Thứ Tư Lễ Tro
I. Giáo Huấn Phúc Âm
Những việc đạo đức
phải làm là bố thí, cầu nguyện và ăn chay.
Tất cả phải làm
trong âm thầm, kín đáo và chỉ có Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự biết và
ban phần thưởng cho việc lành phúc đức chúng ta làm.
II. Vấn nạn Phúc Âm
Tại sao
chỉ có Thứ Tư mà không có thứ Hai, Thứ Ba,
Thứ Năm hay Thứ Sáu Lễ Tro?
Chỉ có Thứ Tư Lễ Tro, vì
Mùa Chay dài bốn mươi ngày trước Phục Sinh, tức dài hơn sáu truần lễ, không kể
ngày Chúa Nhật, tức tất cả phải là 40 ngày cộng với 6 ngày Chúa Nhật là 46 ngày
trước Phục Sinh.
Chúa Nhật Phục Sinh rơi vào ngày nào? Chúa
Nhật Phục Sinh được qui định vào ngày Chúa Nhật Thứ Nhất sau ngày trăng tròn
lần đầu tiên của ngày Xuân Phân (Spring Equinox) Ngày Xuân Phân tính theo dương
lịch tức lịch mặt trời (solar year) rơi vào ngày 21 tháng Ba. Nhưng ngày trăng
tròn đầu tiên sau ngày Xuân Phân lại tính theo Âm Lịch tức lịch mặt trăng
(Lunar year) nên không có ngày nhất định, vì theo Âm lịch, có tháng 29 ngày,
nhưng có tháng 30 ngày.
Trong năm Dương Lịch, Tuần Trăng Mới theo
lịch Phụng Vụ Công Giáo (ecclesiastical new moon) rơi vào tháng 29 ngày, từ
ngày 8 tháng ba đến ngày 5 tháng 4 được coi như tháng Âm Lịch Vượt Qua. Phục
Sinh sẽ là ngày Chúa Nhật thứ ba trong tháng nầy, tức Chúa Nhật sau ngày Thứ
Mười Bốn của Tháng Âm Lịch Vượt Qua. Ngày mười bốn tháng Âm Lịch Vượt Qua được
Công Giáo hóa thành ngày trăng tròn Vượt Qua (Paschal full moon). Tuy nhiên,
ngày Thứ 14 của tháng Âm Lịch nhiều khi xê dịch hai ngày so với ngày trăng tròn
tính theo thiên văn, nên ngày trăng tròn Vượt Qua phải rơi vào các ngày từ 21
tháng ba đến 18 tháng Tư.
Như vậy tính từ Chúa Nhật Phục Sinh ngược
lại 46 ngày, Lễ Tro sẽ luôn rơi vào ngày Thứ Tư, tuần thứ bảy trước Phục Sinh.
Thứ Tư Lễ Tro bắt đầu mùa chay kéo dài 40 ngày, không kể sáu ngày Chúa Nhật. Đó
là thời gian cần thiết để chuẩn bị cho những người lớn rửa tội vào đêm Vọng Phục
Sinh. Đó cũng là thời gian cho Kitô hữu sống chay tịnh theo gương Chúa Giêsu
trước khi ra truyền đạo công khai. Đây cũng là thời gian đễ ăn chay, cầu
nguyện, bố thí và từ bỏ thói hư tật xấu trong đời sống.
Giáo Hội Công Giáo Canada có hai ngày
phải ăn chay kiêng thịt là Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Ăn chay
buộc những người Công Giáo từ 18-59 tuổi, tức chỉ ăn một bữa no trong ngày, còn
lại, là hai bữa ăn nhẹ. Kiêng thịt buộc những người Công Giáo từ 14 tuổi cho
đến 59 tuổi. Ăn chay kiêng thịt giúp chúng ta kìm chế chính mình trong cách ăn
uống cũng như tiết kiệm để làm việc từ thiện bác ái.
Các ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay nên làm
việc lành phúc đức thay cho ăn chay kiêng thịt. Nhưng nếu ai tình nguyện ăn
chay, kiêng thịt thì rất tốt cho đời sống đạo đức.
