Tôi Tớ Thiên Chúa
BERTHOLD ở RATISBON
(c. 1272)
Lược sử
Sinh ở Đức vào khoảng
năm 1220, ngay từ khi còn trẻ, Berthold người xứ Ratisbon đã gia nhập dòng
Phanxicô khi mới được thành lập. Ngài đạo đức, chịu khó sống kham khổ, và được
hướng dẫn bởi vị linh hướng nổi tiếng
là cha David người xứ Augsburg. Nhận
thấy Berthold có khoa ăn nói nên cha David đã khuyến khích và giúp vị linh mục
trẻ tuổi này trau dồi thêm khả năng đó.
Không bao lâu khắp Đế
Quốc Đức, ai ai cũng biết tiếng Cha Berthold là một người rao giảng đại tài.
Cha Berthold có ơn tiên tri và đã tiên đoán đúng
nhiều thiên tai và biến cố trong thời ấy. Sau khi ngài từ trần ở Ratisbon năm
1272, ngôi mộ ngài trở nên trung tâm hành hương. Tinh thần của ngài vẫn sống
động trong các bài giảng, mà nhiều bài ấy vẫn thích hợp trong thời đại chúng
ta.
Suy niệm 1: Linh
hướng
Berthold được hướng dẫn bởi vị linh hướng
nổi tiếng là cha David người xứ Augsburg.
Theo Shalem: 'Linh hướng là mối liên hệ
giữa hai cá nhân với nhau, trong đó vị linh hướng là người hướng dẫn người kia
xét lại cuộc sống của họ dưới ánh sáng ơn gọi của mình để họ trở nên người
trung thành và vâng lời bằng tận đáy con tim của mình. Người linh hướng là một
dụng cụ dùng để mở rộng khả năng nhận thức rõ ràng tiếng nói bên trong của Chúa
Thánh Thần và phát triển lòng can đảm, đức tin, cùng sự tự nguyện vâng theo
tiếng nói của Chúa một cách thật tự do.'
Thiên Chúa đã dùng con người để thúc giục và
hướng dẫn con người tìm ra đường lối của Chúa. Linh hướng đã có từ thời xa xưa
trong Giáo Hội. Ta thấy Heli là một vị linh hướng cho Samuel nhận ra được tiếng
Chúa muốn nói chuyện với Samuel (1Sm 3,1- 14) Đến thời Chúa Giêsu, ta thấy ngài
cũng là một vị linh hướng thật tài giỏi cho riêng biệt từng người, điển hình
như Nicôđêmô vào ban đêm (Ga 3, 1- 21), Nathanael (Ga 1, 47- 49), người thanh
niên giầu có (Mt 19, 16- 22), người phụ nữ thành Samari (Ga 4,7- 30). Rải rác
nhiều chỗ trong Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu là linh hướng cho các môn đệ. Thời
Giáo Hội tiên khởi ta cũng thấy các tông đồ là linh hướng, rồi đến thế kỷ thứ
bốn có các thánh tu rừng, đến khoảng thế kỷ thứ sáu linh hướng được bành tướng
thêm ở các đan viên.
Thế kỷ 21 này linh hướng không chỉ đơn
thuần hướng dẫn đời sống tâm linh cho những người sống cách biệt với xã hội,
nhưng nối liền đời sống tâm linh với những thực tại của thế giới với trách
nhiệm của một công dân như bình an, công bằng trong gia đình, và công sở. Vậy,
linh hướng cần thiết cho mọi Kitô hữu chứ không chỉ dành riêng cho giới tu sĩ
(Sr. Nắng Hạ, OP).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có được một vị linh hướng hữu ích cho đời sống
đạo của chúng con.
Suy niệm 2: Xứ
Augsburg-phép lạ
Berthold được hướng dẫn bởi vị linh hướng
nổi tiếng là cha David người xứ Augsburg.
Lịch sử phép lạ này bắt đầu với một người
đàn bà ở Augsburg, bà nảy ra ý nghĩ muốn giữ Thánh Thể trong nhà mình. Với mục
đích này, vào một buổi sáng nọ, bà đã lên rước lễ và kín đáo lấy Thánh Thể ra
khỏi miệng và đưa về nhà. Tại đây, bà đã tạo ra hai miếng sáp, đặt Bánh Thánh
giữa rồi hàn kín các mép lại, tạo nên một chiếc hộp đựng thô kệch. Bà đã giữ
Thánh Thể như thế suốt năm năm trời; nhưng trong quãng thời gian ấy, lương tâm
cắn rứt đến độ bà đã buộc lòng phải đem câu chuyện ấy trình bày với cha sở vào
năm 1199, và cha sở đã tức tốc đi đến nhà bà và đưa Bánh Thánh về nhà thờ Thánh
Giá.
