Thời sự VN _ người nghèo mãi khóc

NGƯỜI NGHÈO MÃI KHÓC
Người nghèo đã khóc nay phải khóc thêm nữa đứng trước thềm năm mới, thềm của năm tăng viện phí và tăng giá nhiều chi phí sinh hoạt khác.
Anmai, CSsR
Bước chân vào cõi đời này, chẳng ai muốn mình phải rơi vào cảnh nghèo cảnh khổ cả. Thế nhưng, với thân phận, với khả năng cộng thêm phần không may mắn nên nhiều người đã rơi vào cảnh nghèo. Đứng trước cảnh nghèo đó, cái ăn cái mặc còn thiếu trước hụt sau chứ làm gì mơ đến chuyện đến trường hay đến bệnh viện để chữa bệnh cho đến nơi đến chốn.
Có lẽ, nhìn vào mảnh đất Sài Thành xem ra phồn hoa đô thị thật đấy nhưng số người nghèo, số người dân lao động, số người dân chạy ăn từng bữa và những người di dân xa quê vào thành phố chiếm phần đông dân số. Đằng sau những cao ốc, đằng sau những ngôi nhà lộng lẫy đó lại có những căn nhà nghèo nằm sâu trong hẻm nhỏ, có khi con hẻm đó chỉ lọt được vừa đủ chiếc xe gắn máy thôi, muốn qua lại phải nhường nhau từng tí. Hay là ở những quận trung tâm thành phố xem ra phồn vinh đấy nhưng những vùng ven đặc biệt là những vùng đang cưu mang dân nghèo nhập cư tá túc thì cái nghèo nó cứ như muốn ôm chầm đời sống của họ.
Có những ngôi trường Âu - Á - Mỹ - Úc... chi phí mỗi tháng bằng lương cả năm của người giúp việc hay lao động chân tay. Và rồi cũng có những ngôi trường tình thương đâu đó nằm ở xã Bình Hưng huyện Bình Chánh, Bình Hưng Hòa quận Bình Tân... những ngôi trường tình thương đó đang cưu mang hàng ngàn trẻ em nghèo không có khả năng đến trường công bình thường như bao trẻ khác. Ở những ngôi trường đó, có em sáng đi học, chiều về phụ mẹ coi em để kiếm thêm cho cuộc sống. Lại cũng có những em sáng đi học nhưng chiều cắp trên tay tập vé số để phụ giúp gia đình...
Nghèo quá để rồi đi kiếm con chữ cũng phải đổ mồ hôi sôi con mắt. Nước mắt lưng tròng trên má những trẻ nghèo thiếu thốn.
Kinh tế phát triển, xã hội phát triển, đó là điều ai ai cũng mong ước. Đó là điều bình thường và hợp lý của con người trong đời sống hiện đại.
Và, có những bệnh viện tư hay của nước ngoài đầu tư cao sang lộng lẫy mọc lên để đáp ứng nhu cầu của những người có khả năng. Bên cạnh đó, không thiếu những bệnh viện công ngày mỗi ngày thêm xuống cấp nhưng lượng bệnh nhân ngày mỗi ngày cũng quá tải.
Những người nghèo không nơi bấu víu dĩ nhiên phải vào những bệnh viện của nhà nước, đó là lẽ thường tình trong xã hội. Nhưng rồi, đến đó, họ cũng chẳng được yên bởi lẽ viện phí ngày mỗi ngày lại leo thang tăng tốc.
Vừa qua, một tin nóng đã đến với người nghèo: Với sự tán thành của HĐND TP, kể từ ngày 1-6-2014
Cụ thể, từ ngày 1-6-2014: áp dụng viện phí tăng đối với các dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá giường bệnh/ngày; các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm (477 dịch vụ) với mức bằng 75% của khung giá do Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định. Giá dịch vụ của nhóm này sẽ tiếp tục tăng thêm từ ngày 1-6-2015 với mức bằng 85% của khung giá do Bộ Y tế quy định và tăng đến mức bằng 100% khung giá của bộ từ ngày 1-6-2016. Đối với nhóm các phẫu thuật, thủ thuật thực hiện lộ trình tăng: từ ngày 1-6-2014 áp dụng mức giá bằng 65%, từ ngày 1-6-2015 bằng 75% và từ ngày 1-6-2016 bằng 100% khung giá quy định của Bộ Y tế - Bộ Tài chính.
