Tìm hiểu Lời Chúa _ cntn 32 c

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN
NĂM C
2Mcb 7, 1-2. 9-14; 2Tx. 2, 16-3, 5; Lc 20, 27-38
BÀI ĐỌC I: 2 Mcb 7, 1-2. 9-14
            1 Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm. 2 Thay mặt cho anh em mình, một người lên tiếng nói: "Vua muốn tra hỏi chúng tôi cái gì? Vua muốn biết điều gì? Chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi.
            9 Khi sắp trút hơi thở cuối cùng, anh nói: "Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời. "
10 Sau người này, đến lượt người thứ ba bị tra tấn. Vừa được yêu cầu anh liền thè lưỡi, can đảm đưa tay ra, 11 và khẳng khái nói: "Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được. "12 Nhà vua và quần thần phải sửng sốt vì lòng can đảm của người thanh niên đã dám coi thường đau khổ.
13 Người này chết rồi, người ta cũng tra tấn hành hạ người thứ tư như vậy. 14 Khi sắp tắt thở, anh nói như sau: "Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu. "
ĐÁP CA: Tv 16
Đ. Lạy Chúa, khi thức giấc,
con được thỏa tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan
. (c. 15b)
1 Lạy Chúa, xin nghe con giãi bày lẽ phải, lời con than vãn, xin Ngài để ý; xin lắng tai nghe tiếng nguyện cầu thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa.
4b Con tuân giữ mọi lời Chúa dạy, tránh xa đường lối kẻ bạo tàn, 5 dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã. 6 Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con. Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.
8 Xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở, 15 Về phần con, sống công minh chính trực, con sẽ được trông thấy mặt Ngài, khi thức giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan
BÀI ĐỌC II: 2 Tx. 2, 16-3, 5
            2  16 Thưa anh em, xin chính Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp, 17 xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành.
            3  1 Sau cùng, thưa anh em, xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh, như đã thấy nơi anh em. 2 Xin cũng cầu nguyện cho chúng tôi được thoát khỏi tay người độc ác xấu xa, bởi vì không phải ai cũng có đức tin. 3 Nhưng Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ làm cho anh em được vững mạnh, và bảo vệ anh em khỏi ác thần. 4 Trong Chúa, chúng tôi tin tưởng vào anh em: anh em đang làm và sẽ làm những gì chúng tôi truyền. 5 Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Ki-tô.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Kh 1, 5a. 6b
Hall-Hall: Đức Giê-su Ki-tô là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết trỗi dậy; kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Hall.
TIN MỪNG: Lc 20, 27-38
         27 Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?"
         34 Đức Giê-su đáp: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống. "
        
PHỤC VỤ ĐỂ PHỤC SINH VINH HIỂN
            Khát vọng được hạnh phúc muôn đời nó dội lên từ đáy lòng mọi người thuộc mọi tôn giáo. Nhưng chỉ có Kitô giáo tin vào xác hồn mọi người sẽ được sống lại mới đáp ứng thỏa đáng khát vọng này. Trong Do Thái giáo vốn đã có niềm tin Phục Sinh, nhưng không thể minh chứng xác thực và cụ thể, do đó nó đã trở thành một đề tài tranh luận sôi nổi giữa hai nhóm Biệt phái và Sa đốc. Chỉ một mình Đức Giêsu mới là trọng tài xác quyết có sự sống lại, dựa vào mạc khải từ miệng Thiên Chúa và đồng thời Ngài cũng cho biết khái niệm chính xác về sự sống của thời Phục Sinh. Tuy nhiên, trong thế giới Phục Sinh, vinh hiển hay tủi nhục cũng còn tùy thuộc vào cách sống của mỗi người trên đời có sống theo Giáo Lý của Chúa hay không?
