Giáo lý Phúc Âm _ cnmc 2a

GIÁO LÝ PHÚC ÂM
CN II MÙA CHAY A
(St 12:1-4a; 2Tm 1, 8b-10; Mt 17,1-9)
I. Giáo Huấn Phúc Âm
 Cuộc đời Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, giống như cuộc đời các tổ phụ, các nhà lãnh đạo và các Tiên Tri trong Cựu Ước, đã được kêu gọi để thực hiện chương trình của Thiên Chúa. Sứ mạng các Ngài hàm chứa cả đau khổ và vinh quang.
 Hôm nay, Chúa cho tông đồ thấy Chúa biến hình tức thấy Chúa lúc vinh quang.
 Sau nầy, khi các ông chứng kiến Chúa chết nhục nhả trần truồng trên thánh giá tức lúc Chúa đau khổ. Hy vọng các ông vẫn giữ vững niềm tin vào Chúa.
 Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa, là người được tuyển chọn để cứu độ nhân loại qua đường thập giá. Chương trình cứu độ và Đấng Cứu Thế được sai đến trần gian không là chuyện tùy hứng hay xốc nỗi, nhưng đã “được tuyển chọn” và đã được định trước.
II. Vấn nạn Phúc Âm
 Mô-sê là ai? Êlia như thế nào? Làm sao Ông Phêrô có thề biết được danh tánh hai người đang đàm đạo với Chúa là Môisê và Êlia?
 Môsê có nghĩa là được cứu khỏi nước. Tên được những Công Chúa của vua Pharaô đặt cho khi cứu sống cậu bé Do Thái bị bỏ trong thúng và thả trôi sông. Ông được cứu sống khỏi nước để rồi sau nầy chính Ông thành người cứu Dân Tộc mình khỏi chết chìm giữa lòng biển Đỏ. Ông là thế hệ thứ hai người Do Thái sinh trưởng ở Ai Cập, khoảng 12 thế kỷ trước Chúa Giêsu.
 Môsê được Chúa chọn làm lãnh tụ đưa dân ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, khi Ông chăn chiên cho nhạc phụ Giêtrô ở vùng Midian, chân núi Horeb (Sách Xuất Hành chương 3) Ông quay trở lại diện kiến Pharaô và xin cho dân đi. Vua không đồng ý. Ông xin Chúa giáng 10 tai họa trên dân. Sau cùng Ông đã dẫn Dân Do Thái qua Hồng Hải khô chân. Ông lên núi Sinai lãnh hai bia đá khắc mười giới răn Chúa truyền. Ông là người đồng hành với dân suốt bốn mươi năm dài trong sa mạc. Ông chịu nhiều đau khổ, vì dân phản bội Chúa thờ tà thần, vì dân cứng cổ chống đối ông. Ông đã nghe lới Chúa treo cao con rắn đồng trong Sa Mạc để thành dấu cứu dân khỏi rằn độc (Dân Số 21,9 và Gioan 3,14) Ông cũng là người yếu tin, đập gậy vào đá tời hai lần, để làm nước vọt ra cho dân uống thỏa thuê, nhưng ngược lại lệnh Chúa truyền (Dân Số 20,11) Nên Ông đã chết trước khi vào đất Chúa hứa.
 Ông chính là tác giả của Ngũ kinh, tức năm quyển sách đầu trong bộ Cựu Ước: Sáng Thế, Xuất hành, Lê Vi, Dân Số và Đệ Nhị Luật. Môsê, một lãnh tụ, một cứu tinh đưa dân mình khỏi Ai Cập. Môsê, một nhà làm luât và là một tiên tri, người trung gian giữa Chúa và dân. Ông là người đã thấy Chúa và vinh quang Thiên Chúa. Nhưng Ông cũng là người đau khổ vì chu toàn sứ mạng Chúa trao phó.