Ý nghĩa của bốn mươi ngày chay tịnh
Phải nói ngay là không ai biết
Chúa ăn chay và cầu nguyện bao lâu. Như đã có lần nói: Phúc Âm không
là bài phóng sự, nhưng là giáo lý của các tông đồ, thành hình sớm nhất là 40
năm sau khi Chúa lên Trời. Khi Chúa vào sa mạc ăn chay cầu nguyện thì chưa có
các tông đổ, nên không có ai gọi là ‘chứng kiến tận mắt” việc Chúa làm trong sa
mạc và làm trong bao lâu.
Tất cả ba Phúc Âm Nhất Lãm, Mathhêô,
Matcô và Luca đều tường thuật việc Chúa dành riêng một thời gian đặc biệt
40 ngày trước khi xuất hiện công khai truyền đạo. Nhưng những tường thuật nầy
không đồng nhất: Thánh Matthêô nói: Thánh Thần hướng dẫn Chúa vào Sa Mạc để bị
ma quỉ cám dỗ, Ngài ăn chay bốn mươi ngày và bốn mươi đêm (Matt. 4,1-2) Phúc Âm
Matcô thì nói “Ngài lưu lại đó 40 ngày, bị ma quỉ cám dỗ. Ngài ở giữa những
hoang thú và có các thiên thần hầu cận” (Matcô 1,12-13) Matcô nói ngày mà không
nói đêm. Còn Luca như chúng ta sẽ thấy trong Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa
Chay “Thánh Thần dẫn Ngài vào sa mạc bốn mươi ngày, chịu ma quỉ cám dỗ… Ngài
không ăn gì cả.” (Luca 4,1-2) Thực tế có vậy không? Nếu một người không ăn gì
cả bốn mươi ngày?
Theo cách hiểu của Kinh
Thánh, bốn mươi ngày là thời gian cần thiết để giáo hóa và thanh luyện để chuẩn
bị cho một sứ mạng lớn.
Sách Sáng Thế Ký chương 6 và 7
tường thuật việc Chúa cho mưa trút nước suốt 40 ngày đêm gây ra Lụt Đại Hồng
Thủy giết chết nhân loại tội lỗi, thanh tẩy địa cầu thời Ông Nôe.
Môsê lên núi Sinai 40 ngày đêm nhận mười
điều răn.
Dân Do Thái lang thang trong sa mạc suốt 40
năm tìm về Đất Hứa.
Chúa Giêsu vào rừng vắng ăn chay, cầu nguyện
và bị cám dỗ 40 ngày đêm.
Chúa Giêsu sau khi sống lại ở với
các tông đồ 40 ngày trước khi lên trời.
Mùa chay kéo dài bốn mươi ngày trước Phục Sinh
là thời gian để cầu nguyện, ăn chay, hãm mình và đễ tôi luyện bản thân hầu đáp
ứng cho sứ mạng Phục Sinh: Rao Giảng Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Đó là
việc các tông đồ đã làm sau ngày Chúa lên trời.
Tại sao
bố thí, cầu nguyện và ăn chay là việc lành phước đức mà phải làm kín
đáo, chỉ có Chúa biết?
“Khi bố thí đừng có khua chiêng đánh trống như
bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá…”
“Khi cầu nguyện đừng làm như bọn đạo đức
giả, chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường hay ngoài ngã ba ngã
tư”
“Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như
bọn đạo đức giả …”
Cả ba lời khuyên đều
có câu “như bọn đạo đức giả”. Người đạo đức
giả là người làm việc đạo đức mà lòng không thật sự đạo
đức. Làm việc đạo đức để phô trương, để đánh lừa người khác, làm
người khác tưởng họ đạo đức thật, mà thật ra họ không đạo đức chút nào.
Việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay
là việc đạo đức. Việc đạo đức tức việc làm theo lời Chúa dạy, làm
vì Chúa và để được công nghiệp với Chúa. Nên động lực và cứu
cánh của đạo đức là Chúa. Nếu làm những việc kể trên mà không vì Chúa và cho
Chúa thì không có công nghiệp gì cả. Làm để phô trương thì khi được người khác
ca tụng thì kể như đã xong, Chúa đâu có gì để thưởng cho người đạo đức giả, vì
không ai thưởng cho người không làm gì cho mình.
Chúng ta có thể thắc mắc:
Bố thí là cho người nghèo, chứ nào có cho Chúa? Không,
thật sự bố thí là làm theo ý Chúa và cho Chúa,
vì “khi các ngươi thấy Ta đói khát,, trần truồng hay tù đày đã cho Ta
cơm ăn, áo mặc và thăm viếng….. khi các người làm điều ấy cho những người
anh em bé mọn là làm cho chính Ta!” (Matt.25,31-46) Nếu làm vì Chúa và cho Chúa
thì không cần khua chiêng đánh trống, vì Chúa, Đấng thấu tất cả những gì kín
đáo.
Trong nhà thờ, trong các tổ chức bác ái từ
thiện, người ta đòi buộc phải công bố cả danh tánh ân nhân và số tiền bố thí
thì không là khoe khoang, giả hình sao? Những người nầy không là “bọn đạo đức
giả” vì người nhận và cho đều phải theo những qui luật gọi là công khai hóa của
Giáo Hội và Xã Hội. Nên sẽ rất tốt và nên làm là: Dùng bì thư có số để dâng
cúng tiền vào nhà thờ và nhận giấy khai thuế cuối năm. Nếu chúng ta không nhận
giấy khai thuế, nhà thờ không được thêm gì và chúng ta xem chừng như sống theo
kiểu “anh hùng rơm!” không biết tận dụng những quyền lợi mà mình được phép.
III. Thực hành Phúc Âm
Đừng để bị Chúa ghét.
Nếu được phép nhân cách hóa để diễn
tả con người bằng xương bằng thịt của Chúa Giêsu trong thân phận con
người, mang cả thất tình hỉ, nộ, ái, ố, dục, cụ, thì chúng ta phải nói là Chúa
ghét người Biệt Phái giả hình. Chúa nguyền rủa và chúc dữ người Biệt Phái nhiều
lần và nhiều cách.
Matthêô 23,13 “ Khốn cho các ngươi, thông luật
và Biệt Phái giả hình… các ngươi đóng cửa nước Trời, các ngươi đã không vào
được thì chớ mà ai muốn vào các ngươi cũng không cho vào”
Matthêô 23,27 “Khốn cho các ngươi, thông luật
và Biệt Phái giả hình, các ngươi như mồ mã tô vôi trắng đẹp bên
ngoài mà bên trong thì hôi thúi, đầy giòi bọ…”
Có nhiều khi chúng ta bị Chúa ghét
vì giả bộ đạo đức. Làm linh mục, tôi thường có hai thứ kè kè bên
mình: sách nguyện và tràng chuỗi… Nhưng có khi tôi đang “diễn tuồng cải lương
đạo đức” không chừng? Không phải chỉ có tôi, mà anh em linh mục chúng tôi nhiều
khi nói nhiều quá và nói về mình quá nhiều. Thí dụ có nhiều Cha luôn mở đầu
bằng “tôi thì…Ông Bà Cố tôi thì…. “. Người ta toàn phải nghe những chuyện “tôi
và Ông Bà Cố tôi”. Có những linh mục lúc nào cũng thấy hấp tấp và bận rộn như
là có trách nhiệm lớn, như đang đảm trách trăm công ngàn việc của giáo phận,
nhưng cuối ngày, Cha phải thú nhận với lương tâm là “không làm được gì
cả!”