1.      TẠI SAO NIỀM TIN PHỤC SINH KHÔNG ĐỒNG NHẤT TRONG DO THÁI GIÁO?
            Nhóm Sa đốc chỉ tin Ngũ Thư của ông Môsê: Sáng thế, Xuất hành, Lêvi, Dân số, Đệ nhị luật, mà trong Ngũ Thư không mạc khải rõ về sự sống lại!
Trong khi nhóm Biệt phái yêu thích Lề Luật, nên họ đã nhận toàn bộ Cựu Ước gồm 46 cuốn làm kinh điển chính thức cho niềm tin. Niềm tin vào thế giới Phục Sinh chỉ được mạc khải rõ nét trong sách Ngôn sứ (x. Os. 6, 1t; Ez. 37, 1-14; Is. 51, 17 và Is 60, 1). Và rõ nhất sách Đaniel và Macabê, điển hình như trong Bài đọc I hôm nay: “Khi sắp tắt thở, người con thứ tư nói như sau: "Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào Lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. " (2Mcb 7, 14a).
Có lẽ Mạc Khải nói rõ về sự Phục Sinh trễ như thế vì lý do trước đây dân Do Thái cứ mơ tưởng cùng đích ơn cứu độ được đóng khung và dừng lại ở đền thờ Giêrusalem đã xây dựng trên đất Chúa hứa! Nhưng qua những cuộc bách hại từ thời lưu đày Baylon trở đi, cho dân Chúa kinh nghiệm: ơn cứu độ không thể hoàn tất ở đời này được, mà chỉ được hoàn tất trong một thế giới sau cuộc đời trần thế.
            Đối với bè Sa đốc chỉ chấp nhận Ngũ Thư của ông Môsê, nên khi Chúa Giêsu trả lời cho họ về sự Phục Sinh, Ngài đã trích một đoạn trong sách Xuất hành (nằm trong bộ Ngũ Thư), đoạn nói về tiếng Chúa phán dạy cùng ông Môsê khi ông thấy Bụi Gai bốc cháy: “Ta là Chúa của Abraham, Chúa của Ysaac, Chúa của Giacob” (Xh. 3, 2-6).
            Và Đức Giêsu đã giải thích: ngay đoạn sách này, Thiên Chúa đã mạc khải sự sống lại, vì các tổ phụ Abraham, Giacob thực đã chết trước khi Chúa gọi ông Môsê. Thế mà Chúa vẫn là Chúa các tổ phụ của ông Môsê, thì Ngài là Chúa của kẻ sống, chứ không phải là Chúa của kẻ chết! Như thế là Đức Giêsu xác định: Người ta còn có sự sống nữa sau cuộc sống trần gian.
2.      SỐNG LẠI LÀ HỢP LÝ VÀ KITÔ GIÁO ĐÃ MINH CHỨNG ĐƯỢC ĐIỀU NÀY .
            a- Sống lại là hợp lý: Con người đúng nghĩa không chỉ có xác hay chỉ có hồn, mà cả xác hồn. Do đó điều lành hay điều dữ con người làm là cả xác hồn đều làm, không lẽ kết qủa chỉ có hồn được thưởng hay bị phạt? Vì thế xác phải sống lại với hồn để cùng chung một số phận mới là hợp lý!
            Mặt khác, phải có thế giới Phục Sinh, một thế giới hoàn toàn không còn sự ác chế ngự con người, quyền lực sự ác phải bị tiêu diệt, để những ai sống chiến đấu vì công lý thì được sống trong thế giới chỉ có công lý. Bởi thế, thánh Phaolô nói: “Nếu ta đặt mối hy vọng vào Đức Kitô vỏn vẹn cho lúc sinh thời này thôi, thì qủa ta là kẻ khốn nạn nhất trong cả thiên hạ!” (I Cr. 15, 19). Vì nếu người chết không sống lại, thì ta cứ sống ác để đè bẹp bất cứ ai, chứ dại gì mà phải chịu đựng, phải tha thứ cho kẻ hại mình, kết quả mình chịu thiệt là kẻ khốn nạn nhất trên đời.
