Lời Chúa cnmc 1a _ sám hối phía bên kia đồi


SÁM HỐI PHÍA BÊN KIA ĐỒI
Tự do là quà tặng, nhưng cũng là cạm bẫy đưa đến nhiều lỗi lầm. Sống trong tự do mà quên lòng sám hối thì tự do ấy sẽ dần dần đưa con người xa Chúa. Càng xa Chúa, thì cuộc sống đang đánh mất sự tự do đích thực.
Nguyễn Thảo Nam
Lái xe ra khỏi cổng nhà tù, hình ảnh những giọt nước mắt sám hối của anh chị em tù nhân làm thức tỉnh lương tâm. Tôi bắt đầu những ngày mục vụ ở trại tù sau ngày chịu chức. Lòng hăng say trong những tháng ngày đầu của đời linh mục thôi thúc lên đường. Đoạn kinh thánh của Isaiah mà Chúa Giêsu cảm nhận “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” ( Luca, 4:18-19) như nói với riêng mình hôm nay để hăng say lên đường. Trong niềm hăng say, dường như có xen lẫn cả men kiêu hãnh. Tôi đến với anh chị em tù nhân với tâm tình yêu thương pha trộn thái độ của người ban ơn.
Nhà tù nằm ở một góc xa vắng, cuối bên kia chân đồi. Cây cỏ xơ xác, ngoại trừ những cách xương rồng trơ trụi. Dưới chân đồi là dãy kẽm gai lạnh buốt, sắc bén hơn cả gai xương rồng, gợi cho con người cái cảm giác của niềm đau, phân cách, và lạnh lùng. Đã nhiều năm tôi do dự không muốn đến nơi đó. Tôi thích ở gần bàn thờ có hoa, có nến, có bước chân người quen rộn rã chào đón. Rồi một chiều trời thu, tôi rời bàn thờ hoa nến và rộn rã phố phường để đi về nơi phía chân đồi ảm đạm ấy.
Thế giới của nhà tù thì nhiều người biết đến: khắc nghiệt, hung bạo, thiếu tình người, có lúc mất cả niềm hy vọng. Còn thế giới tâm hồn của những tù nhân, thì ít ai biết đến và ít ai hiểu được. Nó là khoảng riêng tư khép kín, có lỗi lầm, có nỗi buồn, có mặc cảm, và có cả nhiều giọt nước mắt sám hối.
Chính cái riêng tư sâu kín và khó hiểu ấy thường để lại trong dòng đời những ấn tượng tiêu cực. Tôi đến với họ qua lăng kính của một chút thành kiến. Để giúp họ hoán cải, tôi say mê nói chuyện với anh chị em về Thiên Chúa, về cuộc đời, về sám hối, và về niềm hy vọng. Họ âm thầm nhẫn nại lắng nghe, lắng nghe chân thành lắm!
Rồi trong một khoảnh khắc bất chợt, tôi thấy những bàn tay say mê đếm nốt cuộc đời trên những chuỗi tràng hạt đã sờn mòn. Có những đôi tay ôm gọn cuốn Kinh Thánh trong lòng với những trang sách đã vàng úa của thời gian. Hoá ra, có người đã đến với Đức Maria từ những ngày bước chân vào cổng trại giam. Có người đã gặp Đức Kitô qua những trang Kinh Thánh đã phai màu giấy lụa. Chúa Kitô đã đồng hành với họ vào những nơi xa xôi nhất của cuộc đời. Sau tấm màn sắt lạnh lùng của dãy nhà tù, tôi gặp gỡ những mùa sám hối trọn vẹn quá. Thời gian và ơn thánh đã giúp thanh tẩy bụi trần. Lòng sám hối và đạo đức của một số anh chị em trong tù thách đố thái độ sống đạo của tôi. Ai là người công chính trước mặt Thiên Chúa đây? Người đi tu, hay kẻ ở trong tù? Tôi bắt đầu băn khoăn, nhớ lại lời Kinh Thánh, “Trên Trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hoán cải hơn là chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn.” Tôi ở trong đám người nào đây?
Hàng ngày tôi đến nhà thờ và đọc kinh cáo mình mỗi sáng, nhưng trong lòng chưa có những giọt nước mắt ăn năn. Cạm bẫy cõi lòng có khi dùng việc đạo đức bên ngoài để che đậy lương tâm. Nó cho mình một cảm giác an tâm của người biệt phái: lễ lạc, kinh nguyện, làm việc mục vụ là thay cho của lễ hiến tế! Hôm nay nghe Thánh Kinh chất vấn, “Máu chiên bò Chúa không ưng, lễ toàn thiêu Chúa không nhận. Chúa chỉ nhận tấm lòng tan nát khiêm cung.” Tôi do dự. Thật khó có tấm lòng tan nát khiêm cung, nhất là khi mình đang ở vị trí được nhân danh Chúa để ban ơn tha thứ. Có khi những địa vị ấy dễ ngăn cản tìm về sám hối. Luật lệ tôn giáo và quy ước đạo đức xã hội lắm lúc cũng tạo nên thành kiến về con người hơn là nuôi dưỡng lòng bao dung.