Có nhiều người thật sự có lòng
bác ái và hay giúp người khác. Nhưng khi gíúp được ai việc gì hay cho ai
một số tiền nào thì cả giáo xứ đều biết. Nếu sau nầy người thọ ơn lỡ quên công
ơn trời biển nầy, thì bị cho là “vô ơn bạc nghĩa” hay “thứ người giống như gà,
ăn rồi quẹt mỏ” Ngày xưa bên Việt Nam mình, rất ít người được đi học. Nên ai
được đi học thì rất hãnh diện vì được xếp vào hàng kẻ sĩ. Trật tự của xã hội là
sĩ, nông, công, thương. Sĩ luôn luôn được trọng dụng và đứng đầu. Do đó, có
nhiều học trò, dù học hành không tới đâu, nhưng cũng làm cho mực dính vào tay,
vào áo, rồi cố tình giữ như vậy để người khác nhận ra mình là kẻ sĩ.
Có nhiều người thích dùng những xáo ngữ, những
từ nghe thật kêu theo kiểu Miền Bắc Việt Nam mà thật sự rỗng tuếch, như thùng
rỗng kêu to. Thí dụ: căn nhà hoành tráng! Món ăn thượng hảo hạng, cực kỳ sang
trọng không đâu bằng! Con gái nhà ai mà đẹp thế! Đúng là hoa nhường nguyệt
thẹn! hay “Để cháu bố trí xem phải làm như thế nào mkang vất bỏ những thùng
giấy nầy đi nhé. . .” Thùng giấy đem vất bỏ mà phải bố trí như sắp đem quân ra
trận!! Dõm! Tất cả đều tô vẽ và màu mè. Chúa không thích
giả hình, màu mè hay khách xáo. Có nói có không nói không.
Gian dối là ma quỉ! Ma quỉ là kẻ thù của Chúa.
CHÚA
NHẬT I MÙA CHAY NĂM A
(St
2.7-9; 3:1-7; Rm 5.12-19; Mt 4.1-11)
I. Giáo Huấn Phúc Âm
Con người, không trừ ai
phải chiến đấu với sự dữ tức những cám dỗ của Satan.
Cám dỗ nổi dậy lên từ
những ước muốn bình thường và chính đáng: Thức ăn lúc đói lòng; Thi thố khả
năng mình có và Ước muốn sang giàu và quyền thế.
Phải ăn chay, cầu nguyện
mới thắng chước cám dỗ.
II. Vấn nạn Phúc Âm
Những chủ đề chính trong Mùa Chay theo chu
Kỳ Phụng Vụ năm A
Chúa Nhật I Mùa Chay, Matthêu 4:1-11, Chúa
Giêsu là con người thật như chúng ta, Ngài phải đương đầu với những cám dỗ của
cuộc sống con người: cần lương thực lúc đói lòng; Thi thố tài năng và tham
vọng.
Chúa Nhật II Mùa Chay, Matthêu 17:1-9, Chúa
Giêsu là Thiên Chúa thật, nơi Ngài tỏ hiện vinh quang sáng ngời của Thiên Chúa
khi biến hình trên núi Tabor, nhưng rồi cũng đi trọn đường trần, đi về
Giêrusalem để chịu đau khổ và bị giết chết.
Chúa Nhật III Mùa Chay, Gioan 4:5-42, Chúa là
nước hằng sống, chỉ có Chúa mới thỏa đáp những khát vọng của con người. Chúa là
Đấng Cứu Thế mà thế gian mong đợi.
Chúa Nhật IV Mùa Chay, Gioan 9:1-41, Chúa
Giêsu là ánh sáng trần gian. Ngài đến để đẩy lui bóng tối ác thần và dẫn đưa
con người đi trong ánh sáng sự thật hướng về hạnh phúc thật.
Chúa Nhật V Mùa Chay, Gioan 11:1-45, Chúa
Giêsu là sự sống và là sự sống lại.
Chúa Nhật Lễ Lá, Bài thương khó Chúa Giêsu,
Matthêu 26: 14-27, 66 Chúa Giêsu đau khổ, bị hành hình, bị giết chết và phục
sinh.
Dung nhan Chúa trong Mùa Chay: Chúa Giêsu là
con người như chúng ta để mang chúng ta đến với Thiên Chúa là cùng đích của đời
người. Cứu đời bằng việc sinh làm người, sống với con người và chết cho con
người.