            b- Chỉ có Chúa Giêsu mới cho loài người được Phục Sinh, như Lời Ngài đã nói: “Phục sinh và sự sống chính là Ta, ai tin vào Ta, thì dầu có chết cũng sẽ sống” (Ga 11, 25). Chân lý này đã được minh chứng bằng việc Chúa Giêsu cho nhiều người chết sống lại. Đan cử: Ngài đã làm cho con gái ông Giairô, con trai bà goá thành Naim, cậu Ladarô được sống lại (x. Mc. 5, 21t; Lc. 7, 11t; Ga. 11). Vì “Ngài là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy” (Kh 1, 5), “Ngài đã tiêu diệt thần chết và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh” (2 Tx. 1, 10).
            Dĩ nhiên sự phục sinh này mới chỉ là dấu chỉ sự Phục Sinh thời cánh chung, và minh chứng chỉ có Chúa Giêsu mới làm cho người ta được sống lại.
            Chính Chúa Giêsu Phục Sinh mà các Tông Đồ đã sờ nắn, đã ăn uống với Ngài, mới thực là nêu giá trị sự sống thời cánh chung, vì thân xác Ngài đã được Thần hóa, nên cùng một lúc Ngài có mặt ở khắp nơi để phục vụ những khát vọng của những người đã từng theo Ngài (x. Lc. 24; Ga. 20, 21).
3.      KIẾP SỐNG THỜI CÁNH CHUNG THẾ NÀO?
   Thánh Phaolô được Chúa cho lên đến “tầng trời thứ ba” tham quan, khi trở lại trần gian, ông nói: “Tôi được nghe những Lời khôn tả, người phàm không được phép nói lại” (2 Cr. 12, 2. 4).
      Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu, Đấng từ “tầng trời thứ chín” đến nói với chúng ta Lời khôn ngoan: Người sống trong Nước Trời khác với người đời là:
+ Họ không cưới vợ lấy chồng.
+ Họ giống như các thiên thần. (Lc. 20, 34-35).
a- Sống thời cánh chung không cưới vợ lấy chồng:
* Sống ở đời này không ai thoát khỏi nỗi khổ vì tình cảm nam nữ: hoặc là khổ vì chính mình bị giăng mắc đắm đuối, hay là khổ vì bị người ta hiểu lầm, dị nghị … Đến như thánh Phaolô cũng còn phải lên tiếng thanh minh cho mình: “Tôi không có quyền đem theo mình một tín nữ sao?” (I Cr. 9, 5). Thậm chí còn có những tiểu thuyết gán ghép cho cả Chúa Giêsu có người tình!
            Bởi thế, nếu trong thế giới Phục Sinh mà người ta còn giăng mắc chuyện đòi vợ tranh chồng, thì thà không có thế giới ấy còn tốt hơn! Đó là luận cứ của bè Sađốc khi họ đặt câu hỏi với Chúa Giêsu về chuyện một bà đã có bảy đời chồng, thì trong thế giới Phục Sinh, bà ấy là vợ của ai? (x. Lc 20, 29-33: Tin Mừng).
            Truyện kể:
            Có bảy anh đều lấy một cô làm vợ, đến cửa trời hỏi thánh Phêrô:
-         Thưa ngài, vợ con có lên đây không?
            Thánh Phêrô vui vẻ đáp ngay:
-         Có, vợ con vừa mới vào đấy, con vào ngay thì theo kịp vợ con!
Anh chồng sụ mặt và lắc đầu:
-         Thôi nó vào rồi, con chẳng vào nữa đâu, gặp lại nó sợ muốn chết!
Anh thứ nhất, rồi đến anh thứ hai … tất cả bảy anh đều như thế cả!
* Dầu sao đời sống vợ chồng tuy cùng chung lý tưởng phục vụ, thì cũng còn đóng khung giới hạn trong một cộng đoàn nhỏ thuộc phạm vi gia đình. Điều này cũng chưa thể phù hợp hoàn toàn với tinh thần phục vụ trong Nước Trời là phục vụ không có ranh giới.
