Sống đức tin _ tình nghĩa vợ chồng chung thủy

5 năm chăm sóc hai con gái nhỏ
và người vợ nằm một chỗ!
Nhìn hai đứa con rồi nhìn vợ nằm bất động, anh phải đấu tranh tư tưởng nhiều lắm, để sống để vượt qua, đế gánh cái gánh quá nặng. Anh nói nếu anh không có đạo chắc anh đã bỏ chị mà đi.
Tieu Ho
Một nữ tu nói với tôi, sau khi đến thăm gia đình anh Lê Phước Bảo, 40 tuổi và chị Lê Thị Nhung, 35 tuổi. Hiện cư ngụ tại ấp Hòa Quí, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Người về trằn trọc suốt đêm.
Một Thầy chữa bệnh từ thiện đến thăm, về cũng nói với tôi câu ấy.
Và tôi đã tìm đến, hơn hai tiếng đồng hồ ngồi trên xe đò, rồi một khoản tiền xe ôm bốn mươi ngàn. Tôi đã đến địa chỉ tôi muốn tìm.
Độ tầm 7 giờ tối. Gia đình đang quây quần bên mâm cơm, có bát canh chua, mấy con cá kho. Đập vào mắt tôi cảnh tượng của một gia đình Na-za-rét, vì có vẻ ấm cúng. Anh Bảo ngồi trên đầu giường vừa ăn cơm vừa xơi từng muỗng cho vợ. Chị Nhung, nằm bất động trên giường, thân thể chị được phủ kín bằng miếng chăn, đã không mặc đồ 5 năm, nhưng được chăm sóc rất tốt, khuôn mặt hồng hào, cặp mắt vẫn ánh lên tia nhìn sáng loáng, đầu óc vẫn khôn ngoan tỉnh táo. Duy chỉ một điều, chị nằm như thế mọi sinh hoạt đều nhờ vào chồng và hai con gái bé bỏng. Hai đứa con là niềm tin, là động lực, là sức mạnh, là tất cả nhựa sống còn lại trong tấm thân gầy còm của anh. Nhìn vào mắt anh tôi vẫn thấy niềm tin, tia hy vọng lóe lên, sức vươn dậy mạnh mẽ khi anh nói về con anh:
Cháu lớn tên Lê Thị Hồng Gấm, sinh năm 2003 (10 tuổi). Cháu bé Lê Thị Lụa, sinh năm 2004 (9 tuổi). Mặc dầu tự chăm sóc, tự học tập vì anh không còn tí thời gian nào để quan tâm đến việc học của hai con nhưng con anh vẫn học giỏi. Hai cháu rất ngoan, khi vừa thấy tôi bước vào cả hai đứng vội lên, cùng chuyền chiếc ghế em đang ngồi ăn cơm để chuyển sang mời tôi ngồi. Trong khi Ba cháu đang xới vội miếng cơm vào miệng vợ.
Tôi cũng đã thức trắng đêm và mấy đêm sau đó…
Khi nghe anh kể chuyện gia đình anh, dọc sống lưng tôi như có một luồng không khí lạnh bò dần dần rồi lan tỏa ra từng tế bào thần kinh. Tôi như lặng người theo nỗi đau của gia đình anh, sợi cảm xúc trong tôi cứ cuồn cuộn, giá mà có thể bật thành tiếng nấc thì dễ chịu hơn.
5 năm trước đây, nhà anh chị cũng có một mẫu đất nhỏ, đời sống chật vật, anh chị đã phải làm việc rất chăm chỉ để chăm sóc cho hai con, có đủ cái ăn cái mặc. Hàng ngày anh đi làm phụ hồ, còn chị sau khi chuẩn bị cho con tươm tất chị đi bẻ nhãn mướn kiếm thêm chút đỉnh. Một lần không may đang đội thúng nhãn nặng quá chị trượt chân té. Thế là tai họa ập đến, bị ảnh hưởng giây thần kinh cột sống, chị không cử động được. Anh bán hết mẫu ruộng, rồi đồng lớn đồng nhỏ mà vợ chồng đã chắt chiu mà có. Anh đưa chị lên nhà thương Chợ Rẫy chữa trị, tài sản lần lượt ra đi, nợ nần lũ lượt kéo đến, thế mà chị vẫn nằm bất động. Ba Má anh chị cũng nghèo thương con phụ giúp, cũng góp sức chữa trị, nghe đâu có thầy hay đều tìm đến. Mọi nỗ lực cố gắng đều vô vọng. Anh đưa chị về nhà, nằm bất động, lòng anh buồn lắm, thất vọng lắm, lúc đầu bà con chòm xóm cảm thương, đau xót cho thân anh, giúp đỡ cho chén cơm, chén gạo, nhưng thời gian dài đăng đẳng. Họ không còn kiên nhẫn, lòng thương xót cũng chai dần, họ bắt đầu vô cảm và xem như chuyện bình thường ở xã phường, không còn ray rứt đau xót nữa.
