CÓ
CHÚA Ở GIỮA CHÚNG TA KHÔNG?
Câu
trả lời của người tân tòng này là có!
Còn
câu trả lời của tôi?
Một linh sư Ấn độ phái nhiệm
nhặt rất hài lòng với sự tiến bộ của một đệ tử. Nghĩ rằng anh không còn cần đến
sự dìu dắt của mình nữa, thầy lặng lẽ bỏ đi để lại cho người đệ tử một túp lều
tranh xiêu vẹo và một chiếc áo rách. Sáng nào, người đệ tử này cũng ra sông Hằng
để thanh tẩy theo đúng nghi thức, và giặt chiếc áo rách - tài sản duy nhất của
anh.
Một hôm, thấy chiếc áo
rách bị chuột cắn nát, anh phải vào làng xin một chiếc áo cũ khác để mặc. Nhưng
số phận chiếc áo đó cũng vậy. Thế là anh xin một con mèo về nuôi để trị chuột.
Nhưng các vấn đề bắt đầu theo nhau nảy sinh: Con mèo không quen với những món ăn
nhiệm nhặt của anh nên anh phải xin thêm cơm và bánh tương đối ngon hơn; xin
hoài cũng bất tiện, anh xin hẳn một con bê để nuôi lớn thành bò mà lấy sữa nuôi
mèo; nuôi bò mất nhiều công cắt cỏ, kín nước, làm mất giờ cầu nguyện nên anh
thuê một chú bé để chỉ chăm lo cho con bò.
Bò mẹ sinh bò con, phải
thuê thêm người, nên anh nuôi thêm nhiều bò cho khỏi phí nhân công. Chẳng bao
lâu sau anh đã làm chủ một nông trại giàu có, lại thấy cần một người để chia sẻ
ưu tư và gánh nặng cai quản cái sản nghiệp đồ sộ ấy, anh quyết định cưới vợ, và
sinh con …
Mười năm sau, vị linh sư
trở lại nhưng không thể nào tìm được túp lều xiêu vẹo ngày xưa. Khi gặp người học
trò cũ, ông hỏi: “Sao lại thế này?”,
anh đệ tử kể lại câu chuyện, bắt đầu từ chiếc áo rách!
Chiếc áo rách đó là cái
vòng đói khát luẩn quẩn trong đời người đi tìm một hạnh phúc không có Thiên
Chúa. Không có Thiên Chúa, người ta chạy đến các điều thiện hảo trần tục, nhưng
các thiện hảo trần tục không bao giờ là giải pháp cuối cùng cho cuộc sống con
người, mà trái lại còn làm cho người ta đánh mất chính mình: Dân Do thái ngày
xưa khát mà không tìm đến Thiên Chúa nên sẵn lòng trở lại làm nô lệ Ai cập. Họ
hỏi Môsê: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập
để làm gì? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúngtôi, và súc vật của chúng
tôi bị chết khát hay không?” (Xh 17,3);
Người phụ nữ Samari thì dù
luôn muốn khẳng định mình (đã năm đời chồng rồi), mà vẫn không thực sự khẳng định
được mình là ai (người đang sống với chị không phải là chồng chị).
Nếu coi đói khát là một
chiều kích của sự sống, là tiếng nói về nhu cầu bức thiết nhất của sự sống, thì
con người chỉ thực sự tìm được chính mình khi đói khát Thiên Chúa, vì “những ai nghèo hèn, khốn khổ, tìm nước
không ra, lưỡi khô vì khát, Ta, Đức Chúa, Ta sẽ đáp lời, Ta, Thiên Chúa của
Ít-ra-en, Ta sẽ không bỏ rơi chúng.” (Is 41,17), và hạnh phúc sau cùng dành
cho họ là “họ sẽ không còn phải đói, phải
khát” (Kh 7,16)
Đức Kitô là câu trả lời
cho hạnh phúc của nhân loại, vì sự sống nơi Ngài là cuộc kết hợp kỳ diệu giữa bản
tính thần linh và bản tính nhân loại để nên kiễu mẫu vẹn toàn và là nguồn mạch
cho sự sống thần linh nơi con người: “Đức
Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta
đang được hiện nay.” (Rm 5,2).
Khi người phụ nữ Samari
nói với Chúa Giêsu về Đấng Cứu độ thì chính Chúa đã nói với chị: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị
đây”, còn dân trong thành thì trả lời:
“Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã
nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian." (Ga 4,26.42)
Có một cuộc đối thoại độc
đáo giữa một người tân tòng và một người vô thần như sau:
- Anh đã theo đạo Công giáo
rồi sao?
- Vâng, nói đúng hơn là tôi
theo Đức Kitô.
- Vậy xin hỏi anh, Ông Giêsu
sinh ra ở quốc gia nào?
- Rất tiếc là tôi quên mất
chi tiết này.
- Thế khi chết ông ta được
bao nhiêu tuổi?
- Tôi cũng nhớ không rõ nên
chẳng dám nói.
- Vậy ông ta đã thuyết giảng
bao nhiêu bài?
- Tôi không biết.
- Quả thật anh biết quá ít,
quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã theo đạo.
-
Anh nói đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Đức Kitô.
Thế nhưng điều mà tôi biết rất rõ là thế này: Ba năm trước tôi là một người
nghiện rượu sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ, gia đình tôi xuống dốc trầm
trọng, bao nhiêu của cải tôi đều nướng vào các cuộc men say luý tuý. Mỗi tối,
khi trở về nhà, vợ con tôi đều tức giận, buồn tủi và xấu hổ.
Thế mà bây giờ tôi
đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ, gia đình tôi đã tìm lại được
hạnh phúc. Vợ tôi, các con tôi ngóng trông và vui mừng đón đợi tôi sau khi tôi
đi làm về. Những điều này, không ai khác hơn chính là Đức Kitô đã làm cho tôi,
và đó là tất cả những gì tôi biết về Người.
“Có Chúa ở giữa chúng ta không?”
Câu trả lời của người tân
tòng này là có!
Còn câu trả lời của tôi?
Lm. HK