            Ít nhất vì hai lý do trên: tránh phiền toái để không ngăn trở phục vụ và tạo điều kiện phục vụ rộng lớn hơn, mà Chúa Giêsu cho biết: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20, 34-36: Tin Mừng).
b- Sống thế giới Phục Sinh là phục vụ như thiên thần:
   Ai sống đời độc thân vì Nước Trời, họ giống như thiên thần (x. Lc 20, 36b: Tin Mừng), mà Chúa dựng nên thiên thần chỉ nhằm mục đích “sai đi giúp đáp vì phần ích những kẻ sẽ thừa hưởng ơn cứu độ” (Dt. 1, 14). Về vấn đề này thánh Phaolô nói: “Tôi không có chỉ thị nào của Chúa, nhưng tôi chỉ khuyên nhủ anh em với tư cách là người -nhờ Chúa thương- đáng được anh em tín nhiệm. Vậy tôi nghĩ rằng: vì những nỗi thống khổ hiện tại, ở vậy là điều tốt. Phải, tôi nghĩ rằng đối với người ta, như thế là tốt. Bạn đã kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng tìm cách gỡ ra. Bạn chưa kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng lo kiếm vợ. Nhưng nếu bạn cưới vợ, thì cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì. Tuy nhiên, những người ấy sẽ tự chuốc lấy những nỗi gian truân khốn khổ. Mà tôi, tôi muốn cho anh em thoát khỏi điều đó. Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có” (1Cr 7, 25-29).
Chính vì để nhấn mạnh giá trị phục vụ là nét sáng chói nhất trong thế giới Phục Sinh, nên khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, Ngài đã mặc lấy hình ảnh người làm vườn để tỏ mình ra cho bà Maria Madala (x. Ga. 20, 15). Và cụ thể, mỗi lần các Tông Đồ gặp lại Đấng Phục Sinh là được Ngài chăm sóc đến nhu cầu của họ, như Ngài cắt nghĩa Kinh Thánh cho (x. Lc. 24), chỉ dẫn họ cách đánh cá, rồi nướng bánh và cá phục vụ họ (x. Ga. 21), thông chia cho họ quyền bính và trao việc cho họ để cộng tác với Ngài đi cứu đời! (x. Ga 20, 19t; Mt. 28, 18t).
 Sở dĩ việc phục vụ của thánh Phaolô không thua các Tông Đồ thượng đẳng (x. 2 Cr 11, 5) là vì ông sống độc thân, nên có nhiều điều kiện phục vụ thuận lợi hơn, không bị phân tâm về chuyện gia đình, nếu ông có vợ.
Như vậy độc thân vì Nước Trời để phục vụ cũng là một ơn thiên triệu, và như thế đời mỗi người chỉ có quyền chọn một trong ba:
v     Hoặc là chọn bậc tu trì để chuyên lo cầu nguyện và giảng Lời cho mọi người (x. Cv. 6, 1-7).
v     Hoặc là sống bậc gia đình để chuyên lo diễn tả tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh (x. Ep. 5, 11t).
v     Hoặc là sống độc thân vì Nước Trời để được tự do làm việc của Thiên Chúa, phục vụ nhu cầu của đồng loại (x. Lc. 20, 35-36).
Ba ơn gọi trên dưới nhãn giới đóng khung trong cuộc đời trần thế, khó mà nói bậc nào cao cả nhất, bởi vì ở bậc nào cũng có cái khó và cái dễ:
+ Sống bậc tu trì hoặc gia đình thì:
- Điều khó là lệ thuộc vào người khác, không được tự do chọn đối tượng phục vụ, hay không được tự ý chọn cách phục vụ!
- Điều may mắn là có nơi nương tựa.
+ Bậc sống độc thân giữa đời thì:
- Điều dễ là được tự do trong việc phục vụ.
