BỎ TẤT CẢ ĐỂ ĐƯỢC TẤT CẢ
Bỏ tất cả để được lại tất cả trong một cuộc
sống mới, chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Người Con yêu dấu của Chúa.
Một bác sĩ Đông y nói: “Xét về việc cấp cứu tai nạn, giải phẫu, hay
chữa trị những bệnh nhiễm trùng, thì Đông y phải bái phục Tây y; còn trong việc
điều trị những bệnh mãn tính thì lại khác”, và ông đã dùng một hình ảnh để
minh hoạ cho tư tưởng của mình: “trên bếp
có một nồi nước sôi, nếu muốn cho nó nguội đi thì Tây y đổ nước lạnh vào, nó
nguội ngay nhưng sẽ dần dần nóng lên và sôi trở lại; còn Đông y thì rút củi
trong bếp ra, nó sẽ dần dần nguội đi và lạnh hẳn”.
Đó chỉ là một ý kiến, có
giá trị hạn chế và tương đối trong lãnh vực y học mà thôi, nhưng trong đời sống
tâm linh hình ảnh đó có thể được dùng để diễn tả sự từ bỏ triệt để và tận căn của
đức tin - lời đáp trả của mỗi người trước tiếng gọi của tình yêu Thiên Chúa - một
bước ra đi làm thay đổi toàn bộ cuộc sống, và dẫn đến ơn cứu chữa trong tâm hồn.
Đức tin luôn đòi hỏi một sự
sẵn lòng từ bỏ tất cả mà vâng theo ý Chúa, và đi theo Chúa: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi,
mà đi đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1). Đó là lời mời gọi Chúa gửi
đích danh đến từng người, một lời mời gọi luôn đi kèm với một cuộc thử thách của
tình yêu, vì chỉ có tình yêu mới có sức làm cho người ta từ khước tất cả để đi
theo người mình yêu.
Thiên Chúa sẵn lòng chăm
sóc và che chở những ai tin theo Ngài: “Ta
sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa”
(St 12,3). Đứng trước một tình yêu như thế, thì không có lời đáp trả nào đẹp
hơn lời đáp trả của Áp-ram: “Ông Áp-ram
ra đi, như lời Chúa đã phán với ông” (St 12,4).
Hôm xưa, Chúa đã mời gọi
Áp-ram từ bỏ quê hương, họ hàng, để đặt trọn niềm tin vào Chúa - điều kiện đầu
tiên cho ai muốn bước vào ơn cứu độ, bóng mát của tình yêu Chúa; ngày nay, giữa
bóng đen tội lỗi u ám, lời mời gọi đó vẫn còn được lập lại nơi Đức Kitô: “tôi không đến để kêu gọi người công chính,
mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).
Từ bỏ tội lỗi là cuộc ra
đi của đức tin để đáp lại tình yêu Chúa, để biết đến Tin Mừng cứu độ, như Đức
Kitô đã nói với người phụ nữ phạm tội ngoại tình: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ
nay đừng phạm tội nữa!" (Ga 8,11).
Nhưng sự từ bỏ của đức tin
đôi lúc làm người tin thấy phải đau đớn như chịu chết, và là một điều chướng kỳ
với cái nhìn thế tục: “chúng tôi lại rao
giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể
chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23). Vì thế mà phải có biến
cố biến hình để nâng đỡ niềm tin nơi các tông đồ, và để các ông hiểu mầu nhiệm
thập giá: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy,
cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy” (Mt 17,9).
Phần các tông đồ ở trên
núi với Chúa Giêsu, một chút hương vị của hạnh phúc mai sau đối với các ông đã
vượt qua tất cả mọi vinh sang hạnh phúc thế trần: “Lạy Ngài, chúng con ở đây thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại
đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Mt
17,4).
“Chúng con ở đây thật là hay” không phải là chuyện
trên núi Tabore hôm xưa, mà có thể xảy ra ngay trong cuộc sống thực tế hôm nay,
trong tâm tình sẵn lòng từ bỏ tất cả để được lại tất cả trong một cuộc sống mới.
Đó là “Tâm tình với Chúa” của Graham Kings:
Khi
đến với Chúa, con tháo bỏ đôi giầy: những tham vọng của con, con cởi bỏ đồng hồ:
thời khoá biểu của con, con gỡ bỏ cặp kính: thái độ ứng xử của con, con đóng nắp
cây bút: các quan điểm của con, con bỏ xuống chiếc chìa khoá: sự an toàn của
con, để con được ở một mình với Ngài, Lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau
khi đã được ở với Ngài rồi, lạy Chúa, con sẽ xỏ giầy vào để đi theo con đường của
Chúa, con sẽ đeo đồng hồ vào tay để sống trong thời gian của Chúa, con sẽ mang
cặp kính vào để ngắm nhìn thế giới của Chúa, con sẽ mở nắp bút ra để viết những
tư tưởng và tâm tình của Chúa, con sẽ cầm chìa khoá lên để mở những cánh cửa của
Chúa!
Bỏ tất cả để được lại tất
cả trong một cuộc sống mới, chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Người Con yêu dấu
của Chúa.
Lm. HK