Tìm hiểu Lời Chúa _ cntn 2a


CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN
NĂM A
Is 49, 3. 5-6; 1Cr 1, 1-3; Ga 1, 29-34
BÀI ĐỌC I: Is 49, 3. 5-6
3 Đức Chúa đã phán cùng tôi: "Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang. "5 Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi. 6 Người phán: "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất."
ĐÁP CA: Tv 39
Đ. Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài. (x. c 8a . 9a)
2 Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu. 4ab Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.
7 Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, 8a con liền thưa: "Này con xin đến!
8b Trong sách có lời chép về con 9 rằng: con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con. "
10 Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.
BÀI ĐỌC II: 1Cr 1, 1-3
1 Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi, 2 kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta. 3 Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 1, 14a. 12a
Hall-Hall: Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Hall.
TIN MỪNG: Ga 1, 29-34
29 Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. 30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.
31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước. "32 Ông Gio-an còn làm chứng: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. 33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. "34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn. "

SỐNG BÍ TÍCH THÁNH TẨY
Giáo huấn trong Chúa nhật I Thường Niên (Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa) đề cập đến Bí Tích Thánh Tẩy Chúa Giêsu thiết lập, là cửa ngõ dẫn ta vào Nước Trời, vào đời sống ân sủng. Còn chủ đề giáo huấn Chúa nhật 2 Thường Niên, hướng dẫn người tín hữu biết cùng, với, trong Chúa Giêsu sống Bí Tích Thánh Tẩy.
Để hiểu rõ sứ điệp của thánh sử Gioan, chúng ta hãy nhìn lại cách bố cục tư tưởng của tác giả (1, 29-34) như sau:
Nhìn vào cơ cấu trên, ta nhận thấy câu 32(A): “Thần Khí như chim câu xuống trên Người” vừa là nền tảng, vừa là khúc quanh của cuộc đời vươn cao tới đỉnh ơn gọi (D), là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian, Ngài là tuyển nhân của Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa. Trong thư của ông Gioan (x. 1Ga 5, 5-8) còn cho chúng ta thấy có ba nhân chứng về tình yêu của Con Thiên Chúa: Thần Khí, nước và máu, cả ba dấu chứng này đều quy về một điều là tin vào Chúa Giêsu để thắng thế gian. (x. Ga 1, 29. 31. 32: Tin Mừng).
I- NHÂN CHỨNG TÌNH YÊU QUA DẤU CHỈ THẦN KHÍ
Thánh Gioan ghi nhận khi Đức Giêsu chịu phép rửa: “Thần Khí như chim câu lưu lại trên Con Thiên Chúa” (x. Ga 1, 32: Tin Mừng). Ông Gioan không nói Thánh Thần là chim câu, mà nói như chim câu. Đây là ba dấu chứng đầu tiên Con Thiên Chúa biểu lộ tình yêu gợi cho ta bốn điểm giáo lý.    
1- Chúa Giêsu tái tạo ta
Con chim câu từ trong tàu Noe được thả ra, khi nó bay trở về có công ngành ô-liu non, báo hiệu nước đã rút hết (x. St 8, 11). Như vậy, trong dòng nước tái sinh, nhờ Thánh Thần là Lời Thiên Chúa (x. Ga 6, 63), con người được sinh lại, thuộc dòng giống ông Noe mới là Chúa Giêsu (x. Gc 1, 18).
2- Chúa Giêsu tìm thấy Hiền Thê của Ngài trong nước Thánh Tẩy
Hình ảnh chim câu còn để diễn tả trong dòng nước tái sinh, Thiên Chúa tìm được Hiền Thê của Ngài, như sách Diễm ca đã diễn tả tình yêu đôi tình nhân: “Bồ câu của anh ơi, nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng. ” (Dc 2, 14; 4, 1) Vì thế thánh Phaolô nói: “Tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết ” (2Cr 11, 2).
3- Chúa Giêsu giải phóng ta
Hình ảnh chim câu còn diễn tả đoàn người được Thiên Chúa giải phóng, như ngôn sứ Isaia nói về cảnh hồi hương của dân Do Thái từ Babylon: “Chúng như đàn chim câu hướng về tổ’’ (Is 60, 8). Chúa Giêsu mới thực là Đấng giải phóng ta toàn diện cả hồn lẫn xác, thoát tay tử thần, như Lời Ngài đã khẳng định: “Ta có cho các ngươi được tự do, thì các ngươi mới đích thực là tự do” (Ga 8, 36).