Phúc Âm
Nhất Lãm và những tường thuật về việc Chúa bị cám dỗ trong sa mạc.
Phúc Âm Nhất Lãm tường thuật việc
Chúa ăn chay, cầu nguyện và bị ma quỉ cám dỗ có phần khác nhau. Phúc Âm Luca và
Matcô tường thuật: Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa bốn mươi
ngày, chịu quỉ cám dỗ…có vẻ như Chúa bị cám dỗ liên lỉ suốt bốn mươi ngày. Còn
Phúc Âm Thánh Matthêeô bảo: Sau khi ăn chay cầu nguyện liên lỉ suốt bốn mươi
đêm ngày.. Ngài thấy đói và ma quỉ xuất hiện cám dỗ… (Matt.4,1-11) Cám dỗ đến
sau khi ăn chay cầu nguyện? Tường thuật nào đúng?
Trong ba Thánh Sử của Phúc Âm nhất lãm, chỉ có
Matthêô là tông đồ Chúa chọn. Trong thực tế, khi được dẫn vào sa mạc ăn chay và
cầu nguyện, Chúa chưa chọn tông đồ hay môn đệ nào cả. Như vậy ba thánh sử tường
thuật lại chuyện Chúa ăn chay và cầu nguyện trong hoang địa theo lời kể của
Chúa hay của người khác, chứ không có vị nào thấy Chúa vào hoang địa hay tháp
tùng với Chúa trong bốn mười ngày chay tịnh nầy.
Thật ra, Phúc Âm không là phóng
sự chiến trường hay một thứ tường thuật tại chỗ những gì mắt
thấy tai nghe. Phúc Âm là Giáo Lý của các Tông đồ: Nhiều chục năm
sau, sau khi Chúa về trời các Tông Đồ đi truyền đạo và viết lại hay nhở người
viết lại để dạy giáo lý và để trình bày quan điểm thần học của mình. Nên chúng
ta không nên trả lời là trường thuật nào đúng? Không có tường thuật nào chính
xác trăm phần trăm với sự kiện xảy ra cả. Nhưng chúng ta phải trả lời là qua
tường thuật, thánh sử muốn nói gì?
Chúa bị cám dỗ suốt bốn mươi ngày
theo tường thuật của Matcô và Luca để nói rằng: Cám dỗ không bao
giờ mệt mỏi hay cho chúng ta “nghỉ xả hơi” hay có thời gian
“hưu chiến” trong cuộc đời chúng ta. Quan điểm thần học nầy xem chừng rất
thật trong cuộc sống Kitô hữu. Thí dụ: Lúc nào? Tuổi nào? và ở lên tới địa vị
nào thì chúng ta sẽ không còn bị cám dỗ về ham muốn nhục dục? Cám dỗ bất chấp
thời điểm, tuổi tác hay địa vị. Còn địa vị nào cao cho bằng Tổng Thống nước Mỹ
như Tổng Thống Bill Clinton, nhưng ông vẫn bị cám dỗ và tằng tịu với Monica
ngay trong phủ tổng thống? Nên thánh Luca kết thúc bài phúc âm tường thuật việc
Chúa bị cám dỗ torng hoang địa bằng câu “Sau hi đã xoay hết cách để cám dỗ
Người, quỷ bỏ đi để chờ dịp khác!” Ma quỉ chưa chịu thua! Đây là cuộc chiến dai
dẵng không ngưng nghỉ.
Những cám dỗ: biến đá thành bánh hay nhảy
từ trên cao xuống không gảy chân… đâu có gì xấu mà còn mang ích
lợi thực tế, sao Chúa không làm?
