Ơn thiên triệu _ áo nhà tu

ÁO NHÀ TU
Đức Giêsu là thần tượng của tu sĩ và là điểm đến của đời tu. Thế nhưng Ngài đã ăn mặc như mọi người, trở nên mọi sự như mọi người, chỉ trừ sự tội.
Lm. Pio Ngô Phúc Hậu (Tùy bút)
Sơn tây ngày 27/11/2013
Sáng hôm nay, trời se lạnh. Mình bắt chước ông Hai Lúa: đầu trần, áo thun cụt tay, vô tư, nhẩn nha đếm bước trên vành đai ngoài của thành cổ Sơn Tây. Bỗng giật mình… Một ông già “cổ lai hy” dừng xe gắn máy, dòm mình lom lom. Mình ngỡ ngàng bắt tay một người chưa quen biết.
-      Chào bác
-      Xin chào ông. Ông không biết tôi, nhưng tôi biết ông là linh mục. Ông cho tôi góp ý nhá. Ông là nhà tu hành mà tại soa không mặc áo thày tu?
-      Tôi muốn sống gần gũi với mọi người.
-      Tôi không đồng ý. Tôi không theo đạo Hồi, không theo đạo Phật, không theo đạo Công giáo. Tôi là người vô thần, nhưng tôi muốn các ông mặc áo thày tu mỗi khi ra đường. Ngày xưa các ông ra đường mà không mặc áo dòng thì là đúng, vì lúc ấy xã hội chống đối các ông. Nhưng bây giờ thì khác xưa rồi. Bây giờ xã hội kính trọng và quý mến các ông lắm. Các ông là nhà tu hành thì cứ mặc áo dòng đi.
-      Được bà con thương mến thì tôi thích lắm. Còn được bà con kính trọng thì tôi… không dám đâu.
Ông già “cổ lai hy” quắc mắt nhìn mình, lúc lắc cái đầu. Mớ tóc hoa râm rậm rịt và bồng bềnh nhảy múa tưng tưng. Hai tay chém mạnh vào không khí. Giọng nói chắc nịch như búa đập đe:
-      Tôi không đồng ý! Ông là nhà tu thì phải mặc áo dòng. Ông nên nhớ là xã hội hôm nay kình trọng các ông lắm rồi! Tôi biết là “áo dòng không làm nên thày tu”. Nhưng các ông cứ mặc áo dòng đi
-      Tôi đã được nghe rất nhiều ý kiến về vấn đề này. Người chống thì rất nhiều. Người ủng hộ thì không ít. Tôi mong có dịp gặp lại bác để trao đổi cụ thể hơn
Sau mười phút trao đổi nhiệt tình, mình bắt tay giã từ ông già có mái tóc hoa mơ bồng bềnh. Hai bàn tay xù xì xoắn lấy nhau như chùm rễ phụ của cây đa cổ thụ…. Đêm hôm nay mình muốn thức khuya, để thảo lá thư ngỏ gửi đến ông bạn già tình cờ gặp gỡ trên đường phố.
Bác T thân mến.
Sáng hôm nay Bác và tôi có một cuộc hội ngộ vừa quá bất ngờ vừa quá ngắn ngủi. Tôi hiểu tấm lòng của Bác. Nhưng Bác chưa hiểu nỗi lòng của tôi. Tôi mựơn lá thư này để cảm ơn Bác và để giãi bày tâm sự của tôi
1/ Tôi nghĩ gì về Bác
-      Mớ tóc dày và bồng bềnh như mây bay của Bác khiến tôi có cảm tưởng là Bác có máu nghệ sĩ. Người nghệ sĩ thì thích tự do và phóng khoáng, thích nói thật và không sợ chống đối.
-      Bác là người khách bàng quan đứng nhìn xem giòng trôi của lịch sử tôn giáo. Bác thấy chúng tôi bị chống đối, Bác im lặng và ngậm ngùi. Thấy chúng tôi được yêu thương và kính trọng, Bác mừng rỡ như vớ được vàng. Đó là cái tâm của Bác dành cho chúng tôi. Tôi cảm ơn Bác vô vàn.
-      Khi Bác trợn mắt lên, giơ tay chém vào không khí và gằn giọng yêu cầu chúng tôi phải mặc áo thày tu là Bác đã nói hết tấm thiện cảm của Bác đối với đạo Công giáo của chúng tôi. Ấn tượng quá chừng.
-       
2/ Tấm áo dòng và nỗi lòng chúng tôi
Bác T thân mến,
Sau khi tôi nói với Bác về Bác, xin Bác vui lòng nghe tôi nói với Bác về tôi, về những kỷ niệm vui buồn của chiếc áo nhà tu.
-       Tôi đi tu từ lúc mới được chín tuổi. Tu phục lúc ấy là chiếc áo dài đen. Một lần về thăm quê: tôi lội bộ; đeo balô vẫn mặc áo dài, đi qua một làng không Công giáo. Thấy tôi mặc áo dài, một bầy trẻ chăn trâu đuổi theo, miệng la bai bải: “Đả đảo áo dài! Đả đảo áo dài!”. Vừa sợ hãi, vừa tủi nhục, tôi cứ gục đầu xuống mà đi. Áo dòng ơi, tủi quá!
-      Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình kể chuyện: “Có một vị giám mục người Pháp đi dạo phố Sài Gòn. Sau khi khen ngợi Sài Gòn đủ điều, thì thẳng thắn khuyên rằng: Xin Đức cha cấm các linh mục mặc áo dòng khi ra phố. Chường quá! Áo dòng thì mặc ở trong nhà thờ mà thôi??? Áo dòng ơi, buồn quá!
