Bài giảng của thánh Vianney _ lừng khừng

Bài 7
LỪNG KHỪNG
Ai đang sống trong tình trạng lừng khừng còn nguy hiểm hơn cả những người mắc tội trọng. Một tội nhân hối tiếc cho tình trạng của mình khi lương tâm họ thức tỉnh. Thậm chí họ còn muốn từ bỏ cuộc sống tội lỗi, và ngày nào đó họ sẽ làm được điều đó. Thế nhưng, một linh hồn sống trong tình trạng lừng khừng không bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ tình trạng đó…
“Bởi vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta." (Kh 3,16)
C
ác con thân mến, chúng ta có thể nào không run sợ khi nghe lời lẽ trên đây từ chính miệng Thiên Chúa lên án một giám mục, có vẻ như đã chu toàn hết tất cả bổn phận của người tôi tớ giáo hội? Vị này có một đời sống rất nghiêm túc, và ông không phải là người sống bất công. Không hề chấp thuận điều xấu xa, ông chống lại nó một cách mạnh mẽ. Ông không làm gương xấu, và cuộc đời ông dường như xứng đáng là mẫu mực cho người khác noi theo. Ấy thế, mặc dù ông có được tất cả những điều này, chúng ta học biết rằng Thiên Chúa đã dùng thánh Gioan nói với ông rằng nếu ông cứ tiếp tục sống như thế, ông sẽ bị Thiên Chúa xa tránh, bị trừng phạt, và không được cứu rỗi.
Các con thân mến, ước gì bài học này phải làm cho chúng ta sợ hãi, bởi vì có nhiều người đang bước đi trong cùng đường lối và cách thức như vậy, và cứ nghĩ rằng mình chắc chắn sẽ được cứu rỗi. Ôi, dưới cái nhìn của thế gian, số người chắc chắn được rỗi hay hư mất thì họa hiếm biết bao! Con đường nào chúng ta đang đi theo? Chúng ta có đi đúng đường không? Lẽ ra chúng ta phải run sợ vì chúng ta không biết gì cả. Thế thì, chúng ta hãy cố gắng suy xét xem mình có vô phúc sống trong tình trạng lừng khừng này hay không. Hôm nay cha sẽ nói cho các con biết hai điều:
1. Làm thế nào các con có thể biết mình có lừng khừng hay không.
2. Và phương thức để các con tránh được sự bất hạnh này.
1) Các con thân mến, ngày hôm nay cha nói với các con về tình trạng kinh khủng của một linh hồn lừng khừng, cha không muốn nói đến những người không bao giờ lãnh nhận bí tích Hòa giải và Thánh Thể. Những người như vậy không phải là người lừng khừng. Họ thuộc loại khô khan nguội lạnh, linh hồn họ đã hư mất, cho dù họ vẫn đi nhà thờ và làm một vài việc tốt lành đạo đức. Chúng ta hãy cứ để mặc họ hư mất bởi vì họ muốn như vậy.
Nhưng các con có thể thắc mắc, tất cả những người lãnh nhận bí tích, ít nhất trong mùa Phục sinh sẽ không được cứu rỗi sao? Chắc hẳn như vậy, không phải tất cả những người đó đều được cứu rỗi đâu, bởi vì nếu tất cả những ai siêng năng lãnh nhận các bí tích đều được cứu rỗi, thì số người được tuyển chọn đâu có ít như thật tế. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta hãy ý thức rằng tất cả những ai được phúc vào Thiên đàng, sẽ được chọn từ những người năng lãnh nhận các bí tích, chứ không phải từ những người thậm chí mùa Phục sinh cũng không thèm xưng tội và rước lễ. Qua đó các con cũng sẽ biết rằng nếu tất cả những người không làm tròn bổn phận của mùa Phục sinh sẽ bị hư mất, thì số người bị trầm luân sẽ rất nhiều. Chắc chắn sẽ có rất nhiều người hư mất. Cho dù người ta có nói ngang ngược thế nào đi nữa, rõ ràng tất cả những ai có một cuộc sống tội lỗi phải cam chịu số phận đó. Chẳng lẽ suy nghĩ này không làm cho tâm hồn các con sợ hãi sao?
