AI
ĐẾN VỚI TA SẼ KHÔNG HỀ KHÁT
Đức Kitô là câu trả lời cho cái khát muôn đời đó: "Ai uống nước này sẽ lại khát, còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa! (Ga 4,14).
Một người sắp chết khát
trong sa mạc nhưng vẫn cố lết về phía trước, mong tìm thấy được một giọt nước.
Mắt anh sáng lên khi thấy từ đằng xa có một cái túi da. Một túi nước chăng? Ở
sa mạc, nước là sự sống. Hai tay run rẩy, anh chụp lấy cái túi, mở ra… và thấy
một nắm vàng bạc, châu báu. Hoàn toàn thất vọng, anh ngã gục xuống, buông xuôi.
Trong sa mạc anh mới thấy được là một giọt nước còn quí hơn vàng bạc.
Trước khi đưa Dân Chúa vào
Đất Hứa, Chúa để cho họ đi qua sa mạc. Trong sa mạc, họ bị lột trần trụi hết mọi
ảo tưởng để trở về với con người thật của mình, và phải đứng trước một chọn lựa
mang tính sống còn của đời người: "Ông
đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho chúng tôi, con cái
chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?” (Xh 17,3).
Cái khát của thân xác cho
thấy phần nào cái đói từ đáy sâu tâm hồn: Mang thân phận yếu hèn phải sống giữa
cuộc đời có nhiều đổi thay, họ cần một chỗ nương tựa, cần một nguồn sống. Vì thế,
khi ban nước cho họ trong sa mạc, Chúa muốn họ biết Ngài là nguồn sống của họ
giữa lòng đời; và khi đặt vấn nạn: “Có Đức
Chúa ở giữa chúng ta không?” (Xh 17,7) họ được thấy ngay bàn tay yêu thương
của Chúa.
Phải chịu khát trong sa mạc
là một thử thách cho đức tin. Thử thách được Chúa gửi đến không phải vì ghét mà
vì yêu họ, bởi đức tin cần được lớn lên trong thử thách. Càng thấy sự túng cực
của mình người ta càng nghiệm rõ tình yêu bao la của Chúa: “Thân phận con khốn khổ nghèo hèn, nhưng Chúa hằng nghĩ tới” (Tv
39,18). Sự túng đói, bệnh tật, tai nạn,… nhất là cái chết mới dạy cho người ta
biết phải tìm kiếm cái thành đạt đời đời, vì mọi thành đạt đời này thực chỉ là
một thất bại lớn cho ai không tin vào Chúa: “Ngày
ngươi trồng, ngươi trông thấy chúng lớn; ngay buổi sáng, hạt giống ngươi gieo
đã trổ bông. Nhưng trong ngày thu hoạch, chẳng gặt hái được gì, và tai hoạ thật
vô phương cứu chữa” (Is 17,11).
Đúng thế, cái túng cực nhất
của con người không phải là thiếu ăn thiếu uống, mà là thiếu vắng Chúa. Tuy được
dựng nên theo hình ảnh Chúa, nhưng tội lỗi đã làm họ xa Chúa, nguồn sống của họ.
Từ đó, cuộc sống trần gian của mỗi người như là sống giữa sa mạc với cái khát
không bao giờ hết là khát Chúa, sự sống của họ. Chỉ có tình yêu Chúa mới cứu được
họ: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay
khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương
chúng ta” (Rm 5,8).
Nhưng cũng có những người
bị ảo giác đánh lừa, không gặp được Chúa mà vẫn thấy no đủ. Họ như một người đi
tìm nước trong sa mạc, giữa trời nắng nóng, ảo giác làm cho họ thấy xa xa có một
hồ nước trong veo. Họ hăm hở bước tới. Hồ nước nằm ngay đấy, chỉ cần bước vài
bước nữa thôi, chỉ mấy bước nữa thôi, mà sao đi hoài không tới?
Đường đời cũng
có nhiều ảo tưởng làm cho người ta lạc hướng, cứ đi mãi, đi mãi, mà chẳng tìm
được hạnh phúc vì không có Chúa. Người phụ nữ Samaria dù đã thay đổi năm đời chồng
mà vẫn chưa thoả dạ: “vì chị đã năm đời
chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (Ga
4,18).
Những nỗi khao khát làm
nên sức sống của một đời người. Trên mọi nỗi khao khát đó, hơn cả khát nước
trong sa mạc, là khát Chúa, sự sống đích thực được in sâu trong lòng mà mọi người
tìm kiếm.
Đức Kitô là câu trả lời
cho cái khát muôn đời đó: “Ai
uống nước này sẽ lại khát, còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa!”
(Ga 4,14). Đức Kitô mang hạnh phúc Nước Trời đến, nhưng hạnh phúc còn tuỳ ở lời
đáp trả riêng của mỗi người: “Không còn
phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết
rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4,42).
Thầy Léon là một tu sĩ
dòng Phanxicô được bề trên phân công may áo cho các tu sĩ, và thầy tận tụy với
công việc đến hơi thở cuối cùng.
Khi sắp lìa trần, thầy nói
với anh em đang đứng xung quanh: “Xin anh
em đem cho tôi chiếc chìa khoá mở cửa thiên đàng.” Nghe thế, anh em đem đến
cho thầy cuốn sách “Chìa khoá mở cửa
thiên đàng.” Nhưng thầy lắc đầu. Thế rồi anh em thay nhau đưa đến các vật dụng
đạo đức, các sách tu đức, v.v… thầy vẫn lắc đầu. Cuối cùng, có một tu sĩ hiểu
được ý của Léon nên chạy đi tìm cây kim khâu thầy vẫn dùng từ nhiều năm qua.
Mắt Léon sáng lên, thầy nở
một nụ cười khi trông thấy cây kim và nói: “Đây
chính là chìa khóa mở cửa thiên càng của tôi”, rồi thầy tắt thở.
Thầy Léon được no thoả
ngay từ cuộc sống thường ngày, giữa những công việc bổn phận âm thầm, vì lương
thực thầy dùng là lương thực của Đức Kitô, “
là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34), và đã nắm chặt trong
tay hạnh phúc Nước Trời.
Ôi lạy Chúa, con thấy mình
đói lả. Chỉ có Ngài làm no thoả được thôi.
Lm. HK