Trong số những vị linh mục của giáo xứ lúc
bấy giờ có một vị tên là Berthold làm ca trưởng ca đoàn được coi là một vị
thánh. Cha Berthold được ủy thác mở chiếc hộp sáp, và chính ngài là người đầu
tiên nhìn thấy phần Bánh Thánh ấy đã biến nên như thịt, có những gân đỏ rõ
ràng. Tất cả các linh mục tại cộng đồng chứng kiến việc mở chiếc hộp sáp đều
kinh ngạc. Họ bàn luận vấn đề một lúc lâu, và sau đó quyết định rằng họ có thể
xác định tốt hơn tính chất của hiện vật nếu như bẻ làm hai phần. Trước sự ngỡ
ngàng của các ngài, Thánh Thể không thể bẻ làm đôi bởi vì đã được kết chặt với
nhau bằng những gân máu giống như các sợi chỉ. Khi ấy, các ngài xác nhận hiện
vật ấy chính là thịt của Chúa Giêsu Kitô.
Trước cảnh tượng ấy, một số linh mục không
nói nên lời, một số kinh hãi, và một số khác đề nghị giữ kín sự kiện biến thể
ấy. Tuy nhiên, vị coi phòng áo kiến nghị nên tường trình sự việc cho đức giám
mục, và thế là vấn đề lập tức đã được thông tri cho đức giám mục.
Trước sự hiện diện của đức giám mục
Udalskalk, người đã cẩn thận xem xét Bánh Thánh phép lạ, nhiều tín hữu trong
giáo xứ và các linh mục từ các nơi cũng đến chứng kiến phép lạ. Lúc ấy, đức
giám mục ra lệnh đặt Mình Thánh phép lạ vào chiếc hộp sáp và đưa về nhà thờ
chính tòa (Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 4, Regina xb, USA,
2002).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhận ra phép lạ Thánh thể hằng tái diễn
trên bàn thờ sau lời truyền phép của chủ tế.
Suy niệm 3: Xứ
Augsburg-sùng kính
Berthold được hướng dẫn bởi vị linh hướng
nổi tiếng là cha David người xứ Augsburg.
Tại nhà thờ chính tòa, Mình Thánh đã được
bày kính trong suốt thời gian từ lễ Phục Sinh đến lễ thánh Gioan Tẩy Giả. Trong
thời gian này, một phép lạ thứ hai đã xảy ra: người ta nhìn thấy Mình Thánh nở
to ra và làm vỡ chiếc hộp sáp và tách ra ngoài. Mình Thánh màu đỏ máu tự động
tách khỏi chiếc hộp sáp bên ngoài, không do can thiệp nào của con người.
Theo đề nghị của đức giám mục, Mình Thánh
phép lạ và những mảnh sáp bấy giờ được đặt vào trong một chiếc hộp pha lê và
được trả về nhà thờ Thánh Giá. Tại nhà thờ này, Mình Thánh phép lạ đã được lưu
giữ trong chiếc hộp pha lê ấy một cách hoàn hảo trên 780 năm.
Đức giám mục Dekret, vào ngày 15 tháng 5
năm 1199, đã ấn định tổ chức những nghi lễ đặc biệt hằng năm để ghi nhớ phép lạ
này. Ngày lễ kỷ niệm hằng năm được gọi là Fest des Wunderbarlichen Gutes, tức
là ngày lễ Báu Tàng Phép Lạ Kỳ Diệu. Hằng năm, cứ vào ngày 11 tháng 5, lễ ngày
được cử hành trọng thể, với những lễ phục đặc biệt.