 Êlia sống dưới thời vua Ahab, Ahaziah và Giêhôram, tức tiền bán thế kỷ 9 trước Công Nguyên. Elia có nghĩa “Yahvê là Chúa” Tên gọi nầy nhằm diễn tả sứ mệnh của Elia: Bênh vực Thiên Chúa, chống lại thần Baal. Ông chủ trương độc thần: Yahvê là Chúa duy nhất của Israel. Ông chống lại nền phượng tự ngoại nhập, đa thần đang bành trướng thời bấy giờ do các hoàng hậu ngoại giáo, cụ thể là hoàng hậu Giê-zi-ben của vua Ahab. Elia thi tài và chiến thắng 400 tư tế của Hoàng hậu Giêziben. Dân chúng nổi dậy, giết hết tư tế ngoại giáo. Hoàng hậu Giêziben ra lệnh lùng bắt Elia. Ông trốn chạy lên núi thánh Chúa là Horeb mất 40 ngày (Sách các vua quyển I, chương 18 và 19) 
 Tiên Tri Êlia là người được thấy Chúa và vinh quang Thiên Chúa trên núi Horeb. Nhưng Ông cũng là người bị săn đuổi và bị bách hại vị bảo vệ niềm tin độc thần của Do Thái. Ông đã đói lã nằm hôn mê trên đường lên núi Chúa. Sứ thần Chúa đã hiện ra cho Ông bánh và nước để tiếp tục hành trình lên núi thánh (Sách Các Vua quyển I chương 19) Thời đó không có một phương tiện ghi nhận hình ảnh gỉ cả. Thêm vào đó, Phúc Âm Luca còn nói “Ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt!” Vậy thì làm sao Phêrô có thể nhận ra hai người đang đàm đạo với Chúa Giêsu là Môsê và Êlia?
 Có người cắt nghĩa rằng: Từ thời nầy sang thời khác, người ta kể cho nhau nghe chuyện Môsê và Êlia. Phêrô nhận ra người xuất hiện đàm đạo với Chúa Giêsu ám hạp với lời kể đã từng nghe. Đồng thời nội dung cuộc đàm thoại giúp Ông nhận ra và xác định danh tánh các nhân vật.
 Cách giải thích khác xem chừng hợp lý hơn: Phúc Âm là Giáo Lý của các Tông Đồ, được biên soạn rất muộn, phải từ 50 năm cho đến 80 năm sau ngày Chúa Giêsu về Trời. Như vậy, sự chính xác theo loại tường thuật không là điểm then chốt, vì không có tác giả Phúc Âm nào chứng kiến tận mắt việc Chúa biến hình cà. Không thấy thì làm sao biềt thế nào là chính xác. Các Thánh Sử chỉ cần viết lại theo những tường thuật của những người đi trước và đặt vào đó quan điểm thần học của mình. Nên danh tánh của những nhân vật trong biến cố biến hình đã có sẵn từ trước. Không ai đặt vấn đề: có thật là Môsê và Êlia không? Và cũng không ai thắc mắc làm sao Phêrô nhận ra hai bậc tiền bối sống trước Ông hơn một ngàn năm? Đó không là mấu chốt Giáo lý Phúc Âm dạy. Nhưng là vấn đề Đức Kitô, con Thiên Chúa, mang cả hai bản tính: Thiên Tính và nhân tính. Ngài đau khổ như con người chúng ta. Nhưng Ngài là Thiên Chúa đầy vinh quang sáng láng.
 Chúa chọn 12 tông đồ và họ kề cận bên Chúa. Nhưng có những trường hợp “xé lẻ” như việc Chúa biến hình trên núi Tabor hôm nay. Sao Chúa chỉ mang theo có ba Ông Phêrô, Gioan và Giacôbê, các tông đồ còn lại bị bỏ lại dưới chân núi?
 Trong số 12 tông đố có hai Giacôbê:
 Giacôbê tiền (James the Greater), tức Giacôbê anh em ruột với Gioan tông đồ, cả hai là con Ông Giêbêđê và bà Salomê, là một trong bốn tông đồ được Chúa chọn đầu tiên chung với hai anh em Phêrô và Anrê. (Matcô 1, 16-20 và Matt.4.21-22).
