyên dụng cho người khuyết tật, buôn bán ô tô xe máy.
Đam
mê nghiên cứu đã dẫn người thợ máy này đến việc thiết kế chế tạo cả một chiếc
máy bay trực thăng cỡ nhỏ. Dù chuyến thử nghiệm thứ 03 thất bại, máy bay bị gẫy
cánh, nhưng “thất bại lớn nhất” là niềm đam mê sáng tạo của anh có nguy cơ bị…
gãy, trước áp lực của cơ quan chức năng. Khi họ lập biên bản, nghiêm cấm anh
không được tiếp tục chế tạo, thử nghiệm.
Anh
Nguyễn Văn Thắng không phải trường hợp đầu tiên. Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hòa,
kỹ sư cơ khí kiêm doanh nhân ở Thái Bình cũng đã chế tạo thành công chiếc tàu
ngầm mini. Ngay lập tức báo chí Trung Quốc, báo chí Nga đưa tin. Còn ở trong nước,
cũng ngay lập tức, cơ quan chức năng cho biết, nếu ông Nguyễn Quốc Hòa đưa tàu
ngầm xuống biển thì sẽ bị… bắt. Bởi chưa có luật nào điều chỉnh loại phương tiện
này, do mặt nước thuộc quyền kiểm soát của cảnh sát đường thủy.
Các
nhà “khoa học chân đất” VN - những “hai lúa, hai búa” say mê sáng chế, từ lâu
không còn là chuyện mới mẻ. Một Hai lúa mới học hết lớp 03 ở Lạng Sơn, chế tạo
thành công thuốc trừ sâu bằng thảo dược. Một Hai lúa khác ở An Giang chế tạo
thành công máy phun thuốc sâu điều khiển từ xa. Một Hai lúa nữa ở Quảng Bình chế
tạo thành công chiếc xe xúc lật gắn ben 180 độ, được giới thầu xây dựng đánh
giá cao.. v.v….
Có
điều, tất cả những chế tạo ấy rộ lên một dạo rồi chìm nghỉm. Còn bây giờ, những
chế tạo mới đây có nguy cơ đối mặt với pháp luật. Trong khi các cơ quan quản lý
chuyên môn - các sở khoa học và công nghệ thì dửng dưng đứng ngoài cuộc làm…
“quan sát viên.”
Vì
thế, xã hội và nhất là những người say mê sáng chế như Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn
Quốc Hòa, những Hai lúa khác, hẳn rất “tủi thân” trước một thông tin gây chấn động
cả thế giới. Đó là chuyện cậu bé Jamie Edwards học Trường Lancashire (Anh), mới
13 tuổi đã trở thành người trẻ nhất trên thế giới chế tạo thành công lò phản ứng
hạt nhân. Với sự giúp đỡ đầy tấm lòng của ông Hiệu trưởng Jim Hourigan (Học viện
Penwortham) khi ông đồng ý cấp cho Jamie ngân sách 3.350 USD để thực hiện. Được
biết, dự án tiếp theo của cậu bé là chế tạo một máy gia tốc hạt thu nhỏ.
Hai câu chuyện của hai quốc gia cách xa nhau ngàn trùng cây
số, vô tình trở thành hiện tượng “đối chứng” nhau, và vô tình, gửi thông điệp
gì? Đó là một bên, môi trường sống có sự tôn
trọng, khuyến khích hết mực giá trị của lao động sáng tạo, cho dù đó là một học
sinh mới 13 tuổi. Một bên là nhân danh những quy định khô cứng, lạnh lùng của
pháp luật, được thực thi bằng sự nghiêm cẩn cứng nhắc, cộng thêm cả thói thờ ơ,
với lý do “chưa có tiền lệ.”
Không
phải vô lý khi tác giả Khắc Giang, trong bài viết trên Tuần Việt Nam, ngày 31/3
đã bình: Khoa học phát triển là nhờ những thứ “không có tiền lệ.” Nếu chờ “tiền
lệ,” liệu bao giờ loài người mới có ô tô, điện thoại, hay thậm chí là biết được
trái đất có hình tròn thay vì hình dẹt? Và cũng cứ nếu cách ứng xử của nước Mỹ
cách đây đúng 111 năm, với anh em nhà Wright - những người thử nghiệm đầu tiên
về máy bay, như cách ứng xử của các cơ quan chức năng VN với Nguyễn Văn Thắng,
thì liệu nhân loại ngày nay có cơ hội được bay trên bầu trời?
Đó
là chưa kể, bên cạnh những nguyên tắc phiền toái, những bẻ hành bẻ tỏi của các
“nhà khoa học giầy da cổ cồn”, làm thì dở nhưng “chém gió” giỏi, cũng khiến những
“nhà khoa học chân đất” nghi ngại, không muốn hợp tác. Đó là chưa kể sự đố kỵ xấu
tính của đồng loại đây đó, ngay lập tức đã phê phán sáng chế của tác giả chiếc
tàu ngầm mini, với sự kênh kiệu vô lối.
Người
viết bỗng nhớ một ví von bi hài mà rất sâu sắc của cố nhà văn Thép Mới: Xã hội ta giống như cái rọ cua. Con
cua nào mon men bò được lên miệng rọ, lập tức đã có con cua khác… kéo xuống.