Dần dần, những nhà thờ khác cũng bắt đầu
mừng ngày lễ ấy, trong số đó có nhà thờ thánh Moritz; sau đó, năm 1485 là nhà
thờ thánh George; năm 1496 là nhà thờ Domkirche; và vào khoảng năm 1639, lễ này
đã được cử hành thường niên trong toàn thể giáo phận Augsburg, và các nhà thờ
mới cũng sử dụng các nghi thức truyền thống ấy. Nhiều sự kiện được chữa lành
bệnh xảy ra trong thời gian cử hành các nghi thức tôn vinh các phép lạ
thánh(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 4, Regina xb, USA, 2002).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con bày tỏ lòng kính phép lạ Thánh Thể bằng việc
siêng năng hiệp dâng Thánh lễ và nhất là dọn mình xứng đáng rước lấy cũng như
viếng thăm vào những lúc thuận tiện.
Suy niệm 4: Rao
giảng-danh tiếng
Ai ai cũng biết tiếng Cha Berthold là một
người rao giảng đại tài.
Các thi sĩ và các sử gia thời ngài thường
tham khảo và gọi ngài bằng nhiều danh hiệu: Người anh em ngọt ngào, người dấu
ái của Thiên Chúa, vị tiên tri Êlia thứ hai, thầy của mọi đất nước. Chìa khóa
của mọi thành công trong lãnh vực này một phần nhờ vào đời sống thánh thiện của
ngài và một phần nhờ vào uy lực của thứ ngôn ngữ xuất phát từ lối sống khiêm hạ
của ngài. Một trong các bài diễn thuyết trình bày về Cuộc Phán Xét cuối Cùng
được quần chúng hâm mộ để trở thành một cuốn sách với nhan đề “The Valleys of
Josaphat” (Thung Lũng Giôsaphát).
Các bài giảng của ngài đã được các học giả
lưu giữ lâu dài cho hậu thế, như một đóng góp quan trọng cho lịch sử phát triển
của nền văn học về giảng thuyết thuộc thế kỷ 13. Các bài giảng ấy được xuất bản
vào năm 1824, và ngài được gọi là một nhà học giả Đức quốc và một sử gia của
việc phát triển nền văn minh Đức quốc. Ngài cũng được đánh giá như một mẫu
gương cho giới giảng dạy trên bục giảng.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống khiêm hạ và thánh thiện như là chìa
khóa của mọi thành quả.
Suy niệm 5: Rao
giảng-hiệu quả
Ai ai cũng biết tiếng Cha Berthold là một
người rao giảng đại tài.
Qua sự rao giảng của cha, lời Chúa đánh
động những tâm hồn chai đá. Hàng ngàn người đổ về để nghe ngài giảng. Có khi,
số người lên đến hơn 100.000, và ngài phải leo lên tòa giảng được dựng trên một
cái cây cao để mọi người có thể nghe được. Ngày nay, một cánh đồng thật lớn ở
Bohemia vẫn còn được gọi là Cánh Đồng Cha Berthold, vì ngài đã giảng thuyết ở
đây. Nhiều người được ơn trở lại, thay đổi đời sống, sám hối tội lỗi. Và họ xây
một tu viện và một nguyện đường ở Ratisbon để dâng kính Thánh Maria Mađalêna. Ngày
nay tu viện và nhà thờ này vẫn còn đó và do các Nữ Tu Dòng Thánh Clara Nghèo
Hèn trông coi.
Công cuộc rao giảng của ngài trải dài 4 năm
ở các vùng Rhine, Alsace và Switzerland. Và suốt 10 năm tiếp theo ở Austria,
Moravia, Bohemia và Silesia. Vào năm 1263, Đức Giáo Hoàng Urban IV chỉ định
ngài giảng thuyết cho Thập Tự Chinh. Vào năm 1270, ngài trở về Ratisbon và lưu
lại đây cho đến khi chết vào ngày 14.12.1272.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng khả năng Chúa ban để giúp tha nhân
trở về với Chúa.
Suy niệm 6: Ơn tiên
tri
Cha Berthold có ơn tiên tri và đã tiên đoán
đúng nhiều thiên tai và biến cố trong thời ấy.
Những ngày đầu, sau khi Gioan được sinh ra,
thầy cả Dacaria, thân phụ của Gioan, đã nói về Gioan: “Từ nay, con ơi, con sẽ
là tiên tri của Đấng Tối Cao” (Lc 1,76). Lời nói trên đây của thầy cả Dacaria
là do ơn Chúa Thánh Thần. Vì thế, chúng ta sẽ suy gẫm lời đó. Hiểu về tiên tri
Gioan thời đó, cũng sẽ là cách hiểu về sự được chia sẻ ơn tiên tri thời nay.