Các con thân mến, một lần nữa cha không xem những người cố gắng làm tôi thế gian, lại không ngừng muốn làm tôi Thiên Chúa là lừng khừng. Lúc này các con thấy họ quỳ trước mặt Chúa, lúc khác các con lại thấy họ cũng làm điều đó trước những thần tượng thế gian. Thật là người mù quáng! Tay này họ nắm Thiên Chúa, tay kia họ nắm thế gian, họ kêu cầu và dâng mình cho cả hai bên. Họ yêu mến Chúa – ít là trong ý muốn – nhưng đồng thời họ cũng muốn yêu mến thế gian. Nhưng rồi không bao lâu, họ cảm thấy mệt mỏi vì phải cố gắng làm đẹp lòng cả hai bên, cuối cùng họ nghiêng hẳn về thế gian.
Giờ đây, hỡi những người ở trong tình trạng của một tâm hồn lừng khừng hãy nghe cha nói. Một linh hồn lừng khừng không hoàn toàn chết đi trong mắt Chúa, vì đức tin, đức cậy, và đức mến trong cuộc sống thiêng liêng của họ chưa hoàn toàn bị dập tắt. Nhưng họ có một đức tin không nhiệt thành, họ có một đức cậy không kiên vững, họ có một đức mến không nóng bỏng. Các con hãy để cha nói cho các con biết đâu là người tín hữu nhiệt thành, người thật sự ao ước cứu lấy linh hồn mình, và đâu là người có cuộc sống lừng khừng trong việc phụng sự Chúa. Rồi chúng ta sẽ so sánh cả hai, xem mình thuộc về hạng người nào. Người tín hữu tốt lành không tự mãn khi chỉ dựa vào những chân lý mình đã tin trong đạo. Họ yêu mến chúng, suy gẫm chúng thấu đáo, và cố gắng hết sức để hiểu được chúng; họ yêu thích nghe lời Chúa, họ càng nghe họ càng muốn nghe hơn nữa. Họ không chỉ tin rằng Thiên Chúa luôn nhìn thấy tất cả mọi việc họ làm, mà còn phán xét tất cả trong giờ chết, nhưng họ run sợ khi nghĩ một ngày nào đó mình sẽ phải trả lẽ về toàn bộ cuộc đời mình trước mặt Chúa. Họ không chỉ nghĩ về điều này, sợ hãi về nó, nhưng còn ra sức cố gắng để hoàn thiện mình mỗi ngày. Họ luôn luôn cố gắng tìm ra những cách thức mới mẻ để làm việc đền tội.
Những người này thật khác xa với những tín hữu có một đời sống lừng khừng biết bao! Họ vẫn tin tưởng vào tất cả những chân lý mà Giáo hội tin tưởng và dạy dỗ, nhưng đức tin của họ thì yếu kém đến nỗi họ chẳng hề quan tâm đến nó tí nào cả. Họ tin tưởng Thiên Chúa nhìn thấy mình, và họ luôn ở trước sự hiện diện của Chúa. Thế nhưng trong khi tin tưởng điều này, họ lại không sửa đổi, tội lỗi của họ chẳng bớt đi tí nào. Họ phạm tội dễ dàng như thể họ chẳng tin điều gì. Họ hiểu rất rõ rằng bao lâu họ còn ở trong tình trạng này, họ trở thành thù địch với Thiên Chúa, ấy vậy mà họ vẫn không chịu cố gắng cứu lấy mình ra khỏi đó. Họ biết rằng Chúa Giêsu đã lập bí tích Hòa giải, có năng lực tha thứ mọi tội lỗi và giúp chúng ta đạt được nhân đức. Họ biết rằng bí tích này ban cho chúng ta các ơn sủng phù hợp với tấm lòng mà chúng ta đón nhận nó. Nhưng tất cả những điều này đều không có kết quả. Họ vẫn kéo lê cuộc đời mình trong sự chai lì và lãnh đạm. Những lần xưng tội và rước lễ dần dần thưa thớt. Họ thường đợi đến những ngày lễ lớn, hay năm thánh, hay vì bắt buộc, hay chỉ làm điều đó bởi vì thấy người khác làm như vậy, chứ không phải vì nhu cầu của linh hồn mình. Chẳng những họ không được công phúc của bí tích cao quý này, mà họ cũng chẳng có chút ghen tị nào với những người thường xuyên lãnh nhận nó. Nếu các con nói với họ về những việc thiêng liêng, họ chẳng thèm để ý tới. Không có gì đánh động được họ. Họ lắng nghe lời Chúa, nhưng điều đó làm cho họ mệt mỏi. Họ nghe theo thói quen. Họ không thích kinh nguyện dài dòng. Lòng trí họ chỉ đầy ắp những việc họ đã làm và sẽ làm. Linh hồn đáng thương của họ chiến đấu với sự chết. Nó vẫn sống đó, nhưng chẳng còn bất cứ khả năng làm bất cứ điều gì để đạt được nước trời.