Sinh
mệnh sáng tạo của các “con cua” Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Quốc Hòa rồi đây sẽ tiếp
tục khỏe mạnh, hay chết yếu?
Chưa
có tiền lệ, thì xin hãy “tạo ra tiền lệ” trước khát khao sáng tạo chính đáng của
con người. Bởi bạn đọc sẽ nghĩ gì nếu đọc được bài viết này về công nghiệp sáng
tạo: VN đang ở đâu trong chuỗi giá trị? (Lao động, ngày 02/04). Theo đó, trong
khi ngành công nghiệp sáng tạo ở nhiều nước trên thế giới đóng góp cho GDP từ
7-15% thì tại VN, công nghiệp sáng tạo còn khá mới mẻ, tự phát, chủ yếu là nhập
khẩu dây chuyền công nghệ từ các nước.
Mỗi
lần VN mở triển lãm trong nước, hoặc gửi sản phẩm đi các triển lãm về thành tựu,
sản phẩm kinh tế, ấn tượng ngán ngẩm nhất của người viết là luôn chỉ nhìn thấy
“ca khúc”… mây tre đan xuất khẩu - cứ bao năm loanh quanh cho đời mỏi mệt (xin
mượn ý của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn). Có lẽ vì thế, mà VN là một nước của tre xanh, biển rộng nhưng đến
cây tăm, hạt muối cũng đều phải nhập khẩu? Lỗi tại ai?
Câu
chuyện của cậu bé người Anh 13 tuổi và câu chuyện người Việt trưởng thành bị lập
biên bản, bắt ngừng chế tạo, thậm chí dọa bắt, không chỉ là cách ứng xử khác biệt
một trời một vực của con người với con người. Cũng không phải chỉ là sự hơn
thua nhau trong phát triển kinh tế khoa học kỹ thuật giữa hai quốc gia, mà là ở
chỗ này - đó là sự hơn thua nhau cả một tầm thế kỷ, một tầm lịch sử về tư duy.
Quốc
gia phát triển hay tụt hậu, đạt tới đỉnh cao hay mãi lẹt đẹt không chỉ ở cái ngọn
- sự thành công hay thất bại trong nghiên cứu sáng tạo, trong các thành tựu, mà
trước hết được quyết định bởi cái gốc - cơ chế quản lý, môi trường xã hội ứng xử
với khát vọng sáng tạo đó như thế nào.
**********
II-
Cứ
cho là những quy định “chưa có tiền lệ” ở xã hội ta khiến các nhà khoa học chân
đất buộc phải khoan khoan hò khoan, thì một câu hỏi cần đặt ra. Chức năng
nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng trong thực tiễn thuộc “giai tầng” các tiến sĩ.
Vậy các TS ở VN đang làm gì?
Theo
thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ, cả
nước có 24.300 TS và 101.000 Th.s. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình
11,6%/năm, trong đó TS tăng 7%/năm, Th.s tăng 14%/năm. Số liệu thống kê mới nhất
của Bộ GD-ĐT, tính đến năm 2013, có 633 TS đang là giảng viên các trường CĐ,
8.519 TS là giảng viên các trường ĐH.
Số
GS, TS chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH nào được đứng
trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới.” (VietNamNet, ngày 06/3)
Nhiều
nhất và không có là hai định lượng ngành GD nên đỏ mặt.
Nhưng
còn lại 15.000 TS đang làm việc ở đâu?
Câu
hỏi này chưa được lý giải ngọn ngành.
Thì
trước đó có một thông tin trên báo chí mà đọc xong thấy giật mình và rất “ngượng”:
Campuchia đã sản xuất được xe ô tô điện tự chế điều khiển bằng smartphone
Angkor EV 2014. Trong khi ngành công nghiệp sản xuất ô tô của VN đi trước rất
nhiều, nhưng lại tụt hậu rất xa (VietNamNet, ngày 28/02).
Còn
tại VN, nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu thế giới phải
rời bỏ, với lý do họ không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây
điện hay đồ nhựa. Một
quốc gia có tới hơn 24000 TS mà các linh kiện đơn giản cũng không thể tìm mua,
để đến nỗi từng dự án bỏ ta đi (?)
Xét
cho công bằng, đội ngũ này cũng là sản phẩm “tinh hoa” của ngành GD. Nhưng dù
có tuổi đời 70 năm, và trải qua các cuộc cải cách, đổi mới, bóng dáng một nền
GD hàn lâm, nặng tính lý thuyết vẫn bệ vệ ngự trị… bên đời, trùm lên cung cách
tổ chức hoạt động GD và ĐT. Không phải vô lý khi GS Hoàng Tụy đã gọi đích danh
đó là nền GD “hư học” (vô bổ, thiếu hiệu quả thực tiễn).
Chả
trách không ít đề tài, luận án Ts, Th.s được bảo vệ xong, thì lập tức cũng trèo
lên nóc tủ, ngắm gà khỏa thân?
Không
ai phủ nhận kết quả và nỗ lực của học sinh VN, trong Chương trình đánh giá học
sinh quốc tế PISA 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm
2013. Theo đó, học sinh VN xếp thứ 17 (môn Toán), đứng thứ 08 (môn Khoa học),
và thứ 19 (môn Đọc hiểu) trong số 65 nước tham gia.
Nhưng
vì sao càng trưởng thành, người Việt càng tụt hạng trên “bản đồ” trí tuệ thế giới?
Theo báo GDVN (ngày 11/12/2013), trong báo cáo Chỉ số Đổi mới toàn cầu năm
2013, do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thực hiện, VN chỉ đứng 76/142
quốc gia được khảo sát. Và dần thụt lùi xuống nửa dưới bảng xếp hạng của thế giới
về chỉ số đổi mới/sáng tạo. Nếu năm 2008, VN đứng thứ 65/ 153, năm 2009 là
64/130, năm 2010 tụt xuống 71/132, năm 2011 tăng lên 51/125, thì năm 2012 lại tụt
nhanh xuống thứ 76/141 quốc gia. Và lẹt đẹt về các ấn phẩm nghiên cứu khoa học
trình làng trên trường quốc tế. Chỉ bằng 1/5 của Thái Lan, 1/6 của Malaysia, và
1/10 của Singapore.
Oái
oăm, GD càng “hư học”, con người lại càng “hư danh.” Cái “hư danh” này nó chi
phối ngay cả tư cách nghiên cứu khoa học của không ít người. GS Nguyễn Văn Tuấn,
trong một bài viết của mình, đã tổng kết tới 10 điều khó tin trong nghiên cứu
khoa học ở VN. Đó là bán dữ liệu, giả tạo dữ liệu, gây áp lực để đứng tên tác
giả bài báo, gian dối trong cách đề tên tác giả, đạo văn…v.v..
Tất
cả những thủ thuật, mẹo mực gian trá nham nhở ấy để làm gì nếu không phải để
con người vươn tới cái danh? Cái danh đây không chỉ là học vị, học hàm, mà còn
là “cái ghế.” Cả xã hội hối hả sống theo “hư danh”, sẽ hiểu vì sao Thủ đô HN từng
đề xuất hẳn một chiến lược “trí thức hóa” cán bộ quản lý, với mục tiêu 100% cán
bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ TS; 100% cán bộ diện UBND
TP quản lý có trình độ trên ĐH, trong đó 1/2 có trình độ TS…
Một
khi cái ghế cũng cần chụp cái mũ TS, một khi cái “hư danh” còn rất được hâm mộ,
thì nghiên cứu khoa học, sáng tạo và ứng dụng thực tiễn - một lao động khổ công
- đành … trùm chăn. Đội ngũ hàng vạn TS hối hả làm tất cả mọi việc để có danh,
có quyền, có lợi, trừ nghiên cứu, trừ sáng chế, sáng tạo. Thế nên, người ta đã
tính được, từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ TS ở VN cao gấp 05 lần
Nhật Bản (VietNamNet, ngày 06/3).
Mới
đây, trả lời báo Pháp luật t/p HCM, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã cho rằng,
cần phải kiên quyết tách rời học vị và địa vị, chức vụ, không nên chỉ nhìn vào
bằng cấp mà bổ nhiệm. Chừng nào ở ta chưa chấm dứt được việc bổ nhiệm theo bằng
cấp thì chừng đó bệnh “loạn TS” còn có nguy cơ gia tăng và thêm trầm trọng.
Còn
GS Nguyễn Đăng Hưng nhìn nhận, VN ta không giống ai: Được bổ nhiệm theo lý lịch
thành phần, tín nhiệm theo thân hữu gia tộc rồi mới đi học, học tại chức, học
chuyên tu. Trên thực tế là học cho lấy có, đáp ứng yêu cầu hình thức, chẳng thu
thập được gì gọi là chuyên môn…
Ông
Trần Đức Cảnh, nguyên thành viên Hội đồng Liên trường ĐH vùng Đông Bắc bang
Massaschusetts (Mỹ) thẳng thắn, nếu học vị không gắn liền với nhu cầu công việc,
làm tăng năng suất và giá trị thì học vị cao có ích lợi gì.
Nhưng
thẳng thì thẳng, mà cong vẫn cong. Cái sự cong ấy, lắm khi cũng rất bi hài.
Trong xu hướng tinh giản biên chế, cũng có không ít vị chạy đua học vị TS, học
hàm GS chỉ để tránh bị… giảm biên chế (Đất Việt, 24/3).
Chỉ
còn sáu năm nữa - năm 2020, VN cơ bản sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại,
với nền kinh tế tri thức, và vị trí khoa học công nghệ phải là then chốt. Nhưng
GD nước Việt vẫn mải mê với cái sự “hư
học”, các trí thức nước Việt còn mải mê với “hư danh”, và cũng bởi, cái “hư” của
cơ chế quản lý còn khá trầm trọng.
Thì
mục tiêu đó, hẳn giống như câu hát của nhạc sĩ Phan Nhân: Anh đi tìm em, chứ em
ở… nơi đâu?
Kỳ Duyên (http://vietnamnet.vn)