25. HÃY VIẾNG CHÚA
Mười lăm phút ngắn ngủi mà chúng ta dùng để thoát ly những công việc bận rộn
đôi khi vô ích, để đến cầu nguyện , viếng thăm an ủi Người vì mọi sự sỉ nhục mà
Người đang chịu, làm đẹp lòng Người biết bao!
Chúa ẩn mình ở
đó và đang chờ đợi chúng ta đến viếng thăm và cầu xin. Người ngự đó, trong bí
tích tình yêu của Người, Người đang than thở và không ngừng can thiệp cho các tội
nhân bên cạnh Chúa Cha. Người ngự đó để an ủi chúng ta, bởi vậy chúng ta phải
năng đến viếng Người. Mười lăm phút ngắn ngủi mà chúng ta dùng để thoát ly những
công việc bận rộn đôi khi vô ích, để đến cầu nguyện , viếng thăm an ủi Người vì
mọi sự sỉ nhục mà Người đang chịu, làm đẹp lòng Người biết bao! Khi thấy những
tâm hồn trong sạch nô nức tiến đến, Người mỉm cười với họ… Và chúng ta cảm thấy
hạnh phúc biết bao trước nhan thánh Chúa, khi chúng ta ở một mình dưới chân Người
dưới nhà tạm!...
Nào hỡi các con,
khi thức giấc giữa đêm trường, các con hãy mau mắn tưởng tượng mình đang đến trước
nhà tạm mà hãy thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, này con đây! Con đến thờ lạy Ngài, ngợi
khen Ngài, chúc tụng Ngài, cảm tạ Ngài, yêu mến Ngài, hầu cận Ngài cùng với các
thiên thần!...”
Nếu chúng ta yêu
mến Chúa, tâm trí của chúng ta sẽ luôn luôn nhìn thấy nhà tạm mạ vàng ấy, ngôi
nhà của Thiên Chúa ấy. Khi chúng ta đi đường mà nhìn thấy tháp chuông, chắc hẳn
tim chúng ta sẽ đập mạnh lên, chung ta không thể thoát khỏi sự chi phối của những
gì chúng ta xem thấy.
A! Phải chi
chúng ta có đôi mắt của các thiên thần để nhìn thấy Chúa Giêsu Kitô hiện diện ở
đây, trên bàn thờ này và đang nhìn chúng ta, chúng ta sẽ yêu mến Người biết bao!
Chúng ta sẽ không muốn rời xa Người nữa, chúng ta sẽ mãi mãi ở lại dưới chân Người;
đây là một tiền vị của thiên đàng, mọi sự khác đều vô vị đối với chúng ta. Nhưng
kìa!... Chúng ta thiếu đức tin.
Khi chúng ta ở
trước bí tích Thánh Thể, thay vì nhìn chung quanh, chúng ta hãy nhắm mắt lại và
mở lòng ra. Thiên Chúa sẽ mở lòng Người. Chúng ta sẽ đến với Người và Người sẽ
đến với chúng ta, một bên để cầu xin một bên để đãi ngộ: như thể khác nào một hơi
thở từ kẻ này truyền đến kẻ kia.