-       Một lần kia tôi đi dạo ở làng quê, ghé thăm một gia đình có bàn thờ ông Thiên. Đang mải ngắm bụi bông trang rực rỡ, thì một em bé đến vén gấu áo dòng tôi lên, quay lại cười với thằng bạn: ông cha vừa mặc quần vừa mặc váy mày ơi. Hai đứa cười hí hí với nhau. Áo dòng ơi, quê ơi là quê!
-      Năm 1971, tôi đặt chân lên đất Năm Căn, để lập giáo điểm. Chưa quen biết một người nào. Tôi mặc áo dòng, đi xuyên suốt con đường ven sông. Bỗng có tiếng gọi “cha”. Cuộc đàm thoại bắt đầu:
-      Ông là Công giáo hả?
-      Dạ.
-      Ông thứ mấy?
-      Con thứ năm.
Giáo điểm Năm Căn khởi đầu như thế đó. Áo dòng ơi, nhờ mi mà ta tìm được một con chiên bơ vơ. Từ con chiên bơ vơ này mà ta đã lập được một giáo điểm. Áo dòng ơi, tuyệt vời nhá!
-      Ngày 5/1/1974, tôi từ vùng quốc gia đi vào vùng giải phóng. Đi lòng vòng suốt ngày, rồi kết thúc chuyến đi ở tại cửa một trại giam ở Kiến Vàng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau (bây giờ thuộc huyện Phú Tân). Anh bộ đội yêu cầu tôi cởi áo dòng trước khi vào phòng giam. Trong phòng có 20 đồng cảnh. Ai nấy đều trợn mắt nhìn, Bỡ ngỡ và thương cảm. Vừa ăn xong bát cơm nguội, thì có ba đồng cảnh đến tặng quà! Một người cho đôi đũa; một người cho cái chén; một người cho cái vỏ chai để đựng nước. Người nào cũng mỉm cười rất thân thương, nói thì thầm bên tai: “Biếu cho cha, con có đạo cha ạ”. Tình nghĩa chan hòa. Áo dòng ơi, thương quá là thương!
-      Một ông già ở Bến Tre khuyên tôi nên mặc áo dòng, lý do ông nêu ra chỉ vỏn vẹn có hai điều:
1-     Để được giáo dân nhận diện và thương mến.
2-     Mặc áo dòng giúp giáo sĩ và tu sĩ không dám làm điều sai trái. Áo dòng bảo vệ tu sĩ cũng như áo giáp bảo vệ chiến sĩ.
Tôi chỉ ghi nhận lời khuyên này để suy nghĩ mà thôi.
Bác T thân mến,
Bác khẳng định mạnh mẽ với tôi rằng: “Nhà tu ra đường phải mặc áo thày tu”. Tôi cảm ơn Bác về lời khẳng định ấy. Nó xuất phát từ tấm lòng yêu thương được trải nghiệm qua suốt dòng lịch sử dài hơn một nửa thế kỷ. Bác thấy, Bác nghe, Bác suy nghĩ, rồi cuối cùng Bác phấn khởi báo tin vui cho tôi: “Bây  giờ xã hội kính trọng và quý mến các ông lắm!”
Nhưng… kính thưa Bác, đây là suy nghĩ của tôi, của riêng tôi mà thôi..
Tôi là thầy tu, tôi yêu đời tu; còn áo thầy tu thì tôi vô tư. Người Pháp có câu ngạn ngữ: “L’habit ne fait pas le moine” (áo dòng không làm nên thầy tu). Đúng thế, nhưng thầy tu vẫn phải mặc áo dòng và đôi khi áo dòng là mũ bảo hiểm của thầy tu. Dù sao thì đời tu mới là điểm đến; còn áo thầy tu chỉ là phương tiện nhỏ mọn trong mọi phương tiện.
Đức Giêsu là thần tượng của tu sĩ và là điểm đến của đời tu. Thế nhưng Ngài đã ăn mặc như mọi người, trở nên mọi sự như mọi người, chỉ trừ sự tội.
Thời Đức Giêsu, các kinh sư và Pharisêu rất quan tâm đến y phục. Áo của họ hơn áo của mọi người: tua áo dài hơn; khăn mũ chỉnh tề hơn. Ai thấy thế, liền cúi đầu chào: “Rápbôni” (chào sư phụ). Đức Giê su rất dị ứng với lối ăn mặc nặng trình diễn ấy của họ. Ngài gọi họ là bọn giả hình, lo cái vỏ mà bỏ cái ruột.
Bác T thân mến,
Bác khuyên tôi “phải mặc áo dòng”. Xin cảm ơn Bác vì đó là thiện tâm và thiện cảm của Bác. Nhưng Bác sẽ thấy tôi chỉ mặc áo dòng ở khuôn viên nhà thờ, khi ra ngoài đường tôi lại mặc áo như Bác. Tôi muốn “sống với”, “sống như” mọi người để “sống cho” mọi người ở mức tối đa. Tôi muốn được thân thương và sợ được kính trọng. Kính trọng thì không dám gần gũi: “Kính nhi viễn chi”
Bác T ơi!  Đó là tâm, đó là tư của tôi về đời tu và áo thày tu. Bác có thể vẫn không đồng ý với tôi. Nhưng đó là tấm lòng thành của tôi gửi Bác.
Xin Bác vui lòng nhận. Tâm nặng hơn ý Bác ạ!