Còn đức cậy của người tín hữu tốt lành luôn kiên định; lòng tin tưởng của họ vào Chúa không hề lay chuyển. Họ không bao giờ quên đi sự sống đời sau. Sự hoài niệm về những đau khổ của Chúa luôn ở trong tâm trí họ. Đôi lúc họ suy nghĩ về Hỏa ngục, để hình dung hình phạt dành cho tội lỗi lớn lao thế nào, để suy nghĩ về sự đau khổ vô cùng của các tội nhân. Có lúc họ nâng lòng trí mình lên tới Thiên đàng, khơi dậy lòng yêu mến Chúa, và họ cũng có thể hiểu được sự hạnh phúc của những người coi trọng Thiên Chúa hơn tất cả mọi tạo vật. Họ nghĩ về phần thưởng lớn lao thuộc về những ai từ bỏ mọi sự để thi hành thánh ý Chúa. Rồi họ chỉ ước muốn một mình Thiên Chúa mà thôi. Những lợi lộc trần gian này không nghĩa lý gì đối với họ. Các thú vui của thế gian chỉ làm họ thêm chán ghét. Họ chẳng sợ chết tí nào, vì họ biết rõ rằng cái chết sẽ giúp họ thoát khỏi những đau khổ ở thế gian này, và kết hiệp họ với Chúa mãi mãi.
Thế nhưng một linh hồn lừng khừng thì không nghĩ được sâu xa như vậy. Cuộc sống đời sau chẳng quan trọng gì đối với họ. Nếu họ có nghĩ đến Thiên đàng, họ cũng chẳng có lòng ao ước thật sự để vào đó. Họ biết rằng tội lỗi sẽ đóng cửa Thiên đàng không cho họ vào. Đồng thời họ không cố gắng sửa đổi, ít ra có một thái độ tích cực hơn. Kết cục, họ chỉ thấy mình ở mãi trong cùng một tình trạng. Ma quỷ đã lừa dối họ bằng cách thuyết phục họ làm nhiều quyết tâm để nên tốt lành hơn, để tha thiết với lời Chúa hơn, để nhẫn nhục hơn trong mọi thử thách, để tử tế hơn với mọi người. Nhưng tất cả những điều này cũng không thay đổi được tí xíu nào trong cách sống của họ. Vì trong suốt hai mươi năm hay hơn nữa, họ vẫn lập lại những quyết tâm này, tuy nhiên, không có một tật xấu nào của họ bị mất đi cả. Và nếu như họ có thể trải qua cuộc đời mà không có những thánh giá và thử thách, họ sẽ chẳng bao giờ muốn rời bỏ thế gian này. Nếu các con nghe họ nói rằng cuộc đời này quá dài và đau khổ, đó chỉ là khi mọi thứ không theo như ý họ muốn. Khi Thiên Chúa gởi đến cho họ thánh giá hay thiếu thốn, để thúc ép họ tách mình ra khỏi cuộc đời này như nó phải là, thì hỡi ôi! Lòng họ đầy cay đắng, lúc nào cũng than trách và lẩm bẩm kêu ca, và thường cảm thấy phần nào tuyệt vọng. Họ không nghĩ rằng chính Chúa đã gởi đến những thử thách này vì lợi ích của mình, để tách họ ra khỏi cuộc đời này và lôi kéo họ về với Người. Họ chỉ làm những gì ngược lại, họ nghĩ về mình, nghĩ rằng có nhiều người tội lỗi hơn họ, tại sao những người đó không phải chịu những thử thách như họ?
Một tín hữu tốt lành ít khi thu tích những của cải trần thế. Nếu các con nói với họ về chúng, họ sẽ dửng dưng y như những người thế gian khi nghe nói về những sự vĩnh cửu. Tóm lại, họ chỉ thấy hạnh phúc trong thánh giá, đau khổ, cầu nguyện, chay tịnh, và nghĩ về Chúa. Còn người tín hữu lừng khừng thì mất tin tưởng vào Chúa, mặc dù có lẽ chưa mất hoàn toàn; nhưng họ lại rất tin vào chính mình. Mặc dù họ rất thường gần gũi với dịp tội, họ vẫn tin rằng mình sẽ không sa ngã. Nếu họ có ngã, họ lại đổ tội cho người khác, và quả quyết với mình rằng lần sau họ sẽ kiên vững hơn.
Còn người thật sự yêu mến Chúa, rất lo lắng cho việc cứu rỗi linh hồn mình, sẽ tận dụng mọi cách để xa lánh các dịp tội. Họ không chỉ tránh né các tội trọng, mà còn cẩn thận xa lánh hết mọi tội nhẹ khác nữa. Họ xem mọi thứ có thể làm mất lòng Chúa như sự dữ lớn lao, hay đúng hơn là điều gì làm mất lòng Chúa, cũng khiến họ chán ghét. Họ nghĩ mình đang đứng dưới chân một cái thang mà họ phải leo lên. Họ nhận thức rằng để lên được tới thanh ngang cao nhất, họ phải tranh thủ thời gian, để mỗi ngày họ tiến tới từ nhân đức này đến nhân đức khác, cho đến ngày giờ sau hết. Họ như con đại bàng bay trong không khí, hay giống như sấm sét từ lúc xuất hiện đến khi biến mất, không mất đi tốc lực của nó. Phải, đây chính là những gì một linh hồn phải làm, là sống cho Chúa, và khao khát mãnh liệt được chiêm ngưỡng Chúa.
Tình yêu mến Chúa này không thể tìm thấy nơi linh hồn lừng khừng. Các con không nhận thức được lòng khao khát mãnh liệt đó, và ngọn lửa bùng cháy đó lướt thắng tất cả mọi trở ngại của phần rỗi. Nếu các con muốn hình dung tình trạng của một linh hồn lừng khừng, cha chỉ có thể mô tả cho các con rằng nó giống như một con rùa hay một con ốc sên. Nó di chuyển cách chậm chạp đến nỗi các con khó lòng mà biết được nó đang đứng yên hay đang di chuyển. Tình yêu mà các tín hữu lừng khừng dành cho Chúa trong tâm hồn giống như một ngọn lửa cháy yếu ớt, bị chôn dưới đống tro. Tình yêu này bị bao vây bởi những tư tưởng và ước muốn trần tục đến nỗi nếu nó không bị ngộp, thì cũng không thể cháy lên được, và nó sẽ từ từ bị dập tắt. Nhưng tệ hại hơn nữa, linh hồn lừng khừng cũng dửng dưng trước sự suy nhược của mình.
Một tín hữu có đời sống lừng khừng ít ra vẫn chu toàn các bổn phận của mình, theo như bề ngoài người ta nhận thấy. Họ có thể quỳ gối đọc kinh mỗi sáng, họ có thể xưng tội rước lễ một năm một lần, có khi còn hơn nữa, chỉ có điều trong khi làm những việc này, họ tỏ vẻ rất miễn cưỡng, rất khó chịu, rất thờ ơ, chuẩn bị sơ sài, cuộc sống họ không thay đổi tí nào, đến nỗi các con có thể thấy rõ ràng rằng họ làm việc bổn phận theo thói quen và với tính cách miễn cưỡng, bởi vì họ bị bắt buộc phải làm điều đó. Những lần xưng tội, rước lễ của họ chưa đến nỗi phạm thánh, nhưng chúng không đem lại kết quả nào cả. Thay vì làm cho họ thêm hoàn hảo và xứng đáng hơn trước mặt Chúa, chúng chỉ làm cho họ thêm tội lỗi. Một người lừng khừng suy nghĩ rất ít về tình trạng của linh hồn mình, và họ ít khi xét mình về quá khứ của họ. Nếu họ có nghĩ về linh hồn mình, họ tin rằng họ hết sức hoàn hảo bởi lẽ họ đã xưng thú tội lỗi mình. Họ có nghĩ về những nhu cầu của linh hồn mình, nhưng chỉ nghĩ đến một cách qua loa. Họ đứng trước sự hiện diện của Chúa mà không biết mình sẽ phải trả lẽ về điều gì.