Nhiều bệnh nhân đang bị bệnh nặng, cần điều trị lâu dài đã tỏ ra lo lắng vì đời sống còn nhiều khó khăn trước thông tin tăng viện phí. Ông Q, một bệnh nhân bị ung thư vòm họng giai đoạn hai, trăn trở “Đọc báo hay tin các bệnh viện tăng viện phí, bệnh của tôi phải điều trị lâu dài không biết có kham nổi chi phí không.” (theo Tiền Phong)
Bà Nguyễn Thị B (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) thì cho rằng việc tăng viện phí là cần thiết nhưng nên tăng từ từ, không tăng một lúc lên tới 65-75%, vì dù có bảo hiểm y tế hay sự hỗ trợ từ Nhà nước nhưng viện phí tăng sẽ có nhiều dịch vụ khác do ăn theo mà tăng lên. Một điều nữa cũng khiến nhiều bệnh nhân băn khoăn là việc tăng viện phí này có đảm bảo chất lượng dịch vụ tăng lên hay vẫn “dậm chân tại chỗ.”
Mới đây, người vợ của gia đình neo đơn đã rơi vào ngõ cụt khi người chồng bệnh nằm ngày này qua tháng nọ trong bệnh viện. Neo người nên phải thuê người để phụ chăm ông. Chi phí để lo cho ông đến lúc bà không gánh nổi. Bà chỉ biết xin Chúa cho bà đủ sức để bước đi trên con đường khó khăn gian khổ này.
Người ta vẫn thường nói đùa với nhau rằng ngày còn trẻ thì bỏ sức khỏe ra để kiếm tiền, khi về già bỏ tiền ra để mua sức khỏe. Với người nghèo, bỏ sức khỏe ra thì cũng đủ sinh nhai chứ chẳng nghĩ đến chuyện gì cao xa. Khi về già, họ làm gì còn tiền để "mua" lại sức khỏe như những người có cuộc sống ổn định hay dư ăn dư để.
Mà xét cho cùng, dù dư ăn dư để đi chăng nữa khi vào bệnh viện thì tiền ra đi như gió vào nhà trống thôi.
Dĩ nhiên, tăng viện phí để việc chữa trị tốt hơn nhưng đáng tiếc thay đồng lương và an sinh xã hội cách riêng với những người lao động nghèo chẳng thấy tăng. Và có tăng đi chăng nữa thì vẫn tăng một cách khiêm tốn so với chi tiêu mỗi ngày của họ cũng như chi phí họ phải trả khi nằm viện.
Thử tính nhẩm một lao động chân tay hay một công nhân hay hơn một tí nữa là một nhân viên y tế là y tá đi ta sẽ thấm được phần nào của cái nghèo. Lương của những người đó hiện nay trung bình trên dưới 4 triệu. Để một lần đi khám bệnh và để một lần đi nằm bệnh cũng như một lần mổ xẻ gì đó thì chi phí là bao nhiêu.
Mới đây, một người thân nằm viện vài ngày để phẩu thuật nhỏ về đường tiết niệu thôi cũng đã mất gần 10 triệu. Anh đi làm mỗi tháng hơn 4 triệu. Như thế, chi phí cho một lần mổ như thế đã chiếm khá lớn phần thu nhập mỗi tháng của anh.
Một bà cụ té gãy chân, nhập viện và mổ. Chi phí phẫu thuật và nhập viện của bà ngót nghét trên 50 triệu. Con cháu bà phải chạy vạy khắp nơi để lo cho bà. Họ đã nghèo nay phải nghèo hơn khi lâm cảnh khốn cùng.
Và như vậy, thử hỏi người nghèo có cười nổi không khi phải vào nhập viện?
Người nghèo đã khóc nay phải khóc thêm nữa đứng trước thềm năm mới, thềm của năm tăng viện phí và tăng giá nhiều chi phí sinh hoạt khác.
Một năm cũ đang dần qua và một năm mới nhiều khó khăn đang chờ đón những người nghèo. Đã nghèo còn phải gặp nhiều khó khăn hơn nữa khi đứng trước những cơn bão giá mà họ chẳng bao giờ ngờ được.
Viện phí tăng người nghèo càng thêm khổ.
Thương thay cái phận nghèo.
Anmai, CSsR