Sống đức tin _ phép rửa của thập giá

PHÉP RỬA ĐANG RỬA NHIỀU MÔN ĐỆ CHÚA
TẠI VIỆT NAM HÔM NAY
Chọn được từng ngày rửa mình bằng phép Rửa thứ hai, tức là phép Rửa của thập giá Chúa Giêsu là chọn cho mình niềm hy vọng vững bền và cũng là niềm vui vô giá.  
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. Những ngày Tết, tôi được vui hưởng biết bao cái đẹp. Đẹp ở thiên nhiên, đẹp ở nhà cửa, đẹp ở phố phường đường xá, đẹp ở các cuộc vui, đẹp ở các lời mừng chúc và viếng thăm.
2. Nhưng, nếu hỏi: Cái gì được gọi là đẹp nhất? Thì tôi sẽ thưa: Đẹp nhất là những con người có cái tâm đẹp. Tôi tạm đưa ra vài hình ảnh.
Cái tâm đẹp là cái tâm sáng như bầu trời rạng đông, thơm tựa cánh đồng lúa chín hay vườn hồng bao la, mát như dòng suối luôn tràn nước dinh dưỡng cho mọi người và mọi môi trường.
Đó chỉ là hình ảnh mờ nhạt của cái tâm đẹp mang những giá trị thiêng liêng dẫn vào cõi hạnh phúc đời đời.
Cái tâm có những giá trị thiêng liêng vô giá là cái tâm rất đẹp. Cái tâm có một Đấng thiêng liêng vô cùng tốt đẹp hiện diện là cái tâm đẹp nhất.
3. Tôi nghĩ như vậy. Tôi thấy như vậy. Khi tôi gặp những con người có cái tâm mang những giá trị thiêng liêng, và trong họ có Đấng thiêng liêng hiện diện, tôi cảm nhận rất rõ: Đây chính là một ơn huệ Chúa ban, và trong ơn huệ đó, tôi nhận ra Đấng ban ơn huệ. Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đang đến với tôi. Người đến để cứu tôi.
4. Chúa Giêsu cứu tôi thế nào? Chúa cho tôi nhớ lại lời thánh Phêrô nói: “Anh em hãy biết rằng: Không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc, mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ máu châu báu của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Giêsu Kitô” (1Pr 1,18).
Với một cách tế nhị, Chúa dạy tôi thêm điều này: Để đón nhận ơn Chúa cứu tôi, và để cộng tác vào việc Chúa cứu tôi, thì một cách nào đó, tôi cũng phải như có một chút máu của chính mình pha vào máu của Chúa Giêsu.
5. Hiểu như vậy là đã bắt đầu cầu nguyện. Tôi cầu nguyện để được can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường đổ máu mình ra một cách nào đó âm thầm. Tôi bước từng bước.
Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu lên cơn xao xuyến, bồi hồi, sợ hãi, đến nỗi “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).
Khi những trường hợp nhiều ít tương tự như thế xảy ra cho tôi, tôi mới thấy đau đớn của Chúa Giêsu thực là kinh khủng. Cộng tác vào sự hy sinh đó của Chúa, chỉ một ít thôi, cũng chẳng dễ chút nào.
6. Trong dinh tổng trấn Philatô, Chúa Giêsu bị đội mão gai, bị người ta khạc nhổ vào mặt, bị người ta đánh đập chế giễu (x. Mc 15,16-20).
Khi những trường hợp nhiều ít tương tự như thế cũng xảy ra cho tôi, tôi mới thấy sự nhục nhã khốn khổ Chúa phải chịu thực là khủng khiếp. Cộng tác vào sự hy sinh đó của Chúa, dù chỉ một chút nhỏ thôi, cũng không dễ chút nào.
7. Trên Núi Sọ, Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, giữa hai tên cướp (x. Mc 15,23-37).
Khi trường hợp nhiều ít tương tự như thế cũng xảy ra cho tôi, tôi mới cảm thấy thấm thía sự loại trừ man rợ Chúa phải chịu thực là hãi hùng. Cộng tác vào sự hy sinh đó của Chúa, dù chỉ một chút rất nhỏ, cũng không dễ chút nào.
8. Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã kêu lớn tiếng: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc 15,34).
Khi trường hợp nhiều ít như thế xảy ra cho tôi, tôi mới thấy sự cô đơn tăm tối Chúa Giêsu phải chịu thực là quá sức tưởng tượng. Cộng tác vào sự hy sinh đó, dù chỉ một chút rất nhỏ thôi, cũng không dễ chút nào.
9. Trên thánh giá, trong đau đớn cực độ do người ta làm cho Người, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và, trong cô đơn cực độ, như bị Chúa Cha bỏ rơi, Chúa Giêsu đã kêu lên “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Khi những trường hợp nhiều ít như thế xảy ra cho tôi, tôi mới thấy sự tha thứ cũng như sự phó thác của Chúa Giêsu, quả là những việc phi thường, vượt quá sức con người.
10. Một thoáng trên đây cho thấy: Bước theo Chúa Giêsu trên đường thánh giá đúng là như chịu một phép rửa mới. Tôi tạm gọi như thế.
Phép rửa thứ nhất tôi đã được chịu khi còn bé, là phép Rửa bằng Nước.
Còn phép Rửa thứ hai tôi đang được chịu lúc này là phép Rửa bằng Máu. Máu đang rửa tôi là máu Chúa Giêsu. Còn máu tôi đổ ra chỉ là những hy sinh nhỏ bé, những từ bỏ mình hèn mọn, được pha trộn vào máu Chúa Giêsu. Được như vậy, là một vinh dự cho tôi.
Nhưng khi vinh dự là những đớn đau của thánh giá Chúa Giêsu, thì phải có ơn đặc biệt của Chúa mới hiểu được và mới vui nhận được.
11. Tôi thấy, tại Việt Nam hôm nay, Chúa đang ban ơn đặc biệt đó cho nhiều người. Họ âm thầm thuộc về nhiều tầng lớp, rải rác khắp nơi. Họ như tự chôn vùi mình trong cuộc sống bình dị, theo gương Đức Mẹ và thánh Giuse.
Cái đẹp chung của họ là họ bước theo Chúa Giêsu, sống niềm hy vọng của thập giá Chúa Giêsu. Cái tâm của họ được rửa trong máu tình yêu thương xót Chúa. Cái tâm của họ mang những giá trị thiêng liêng có chiều kích đi về cõi Phúc đời đời. Cái tâm của họ có Đấng thiêng liêng hiện diện. Đấng ấy là tình yêu giàu lòng thương xót. Người là sự sống lại của họ.
Như vậy, chúng ta đã có thể tự do chọn hướng sống của chúng ta, cho dù tình hình xã hội đang diễn biến phức tạp. Chọn được từng ngày rửa mình bằng phép Rửa thứ hai, tức là phép Rửa của thập giá Chúa Giêsu là chọn cho mình niềm hy vọng vững bền và cũng là niềm vui vô giá. Chọn lựa đó rất có lợi cho mình, cho Hội Thánh và cho Quê Hương.
Xin hết lòng khiêm tốn cảm tạ Chúa giàu lòng thương xót.
Long Xuyên, ngày 14 tháng 2 năm 2014.
+ GB Bùi Tuần