Đây là những điều xấu:
Bản chất sự việc xấu: Biến đá thành bánh hay
nhảy từ trên cao xuống là những thách thức để thi thố quyền bính. Chúa còn có
thể biến đá thành con cái Abraham huống chi thành bánh! Người tin Chúa còn có
thể truyền lệnh cho cây cối dời xuống biển mà mọc, huống chi Chúa. Nhưng quyền
bính Chúa ban không để thi thố tranh tài, nhưng để cho thấy vinh quang Chúa hay
loan báo cho mọi người biết “thời giờ đã diểm và Nước Thiên Chúa đã gần” (Matt.4,17;
Luca 10,9) Nên khi Chúa làm phép lạ chữa bệnh tật, Chúa không có ý thi thố
quyền bính, nhưng để chữa bệnh, để đẩy lui sự thống trị của tà thần trên bệnh
nhân và để loan báo Tin Mừng Cứu Độ đã đến và Chúa là Đấng Cứu Thế đang ở giữa
con người.
Nghe theo ma quỉ là xấu: Ma quỉ theo
nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa kẻ vu khống (slanderer) hay người tố cáo (accuser).
Ma quỉ là tà thần, là kẻ gian dối, lọc lừa để hại người. Ma quỉ luôn xúi
giục con người làm điều xấu, ma quỉ giết chết chứ không có cứu độ. Làm theo ma
quỉ là thực hiện mưu đồ xấu của mà quỉ. Theo ma quỉ là thành kẻ thù của Chúa.
Những định nghĩa về ma quỉ và những diễn tả về hành vi ác xấu của ma quỉ được
tìm thấy nhiều trong Sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tổng Đồ 12,9 hay 20,2 về con
rồng đỏ rình nuốt trững con của người đàn bà. Cũng có trong thư của Thánh
Phaolô gửi Êphêsô 2,2 hay Thư Thứ II của Thánh Phaolô gửi Corintô 4,4.
Giả như Chúa đã nghe theo ma
quỉ thi thố quyền phép bằng cách biến đá thành bánh ăn và bằng cách nhảy
từ trên cao xuống mà không hề bị vấp chân vào đá thì kết quả sẽ ra sao? Chắc
chắn Chúa sẽ quì xuống thờ lạy ma quỉ để được những của cải vật chất phù hoa
trên trần thế. Đây là thất bại ê chề vì đảo lộn trật tự căn bản: Chúa thờ lạy
ma quỉ. Ma Quỉ lên làm Chúa, và Chúa thành nô lệ cho ma quỉ. Hai lần đầu, biến
đá thành bánh hay nhảy từ trên cao không có gì xúc phạm đến bản tính Thiên
Chúa, nhưng nó là đường dẫn đến thất bại sau cùng: đánh mất bản thể Thiên Chúa.
Một thanh niên trẻ tuổi
nghe bạn bè xấu hút xì ke, một lần, hai lần rồi ba lần, rồi sau cùng nghiện
ngập. Nghiện ngập biến con người thành con vật, có thể làm bất cứ chuyện gì để
được hút: ăn trộm, ăn cắp và có khi thành ăn cướp hay giết người. Người trong
tình trạng nầy gọi là mất nhân tính. Không còn tính người. Con người được sinh
ra có lý trí phải làm chủ bản năng. Đàng nầy biến thành con vật, đi làm nô lệ
cho bản năng. Nên tu đức bảo: Những tội nhẹ đưa dần đến tội trọng là vậy.
Phúc Âm diễn tả “quỉ xuất hiện cám dỗ, hay
quỉ nói với Người hay quỉ trích dẫn Kinh Thánh… Nếu Ông là Con Thiên Chúa…”,
xem chừng quỉ hiện hình và mặt đối mặt với Chúa trong sa mạc.
Chắc một điều
là quỉ không hiện hình như chúng ta có trong trí về quỉ: Một tên thân
thể trần trụi, đen thủi đen thui như than, có hai sừng nhọn hoắc, rồi còn thêm
cái đuôi phe phẩy sau đít, mặt mày nham nhở xấu xí… Quỉ là thần, làm sao có
hình để hiện. Hơn nữa nếu quỉ hiện hình ghê tỡm như vậy thì làm sao cám dỗ được
ai? Như vậy quỉ cám dỗ Chúa cách nào?
Satan khuấy động bản năng tự nhiên nơi con
người Chúa Giêsu.