2) Các con thân mến, giờ đây các con hãy xét mình, và xét xem mình đang đứng bên phía nào: Các con có đứng bên phía những người tội lỗi, những người đam mê mọi thứ; những người không hề nghĩ về phần rỗi linh hồn mình; những người đắm mình trong tội lỗi mà không hề hối hận ăn năn không? Các con có đứng bên phía những linh hồn công chính, những người duy nhất chỉ tìm kiếm Thiên Chúa không? Hay các con thuộc về những linh hồn khốn khổ kia, những tín hữu lãnh đạm thờ ơ, mà cha đã nói cho các con biết? Các con đang đi trên con đường nào? Ai có thể nói rằng mình không là tội nhân, không phải là người lừng khừng, nhưng là người đã được tuyển chọn! Có rất nhiều người, trong mắt thế gian, có vẻ như là những tín hữu tốt lành, nhưng dưới mắt Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi ý tưởng, họ là người lừng khừng.
Nhưng các con sẽ thắc mắc, phương thức nào các con phải áp dụng để có thể thoát ra khỏi tình trạng khốn khổ này? Trước hết, cha muốn nói cho các con biết rằng một cách nào đó, ai đang sống trong tình trạng lừng khừng còn nguy hiểm hơn cả những người mắc tội trọng. Một tội nhân hối tiếc cho tình trạng của mình khi lương tâm họ thức tỉnh. Thậm chí họ còn muốn từ bỏ cuộc sống tội lỗi, và ngày nào đó họ sẽ làm được điều đó. Thế nhưng, một linh hồn sống trong tình trạng lừng khừng không bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ tình trạng đó, bởi vì thậm chí họ nghĩ rằng mình thân thiết với Chúa. Vậy chúng ta phải kết luận thế nào từ những điều này? Các con thân mến, linh hồn lừng khừng ở trong mắt Chúa rất ghê tởm, đến nỗi Người sẽ mửa nó ra ngoài, tức là, Người sẽ bỏ nó cho sự trầm luân. Ôi, biết bao nhiêu linh hồn bị hư mất bởi tình trạng này.
Nếu các con muốn thoát khỏi sự lừng khừng này, các con phải đặt mình luôn trước cửa Hỏa ngục, nơi các con có thể nghe những tiếng la hét và tru tréo vì bị hư mất, rồi các con sẽ có được khái niệm về những hình khổ mà họ phải chịu, bởi vì trong suốt cuộc đời, họ đã coi thường việc phần rỗi của mình. Hãy nâng lòng trí các con lên Thiên đàng, và nhìn ngắm vinh quang của các thánh, điều vốn thuộc về họ, bởi vì trong khi còn sống ở trần gian này, họ đã chiến đấu và nghiêm khắc với chính mình. Các con thấy đó, với lòng sốt sắng và nhiệt thành nhất, những người đạo đức kia đã giam mình trong tu viện, lo sao cho mình được lãnh nhận các bí tích thường xuyên. Các con thấy họ sẵn lòng tha thứ biết bao, và làm ơn cho những kẻ bách hại hay nói xấu mình. Hãy nhìn xem đức khiêm nhường của họ! Họ coi nhẹ mình biết bao, và họ sợ hãi những lời khen ngợi và ý kiến tốt đẹp của thế gian biết bao. Hãy nhìn xem họ cẩn thận biết bao để xa lánh các dịp tội nhẹ nhất, và họ đã chảy bao nhiêu nước mắt hối tiếc những tội lỗi trong quá khứ của mình. Hãy nhìn xem ý định của họ trong tất cả mọi việc tốt lành biết bao. Họ chỉ nghĩ về Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Người mà thôi. Các con thân mến, chúng ta hãy kết luận bằng cách nói rằng không có gì đáng cho người ta sợ hãi cho bằng sự lừng khừng, bởi vì một tội nhân tày trời còn dễ hoán cải hơn là một linh hồn lừng khừng. Chúng ta hãy cầu nguyện tha thiết với Chúa, nếu chúng ta thấy mình đang ở trong tình trạng này, để Người ban cho chúng ta ơn lìa bỏ nó, và bước theo con đường các thánh đã đi, để chúng ta có thể đạt tới hạnh phúc mà các ngài đang vui hưởng. Đây là những gì cha mong ước cho tất cả các con.