Trước khi vào giúp trại tù, ấn tượng về những tội phạm là những con người không có ích cho xã hội. Sau một thời gian đến với họ, tôi thấy chính mình mới là người cần thay đổi, vì bên kia chân đồi của cuộc sống, có quá nhiều điều để học hỏi. Mình cần thay đổi thái độ về một con người trong hoàn cảnh hiện tại hơn là nhìn vào quá khứ của họ. Có một lần, ánh mắt xa xăm và lời chia sẻ của người phụ nữ trạc tuổi bốn mươi làm lòng tôi se lại. Chị nhìn những bông hoa dại bên hiên nhà tù rồi nói: “Cha biết không, nhìn những bông hoa dại làm tôi nhớ đến những cánh hoa trong vườn ngày xưa. Những lúc tưới hoa, hai đứa bé quấn quýt chân mẹ như những mèo con thơ dại. Đùa giỡn, ôm ấp, rồi bỗng một ngày mẹ con chia li. Vậy mà đã năm năm xa tụi nhỏ. Gia đình tôi ở Hawaii. Xa quá. Mong sao có ngày về gặp lại con. Tôi muốn dành cả cuộc đời còn lại để chăm sóc con mình.”
Lòng sám hối và yêu thương tràn ngập tâm hồn chị. Trong những lầm lỗi, ơn thánh đã mở lối đưa về yêu thương. Tôi không hỏi tại sao chị vào tù? Đó không phải là câu hỏi của hiện tại. Nhưng cảm nhận sự biến đổi của ơn thánh trong phút giây hiện tại nơi một tấm lòng rạn vỡ mới là giây phút thiêng liêng, nó mở lối cho màu nắng hy vọng trong buổi chiều ảm đạm. Lạ quá, trong cái mịt mù ảm đạm ấy, Chúa đã đến bên họ để khơi dậy lòng tin yêu, để họ biết khóc, biết sám hối và biết hy vọng. Những bức tường kín không ngăn cản được ơn thánh. Ơn Thánh vào thăm tù không cần giấy tờ hay thẻ căn cước để qua cổng an ninh. Cũng không cần chìa khoá của người cai tù để mở cửa phòng giam, nhưng có sức mạnh mở toang cánh cửa tâm hồn ngay cả khi họ đang bị nhốt kín sau khung cửa. Ơn thánh rửa sạch lương tâm và giúp họ làm lại cuộc đời. Tôi nói với chính mình, còn mùa sám hối nào đẹp hơn những mùa sám hối tôi gặp bên kia lưng đồi ấy. Họ giúp tôi hy vọng về một tình thương quá vô biên và tin tưởng vào sức mạnh của Ơn Trời.
Trên đường trở về, tôi dâng lời cầu nguyện cho họ và cho tôi. Tôi cầu cho anh chị em tù nhân tiếp tục sống hy vọng trong những hoàn cảnh thiếu tự do. Tôi cầu nguyện cho tôi đang sống trong hoàn cảnh có nhiều tự do cần phải biết quý trọng sự tự do để lớn lên trong Chúa. Tự do là quà tặng, nhưng cũng là cạm bẫy đưa đến nhiều lỗi lầm. Sống trong tự do mà quên lòng sám hối thì tự do ấy sẽ dần dần đưa con người xa Chúa. Càng xa Chúa, thì cuộc sống đang đánh mất sự tự do đích thực.
Lạy Chúa, Chúa cho con quá nhiều tự do, nhưng con sợ có khi mình đang dùng tự do để dần dần đánh mất tự do. Nếu dùng tự do Chúa ban như thời giờ, vật chất, sức khỏe và nhiều phương tiện khác để làm mất đi sự tự do nội tâm, thì con đang tự xây phòng giam cho tâm hồn mình. Nhà tù cho các phạm nhân hành sự thì dễ xem thấy, vì có nhiều kẽm gai, song sắt, và tường cao, nhưng nhà tù của tâm hồn thì con khó phân biệt, vì có khi nó được trang trí bởi nhiều ảo ảnh. Con cần ơn thánh giúp lòng sám hối để nhận ra đâu là gai, là sắt, là tường cao đang từ từ ngăn cách hồn con.
Nguyễn Thảo Nam