Đói sinh thèm ăn hay cần ăn.
Cần ăn hay thèm ăn sinh sáng kiến
kiếm ăn.
Phương thế kiếm ăn được dự định thực hiện
bằng chuyện dùng thần quyền: Biến đá thành bánh.
Cám dỗ thứ hai: Chúa biết mình có
khả năng “gieo mình xuống đất từ nơi cao mà không vấp chân vào đá” Satan khuấy
động việc thi thố khả năng “làm xiếc” của Chúa Giêsu.
Chúa bị khuấy động muốn thi
thố khả năng, làm cho Satan lé mắt, nễ sợ một
phen.
Ai trong chúng ta cũng đã từng bị cám dỗ và
cũng đã từng sa chước cám dỗ. Chúng ta có thể nghiệm lại xem mình đã bị cám dỗ
như thế nào và đã sa chước cám dỗ ra sao? Chúng ta thường bị cám dỗ để nói xấu
người khác. Người thứ ba đến gợi lên cho chúng ta vài khuyến điểm của đối tượng
và thêu dệt một viễn ảnh tốt “giúp xây dựng nhau trong tình bạn!” Hay quá! Thực
tế, chúng ta chưa có ý và cũng chưa biết xây dựng trong tình bạn là như thế
nào. Cái chúng ta biết là khuyết điểm người khác. Rồi chúng ta chia sẻ những
khuyết điểm nầy với người chung quanh để gọi là giúp xây dựng nhau cho tốt hơn.
Sau cùng, chuyện xây dựng không thấy, nhưng ai cũng biết người kia có những
khuyết điểm do chúng ta cung cấp.
Chắc chắn quỉ không có hiện hình. Nhưng
quỉ dùng thủ đoạn để khơi dậy bản năng hướng chìu về tội của chúng ta. Chúng ta
gọi là bị cám dỗ và sa ngã.
Tôi cũng không chối bỏ những trường hợp đặc
biệt như Thánh Gioan Maria Vianney, Cha sở họ Ars ở Pháp. Quỉ đã ra tay mạnh để
đuổi Ngài ra khỏi giáo xứ: như ném Ngài xuống đất ban đêm và đốt giường ngủ của
Ngài. Đó là những tấn cống từ bên ngòai. Rất ít thấy! Đại đa số là khuấy động
dục vọng, lòng ham muốn thấp hèn tự tại nơi chúng ta. Vì thế có nhiều người bị
mắng “con quỉ!” hay “thằng quỉ!” hay “đồ quỉ” để cho thấy, hành động của những
người kể trên do quỉ hướng dẫn. Chúa cũng có lần mắng Phêrô “Satan hãy lui ra
đàng sau Ta!” (Matt.16,23) Vì ý kiến của Phêrô ngược lại ý Chúa.
III. Thực hành Phúc Âm
Đừng biến đá thành bánh?
Sau bốn mươi ngày ăn chay cầu nguyện,
Chúa thấy đói và cần ăn. Phải chi có gì ăn ngay cho đỡ đói thì
tốt quá! Có thể Chúa nghĩ vậy. Có gì dễ cho bằng chỉ nói một câu làm cho đá
thành bánh. Chuyện nhỏ và dễ ợt! Nhưng Chúa không làm chuyện nhỏ và dễ ợt nầy.
Vì đó là chuyện ma quỉ.
Người ta nói chung quanh
Quảng Trường Ba Đình ở Hà Nội có vài ngàn gái mãi dâm. Lý do, họ muốn có tiền
cho nhanh để chạy theo kịp mốt ăn chơi của thời văn minh. Họ muốn có gì giúp
gia đình ngay để cho bố mẹ đỡ vất vả. Nên họ đã biến đá thành bánh. Chỉ cần một
suất đi khách ba mươi phút là kiếm được khối tiền bằng người lao động hai ngày.
