TÔI
VUI SƯỚNG THỰC THI Ý CHÚA
Sống giữa trần gian,
các tiến bộ về khoa học và xã hội luôn đưa ra những đáp án mới cho vấn nạn hạnh
phúc của con người. Các đáp án luôn luôn mới cho thấy hành trình tìm kiếm hạnh
phúc của nhân loại vẫn còn đó một lỗ hổng và sự luẩn quẩn trong các giải pháp
không có Thiên Chúa.
Trong tác phẩm “Thức tỉnh”, cha Ant. de
Mello đã kể một câu truyện được đảm bảo là có thật, nhưng cũng có thể được xem
như một ngụ ngôn hay. Chuyện xảy ra ở một thị trấn nhỏ bên Mỹ nơi có những người
đêm đêm tụ tập lại chơi nhạc. Họ có một tay kèn sắcxô, một tay trống và một tay
vĩ cầm. Tất cả đều là những cụ già tụ họp lại với nhau vì thích chơi nhạc dù
không phải là những nhạc công điêu luyện. Họ hài lòng và thú vị… cho đến ngày họ
mời được một nhạc trưởng mới tham gia.
Đó là một người có năng lực và nhiều
tham vọng. Ông nói với mọi người: “Chúng
ta phải tổ chức một buổi hoà nhạc, chúng ta phải trình diễn một buổi ra mắt dân
chúng thị trấn này.”
Thế rồi ông loại dần những nhạc công
chơi không khá lắm, mướn thêm một số nhạc sĩ chuyên nghiệp để xây dựng thành một
dàn nhạc có quy củ. Chẳng bao lâu, họ trở thành một dàn nhạc nổi tiếng được báo
chí nhắc đến. Một vài thành viên đã bắt đầu nghĩ đến công diễn ở thành phố lớn.
Nhưng nhớ lại những ngày bắt đầu, có mấy
cụ già nói với giọng tiếc nuối: “Thật tiếc
cho cái thời huy hoàng xưa ấy, cái thời mà chúng mình chơi không hay nhưng lại
rất được sung sướng.”
Chơi không hay nhưng lại rất được sung
sướng! Một câu nói đơn sơ mà lại cho thấy cái hạnh phúc thật của đời người
không chịu lệ thuộc vào mọi đánh giá trần gian, mọi quy ước nằm ngoài con người.
Đâu mới thực là nguồn mạch cho hạnh phúc
con người?
Thánh Augustinô đã trả lời: “Chúa dựng nên con cho Chúa nên hồn con còn
xao xuyến mãi cho đến khi nghỉ yên trong Chúa.”
Vâng, chỉ nơi Chúa người ta mới tìm được
hạnh phúc thật, vì “chính ở nơi Người mà
chúng ta sống, cử động, và hiện hữu.” (Cv 17,28)
Sống giữa trần gian, các tiến bộ về khoa
học và xã hội luôn đưa ra những đáp án mới cho vấn nạn hạnh phúc của con người.
Các đáp án luôn luôn mới cho thấy hành trình tìm kiếm hạnh phúc của nhân loại vẫn
còn đó một lỗ hổng và sự luẩn quẩn trong các giải pháp không có Thiên Chúa.
Một người đánh mất căn tính của mình thì
làm sao được thoả mãn?!
Trong thông điệp “Spe Salvi”, ĐGH
Bênêđíctô XVI vạch ra sự bất túc của con người khi coi khoa học, cơ cấu xã hội,
và sự thiện hảo vật chất như một câu trả lời hoàn hảo cho hạnh phúc nhân loại.
“Con
người có thể quên lãng hoặc từ chối Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa thì không ngừng
kêu gọi mọi người tìm kiếm Ngài để được sống và tìm được hạnh phúc.”
(GLCG 29) và khi gặp được Thiên Chúa, người ta sẽ nhận ra đó “không phải là Đấng nào đó xa lạ, được mô tả
như là cái “nguyên uỷ đầu tiên” của thế giới, nhưng là Đấng đã cho Con mình xuống
trần làm người, và mỗi người trong chúng ta có thể nói về người Con này: “Tôi sống
trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hy sinh chính mạng
sống cho tôi” (Gl 2,20)” (số 24-26)
Chúa đã hy sinh chính mạng sống cho nhân
loại vì ngay từ đầu khi được dựng nên, Ngài đã cho người ta có một tương quan đặc
biệt với Chúa, như thánh Irênê đã nói: “Vinh
quang Thiên Chúa là con người sống”; bởi tình yêu Chúa mà sự sống con người
là được chia sẻ và liên kết nên một với sự sống của Chúa: “Sống là một tương quan. Và cuộc sống toàn diện có nghĩa là sống trong
tương quan với Đấng cội nguồn của sự sống. Khi chúng ta có tương quan với Đấng
không hề chết, với chính Đấng sự sống và tình yêu, lúc đó ta đang ở trong sự sống.
Lúc đó ta đang sống.” (Spe Salvi 27)
John Newton là thuyền trưởng một tàu
buôn nô lệ. Ngày 10.5.1748, tàu ông gặp một cơn bão rất lớn trên đường về. Cơn
bão làm cho ông cảm nghiệm được bàn tay giải cứu kỳ diệu của Chúa, và sau đó
thúc đẩy ông viết bài thánh ca nổi tiếng “Amazing Grace” (Ân sủng kỳ diệu) lấy
cảm hứng từ lời tạ ơn của Đavít: “Lạy Đức
Chúa là Thiên Chúa, con là ai và nhà của con là gì, mà Ngài đã đưa con tới địa
vị này” (1Sb 17,16)
Bài hát đó được phổ biến rộng rãi giữa
những người đấu tranh cho tự do và nhân quyền. Nhiều người cho rằng bài ca đó
cũng được dụng để chống nạn buôn bán nô lệ vì Newton trước đó cũng từng buôn nô
lệ. Đặc biệt đối với người da đỏ thuộc bộ tộc Cherokee, bài hát đó được coi như
là quốc ca của họ, vì họ đã tìm thấy nơi đó niềm an ủi khi nhớ lại những người
gục chết trên đường tập trung vào những khu định cư dành cho người da đỏ.
Một lời nguyện của Đavít và giáo lý của
Giáo hội đã cho tôi thấy rõ tôi đã là gì, đang là gì, và sẽ là gì trong mầu nhiệm
cứu độ đầy tình yêu Chúa.
Vượt lên trên mọi ràng buộc trần tục, lời
Chúa sẽ đưa tôi trở về với sự tự do được là chính mình, sự tự do của một “cái
tôi” hạnh phúc được liên kết với chính sự sống của Chúa.
Nước Trời là đó: “Tôi vui sướng thực thi ý Chúa,
và pháp luật Chúa ghi tận đáy lòng tôi.” (Tv 40,9)
Lm. HK