4- Chúa Giêsu che chở dẫn dắt ta
Từ “chim câu” (Shakinah) còn có nghĩa là “áng mây” Thiên Chúa dùng để che chở và dẫn dắt dân Ngài về đất Hứa (x. Xh 13, 22). Nay ta được mặc lấy Chúa Giêsu (x. Gl 3, 27), Ngài là ô dù che chở cho ta đang ở giữa thế gian bao gian khổ, tiến về Quê Trời. Đó mới đích thực là “đất chảy sữa và mật” (Xh 3, 8).
II- NHÂN CHỨNG TÌNH YÊU QUA DẤU CHỈ NƯỚC
Trong phép rửa bằng nước hai lần ông Gioan nói: “Tôi đã không biết Chúa Giêsu” (x. Ga 1, 31. 33: Tin Mừng). Lời xác quyết này hàm hai ý:
1/ Thân phận làm người không ai biết trọn về Thiên Chúa. Chính ông Gioan có lần đang ngồi trong tù, liền sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?” (Mt 11, 3). Vì ông Gioan chỉ tin Chúa Giêsu là Đấng phán xét đến diệt kẻ ác là những kẻ tồi tệ hơn cây không trái (x. Mt 3, 10), sao lại để cho vua Hêrôđê nhốt tù vì ông cản Hêrôđê không được cướp vợ anh mình? (x. Mt 14, 3t)
2- Chữ “biết” trong Thánh Kinh còn diễn tả ý liên hệ vợ chồng (x. St 4, 1: Bản dịch NTT; Lc 1, 34: Bản dịch PVGK), mà ông Gioan chỉ là chú phù rể của Tân Lang Giêsu. Người được ơn tái sinh mới là Tân Nương của Ngài (x. Ga 3, 29).
Vậy chỉ những ai lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy mới được Chúa Giêsu thông ban cho nhiều ơn, và đưa lên địa vị cao cả hơn thuở ban đầu (Lời Nguyện đầu lễ Thứ Năm sau CN 4 Phục Sinh), còn hơn ông Gioan. Như lời Ngài nói: “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11, 11). Kẻ nhỏ ở đây chính là người Công Giáo (1Ga 2, 1. 12. 14. 18. 28). Như thế trong dòng nước Bí Tích Thánh Tẩy, Đức Giêsu tỏ mình ra là Tân Lang nhận ta là Tân Nương. Do đó thánh Gioan nói: “Để Ngài tỏ mình ra cho dân, tôi đến thanh tẩy Ngài bằng nước” (Ga 1, 31: Tin Mừng).
III- NHÂN CHỨNG TÌNH YÊU QUA DẤU CHỈ MÁU
Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa bằng nước, Ngài nói rằng: “Có một thứ thanh tẩy khác (máu), Thầy hằng bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất!” (Lc 12, 50) Thanh tẩy đó chính là cái chết của Đức Giêsu trên thập giá bị đâm thấu tim (x. Ga 19, 34). Vậy khi máu Đức Giêsu đổ ra mới chính là máu Chiên Thiên Chúa khử trừ tội nhân loại (x. Ga 1, 29: Tin Mừng), vì ngài trở thành Của Lễ mới dâng Chúa Cha đền tội cho thế gian (x. Mt 26, 28). Giá trị này trổi vượt hơn tổ phụ Abraham vâng lệnh Thiên Chúa sát tế con một, vì Chúa Cha không tha mạng cho Con Một Ngài (x. Rm 8, 32), nhưng tha mạng cho Isaac, con một của tổ phụ Abraham (x. St 22).
Hoặc như sứ thần Thiên Chúa ra lệnh cho người Do Thái giết chiên ăn thịt và lấy máu bôi lên cửa, hầu thoát chết và được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập (x. Xh 12). Đó là dấu chỉ Chúa muốn ta hôm nay cần phải rước Lễ, để Máu Con Chiên Thiên Chúa không chỉ bôi trên cửa miệng ta, mà còn trở thành xương thịt của ta (x. Dt 2, 11), cho ta thoát án phạt của tội, thoát tay tử thần (x. Ga 6, 54).
Có như thế, ta mới được gọi là “Tuyển nhân của Thiên Chúa”, là “Con Thiên Chúa”(Ga 1, 34 – Lời chứng kết thúc Phép Rửa của Chúa Giêsu).
Vậy hết thảy những ai dìm mình trong nước Thánh Tẩy là họ cùng được mai táng với Đức Giêsu, thì họ cùng được chia phần vinh hiển với Ngài. Nghĩa là trong nước Thánh Tẩy, người Kitô hữu được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong sự chết và Phục Sinh (x. Rm 6, 3-11). Do đó, Phụng Vụ hôm nay, Hội Thánh mượn lời ngôn sứ Isaia nói về sứ mệnh Người Tôi Tớ đau khổ của Giavê là Đức Kitô, cũng được hiểu là cộng đoàn Israel mới (Hội Thánh), làm Tông Đồ cho Chúa để cùng được mai táng trong sự chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu: “Hỡi Israel, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang. " … Người phán: "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Giacob, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất. ” (Is 49, 3. 5-6: Bài đọc I). Rõ ràng ngôn sứ Isaia đã nhấn mạnh sứ mệnh người Tôi Tớ trung thành của Chúa là phải tập họp muôn dân về cho Chúa, chứ không dừng lại nơi dân tộc Israel. Vì vậy thánh Phaolô đã nói lên xác tín về sứ mệnh Tông Đồ của ông cũng phải là xác tín của các tín hữu: “Bởi ý Thiên Chúa, tôi đã được kêu gọi làm Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô … những người đã được hiến thánh trong Đức Giêsu Kitô, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa… xin Chúa Giêsu ban cho anh em ân sủng và bình an” (x. 1Cr 1, 1-3: Bài đọc II).
Ta có sống đời chứng nhân như ông Phaolô để giới thiệu Chúa Giêsu cho đồng loại: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 14a. 12a: Tung Hô Tin Mừng), thì ta mới chu toàn sứ mệnh Tông Đồ Chúa trao, nên hân hoan thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài” (Tv 40/39, 8a. 4a: Đáp ca).
Truyện kể
Nước Công hòa Trung Phi được Pháp trao trả độc lập vào ngày 13/8/1960. Đây là một nước nghèo, đất rộng người thưa, tài nguyên thiên nhiên chủ yếu là các mỏ, quặng kim cương, coban, sắt… với diện tích khoảng 662. 984 km2. Từ khi được Pháp trao trả độc lập, Cộng hòa Trung Phi do Tổng thống D. Đacô lãnh đạo. Năm 1966, trung tá Jean Beldel Bokassa đứng đầu một binh đoàn, dẫn quân về lật đổ Tổng thống D. Đacô để nắm quyền lãnh đạo Cộng hòa Trung Phi, tự phong đại tá rồi vọt lên… đại tướng chỉ trong vòng có mấy ngày và lên cầm quyền. Trước khi làm Tổng thống, rồi Hoàng đế nước Trung Phi, Jean Beldel Bokassa đi lính cho Pháp. Trong chiến tranh Thế giới lần thứ II, Bokassa theo đội quân lê dương đi đánh thuê nhiều nước như Ma rốc, Algierie và vào năm 1953 có mặt ở miền Nam Việt Nam. Lúc bấy giờ Bokassa mang cấp bậc trung sĩ nhất, đóng quân tại Chánh Hưng, Sài Gòn.
Thời gian ở Việt Nam, Bokassa có yêu và làm đám cưới với cô Nguyễn Thị Huệ. Việc lấy được một người lính lê dương làm chồng đã giúp bà Huệ có một cuộc sống khá thoải mái. Tuy nhiên, khi Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ, phải ký hiệp định đình chiến ngày 20/7/1954, rồi rút quân đội về nước, thì Bokassa lúc này cũng phải theo đoàn quân thua trận của Pháp lên tàu về nước, để lại cái thai trong bụng bà Huệ, không biết là gái hay trai!
Sau khi chồng về nước, bà Huệ phải một thân một mình tự bươn chải, sống một cuộc sống nghèo khổ. Martine lớn lên cũng chỉ biết mặt bố mình qua một số bức ảnh kỷ niệm mà bà Huệ còn giữ lại. Vào thời điểm ngay trước khi có thông tin Tổng thống Bokassa đi tìm người con rơi ở Sài Gòn thì Martine đang làm… bốc vác cho nhà máy xi măng Hà Tiên, gần Thủ Đức. Những lúc rảnh thì lại đi làm… phu thợ hồ để kiếm thêm thu nhập!
Khi lên làm Hoàng đế Bokassa của nước Trung Phi, và bằng con đường ngoại giao ông nhờ tìm đứa con lạc loài, đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, một người đàn ông có đạo đức, khiến cho mọi người xúc động, cảm kích. Lúc ấy, có rất nhiều bà dẫn con đến tòa Đại sứ Trung Phi nhận là vợ - con ông Bokassa. Nhưng nhờ khoa học người ta đã xác định ai là con thật của vị Hoàng đế này. Đó là bà Huệ và cô con gái Martine ở Tân Thuận Đông. Thế là mẹ con bà từ kiếp sống bần cùng, xã hội không ai quan tâm, nghiễm nhiên trở thành hoàng hậu và công chúa. Khi cô Maritne được đón sang Trung Phi, thời gian sau được người giàu có đến cầu hôn, trong đám cưới ấy, Việt Nam phải cử đại diện sang chúc mừng.
THUỘC LÒNG.
Tôi đã đính hôn anh em cho một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết. (2Cr 11, 2).
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh