TỰ
DO
Giá trị tự do không tự dưng mà có, không được
ban tặng một cách nhưng không, nhưng phải hy sinh một phần chính mình thì mới
hy vọng đạt được.
Trong cuộc đời con người,
khát vọng cho tự do là khát vọng mà con người phải trả giá đắt nhất. Khát vọng
tự do cho mỗi cá nhân, cho một tập thể, cho một đất nước và cho một dân tộc. Rất
nhiều con người nằm xuống cũng chỉ vì lý tưởng tự do – tự do cho chính mình và
cho quê hương đất nước. Có người hy sinh vì chiến đấu cho sự tự do, có người hy
sinh vì đi tìm tự do, và cũng có người hy sinh vì mất tự do. Tự do là gì, giá
trị ra sao mà con người khao khát vươn đạt? Thân mời bạn cùng tác giả mục Sống
Sao Cho Đẹp học hỏi và chia sẻ giá trị tự do trong loạt bài Tự Do.
Trong một lần gặp gỡ giữa
hai vị tổng thống Bill Clinton và Nelson Mandela; ông Bill Clinton vốn biết là
ông Mandela đã từng bị bắt và bị giam tù lâu năm, nhưng nơi Mandela luôn sống với
tấm lòng đại lượng mà không hề muốn trả thù những người bắt giam mình. Bill
Clinton đã hỏi ông Mandela có thái độ thế nào trong ngày lịch sử -ngày ông được
trả tự do. Tổng thống Nelson Mandela đáp, “Thưa
ngài tổng thống, khi tôi bị giam giữ, tôi có tham gia lớp học Kinh Thánh do người
con của viên chức cai ngục dạy.... và vào ngày lịch sử ấy đến - ngày tôi bước
ra nhà tù, tôi như cảm nhận một luồng giận dữ xâm chiếm lấy tôi với ý nghĩ rằng
những kẻ này đã cướp mất 27 năm của đời tôi. Ngay lúc ấy, tinh thần của Chúa
Giêsu nói với tôi, “Nelson, khi con ở trong tù con đã được tự do. Nay con đang
tự do, đừng trở thành tù nhân nữa.” [1]
Thật thú vị khi ta thấy ý
nghĩa của từ “tự do” trong tiếng Anh (freedom) có một nguồn ngốc rất sâu sắc. Theo từ điển
Etymological Speaking [2] danh từ “tự do” trong tiếng Anh (Freedom) được bắt nguồn từ tiếng
Đức, “Freiheit.”
Gốc của từ Freiheit được bắt nguồn từ danh từ “Friede” nghĩa là “bình an.” Theo nghĩa cổ, “Friede” được dùng trong trường hợp hai bộ tộc có chiến tranh với nhau, sau đó họ
muốn ngồi lại giải hoà với nhau. Để thực hiện việc giải hoà này, mỗi bộ tộc cần
phải thừa nhận những việc làm không đúng của mình cũng như phải cho đi một phần
tài sản của mình cho bộ tộc kia, ví dụ như là một bộ da thú. Sau khi làm việc
này, thì họ đạt được hoà bình (friede) với nhau và ý nghĩa đích thực của tự do cũng được bắt đầu.
Như thế đã rõ, sự tự do là
kết quả của hoà bình, nhưng để có thế đạt được hoà bình, người ta cần phải (1)
thừa nhận rằng mình đã làm khổ nhau và (2) phải hy sinh điều gì đó từ chính
mình. Nói cách khác, để đạt được tự do thật, trong mội trường xã hội hay trong
nội tâm con người, mỗi người có trách nhiệm cần thiết nhận ra rằng: chúng ta
đang có vấn đề với nhau và chúng ta cần phải hy sinh “cái tôi” cho nhau. Nếu
chúng ta không nhận ra rằng mình có vấn đề và mình không muốn hy sinh phần của
riêng mình, thì không bao giờ đạt được hoà bình cho nhau và tự do cho chính
mình. Rõ ràng, giá trị tự do không tự dưng mà có, không được ban tặng một cách
nhưng không, nhưng phải hy sinh một phần chính mình thì mới hy vọng đạt được.
Từ yếu tố nguồn gốc của từ
ngữ “tự do” như trên, ta xét đến những vấn nạn mất bình an và thiếu tự do của mỗi
con người chúng ta. Cuộc đời của con người xem chừng như bị bó buộc và giam hãm
trong nhiều luồng tư tưởng cũng như thành kiến khác nhau. Hẳn nhiên, chúng ta
không chọn lựa như thế, nhưng chúng ta chịu ảnh hưởng là do những yếu tố khách
quan khác nhau trong đời sống của mỗi người. Khốn khổ thay cho chúng ta khi
chúng ta mất tự do mà chúng ta không biết rằng chúng ta mất tự do.
Trong bài thứ nhất về chủ
đề Tự Do, chúng ta cùng nhau học hỏi hai điểm sau: (1) nhìn nhận những khó khăn
mình đang gặp phải, và (2) hy sinh một phần gì đó của con người mình. Ông
Nelson Mandela đã được tự do thật sự sau khi ra khỏi tù vì ông áp dụng hai điểm
trên. Thứ nhất, ông đã cảm nhận “một luồng giận dữ” trong ông khi nghĩ đến 27
năm lãng phí do những kẻ hại mình. Giận dữ không có gì là xấu. Nó chỉ là cảm
xúc. Quan trọng là chúng ta phản ứng ra sao với cảm xúc ấy. Ông Nelson đã nhận
ra cảm xúc của mình, và nhờ nhận ra cảm xúc đó nên ông bắt đầu có cung cách ứng
xứ với cảm xúc đó cho phù hợp. Ông có thể bị mất tự do khi phản ứng khi chiều
theo cảm xúc, tức là cảm xúc đối lại cảm xúc: “mắt đền mắt.” Nhưng ông chọn đáp
trả bằng sự chọn lựa “tinh thần của Chúa Giêsu.” Đây là một tinh thần “hy sinh”
– cho đi và tha thứ. Sự tự do bắt đầu triển nở khi biết đón nhận sự thiệt thòi
về mình. Đó là một nghịch lý. Nhưng nghịch lý này lại là con đường Chúa Giêsu
đã chọn, ông Nelson Mandela đã chọn. Bạn muốn tự do ư, hôm nay hãy bắt đầu chọn
con đường từ bỏ; hãy chọn từ bỏ điều nho nhỏ ngay hôm nay, bạn sẽ thấy kết quả
tự do sẽ rất lớn.
Fr. Huynhquảng
_____________________________________
[1] Trích dịch từ Alex Pattakos. Prisoners of Our Thoughts: Viktor Frankl's
Principles for Discovering Meaning in Life and Work (Kindle Locations 525-526).
[2] http://www.westegg.com/etymology/ (25/10/2013)