Thời đó, Gioan đã thực thi ơn tiên tri thế nào?
a) Thưa, trước hết Ngài thực thi ơn tiên tri bằng cách
loan truyền cái nhìn của Chúa và ý định của Chúa về tình hình lúc đó. Tình hình
lúc đó bề ngoài coi như ổn định. Nhưng Gioan được ơn Chúa, đã loan báo rằng:
Chúa nhìn tình hình đó một cách khác. Đó là một tình hình có nhiều tội lỗi. Tội
lỗi phát triển đều khắp, bề rộng và bề sâu. Đó là một tình hình nguy hiểm. Ý
định của Chúa là người ta phải nhận thức về tội lỗi mình, phải sám hối ăn năn
về tội lỗi mình. Hơn nữa, người ta phải sẵn sàng đón nhận Đức Kitô. Người là
Đấng Cứu Thế. Gioan giới thiệu Chúa Giêsu thế này: “Đây là Chiên Thiên Chúa.
Đây Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1,29). Nếu không sám hối, người ta sẽ không
tránh được hình phạt nặng nề. Thánh Gioan cho thấy hình phạt nặng nề đó đang
tới. Như cái rìu đã kề sát cây không sinh trái (x. Mt 3,10).
b) Loan báo những sự thực trên là điều cần. Nhưng chưa
đủ. Thánh Gioan đã thực thi ơn tiên tri bằng một bước nữa. Đó là đi trước mặt
Chúa (x. Lc 1,76). Đi trước mặt Chúa là phải rất mực khiêm nhường. Thánh Gioan
nói: “Tôi không đáng cởi quai giày của Người” (Lc 3,36). Đi trước mặt Chúa còn
là tập trung đề cao Chúa Cứu Thế: “Người phải nổi bật, còn tôi thì phải lu mờ”
(Ga 3,30). Đi trước mặt Chúa là biết tỉnh thức nhận ra Chúa và giới thiệu Chúa,
cho dù Chúa đến dưới hình thức nào, kể cả dưới hình thức kẻ tội lỗi. Như xưa
Chúa Giêsu đã đến với Gioan dưới hình thức một người sám hối, xin Gioan làm
phép rửa (x. Mt 3,13).
c) Đi trước mặt Chúa và loan truyền ý Chúa đã là những
nét đẹp của tiên tri Gioan. Tuy nhiên, Gioan còn thực thi ơn tiên tri bằng một
việc nữa, đó là giới thiệu cái hồn tiên tri của Ngài được đào tạo trong sa mạc.
“Tôi là tiếng kêu trong sa mạc”(Ga 1,23). Trong Cựu Ước và Tân Ước, sa mạc
thường được hiểu là nơi thanh vắng. Tại đó, người ta cầu nguyện, suy niệm, lắng
nghe lời Chúa và thờ phượng Chúa. Thánh Gioan đã được đào tạo nhiều năm trong
sa mạc mang những ý nghĩa thiêng liêng đó. Từ sa mạc như vậy, Gioan nhận được
ơn Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần ở trong Ngài, giúp cho Ngài có những lời
nói đúng ý Chúa, và giúp cho Ngài có những tâm tư và thái độ của người đi trước
mặt Chúa.
Đến đây, chúng ta dễ thấy nơi thánh Gioan,
tiên tri của Đấng Tối Cao:
- Có một sự sâu sắc trong loan báo,
- Có một sự khiêm nhường và tỉnh
thức trong việc đi trước mặt Chúa,
- Có một sự trầm lắng của nội tâm
được đào tạo trong sa mạc.
Thánh Gioan đã thực hiện ơn tiên tri cho
thời đó. Thiết tưởng ơn tiên tri vẫn được Chúa tiếp tục ban cho Hội Thánh, hoặc
qua cá nhân, hoặc qua tập thể, hoặc qua cơ chế. Kẻ nhiều người ít. Hoặc cách
này hoặc cách khác. Tình hình hiện nay là rất đáng ngại. Bởi vì đạo đức xuống
cấp. Rất nhiều người mất ý thức về tội. Hoặc biết là có tội, mà không sám hối.
Tội lỗi kéo theo hình phạt, đó là điều không tránh được (Gm. Gioan B. Bùi Tuần).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con được biết đón nhận và được thực thi ơn tiên tri.