 Giacôbê hậu (James the less), con của Ông Alphê, truyền thống Giáo Hội thời bấy giờ cũng gọi là James người công chính (James the Just). Giacôbê hậu, con Ông Alphê được Kinh Thánh Tân Ước nhắc đến bốn lần trong Matt. 10,3; Matcô 3,18; Luca 6,15 và Tông Đồ Công Vụ 1,13
 Trong Phúc Âm, ba lần Chúa Giêsu cho ba ông Phêrô, Gioan và Giacôbê theo Chúa: Khi Chúa Giêsu đến cứu sống con gái Ông trưởng hội đường tên Giairô ( Luca 8,51 và Matcô 5,37); Rồi tám ngày sau Chúa đưa Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi cầu nguyện và biến hình như trong Phúc Âm Luca hôm nay. Tìm thấy tường thuật tương tự ở Matcô 9,2 cũng như trong Matt. 17,1 và qua tường thuật của Matthêô chúng ta biết đây là Giacôbê, con Ông Giêbêđê, anh em với Gioan tông đồ; Lần thứ ba, Chúa dẫn ba Ông Phêrô, Gioan và Giacôbê vào vườn cây đầu cầu nguyện. (Matcô 14,23)
 Chúng ta không rõ trong lần thứ nhất và thứ ba Giacôbê nào theo Chúa? Phêrô và Gioan tông đồ được đề cập rõ ràng, còn tên Giacôbê không được minh định rõ ràng. Tuy nhiên vấn nạn của chúng ta là tại sao lại có vấn đề xé lẻ và riêng tư nầy? Tại sao chỉ có ba mà không tất cả mưới hai tông đồ?
 Tôi xin trả lời bằng cách đặt vấn nạn? Tại sao Chúa chọn Phêrô, người chối Chúa, nóng tính và có lần bị mắng là quỉ lên hàng thủ lãnh các tông đồ? Tại sao Chúa chọn người tầm thường nầy lên làm linh mục, còn những người xuất sắc khác đáng làm linh mục hơn lại cũng chỉ là giáo dân? Đó là vấn đề của Chúa và Chúa có lý do riêng không cần giải thích với bất cứ ai là tại sao? Chính đương sự cũng không hiều lý do? Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời nầy trong dụ ngôn thợ làm vườn nho Chúa, mỗi người lãnh chỉ một đồng bằng nhau vào cuối ngày, dù làm ít giờ hay nhiều giờ. Đó “là quyền của tôi!” (Matt.20.1-16). 
 Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta có nhiều bạn bè. Trong số nầy, có những bạn bè gần. Trong số những bạn bè gần, có những người mà chúng ta gọi là rất thân, sống chết có nhau và sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện thầm kín. Tại sao? Vì họ là bạn thân? Nhưng tại sao thân? Tại vì gần gũi, thông cảm…vài lý do loanh quanh khác… để rồi sau cùng chính đương sự cũng không biết sao mình lại chọn người nầy làm bạn rất thân mà không là người khác. 
 Cả Ba Phúc Âm nhất Lãm đều tường thuật: có tiếng từ trong đám mây phán … tức tiếng Thiên Chúa Cha phán, nhưng cả ba lời phán lại khác nhau, dù từ Thiên Chúa Cha. Ý nghĩa của những lời phán khác nhau nầy theo các Thánh Sử?
 Matthêô tường thuật Chúa biến hình trên núi Tabor trong chương 17, 1-9 với lời phán của Thiên Chúa Cha từ đám mây “ Đây là con Ta yêu đấu, luôn làm đẹp lòng Ta, hãy nghe lời Ngài”. Lời phán nầy chúng ta đã nghe thấy trong Matt.3, 17 khi Chúa Giêsu chịu phép rửa.
