(c. 731)
Ðức Grêgôriô làm giáo hoàng
trong 15 năm, ngài tổ chức các thượng hội đồng để chấn chỉnh các nhũng lạm,
ngăn chặn lạc giáo và cổ vũ tinh thần kỷ luật và luân lý.
Sinh
ở Rôma, ngay từ khi còn trẻ Grêgôriô đã dính dáng đến công việc của Giáo Hội.
Chính Thánh Giáo Hoàng Sergius I là người nhận thấy những đức tính cao quý nơi
người trẻ tuổi này và đã tấn phong Grêgôriô làm trợ phó tế. Ngài phục vụ liên
tiếp dưới bốn triều đại giáo hoàng với chức vụ thủ quỹ, và sau đó là quản thủ
thư viện. Ngài được giao cho các nhiệm vụ quan trọng và tháp tùng Ðức Giáo Hoàng
Constantine đến Constantinople để phản đối Hoàng Ðế
Justinian II về các nghị định chống lại tây phương của Công Ðồng Trullan II
(692). Sau khi Ðức Constantine từ trần, Grêgôriô được chọn làm giáo hoàng và được
tấn phong năm 715.
Ðức Grêgôriô làm giáo hoàng trong 15 năm. Trong thời gian
này, ngài tổ chức các thượng hội đồng để chấn chỉnh các nhũng lạm, ngăn chặn lạc
giáo và cổ vũ tinh thần kỷ luật và luân lý. Ngài tái xây dựng một phần lớn các
tường thành Rôma để bảo vệ thành phố này chống với các cuộc tấn công của quân Lombard. Ngài tái thiết nhiều nhà thờ, và đặc biệt rất
quan tâm đến người đau yếu và người già. Ðan viện thật lớn gần nhà thờ Thánh
Phaolô đã được tái thiết, cũng như tu viện của Monte Cassino mà quân Lombard đã phá hủy cách đó 150 năm. Ngài tấn phong Thánh
Boniface và Thánh Corbinian làm giám mục để đi truyền giáo cho các sắc dân ở Ðức.
Và cũng như Ðức Grêgôriô I, ngài biến dinh thự của gia đình ngài thành một đan
viện.
Chính trong những cuộc thương thuyết với Hoàng Ðế Lêô III
mà người ta mới thấy sức mạnh tinh thần cũng như sự kiên nhẫn của Ðức Grêgôriô.
Hoàng Ðế Lêô đòi phải tiêu hủy tất cả các ảnh tượng thánh, và trừng phạt những
ai không tuân lệnh. Khi các giám mục không thuyết phục được hoàng đế về sự sai
lầm của ông, họ thỉnh cầu đến giáo hoàng. Một đàng, Ðức Grêgôriô cố gắng thay đổi
ý nghĩ của hoàng đế. Ðàng khác, ngài khuyên dân chúng trung thành với hoàng tử,
luôn luôn khuyến khích các giám mục chống với tà thuyết.
Ðức Grêgôriô II từ trần năm 731.