Ai trong chúng ta cũng cần những nhu cầu vật chất cần thiết như nhà, xe
và những nhu cầu lương thực hằng ngày. Ai trong chúng ta cũng cần vài tuần
lễ nghỉ hè chung với gia đình hàng năm. Thêm vào đó cũng cần có một số tiền phụ
trội để giúp gia đình hay người nghéo đói hay xây dựng một căn nhà cho người
bất hạnh ở Việt Nam. Toàn chuyện chính đáng, tốt đẹp và nên làm. Nhưng làm sao
để có tiền thỏa đáp cho những nhu cầu chính đáng nầy?
Có người đã chọn giải pháp cấp thời theo
kiểu biến đá thành bánh nầy. Họ đi trồng cỏ, họ đi buôn lậu, họ chứa dựa và
tiêu thụ những hàng hóa ăn cắp. Đá đã thành bánh! Tiền dư bạc thừa, giàu nứt
khố đổ vách… và làm chuyện bác ái giúp Việt Nam. Đó là chuyện của ma quỉ! Những
người trên đã bị cám dỗ và đã sa chước cám dỗ! Ma quỉ vẽ ra những công phúc nào
là bác ái, nào là nhu cầu chính đáng và chúng ta đã thua, đã biến đá thành
bánh.
Cũng có những linh
mục đã nhận những chiếc bánh từ việc biến đá thành bánh nầy. Người
trồng cỏ, người buôn lậu, người khai thuế gian, người khai man lãnh trợ cấp xã hội…
đến xin Cha lễ tạ ơn Chúa với số tiền to lớn, để Chúa phù hộ cho ăn nên làm ra.
Linh mục nhận chiếc bánh được biến từ hòn đá bất chính một cách tỉnh bơ, không
thắc mắc. Xin lễ là chuyện thánh thiện, nhưng dùng tiền bất chính mà xin lễ là
chuyện ma quỉ. Nên nhớ, quỉ là tên tráo trở, hay đánh lận con đen, hay dùng sự
cao đẹp thánh thiện để biến chúng ta thành nô lệ cho bản năng xấu xa. Chúa
không cần của lễ bất chính. Linh mục cũng không được phép im lặng để ăn những
chiếc bánh từ những hòn đá bất chính nầy. Linh mục hơn ai hết được kêu gọi nên
công chính.
Thách thức và thi thố
Ma quỉ thách thức Chúa để thi
thố quyền năng Thiên Chúa:
“Nếu Ông là con Thiên Chúa, thì biến đá thành
bánh mà ăn”.
“Nếu Ông là con Thiên Chúa thì đứng đây mà
gieo mình xuống đi. Vì có lời chép …” Như đã nói, biến đá thành bánh! Chuyện
nhỏ, Chúa làm cái một! Gieo mình xuống từ nơi cao! Not a problem! Chúa
là Con Thiên Chúa, bảo một tiếng, Lazarô chết bốn ngày chôn trong mồ
còn sống lại đi ra khỏi mồ trên tay còn vải liệm. Nhưng Chúa không làm, không
vì sợ thất bại biến đá không thành bánh hay nhảy xuống
sẽ chết hay bị thương tật? Không! Chúa không làm vì Chúa đến để
làm theo Thánh Ý Thiên Chúa Cha, chứ không làm theo sự xúi giục của
tà thần.
Khi còn nhỏ tôi hay đánh
lộn và hay ăn thua đủ với những bạn bè trang lứa trong họ đạo. Đánh lộn thường
do những chuyện trẻ con như giành sân chơi hay giành trái banh để đá. Nhưng
nhiều khi đánh lộn vì bị người khác thách thức: Thằng đó nó chưởi ba mầy, thằng
kia nó ăn hiếp chị mầy… thế là hai thằng bé đánh nhau nhiều khi sưng cả mặt
mày, trầy da chảy máu. Thường tôi thắng, nhờ to con một chút, tôi đè được đối
thủ xuống. Nhưng thật sự ai là người thắng cuộc?
Không phải tôi chút nào! Nhưng là người thách
thức để tôi gây chiến, đánh nhau và thi thố sức lực của mình.
Lm
Phêrô Trần Thế Tuyên