 Matcô tường thuật Chúa biến hình trên núi Tabor trong chương 9, 2-8 với lời phán của Thiên Chúa Cha từ đám mây “Nầy là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Ngài” Lời phán nầy cũng đã nghe thấy trong Matcô 1:11 khi Chúa Giêsu chịu phép rửa “Con là con Ta yếu dấu, Ta rất hài lòng với con!”
 Luca tường thuật Chúa biến hình trên núi Tabor trong chương 9, 28-36 với lời phán của Thiên Chúa Cha từ đám mây “Đây là Con Ta, người được tuyển chọn, hãy nghe lời Ngài!” Lời phán nầy xem chừng khác so với Luca chương 3,21-22 khi tường thuật Chúa chịu phép rửa “Con là con Ta yếu dấu, Ta rất hài lòng với con!” 
 Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm khi tường thuật việc Chúa chịu phép rửa đều đặt vào thời gian Chúa Giêsu bằt đầu cuộc đời truyền đạo. Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm khi tường thuật việc Chúa biến hình trên núi Tabor đều đặt vào thời điểm cuối năm thứ hai cuộc đời truyền đạo. Tất cả đều xác nhận rằng: Việc cứu độ trần gian là chương trình của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, sinh xuống làm người để thực hiện chương trình cứu độ. Từ đầu cho đến cuối, dù đau khổ hay bị ngược đãi, Chúa Giêsu luôn trung thành, luôn là con yêu dấu của Thiên Chúa Cha. 
 Riêng Phúc Âm Thánh Luca, câu nói của Thiên Chúa Cha ở núi Tabor, khi Chúa Giêsu biến hình có phần khác so với khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Hòa Giang. Thánh Luca thêm “Đây là Con Ta, người được tuyển chọn…” Thánh Luca, môn đệ của Phaolô, chịu ảnh hưởng sâu đậm về học thuyết “chương trình của Thiên Chúa”, God’s Plan hay God’s will. Abraham được chọn làm tổ phụ dân Chúa. Môsê được chọn làm lãnh tụ đưa dân ra khỏi Ai Câp… Phaolô được chọn làm tông đồ dân ngoại (Tông Đồ Công Vụ 22, 15 và 26,18) Không có việc gì nằm ngoài chương trình của Chúa cả. Tất cả đều được tuyển chọn.
 Giáo lý Phúc Âm: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa xuống trần, sống giữa con người để thực hiện chương trình cứu độ đã có từ ngàn đời. Chúa Giêsu phải chịu đau khổ để đi vào vinh quang Phục Sinh. Đó là chương trình của Thiên Chúa Cha. Từ đó, Chúa Giêsu, trong vườn cây dầu, dù sợ chết mà van xin “Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén nầy xa con… nhưng rồi phải nói thêm… xinh đừng theo ý con, nhưng cho ý Cha được tròn” (Luca 22, 42) Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa. 
 III. Thực hành Phúc Âm
Chúa cầu nguyện thường xuyên
 Phúc Âm tường thuật 15 lần Chúa cầu nguyện.
 Tại sao phải cầu nguyện? Vì khi cầu nguyện, con người được biến hình trở nên sáng láng. Sáng láng ở đây không có ý nói đến diện mạo bên ngoài như quần áo nên trắng tinh, hay mặt mày tỏa chiếu hào quang như khi Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor trong Phúc Âm hôm nay. Nhưng người cầu nguyện được biến đổi. Vì tâm hồn được nâng lên cao như lên núi Chúa. Con người được tiếp xúc và được bộc lộ tâm tư nguyện vọng của mình cho Chúa. Nên tu đức gọi là: kết hợp với Chúa khi cầu nguyện.
 Muốn làm cho mình biến đổi tốt hơn, tỏa chiếu dung mạo của Chúa trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải cầu nguyện. Thánh Phanxicô Xaviê đã bỏ cả địa vị cao trong xã hội để đi truyền giáo là nhờ Ngài cầu nguyện. Mẹ Têrêsa thành Calcutta luôn cầu nguyện để thực thi thánh ý Chúa. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận khuyên là: “Nếu con sa ngã phạm tội hay gặp muôn vàn khốn khó thì hãy tự hỏi xem mình đã bỏ cầu nguyện bao lâu rồi?”. Cầu nguyện là biến hình, là thay đổi, là bộc lộ vinh quang của Thiên Chúa trong đời sống mình.