Nhìn hai đứa con rồi nhìn vợ nằm bất động, anh phải đấu tranh tư tưởng nhiều lắm, để sống để vượt qua, đế gánh cái gánh quá nặng. Anh nói nếu anh không có đạo chắc anh đã bỏ chị mà đi. Thánh giá cuộc đời anh nặng đến nỗi anh dường như không còn sức. Anh tâm sự với tôi có lần anh định bỏ cuộc, anh không muốn vác thánh giá đời mình. Nhưng Ba Mẹ anh động viên anh, rồi anh nhìn vào hai đứa con gái bốn, năm tuổi của anh, chúng ngoan ngoãn, chúng là núm ruột của anh, anh không thể bỏ chúng vì như xé nát tâm can. Nên anh đã cầu xin Chúa một cách đơn sơ chân thành cho con có đủ sức khỏe để con làm nuôi vợ con của con. Có mấy người cảm nỗi khổ của anh đến xin nuôi giúp anh hai đứa bé, nhưng hai đứa nhỏ ôm lấy Ba nó, xin cho được ở nhà có gì ăn nấy, chỉ muốn ở chung với ba thôi. Rồi họ gạt nước mắt, giúp chút ít tiền, rung cảm trước tình Cha con thiêng liêng mà không nỡ tách biệt họ.
Nhìn vào đôi mắt mênh mông buồn của anh, tôi cảm nhận được anh đang cố hết sức làm tròn cái bổn phận nhân lên gấp đôi bổn phận của một con người. Làm chồng, làm cha, làm luôn bổn phận người mẹ rồi một y tá đắc lực. Một ngày của anh bắt đầu từ rất sớm, dậy nấu cơm cho vợ và hai con ăn, rồi tắm rửa cho hai con, lấy giây buộc hai chân chị dính lại, vì sợ nếu ở nhà bị co giật tung miếng chăn ra, kiến hoặc côn trùng bò vào mình chị. Vì không thể mặc được quần áo, chỉ đắp miếng chăn từ vai xuống. Rồi anh đưa hai con đi học, xong đi thẳng đến chỗ làm thợ xây. Trưa con anh tan học, ngồi lại trường chờ anh đúng 11h, hết giờ làm ghé đón. Về đến nhà anh lăn xả vào bếp, nấu nướng cho kịp, cho vợ con ăn xong anh nuốt vội miếng cơm rồi để hai cháu ở nhà với vợ đi làm buổi chiều. Hai con anh ở nhà tự học bài rồi chăm sóc mẹ, trò chuyện với mẹ. Đến chiều 5h anh về lại lao vào bếp lo bữa tối, cơm xong khoảng bảy tám giờ, bế chị đi tắm rửa, dọn dẹp, là người mệt nhừ.
Thế mà có khoảng thời gian anh đau thần kinh tọa không đi nỗi phải lết, anh liên lỉ cầu xin Chúa cho anh khỏe mạnh, không tiền, uống qua loa mấy cây thuốc nam. Chúa thương anh thật, Chúa cho anh hết bệnh, khỏe mạnh lại đi làm tiếp. Năm năm trời anh chưa bao giờ ngưng cố gắng, anh chia sẻ nhìn hai đứa con ngoan ngoãn anh có cực khổ thế nào cũng cam tâm. Hai đứa đeo hai bên anh như hai túi nhựa sống để anh tựa vào mà khẳng khiu cái quyền phải sống để chăm sóc cho gia đình.
Vừa xong, khoảng 7h tôi gọi điện hỏi thăm gia đình ăn cơm chưa, anh trả lời còn đang nấu chưa chín, tiếng hai đứa bé ríu rít như hai con chim con. Tôi như nhìn thấu ánh mắt sáng loáng của chị, rồi nụ cười không tròn trịa khi tôi đến thăm và mang tí quà của Chúa Giê-su đến. Tôi gợi chị nhớ việc Chúa Giê-su cũng đau khổ và người đã cầu nguyện trong vườn Giết-xi-ma-ni. Tôi mời chị hiệp thông sự đau khổ của Chị với Chúa để cũng được vinh quang trong Ngài. Tôi tin nỗi đau của Chúa trong vườn Giết-xi-ma-ni sẽ liên thông với nỗi đau trên giường bệnh của chị để làm vinh danh Chúa Cha. Và chị như có vẻ cảm nhận được những gì tôi nói, đôi mắt chị như đáp trả tình yêu huyền nhiệm của Thiên Chúa qua việc chúng tôi gặp gỡ nhau.
Tôi xin phép anh cho tôi chia sẻ với gia đình bằng cách tôi sẽ viết một bài về gia đình anh. Tôi muốn xin lòng nhân ái của mọi người giúp anh một chiếc giường có thể nâng lên hạ xuống để anh đỡ vất vả khi bê chị đi tắm. Tôi hỏi anh có muốn xin gì thêm không. Anh trả lời anh chỉ xin cầu xin cho anh được khỏe mạnh để anh có thể đi làm chăm sóc chị và con anh. Anh không biết xin gì thêm.
Cuộc sống quanh tôi nhiều cảnh đời đến thương tâm, nhưng với gia đình anh tôi vẫn cảm nhận nghị lực vươn lên của anh được hút lấy từ tình yêu Thiên Chúa. Bàn tay anh luôn nắm chặt tay Ngài, anh phó thác, nương tựa tuyệt đối vào Ngài. Vì anh nói sức con người không thể chịu đựng, nỗi đau quá lớn quá dài, vắt cạn sức chịu đựng, cạn kiệt lòng kiên nhẫn của anh. Nếu không có Tình yêu thương của Chúa anh bỏ cuộc lâu rồi!
Và tôi biết Chúa đang dùng tôi như cánh tay của Ngài mang gia đình anh đến với mọi người để mọi người thực thi lòng bác ái huynh đệ, tình thương và sự san sẻ, không phải cho gia đình anh mà cho chính bản thân chúng ta được dính kết vào mầu nhiệm Đức Ki-tô.
Tieu Ho.