- Điều khó là ở đời xem ra không chỗ tựa nương, chỉ có Chúa làm gia nghiệp (x. Tv 16/15, 5).
Để có nghị lực lướt thắng được những nghịch cảnh khi thi thành sứ mệnh ơn gọi, chỉ có cách là tin vào thời Phục Sinh, Chúa sẽ thưởng bội hậu. Thực vậy, “Tông Đồ Phêrô và Phaolô được coi là hai cây ô liu và hai cây đèn đứng trước nhan Chúa Tể cõi đất. Nếu ai muốn làm hại các ngài, thì Lửa (Lời Chúa) từ miệng các ngài phát ra và thiêu hủy địch thù của các ngài. Các ngài có quyền đóng cửa Trời lại, khiến mưa không rơi xuống trong những ngày các ngài làm ngôn sứ. Tuy nhiên, có lúc Chúa cho phép sự dữ dấy lên để thử thách các ngài, nó thắng và giết được các ngài, người ta sẽ đến nhìn xem thi thể các ngài trong ba ngày rưỡi và không cho phép chôn các ngài trong mộ. Những người sống trên mặt đất hân hoan vì các ngài đã chết, họ sẽ ăn mừng và tặng quà nhau, vì hai ngôn sứ này đã làm khổ họ. Sau ba ngày rưỡi, sinh khí từ Thiên Chúa đến nhập vào các ngài, và các ngài đứng dậy được. Những kẻ đang nhìn các ngài đều kinh hãi” (Kh 11, 4-11). Đó là chiến thắng của hai thánh Phêrô và Phaolô vào ngày cánh chung. Vì “Chúa là núi đá cho ta nương ẩn” (Tv 144/143, 1a).
            Chính vì vậy mà bảy anh em trong một nhà chịu Tử Đạo, nhờ tin vào thời Phục Sinh, Chúa sẽ ban cho cả hồn xác được sống lại để hưởng hạnh phúc đời đời, nên không có cực hình nào làm cho các chú khiếp đảm bỏ Chúa! (x. 2 Mcb. 7).
4.      SỐNG THẾ NÀO Ở ĐỜI NÀY ĐỂ BẢO ĐẢM CHO SỰ PHỤC SINH VINH HIỂN MAI SAU?
            Dĩ nhiên trong ngày cánh chung, mọi người từ nguyên tổ Adam trở về sau, dù kẻ dữ hay người lành đều được Chúa cho sống lại:
§     Xác hồn người lành sống lại, để muôn đời được vinh hiển như Chúa (x. 1Ga. 2, 6).
§     Xác hồn kẻ dữ sống lại, để chuốc lấy khổ nhục đời đời (x. Mt. 25, 41-46).
            Vậy muốn sống lành, tránh dữ để được Phục Sinh vinh hiển, ta phải hiểu và sống điều Chúa giải thích về sự Phục Sinh trong sách Xuất hành mà Tin Mừng hôm nay có nhắc đến (x. Lc. 20, 37-38). Sự Phục Sinh được mạc khải trong đoạn nói về bụi gai:“Lửa bốc cháy giữa bụi gai mà gai không bị thiêu rụi” (Xh. 3, 2). Lửa ấy là dấu chỉ về Thiên Chúa tình yêu (x. Dt. 12, 29), đặc biệt lúc Đức Giêsu bị treo trên thập gía, “lửa yêu” ấy không thiêu rụi mạo gai đội đầu Ngài. Thực vậy tình yêu của Đức Giêsu bốc lên như lửa, nên Ngài xin với Chúa Cha tha tội cho kẻ hại mình (x. Lc. 23, 34), tức là Ngài không diệt kẻ có tội, dù họ như gai góc làm nhức đầu Ngài. Vì ai biết sám hối tội xin Chúa thương xót như anh trộm lành, đều được Chúa đưa vào Thiên Đàng ngay (x. Lc. 23, 43).