 Chúng ta cầu nguyện cho mình và cầu nguyện cho người khác. Chỉ có Chúa mới có khả năng hoán cải con người. Luôn vững tin rằng không việc gì mà Chúa không làm được. Khi xem Video “Le Saint Curé D’Ars” tôi thấy vừa khi đến giáo xứ là Cha Gioan Maria Vianney vào ngay trong nhà thờ cầu nguyện, rổi Ngài dọn dẹp bàn thờ, giật chuông và kêu gọi giáo dân đến dâng lễ cầu nguyện. Một bà cụ già đến, vài người đến xem coi chuyện gì xảy ra… nhưng rồi sau đó tất cả đã được hoán cải. Người ta được hoán cải vì lời cầu nguyện, vì đời sống cầu nguyện và vì con người cầu nguyện của Cha Gioan Maria Vianney.
 Tôi luôn nhớ lời Cha Thánh: Linh Mục phải thánh thiện thì mới gọi là Prêtres pour le salut du monde. Tôi không thể có đời sống thánh thiện, nếu tôi không cầu nguyện, không tiếp xúc với Chúa là Đấng Thánh. Những giáo dân quen biết cũng hay tâm sự: Chúng con không cần linh mục làm ăn giỏi hay có biệt tài về đàn hát… nhưng chúng con rất cần linh mục Thánh Thiện.. 
Hành trình về Canvê.
 Ông Phêrô thấy Chúa biến hình, được chứng kiến vinh quang Thiên Chúa thì muốn dựng lều ở đó, muốn đóng đô dài hạn trên núi Tabor. Không thấy Chúa quan tâm chút nào đến đề nghị thực tiễn nầy. Thầy trò kéo nhau xuống núi, tiếp tục hành trình.
 Hành trình cứu độ không dừng ở Tabor, nhưng ở đồi Canvê. Phêrô có mặt ở Tabor, lúc Chúa biến hình vinh quang. Nhưng Phêrô không có mặt ở chân Thánh Giá trên đồi Canvê khi Chúa bị chết treo trần truồng nhục nhã.
 Đời người ai cũng có lúc lên hương, nhất là vào tuổi “tam thập nhị lập” tức độ tuổi 30. Sức khỏe thật sung mãn. Có người nghĩ “mình khỏe như thế nầy làm sao chết được!” Đây cũng là tuổi thành công, thành tài làm nên sự nghiệp. Đậy cũng là lúc mà chúng ta muốn dựng lều, đóng đô dài hạn trên đỉnh núi của đời người đang lên. Đây cũng là lúc mà nhiều người bị chúng ta thu hút, muốn đến cắm lều và định cư lâu dài để an hưởng hạnh phúc đời sống với chúng ta.
 Nhưng rồi thực tế của đời người là: xuống núi hay xuống dốc hay hết thời và nhiều khi bị thất bại thảm thương, trơ trọi trên đồi Canvê. Không nhìn thấy những người đã từng ở trên núi Tabor với mình. Họ như Phêrô, bỏ trốn hết. Chúng ta, một mình với nhiều thử thách và cái chết kết thúc đời người.
 Chúa Cứu Thế phải chịu đau khổ mới vào vinh quang. Không cách gì trốn thoát khỏi ngọn đồi Canvê. Đây là điểm đến của đời người. Ở đó có thánh giá, có ngọn dáo nhọn, có nấm mồ, nhưng rồi cũng có Phục Sinh. Hãy cám ơn Chúa vì những lúc lên hương, những khi thành công. Xin Chúa dồng hành và thêm sức với chúng ta trên đường về Canvê.
Lm Phêrô Trần Thế Tuyên