‘Cần
tôn vinh thế hệ đã hy sinh
trong chiến tranh biên giới 1979’
trong chiến tranh biên giới 1979’
"Đề cập cuộc chiến năm 1979 không phải
để kích động hận thù mà là rút ra những bài học trách nhiệm với hoà bình. Một
cuộc chiến chống xâm lược phải là niềm tự hào cần tôn vinh", sử gia Dương
Trung Quốc chia sẻ với VnExpress.
-
Trước lúc tiến
hành cuộc chiến, lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Theo ông thực chất của việc phát động cuộc chiến biên giới 1979 là gì?
Trước hết, tự thân lời
tuyên bố của ông Đặng Tiểu Bình vào thời điểm ấy cho thấy thái độ kẻ cả của một
nước lớn với Việt Nam. Ông Đặng không nói ra nội dung "bài học gì"
nhưng theo tôi với một cuộc chiến tranh thì cuối cùng, cả bên đánh lẫn bên đỡ,
bên được hay bên thua... đều rút ra được những bài học thích đáng.
Thời điểm Bắc Kinh phát động
cuộc chiến, mục tiêu đầu tiên là cứu vãn chế độ diệt chủng Pol Pot-Khmer Đỏ vừa
bị đánh bật khỏi Phnom Penh và có nguy cơ diệt vong ở Campuchia. Đây là kết quả
cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Việt Nam và giúp đỡ lực lượng yêu nước
Campuchia chống chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Mục tiêu tiếp theo của
Trung Quốc là khẳng định với Mỹ không còn ràng buộc gì với yếu tố hệ tư tưởng
giữa các quốc gia từng là một khối liên minh chống Mỹ và là đồng minh của Việt
Nam trong cuộc chiến tranh mà Mỹ vừa thất bại. Mục tiêu đó cũng phù hợp với
chính sách của Mỹ là duy trì cấm vận và thù địch mang “hội chứng Việt Nam”.
Nói cách khác, cuộc chiến
này giúp tăng cường mối liên minh với Mỹ được xác lập từ sau chuyến thăm Trung
Quốc của tổng thống Mỹ Nixon khi chiến tranh Việt Nam đang diễn ra (1972).
Theo nhà sử học Dương
Trung Quốc một cuộc chiến tranh chống xâm lược như chiến tranh biên giới 1979 cần
tôn vinh công lao và sự hy sinh của một thế hệ.
Cuộc chiến tranh này cũng
nhằm đối phó với mối quan hệ Việt-Xô được tăng cường, trong bối cảnh căng thẳng
Trung-Xô ngày càng tăng, đã xảy ra xung đột vũ trang trên biên giới Trung-Xô.
Nói cách khác, Trung Quốc đã đảo chiều chiến lược từ chỗ là đồng minh với Liên
Xô thành đồng minh của Mỹ chống Liên Xô. Điều đó cũng gắn với mục tiêu cơ bản
nhất là muốn Việt Nam phải trở lại vòng ảnh hưởng luôn được giới lãnh đạo Trung
Quốc coi là mang tính “truyền thống”.
Và cũng không thể không
nói đến ý đồ của Trung Quốc với Biển Đông mà cuộc đánh chiếm Hoàng Sa đầu năm
1974 là bước thăm dò quan trọng, trong đó có thái độ thoả hiệp của Mỹ.
-
Vậy những bài học
ấy đã được nhận thức như thế nào?
35 năm sau cuộc chiến
tranh ấy, có rất nhiều bài học được rút ra không phải theo cách tuyên truyền mà
bằng thực tế những gì đã diễn ra và chắc không chỉ có bài học với riêng Việt
Nam.
Đầu tiên là bài học về hoà
bình. Trong quá khứ, nếu cộng tất cả thời gian diễn ra các cuộc động binh của
phương Bắc đánh vào nước ta và những cuộc kháng chiến của người Việt qua các
triều đại, thì chiến tranh rất ngắn so với thời gian duy trì quan hệ hoà hiếu
giữa hai nước. Qua trải nghiệm, ông cha ta đã tạo được bản lĩnh biết cách tồn tại
cạnh một nước Trung Hoa có nhiều thăng trầm và có sức mạnh bành trướng, cũng
như nguồn lực văn minh, để cùng một lúc vừa giữ được hoà hiếu vừa giữ được chủ
quyền.
Khi Trung Quốc động binh
ào ạt đánh chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc, bài học rút ra là sự trưởng thành
về nhận thức của người Việt Nam. Không thể ảo tưởng rằng có những giá trị cao
hơn tinh thần và lợi ích dân tộc, đương nhiên không phải chủ nghĩa dân tộc cực
đoan. Thực tiễn cho thấy Việt Nam vẫn đứng vững là một quốc gia độc lập, tự chủ
và có chủ quyền.
Sau đổi mới là tiến trình
hội nhập sâu rộng với thế giới, trong đó có việc xác lập quan hệ hợp tác ngày
càng có hiệu quả với các quốc gia trên thế giới. Quan hệ giữa Việt Nam và các
quốc gia từng thù địch trong quá khứ, đặc biệt là Pháp và Mỹ hay Hàn Quốc, Nhật
Bản... là những bằng chứng sống động về bài học rút ra từ các cuộc chiến tranh.
Bài học rút từ chiến tranh luôn là bài học để gìn giữ hoà bình.
Xem chi tiết diễn biến cuộc chiến năm 1979.
Với Trung Quốc, trong 35
năm qua chúng ta cũng chứng kiến những bước đi dài và đầy khó khăn từ chỗ bình
thường hoá đến việc xác lập quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện như ngày nay.
Đó là cơ sở để chúng ta tiếp tục phát triển mối quan hệ với nước láng giềng nhiều
tiềm năng, đồng thời giải quyết những vấn đề của quá khứ liên quan đến chủ quyền
giữa hai nước mà nổi cộm nhất là quần đảo Hoàng Sa và Biển Đông, cùng với cộng
đồng quốc tế. Không có môi trường hoà bình sẽ không bao giờ giải quyết được những
vấn đề của quá khứ. Cho dù biết trước là rất khó khăn nhưng đó là cuộc đấu
tranh kiên trì và không chỉ của riêng hai nước.
Việc Toà án quốc tế đang
tiếp tục hoàn thành việc xét xử tập đoàn diệt chủng Pol Pot như tội phạm chiến
tranh; việc cố Quốc vương Norodom Xihanuc hay những nhà lãnh đạo Campuchia
đương đại xác nhận sự đóng góp to lớn và quyết định, bằng xương máu của nhân
dân Việt Nam trong việc tiêu diệt Khmer Đỏ giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa
diệt chủng là bằng chứng thuyết phục để thế giới hiểu hơn về cuộc chiến tranh
Trung Quốc đã phát động 35 năm về trước.
Hành động của Trung Quốc
thời kỳ đó đã khiến Việt Nam phải mất ngót một thập kỷ mới giúp đỡ nhân dân
Campuchia tiêu diệt được hoàn toàn Khmer Đỏ. Người dân Việt Nam không chỉ hy
sinh xương máu mà còn bị thế giới cô lập vì tuyên truyền của Trung Quốc lên án
Việt Nam xâm lăng Campuchia.
Trên bình diện quốc tế, những
xung đột lợi ích của Trung Quốc với Mỹ (đồng minh cách đây 35 năm), đòi hỏi quá
đáng và không căn cứ của Trung Quốc với chủ quyền nhiều nước khác trên biển,
trong đó có Biển Đông, cho thấy bài học quá khứ vẫn còn giá trị trong những nỗ
lực phát triển mối quan hệ hoà hiếu với “người láng giềng định mệnh” này. Người
Việt Nam vẫn phải thuộc bài học lớn nhất, mà tổ tiên qua bao thế hệ đúc kết, là
phải biết đoàn kết bên trong thì mới giữ vững chủ quyền và phát triển đất nước,
mới giữ được mối quan hệ hoà hiếu thực sự với thiên hạ bên ngoài mà Trung Quốc
luôn có một vị thế quan trọng.
-
Ông nghĩ sao về
việc nhiều năm nay giai đoạn lịch sử này gần như biến mất khỏi chính sử, sách
giáo khoa, giáo trình đại học?
Hiện tượng nêu trên là có
thật. Trong các bảo tàng lịch sử hiện đại, khoảng trống này đôi khi đặt ra những
câu hỏi rất đáng suy nghĩ của các khách tham quan, nhất là các bạn trẻ.
Tôi tin, trong công tác
nghiên cứu, chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn được quan tâm vì quan hệ với
Trung Quốc mãi mãi là một nhân tố rất quan trọng. Những tài liệu lưu trữ hay hiện
vật lịch sử có thể còn, nhưng việc không được đưa vào giảng dạy, trưng bày và để
cho các thế hệ biết tới, theo tôi là sai lầm.
Vấn đề là cách trình bày,
thông điệp của chúng ta khi đề cập tới những sự kiện loại này không nhằm kích động
hận thù mà là những bài học về trách nhiệm với hoà bình. Nhân dân nước nào cũng
ưa chuộng hoà bình. Ứng xử của chúng ta với những giai đoạn lịch sử thời kháng
chiến chống Pháp hoặc chống Mỹ là những bằng chứng. Bảo tàng chứng tích chiến
tranh ở TP HCM thu hút không chỉ khách trong nước mà cả khách nước ngoài và những
người từng ở bên kia chiến tuyến đến xem, mang lại hiệu ứng rất tích cực. Tại
sao Chiến tranh biên giới 1979 lại ngoại lệ? Một cuộc chiến tranh chống xâm lược
phải là niềm tự hào cần tôn vinh với công lao và sự hy sinh của một thế hệ.
Phải chăng ai đó vẫn viện
vào cái phương châm “khép lại quá khứ để hướng tới tương lai?”. Hiểu khép lại
như thế nào là đúng mới quan trọng. Chiến tranh là một hiện tượng mà nhiều dân
tộc đã trải qua, phải đối diện với những di sản của nó.
Giới sử học nhiều nước từng
có chung mong muốn là làm sao sách giáo khoa không che giấu sự thật về các cuộc
chiến tranh trong quá khứ, đồng thời không khoét sâu tâm lý thù địch giữa các
dân tộc, quốc gia. Nói cách khác là thái độ của chúng ta trước những hố sâu
ngăn cách bởi những cuộc chiến tranh trong quá khứ như thế nào. Khoét sâu thêm
thù hận? Lấp đầy bằng sự quên lãng? Cuối cùng, cách tốt nhất là trân trọng giữ
lại nguyên vẹn sự thật của quá khứ như những trải nghiệm đau thương và vượt qua
hố sâu đó bằng một cây cầu hữu nghị mà mỗi bên đều có trách nhiệm xây đắp.