            Như thế Ngài lôi kéo kẻ sống vào Thiên đàng, chứ Ngài không đưa sang thế giới bên kia một xác chết! Đấy là Chúa Giêsu đã mạc khải về sự Phục Sinh.
            Vậy ngay trong Thánh Lễ này “bụi gai vẫn bốc cháy”: Lửa tình yêu Chúa Giêsu thiêu rụi tội lỗi và còn ban cho ta sự sống Phục Sinh, thì ta cũng phải tha thứ cho kẻ xúc phạm đến ta và làm ơn cho họ, ta mới được đồng danh với Chúa Giêsu là “Con Đấng Tối Cao” (x. Lc 1, 32; Lc 6, 35). Mà “Con Đấng Tối Cao” nay ở trên trời là dấu chứng bảo đảm cho ta được ở với Ngài, để ta xác tín như thánh Phaolô nói với giáo đoàn Thessalonike:Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp, xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành. ” (2Tx. 2, 16-17). Vì đã noi gương phục vụ như Chúa Giêsu, và được đồng hiến tế với Ngài mỗi ngày trong niềm tin “khi thức giấc con được thỏa tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan” (Tv 17/16, 15).
            Sống được như trên là Chúa Giêsu đã giúp cho ta sống đúng bổn phận theo ơn gọi, thì ta mới có CHỖ trên Thiên Đàng, mà Chúa đã về trước để dọn chỗ cho (x. Ga. 14, 2), đúng như Lời Kinh Thánh: “Con hoan hỷ được Ngài cứu thoát” (Tv 9/9A, 15c). Nhưng chúng ta đừng quên rằng “Thiên Chúa chúng ta cũng là lửa thiêu” (Dt 12, 29); “Ngài là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử” (1Pr 1, 17a). Kẻ nào sống ác, chỉ lo vơ vét, chiếm đoạt tài sản của người khác, như “vua Antiôkhô, (ông đã chiếm đoạt vàng bạc nơi Đền Thờ Giêrusalem), rồi ông rảo khắp các miền thượng du. Vua nghe tin ở Ba Tư có thành Êlymai, một thành nổi tiếng vì nhiều của cải vàng bạc, vua đã tới đó tìm cách chiếm và cướp phá thành, nhưng thất bại, ông phải chạy về Babylon lòng buồn não ruột. Bấy giờ vua đang ở Ba Tư, có người đến báo cho vua biết là các đoàn quân của vua sang đất Giuđa đã bị đánh bại. Nghe tin ấy, vua lâm bệnh liệt giường phiền não, vua cho vời bạn hữu đến và nói: “Tôi không thể chợp mắt, vì nỗi âu lo canh cánh bên lòng. Tôi tự nhủ: Tại sao giờ đây tôi phải điêu đứng khổ sở thế này. Trước kia đang khi cầm quyền, tôi được hạnh phúc và được yêu mến biết bao! Nhưng bây giờ nhớ lại thời ở Giêrusalem, tôi đã lấy mọi vật dụng bằng bạc, bằng vàng, đã sai người đi tiêu diệt dân cư ở miền Giu-đa mà không có lý do chính đáng. Hồi tưởng lại những hành vị tàn bạo đó. Tôi biết chắc rằng chính vì thế mà tôi gặp phải bao nhiêu tai biến, và gờ đây tôi sắp phải chết nơi đất khách quê người vì buồn phiền vô hạn” (1Mcb 6, 1-13).
            Qua tai họa của vua Antiôkhô gặp phải, đã minh chứng cho mọi người biết: Vì sống bất lương, sẽ bị khổ đời này, trở thành dấu chỉ sẽ phải khổ muôn kiếp trong ngày cánh chung! Chứng minh Thiên Chúa là lửa thiêu, Ngài thanh tẩy sự ác, chỉ người sống công chính mới được hưởng hạnh phúc muôn đời trong nước Thiên Chúa.
THUỘC LÒNG.
Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. (Lc 20, 34-36)
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh