GIÁO LÝ PHÚC ÂM
CHÚA NHẬT II QUANH NĂM A
CHÚA NHẬT II QUANH NĂM A
I. Giáo Huấn Phúc Âm.:
Câu giới thiệu của Gioan Tẩy Giả về Chúa
Giêsu “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!” nhằm xác nhận
rằng:
Thế gian có tội. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế,
Đấng cứu con người khỏi tội.
Chúa Giêsu cứu nhân loại khỏi tội lỗi bằng
việc sát tế chính mình như con chiên để làm của lễ giao hoà giữa Trời và Đất,
mang con người lên trời hưởng hạnh phúc bất diệt.
II. Vấn nạn Phúc Âm.
Tại sao Gioan Tẩy Giả lại giới thiệu Chúa
Giêsu là Chiên Thiên Chúa mà không là một con vật khác như bò, hay bồ câu…?”
Hình ảnh con chiên bị sát tế đã có lâu đời
trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng như trong sinh hoạt tôn giáo của người Do Thái:
Trong sách Xuất hành chương 12, Dân Do Thái
đã được lệnh giết chiên đực một tuổi vô tì vết để lầy thịt ăn và lấy máu bôi
trên cửa làm dấu cứu sống con đầu lòng khỏi bị sứ thần Thiên chúa vào nhà giết
chết đêm họ rời Ai Cập.
Sách Lêvi chương 4:32-34 và 5:6 được coi
như sách luật về phụng vụ tế tự trong đạo Do Thái đã buộc Dân Do Thái dùng
chiên sát tế để chuộc tội mình.
Nhiều chương trong sách Tiên Tri Isaia như Isaia 41:8-9; Isaia 44:1-2, Isaia 44:22; Isaia 45:4; Isaia 48:20; Isaia 49:3 diễn tả máu chiên có giá trị chuộc tội. Hơn thế nữa Isaia từ
chương 53 được coi như là bài tình ca của người tôi tớ Chúa. Nhân vật nầy trung
thành với sứ mạng cứu thế của mình, sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người khác
và ngoan ngoãn như chiên vô tội bị giết chết và không một lời than vãn.
Trong Kinh Thánh Tân Ước, Thư Thứ I của
Thánh Phaolô gửi Corintô 5:7; Phúc Âm Gioan 1:29; Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô
1:19 cũng như sách Tông Đồ Công Vụ 8:32. Tất cả đều dùng hình ảnh Chúa Giêsu
như lễ chiên toàn thiêu, mang ơn tha tội cho dân.
Chúa Giêsu chết đúng vào lúc mà trong đền
thờ người ta sát tế chiên để mừng lễ Vượt Qua. Chúa Giêsu thể hiện đúng hình
ảnh chiên vô tội và người đầy tớ trung thành của Thiên Chúa: chết không một lời
than vãn.
Gioan Tẩy Giả được sinh ra trong chương
trình làm tiền hô cho Đấng Cứu Thế. Ngài cũng là tiên tri cuối cùng trong Cựu
Ước. Ngài đã được linh ứng để nhìn nhận Chúa Giêsu là “Đấng đến sau tôi nhưng
có trước tôi và cao trọng hơn tôi” cũng như Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa Đấng
xoá tội trần gian mà hàng ngàn năm trước đã được tiên báo qua miệng các ngôn
sứ. Không có hình ảnh con vật nào khác diễn tả trọn vẹn và chính xác Chúa Giêsu
là con Thiên chúa, là chiên sát tế cho bằng hình ảnh con chiên làm hy lễ chuộc
tội cho dân mà dân Do Thái đã học biết, đã thấy và đã tin từ lâu đời.
Để dễ hiểu, chúng ta có thể lấy những hình
ảnh so sánh trong văn hoá, phong tục Việt nam. Thí dụ người ta dùng cây trúc để
nói lên hình ảnh của người quân tử, hình ảnh cây tùng cây bách thân to rợm bóng
để diễn tả người chồng, hình ảnh cây liễu yếu mềm có chút lã lơi để diễn tả người
phụ nữ, hình ảnh hoa sen trong đầm lầy để nói lên lòng thuỷ chung hay thanh
liêm của con người… Chúng ta không thể đi ngược lại với những hình ảnh đã in
sâu đậm trong tập tục và văn hoá Việt Nam nầy.
Sách Công Vụ Tông Đồ là gì?
Công vụ Tông Đồ (Acts of the Apostles):
công việc truyền đạo của các Tông Đồ. Trong tiếng La-tinh Công Vụ gọi là Acta,
có nghĩa công việc đang tiến hành hay một ghi nhận những biến cố đang xảy ra
(proceedings or record of happenings)
Công Vụ Tông Đồ là quyển sách ghi lại công
việc truyền đạo của các Tông Đồ sau khi Chúa lên trời, khởi đầu từ Giêrusalem.
Đây cũng là quyển sách mô tả đời sống Giáo Hội sơ khai: bị bách hại, nhưng
người tin Chúa mỗi ngày thêm đông. Truyền thống cho rằng Luca, môn đệ của Thánh
Phaolô là tác giả của Sách Công Vụ Tông Đồ được viết khảng năm 63 khi Thánh
Phaolô bị cầm tù ở Rôma.
Những ngày đầu Chúa xuất hiện công khai rao giảng
tin mừng thì đâu đã kịp chọn gọi các tông đồ. Phúc Âm Thánh Gioan Tông đồ phổ
biến trễ tới 70 năm sau ngày Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu “Đây là Chiên
thiên Chúa…” Làm sao có thể tin đây chính là những lời phát xuất từ miệng Gioan
Tẩy Giả?
Như có lần đã nói: Phúc Âm không là bài
tường thuật sống động sự việc đang xảy ra theo kiểu phóng sự chiến trường hay
kiểu truyền thông tận mắt, đưa tin nóng và giật gân, nhưng là sách dạy giáo lý.
Như Thánh Gioan đã nói: Tất cả được viết ra để anh chị em tin và ai tin thì
được cứu độ. Không ai buộc chúng ta tin lời giới thiệu Chúa Giêsu “Đây Chiên
thiên chúa…” là trăm phần trăm phát xuất từ miệng Gioan Tẩy Giả. Có thể Gioan Tẩy
Giả đã nói. Có thể ông đã nói đại khái như vậy. Cũng có thể Ông đã không nói
gì. Nhưng Chúa Thánh Thần đã linh ứng cho Thánh Gioan Tông Đồ đặt vào miệng
Gioan Tiền Hô những lời giới thiệu về Chúa Giêsu thật chính xác trên. Chính xác
vì diễn tả đúng y chang con người của Chúa Giêsu là Chiên Thiên chúa, Đấng đến
để làm lễ tế chuộc tội muôn dân. Chính xác, vì đó là nhiệm vụ của Gioan Tẩy Giả:
Hài nhi con ơi, con sẽ được gọi là tiên tri của Đấng tối cao. Không ai khác có
thể nói những lời trên ngoài Gioan Tẩy Giả.
Như vậy, nếu Gioan Tẩy Giả không nói hay
nói không đúng như vậy thì hoá ra Thánh Gioan Tông Đồ đặt chuyện sao? Thưa
không là đặt chuyện mà là “thực hiện trọn vẹn” chương trình của Thiên Chúa đã
được tiên báo qua các tiên tri: Gioan tẩy Giả là người được chọn để dọn đường
cho Đấng Cứu Thế. Ông được xếp đặt để nói và hành động như đã được tiên báo về
Ông. Nên Thánh Gioan Tông Đồ đã dùng những gì tiên báo về Đấng cứu Thế và về Gioan
Tiền Hô mà làm thành bài Phúc Âm dạy về ơn cứu độ và Đấng Cứu độ nói trên.
III. Thực hành Phúc Âm
Hy sinh: Đức Cha Bùi Tuần định nghĩa: hy sinh là
chọn sự thua thiệt cho mình. Không ai muốn thua thiệt. Nên người ta ngại hy
sinh. Tuy nhiên Chúa đã hy sinh mạng sống để chúng ta được sống. Cha Mẹ hy sinh
làm việc vất vả để xây dựng tương lai cho con cái mình. Anh chị em phải hy sinh
cho nhau để mưu cầu lợi ích cho nhau. Có những người chị đã không đi lấy chồng để
nuôi đàn em mồ côi Mẹ.
Hàng ngày trong xã hội, nhiều nhà khoa học
đã hy sinh giờ nầy sang giờ khác để nghiên cứu, tìm tòi những khám phá mới phục
vụ con người. Các linh mục hy sinh học hỏi để tìm những hướng dẫn cụ thể và ích
lợi cho giáo dân. Giáo dân hy sinh để đóng góp xây dựng giáo xứ. Đời người sống
nhờ hy sinh. Hy sinh làm đời sống phong phú và có giá trị. Không ai có thể tránh
né hy sinh. Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống làm chiên hy tế mang ơn cứu độ muôn
người.
Hàng ngày hãy tìm một hy sinh nhỏ để làm
cho đời mình có giá trị cứu độ hay mang ơn ích cho người khác. Những bạn trẻ
sống trong gia đình có thể giúp Cha Mẹ mình để quét dọn nhà cửa hay sống trật
tự ngăn nắp. Nếp sống trong xã hội hiện tại dễ sinh ra ích kỷ: Mỗi người một
giang sơn trong căn nhà chung. Mỗi người có công việc riêng và những quan hệ
riêng mà người khác phải tôn trọng. Mỗi người lo thủ cho tương lai của mình. Nên
hy sinh giúp đỡ nhau, cho dù một lời hỏi thăm “có khoẻ không? Có cần tôi giúp
gì không?” cũng khó kiếm trong đời thường.
Gương hy sinh qua trận chiến Trân Châu Cảng:
Có đôi lần tôi viếng thăm Trân Châu cảng ở
Hạ Uy Di. Thường tôi đứng lặng nhìn chiếc tàu chìm dưới đài tưởng niệm và đếm
tên của hơn 1200 lỉnh Hải Quân Hoa Kỳ bị giết chết do máy bay của Nhật tấn công
ngày 7.12.1941. Cả hai bên đều chết. Cả hai bên đều nghĩ mình hy sinh cho hoà bình
thế giới và cho những thế hệ mai sau.
Không ai còn bình luận hay xét đoán sai
trái trong trận chiến kinh hoàng nầy. Tôi cũng vậy, tôi khâm phục lòng hy sinh
thành thật của tất cả hai bên. Không ai ước mong có những trận Trân Châu Cảng
tương tự trong tương lai, nhưng ai cũng cầu mong luôn có những hy sinh chân
thành phục vụ.